Xây dựng huyện Bắc Quang trở thành cực tăng trưởng phía Nam Hà Giang(09/05/2023)

Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định một số đột phá trong 06 cụm ngành và 04 cực phát triển, tăng trưởng. Trong đó, định hướng huyện Bắc Quang – phát triển thành một đô thị động lực kinh tế vùng phía Nam tỉnh, với lợi thế đầu mối, cửa ngõ giao thông, thu hút đầu tư để hình thành một trong những trung tâm chế biến, logistic nông lâm sản vùng cao, phát triển theo mô hình đô thị xanh, có hạt nhân là các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ.

Thời gian tới huyện Bắc Quang sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, phát triển du lịch sinh thái cảnh quan, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, trải nghiệm, và du lịch lịch sử tại khu vực điểm di tích, du lịch. Tiếp tục kêu gọi đầu tư các khu vực công nghiệp theo định hướng quy hoạch vùng công nghiệp của tỉnh Hà Giang.

KHÔNG GIAN CẢNH QUAN, VĂN HOÁ LỄ HỘI ĐẶC TRƯNG – “ĐÒN BẨY” ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Huyện Bắc Quang có tổng diện tích tự nhiên là hơn 110.564ha nằm ở cửa ngõ phía Nam của tỉnh Hà Giang, cách TP Hà Giang 60km về phía Bắc. Địa hình phần lớn là đồi núi đá vôi xen kẽ với những dải đồng bằng và có 02 con sông chính là sông Lô, sông Con chảy qua. Huyện Bắc Quang chia thành 23 đơn vị hành chính bao gồm 21 xã và 2 thị trấn.

Huyện Bắc Quang đang là một trong những huyện động lực về phát triển kinh tế của tỉnh Hà Giang

Địa hình đồi núi đặc trưng vùng núi phía Bắc mang yếu tố khác biệt tạo nên phong cảnh đa dạng, hấp dẫn đối với du khách, đem lại tiềm năng du lịch tham quan, dã ngoại. Nơi đây cũng có khí hậu mang sắc thái ôn đới và cận nhiệt đới, thích hợp với các loại cây trồng có nguồn gốc ôn đới, có ưu thế trồng cây dược liệu, cây ăn quả, sản xuất hạt rau giống, nuôi ong mật, chăn nuôi bò, dê và tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng.

Huyện Bắc Quang là vùng đất có văn hiến lâu đời, có nền văn hoá đặc sắc với nhiều di sản văn hoá lịch sử nổi trội. Nguồn nhân lực dồi dào, nhân dân nhạy bén với cơ hội phát triển. Khu vực có cơ hội phát triển khi hệ thống giao thông đối ngoại đã và đang được đầu tư xây dựng tạo điều kiện gắn kết với vùng.
Các Khu du lịch, điểm du lịch đang xây dựng và phát triển như: Tiềm năng du lịch Sinh thái, Văn hóa phát triển khu du lịch Thiên Sơn thị trấn Việt Quang; làng văn hóa du lịch Cộng đồng tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới tại thôn Khiềm, xã Quang Minh; làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với dược liệu thôn Tân Sơn, thị trấn Việt Quang; điểm suối nước nóng xã Tân Lập; danh lam thắng cảnh Quốc gia thác Nặm Tạu và hệ thống hang động tại xã Đức Xuân.

Hệ thống di tích danh thắng: di tích văn hóa cấp tỉnh đền Chúa Bà thị trấn Vĩnh Tuy; di tích văn hóa cấp tỉnh Đền Trần Hưng Đạo xã Tân Quang; di tích văn hóa Bia đá thôn Vĩnh Chúa, xã Vĩnh Phúc; danh lam thắng cảnh Hang Tứ cung thôn Vĩnh Gia, xã Vĩnh Phúc. Hệ thống các di tích văn hóa tam linh đã được nằm trong Tuyến du lịch nội địa cấp tỉnh: khu di tích lịch sử cách mạng tiểu khu Trọng con, xã Bằng Hành; di tích văn hóa bia đá và di tích danh thắng hang Tứ Cung xã Vĩnh Phúc; Thác Nặm Tạu, xã Đức Xuân; Thác Thí, thị trấn Việt Quang. Lễ hội Lồng Tông của dân tộc Tày; lễ hội nhảy lửa của dân tộc Dao và dân tộc Pà Thẻn; lễ hội cầu trăng của người Ngạn, lễ hội cúng thổ công và cúng cơm mới của người La Chí; Lễ hội Chọi Trâu, lễ hội đấu ngựa (Bằng Hành) và lễ hội chọi dê (Thượng Bình); Lễ cấp sắc của dân tộc Dao.

Năm 2017, 2018 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng đối với 02 danh lam thắng cảnh cấp quốc gia: Danh thắng thác Nặm Tạu (xã Đức Xuân), danh thắng Thác Thí (thị trấn Việt Quang), công nhận 02 di sản văn hóa phi vật thể là “Lễ hội cầu trăng” – xã Vô Điếm và Nghề làm giấy bản dân tộc Dao – thị trấn Việt Quang. Hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình cấp có thẩm quyền công nhận quần thể hang động tại xã Đức Xuân là danh thắng cấp quốc gia trong năm 2019.

Lễ hội Gầu Tào độc đáo của người H’mông

Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn

Về hoạt động thương mại – dịch vụ đã bước đầu phát triển, các hoạt động dịch vụ như: Bưu chính viễn thông, nhà hàng khách sạn, vận tải hàng hóa, hành khách phát triển cả số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu xã hội. Hàng hóa đa dạng về chủng loại, các mặt hàng được trợ cước, trợ giá, cung ứng đầy đủ, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hệ thống chợ tại các trung tâm cụm xã được mở rộng cùng với mạng lưới dịch vụ của Nhà nước và tư nhân đã làm tốt nhiệm vụ đầu ra của sản phẩm nông nghiệp và phục vụ đầy đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trong vùng.

Tiềm năng du lịch của huyện bước đầu được đầu tư khai thác và mở ra một hướng đi mới trong xây dựng, phát triển nền kinh tế của huyện. Du lịch sinh thái tại địa phương đã thu hút nhiều du khách và đóng góp vào ngân sách của huyện nguồn thu không nhỏ, tạo vốn cho việc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng và phát triển các ngành kinh tế khác.

Hiện trạng của huyện Bắc Quang có không gian rộng cho đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch phù hợp với việc phát triển nhiều loại hình du lịch như sinh thái, du lịch vui chơi giải trí, hay phát triển các khu lưu trú. Tỷ lệ lao động trong dân số lớn, nếu được chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ là nguồn lực đáng kể để phát triển kinh tế – xã hội.

Bên cạnh đó, Bắc Quang đang triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đã quan tâm và có mong muốn đầu tư nhiều dự án tại địa phương.

ĐẦU MỐI GIAO THÔNG QUAN TRỌNG TRONG LIÊN KẾT VÙNG

Tính chất và chức năng của huyện Bắc Quang là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kĩ thuật, dịch vụ, du lịch của khu vực phía Nam tỉnh Hà Giang. Hướng tới là vùng phát triển đô thị một cách toàn diện thuộc tỉnh Hà Giang giai đoạn sau năm 2035 tầm nhìn đến năm 2045.

Đây cũng là nơi có môi trường sinh thái, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội chất lượng cao. Là vùng phát triển đô thị mới, thương mại dịch vụ. Là đầu mối giao thông quan trọng trong mối liên kết từ các tỉnh phía Nam và là vùng có vị trí quan trọng về chính trị, an ninh quốc phòng phía Nam tỉnh Hà Giang. Ngoài ra, huyện Bắc Quang là vùng nguyên liệu nông, lâm sản, dược liệu gắn với công nghiệp chế biến công nghệ cao.

Về động lực phát triển, huyện Bắc Quang hội tụ đầy đủ những giá trị văn hóa truyền thống, giá trị tự nhiên, nếu được đầu tư cơ sở vật chất sẽ trở thành huyện phát triển mạnh về công nghiệp, nông – lâm nghiệp chất lượng cao trong giai đoạn tới.

Huyện Bắc Quang là cửa ngõ của tỉnh Hà Giang có các tuyến giao thông huyết mạch chạy qua như QL.2, QL.279 và hệ thống các tuyến đường tỉnh. Huyện có quy mô diện tích lớn, các khu vực có giá trị phân bố đều khắp tại các xã, mỗi xã trong huyện có một giá trị đặc sắc riêng nên khả năng thu hút đầu tư đa dạng cao.

Chủ trương của tỉnh Hà Giang định hướng huyện Bắc Quang trở thành huyện phát triển mạnh về nông nghiệp và thương mại dịch vụ, là đầu mối để thúc đẩy phát triển du lịch, từ đó phát triển kinh tế. Cùng với chủ trương trên, mục tiêu của tỉnh là liên kết với các địa phương trong vùng trung du và miền núi Bắc bộ để đẩy mạnh phát triển trở thành các vùng phát triển. Theo đó, hạ tầng liên kết vùng đã được định hướng đầu tư xây dựng, khắc phục một trong những khó khăn lớn nhất của tỉnh Hà Giang nói chung, huyện Bắc Quang nói riêng là giao thông vùng liên kết.

Bên cạnh đó, huyện Bắc Quang còn có tiềm năng để phát triển ngành chế biến nông, lâm sản công nghệ cao gắn với vùng nguyên liệu trên địa bàn. Nơi có nguồn nguyên liệu với các đặc sản nổi tiếng như: cam, chè, giấy bản…

Về du lịch, huyện Bắc Quang có tài nguyên du lịch đặc biệt hấp dẫn với ưu thế về cảnh quan thiên nhiên, nhiều di sản có giá trị, có khả năng thu hút lượng khách du lịch trong nước và quốc tế cao. Với hệ thống kết cấu hạ tầng được cải thiện, cơ sở vật chất của ngành du lịch được đầu tư và nâng cấp, chất lượng bước đầu được nâng cao tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển.

Ngoài ra, Đảng bộ huyện Bắc Quang đã định hướng 03 nhiệm vụ đột phá và 05 chương trình trọng tâm để phát triển kinh tế xã hội, đây cũng là tiền đề vô cùng quan trọng để định hướng phát triển cho toàn huyện thời gian tới. Cụ thể:

Ba nhiệm vụ đột phá: (1) Đột phá trong xây dựng hệ thống chính trị; (2) Đột phá trong lĩnh vực phát triển đô thị; (3) Đột phá trong lĩnh vực phát triển kinh tế.

Năm chương trình trọng tâm: (1) Chương trình đổi mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; (2) Chương trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách hành chính; (3) Chương trình phát triển đô thị: Phát triển trung tâm các xã theo hướng đô thị được quan tâm đầu tư. Đánh giá các tiêu chí của các đô thị đạt được trên cơ sở đó đưa ra các định hướng phát triển đẩy nhanh quá trình đô thị hóa tại các khu vực này; (4) Chương trình phát triển sản xuất hàng hóa đối với các sản phẩm chủ lực có thế mạnh của huyện; (5) Chương trình dồn điền đổi thửa, cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa gắn với chỉ đạo sản xuất theo “5 cùng” và tổ chức lại sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

HÌNH THÀNH CHUỖI ĐÔ THỊ SINH THÁI

Phát biểu tại Hội nghị Thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn khẳng định, trọng tâm phát triển của tỉnh là tháo gỡ điểm nghẽn về vị trí địa lý, tập trung vào các khâu đột phá; tạo sinh kế, giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; phát triển du lịch, dịch vụ tạo động lực thu hút đầu tư phát triển kinh tế – xã hội. Mục tiêu xây dựng Hà Giang phát triển khá, là điểm đến lý tưởng cho nhà đầu tư và du khách.

Đồng thời, Quy hoạch tỉnh Hà Giang cũng xác định quan điểm phát triển theo hướng xanh và bền vững, đẩy mạnh liên kết phát triển các tiểu vùng và tăng cường mở cửa, hội nhập.

Do đó, để giải quyết những khó khăn, thách thức của huyện Bắc Quang trong thời gian tới, Quy hoạch xây dựng vùng huyện Bắc Quang đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2045 cần định hướng rõ là quy hoạch tổng thể không gian xây dựng trên toàn huyện, xác định các khả năng cải tạo mở rộng đô thị hiện có và hình thành phát triển đô thị mới trên địa bàn, phát triển các khu chức năng trên địa bàn huyện và khả năng liên kết vùng huyện với các đô thị khác trong tỉnh và khu vực.

Việc nghiên cứu quy hoạch xây dựng vùng huyện sẽ góp phần phát huy những tiềm năng và điều kiện thuận lợi sẵn có, khai thác hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển mọi mặt kinh tế-xã hội của huyện Bắc Quang, phù hợp và đáp ứng được nhu cầu phát triển chung của tỉnh Hà Giang.

Quy hoạch vùng huyện Bắc Quang xác định tính chất và chức năng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kĩ thuật, dịch vụ, du lịch của khu vực phía Nam tỉnh Hà Giang. Hướng tới là vùng phát triển đô thị một cách toàn diện thuộc tỉnh Hà Giang giai đoạn sau năm 2035 tầm nhìn đến năm 2045.

Quan điểm quy hoạch xây dựng vùng huyện Bắc Quang phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng trong các giai đoạn ngắn hạn và dài hạn. Sẽ khai thác tối ưu điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, kinh tế và chú trọng giao thương trong và ngoài vùng để thu hút đầu tư, phát huy nội lực phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo vững chắc về quốc phòng an ninh, góp phần tạo động lực phát triển cho tiểu vùng phía Nam nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung.

Đồng thời, xây dựng mô hình phát triển hệ thống các đô thị trong huyện Bắc Quang mang tính tập trung, tăng khả năng phát triển kinh tế và cơ hội cạnh tranh, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Quy hoạch xây dựng vùng huyện gắn với công tác xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái và bảo đảm an ninh quốc phòng, phát triển hài hòa và cân đối giữa các khu vực đô thị và nông thôn.

Hiện nay, huyện Bắc Quang hội tụ đầy đủ những giá trị văn hóa truyền thống, giá trị tự nhiên, nếu được đầu tư cơ sở vật chất sẽ trở thành huyện phát triển mạnh về công nghiệp, nông lâm nghiệp chất lượng cao trong giai đoạn tới.

Không những thế, huyện còn có tiềm năng để phát triển ngành chế biến nông, lâm sản công nghệ cao gắn với vùng nguyên liệu trên địa bàn. Đồng thời, có tài nguyên du lịch đặc biệt hấp dẫn với ưu thế về cảnh quan thiên nhiên, nhiều di sản có giá trị, có khả năng thu hút lượng khách du lịch trong nước và quốc tế cao. Với hệ thống kết cấu hạ tầng được cải thiện, cơ sở vật chất của ngành du lịch được đầu tư và nâng cấp, chất lượng bước đầu được nâng cao tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển.

Bên cạnh đó, chủ trương của tỉnh Hà Giang định hướng huyện Bắc Quang trở thành huyện phát triển mạnh về nông nghiệp và thương mại dịch vụ, là đầu mối để thúc đẩy phát triển du lịch, từ đó phát triển kinh tế. Cùng với chủ trương trên, mục tiêu là liên kết với các địa phương trong vùng trung du và miền núi Bắc bộ để đẩy mạnh phát triển trở thành các vùng phát triển. Theo đó, hạ tầng liên kết vùng đã được định hướng đầu tư xây dựng, khắc phục một trong những khó khăn lớn nhất của tỉnh Hà Giang nói chung, huyện Bắc Quang nói riêng là giao thông vùng liên kết.

Một số điểm du lịch nổi tiếng tại huyện Bắc Quang, Hà Giang

Về ý tưởng phát triển huyện Bắc Quang, sẽ hình thành chuỗi các đô thị sinh thái phát triển bền vững liên kết chặt chẽ với các khu vực phát triển nông thôn theo 4 yếu tố. Cụ thể:

Bản sắc: Phát triển trên nền tảng văn hóa, kiến trúc, phong tục tập quán phù hợp với tình hình của từng địa phương.

Sinh thái: Đảm bảo tỷ lệ xanh trong đô thị mới, tập trung bảo vệ các khu vực rừng phòng hộ, trồng mới các khu vực rừng sản xuất.

Phát triển kinh tế xanh, dịch vụ du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sản xuất hàng hóa.

Tiện nghi: Đầy đủ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho cả khu vực đô thị và nông thôn.

Mục tiêu xây dựng huyện Bắc Quang đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2045 trở thành vùng động lực phát triển kinh tế – xã hội là mục tiêu lớn. Phấn đấu đến năm 2025 huyện Bắc Quang là huyện đầu tàu trong phát triển kinh tế của tỉnh Hà Giang. Xây dựng huyện Bắc Quang thành huyện nông thôn mới vào năm 2030, thị xã Việt Quang hoàn thiện và đẩy mạnh các tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2035 làm tiền đề cho giai đoạn từ năm 2035 đến năm 2045 nâng cấp trở thành đô thị loại III.

Trong những năm tiếp theo, huyện Bắc Quang xác định mở rộng các vùng đô thị là khu vực xã Kim Ngọc – Bằng Hành – trung tâm kinh tế vùng tiểu khu Trọng Con nằm trên QL.279 kết nối các tỉnh vùng Đông Bắc. Và một đô thị rất gần trong tương lai là cụm xã Đồng Yên, Vĩnh Phúc nằm trên đường tỉnh 183, trục kết nối phía Nam về các huyện Quang Bình và huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, Lào Cai.

Lập các chương trình phát triển đô thị, quy hoạch ngành nhằm thu hút nhà đầu tư; tăng cường quản lý trật tự đô thị, quản lý chất lượng công trình xây dựng đô thị; từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật xã hội, phát triển du lịch, dịch vụ, nhà ở đô thị và trung tâm các xã. Xây dựng xã Hùng An là đô thị loại V (tiến tới trở thành thị trấn Hùng An); hoàn thiện thị trấn Việt Quang đầy đủ tiêu chí đô thị loại IV (tiến tới giai đoạn đến 2035 được công nhận là thị xã trực thuộc tỉnh); thị trấn Vĩnh Tuy, xã Tân Quang đạt đầy đủ tiêu chí đô thị loại V (tiến tới trở thành thị trấn Tân Quang).

Đẩy mạnh đầu tư phát triển quỹ đất ở mới, tiến hành đấu giá tạo nguồn lực thu ngân sách phát triển hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP, NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG

Giai đoạn 2020-2025, Bắc Giang sẽ thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế tăng trưởng đều trọng tâm là các ngành nông lâm thủy sản và thương mại dịch vụ. Giảm tỷ lệ nghèo, tạo công ăn việc làm, môi trường phát triển bền vững. Cơ cấu kinh tế trong ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 41,22%; công nghiệp – xây dựng chiếm 21,93%; các ngành dịch vụ chiếm 36,85%.

Do vậy, cần xác định phát triển sản phẩm chủ lực theo hướng VietGap, hữu cơ, chuỗi giá trị; mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy nhanh tốc độ phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện nhằm đón đầu sự phát triển lan tỏa về công nghiệp của các đô thị lân cận huyện Bắc Quang.

Xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với phát triển dược liệu tại thôn Tân Sơn, thị trấn Việt Quang. Thu hút đầu tư phát triển du lịch tại các danh thắng quốc gia, các di sản văn hóa đã được công nhận. Mở rộng các loại hình dịch vụ, phát triển hệ thống kênh phân phối và bán lẻ, hình thành các chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản sạch.

Đẩy mạnh giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân; từng bước hình thành đội ngũ lao động có tay nghề, hòa nhập vào thị trường lao động công nghiệp trong cả nước; tạo cơ sở chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp.

Tập trung xây dựng thị xã Việt Quang và thị trấn Vĩnh Tuy sớm trở thành chuỗi đô thị văn minh, hiện đại dọc trục QL.2 và QL.279, thu hút các hoạt động dịch vụ, du lịch từ TP Hà Giang và các địa phương lân cận vào Bắc Quang, tham gia dây chuyền cung ứng các sản phẩm nông sản chất lượng cao và sản phẩm du lịch sinh thái cho các vùng lân cận huyện.

Giai đoạn 2026-2035 tầm nhìn đến năm 2045, trên cơ sở mục tiêu và thành tựu quy hoạch đến năm 2025 đạt được, triển vọng trong 10-20 năm tiếp theo Bắc Quang sẽ trở thành huyện có nền kinh tế nông nghiệp chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa, đồng thời với việc phát triển đô thị – công nghiệp – thương mại – dịch vụ tập trung và du lịch. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch công nghiệp – xây dựng 24,1-25,4%, dịch vụ 37,4-37,6%, nông – lâm thủy sản 37-38,5%. Hướng tới một nền kinh tế vững chắc, phát triển hài hòa.

Trong đó, mục tiêu cụ thể là khai thác có hiệu quả mối quan hệ nội ngoại vùng, các thế mạnh về nông – lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, năng lượng, khoáng sản, du lịch, văn hóa, sinh thái và cảnh quan nhằm tạo lập môi trường sống tốt, đáp ứng các nhu cầu vật chất, tinh thần của nhân dân; Thu hút đầu tư từ TP Hà Giang, TP Tuyên Quang và các dự án đầu tư của Trung ương và tỉnh Hà Giang, các dự án có nguồn vốn xã hội hóa trong và ngoài nước. Phát triển các ngành công nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển nhanh các lĩnh vực dịch vụ cung cấp cho nhu cầu của địa phương và các đô thị lân cận. Phát triển du lịch sinh thái cảnh quan, du lịch khám phá và du lịch lịch sử tại khu vực điểm di tích, du lịch. Tiếp tục kêu gọi đầu tư các khu vực công nghiệp theo định hướng quy hoạch vùng công nghiệp của tỉnh Hà Giang.

Đặt vấn đề phát triển bền vững lên hàng đầu, có giải pháp bảo tồn nguồn nước mặt hệ thống sông Lô, sông Con và cảnh quan vùng giáp khu vực bảo tồn rừng; tránh thu hút nhiều ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm cao, đồng thời cân nhắc trong quá trình khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Xác định đô thị Việt Quang là đô thị trung tâm tiểu vùng phía Nam tỉnh. Tăng cường liên kết đô thị – nông thôn, cải thiện điều kiện sống khu vực nông thôn trong huyện, đảm bảo phát triển hài hòa và bền vững giữa đô thị và nông thôn. Hình thành và đẩy mạnh phát triển các đô thị vệ tinh để tăng cường tính phát triển đồng đều của huyện như thị trấn Vĩnh Tuy, thị trấn Hùng An, thị trấn Tân Quang; các khu vực phát triển đô thị tại xã Kim Ngọc, Bằng Hành, Đồng Yên, Vĩnh Phúc và trung tâm các xã còn lại./.

THS.KTS Hà Thị Thanh | Viện Kiến trúc Quốc gia

bình luận