Dự án Chùa Ao Châu, Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ(19/08/2022)

Tên dự án: Chùa Ao Châu, Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ

Chủ nhiệm dự án: KTS Phó Đức Việt

Nhóm thiết kế dự án: KTS Chu Minh Tú, Phó Đức Việt

Năm hoàn thành thiết kế: 2021 (Đã hoàn thành chùa chính)

Đơn vị thực hiện: Trung tâm bảo tồn di tích và di sản kiến trúc

Chủ đầu tư: Tập đoàn Trung Nam (Trung Nam Group)

Quy mô dự án: ~ 5,7 héc ta (bao gồm 03 phân khu)

Chua-AoChau-PhuTho-1

Chua-AoChau-PhuTho-2

Dự án Chùa Ao Châu, Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ

 Thông tin dự án:

Trên cơ sở bản đồ Quy hoạch tổng thể sử dụng đất tỷ lệ 1/500, tổng diện tích đất văn hóa tâm linh vào khoảng 5,7ha bao gồm 03 phân khu: VH1 diện tích 2,87ha; VH2 diện tích 2,94ha; VH3 diên tích 0,16ha. Trong đó, phân khu VH3 là một đảo nhỏ có diện tích không đáng kể, điều kiện địa hình địa chất thủy văn không phù hợp với việc xây dựng các công trình kiến trúc kiên cố; Phân khu VH2 là bán đảo gắn liền với khu vực trung tâm của dự án tổng thể, có diên tích tương đối lớn, độ dốc địa hình vừa phải, thuận lợi về mặt giao thông liên kết với các khu vực khác cả bằng đường bộ và đường thủy, phù hợp với việc xây dựng các công trình kiến trúc; Phân khu VH1 là đảo có diện tích lớn tách rời với phân khu VH2 bằng một lạch nước nhỏ, có độ dốc địa hình vừa phải, phù hợp với việc xây dựng các công trình kiến trúc.

Trên khu đất VH2 hiện có một Đài thờ với bức đại tự ghi bằng chữ Hán “Từ hàng quảng tế” và đôi câu đối “Quảng đại độ sinh siêu khổ hải- Từ bi giáo dướng thoát mê tân”, công trình được người dân địa phương dựng lên từ lâu, quanh năm hương khói thờ cúng các bậc anh linh, đây là một điểm đến quan trọng trên tuyến thăm quan du lịch đầm Ao Châu. Đài thờ là một kiến trúc nhỏ mặt bằng hình vuông, bốn góc là 4 cột tròn BTCT để trống tường, mái BTCT dán ngói mũi, Hương án xây gạch đặt ở chính giữa. Bao quanh công trình là hệ thống sân lát gạch đất nung. Từ mép nước dẫn lên công trình là hệ thống bậc cấp xây gạch. Toàn bộ công trình ở trong điều kiện xuống cấp, bị rêu mốc và cây dại xâm thực.

Căn cứ phân tích sơ bộ về vị trí, điều kiện địa hình và quy mô diện tích đất quy hoạch, trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ thiết kế xây dựng Chùa Ao Châu là một công trình văn hóa tâm linh mang bản sắc kiến trúc cổ thuần Việt, đơn vị tư vấn đề xuất phương án chọn.

1. Mặt bằng tổng thể:

Lựa chọn khu đất VH2 để xây dựng các công trình, các khu VH1 và VH3 giữ nguyên theo hiện trạng để tạo cảnh quan tự nhiên và đất dự trữ phát triển.

Trên cơ sở vị trí kiến trúc gốc hiện có (Đài thờ), xây dựng ngôi chùa với quy mô vừa phải, phù hợp với địa hình và cảnh quan hiện trạng, hạn chế tối đa việc san gạt địa hình. Trục chính tổng thể (trục thần đạo) theo hướng Bắc- Nam trùng với trục thần đạo của Đài thờ hiện trạng, hướng chính công trình quay về phía Nam cùng hướng với Đài thờ hiện trạng nhằm thể hiện sự trân trọng với truyền thống lịch sử.

Các công trình kiến trúc chính nằm trên trục thần đạo từ mép nước khống chế lên cao dần theo độ dốc địa hình gồm: Tam quan ngoại dạng tứ trụ, hệ thống bậc cấp dẫn lên đến Tam quan nội dạng 8 mái chồng diêm, qua Tam quan nội lên đến sân chùa. Khu chùa chính gồm Tam bảo và nhà tổ được bố trí tách rời (dạng phân tán), đây là một hình thức truyền thống của kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam. Chùa chính nằm vào vị trí mỏm cao theo địa hình hiện trạng, đảm bảo phù hợp về mặt kiến trúc cảnh quan cũng như phong thủy khu đất.

Công trình phụ trợ nằm phía Tây khu chùa chính ở vào vị trí đất thấp.

Công trình Bến thuyền nằm sát mép nước về phía Đông khu đất kết nối với hệ thống đường dạo.

Hệ thống đường dạo dựa theo địa hình tự nhiên liên kết các khu vực trong quần thể công trình.

Đối với hệ thống cây xanh trong khu vực sẽ xác định các cây to có giá trị và vị trí phù hợp với cảnh quan tổng thể để bảo tồn, trồng bổ sung cây xanh phù hợp với cảnh quan kiến trúc và tính chất công trình.

2. Kiến trúc công trình:

2.1. Tam quan ngoại:

– Kiến trúc dạng tứ trụ bằng đá xanh nguyên khối, chiều rộng 11,6m; cao 11,12m.

– Liên kết giữa các trụ phía trên là hệ thống mái khung vì gỗ chạm hoa văn truyền thống, 4 mái đao lợp ngói mũi hài.

2.2. Tam quan nội:

– Kiến trúc xây gạch, mặt bằng hình chữ nhật kích thước 12,2m x 2,5m; chiều cao đến đỉnh mái là 6,25m.

– Hệ thống mái kiểu chồng diêm, khung vì bằng gỗ chạm hoa văn truyền thống, mái đao lợp ngói mũi hài.

2.3. Chùa chính:

2.3.1. Tam bảo:

– Tam bảo hình chữ Công (H), tiền đường gồm 5 gian 2 chái, hậu cung gồm 3 gian hai chái, nối giữa tiền đường và hậu cung là ống muống 1gian vuông góc.

– Bộ khung vì bằng gỗ gồm 4 hàng chân, bộ vì gỗ dạng chồng dường giá chiêng chạm hoa văn truyền thống, bốn mái đao lợp ngói mũi hài, hệ vách bao quanh bằng gỗ dạng đố mũi, nền lát gạch bát 300x300mm.

2.3.2. Nhà Tổ:

– Nhà tổ hình chữ Nhất gồm 5 gian 2 chái. Bộ khung vì bằng gỗ gồm 4 hàng chân, bộ vì gỗ dạng chồng dường giá chiêng chạm hoa văn truyền thống, hai mái lợp ngói mũi hài, hệ tường bao xây gạch dạng tường hồi bít đốc tay ngai, nền lát gạch bát 300x300mm.

2.4. Vườn tượng:

– Khu vườn tượng bố cục theo hình tròn gồm pho tượng Bổn sư và năm anh em Kiều trần Như.

– Toàn bộ hệ thống tượng được tạc từ đá trắng nguyên khối.

2.5. Khu mẫu:

– Nghi môn khu mẫu có kiến trúc tương tự tam quan ngoại khu chùa.

– Nhà mẫu có mặt bằng hình chữ Đinh, tiền đường gồm 3 gian hai chái, hậu cung gồm 1 gian. Bộ khung vì bằng gỗ gồm 4 hàng chân, bộ vì gỗ dạng chồng dường giá chiêng chạm hoa văn truyền thống, bốn mái đao lợp ngói mũi hài, hệ tường bao quanh xây gạch không trát, nền lát gạch bát 300x300mm.

2.6. Hệ thống sân và bậc cấp:

– Toàn bộ bậc cấp xây bằng đá xanh nguyên khối, lan can đá chạm hoa văn truyền thống.

– Toàn bộ sân lát đá xanh kích thước 300x300x50mm so le mạch.

– Hệ thống đường dạo lát đá xanh, bó vỉa bằng đá xanh nguyên khối.

2.7. Bến thuyền:

– Bến thuyền được làm nổi trên mặt nước. Phần kết cấu móng chìm dưới nước bằng cọc BTCT để đảm bảo độ bền vững. Phần bến nổi trên mặt nước bằng kết cấu gỗ nhẹ nhàng, hòa nhập với cảnh quan chung.

bình luận