Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Ninh Bình, tại sao không?(24/07/2024)
Trên thế giới có khá nhiều địa danh vừa là Di sản Thế giới (DSTG) lại vừa là Công viên Địa chất Toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO, thậm chí có khi lại còn cả Khu dự trữ Sinh quyền Thế giới (DTSQ), tất nhiên chỉ khác biệt ít nhiều về ranh giới. Có thể kể đến một số ví dụ tiêu biểu, như Ngorongoro (Tanzania) hay đảo Jeju (Hàn Quốc), vừa là DSTG, DTSQ, đồng thời cũng là CVĐCTC UNESCO. Đảo Jeju (Hàn Quốc) – thường được mệnh danh là Nữ hoàng ba vương miện – có lẽ là ví dụ điển hình nhất, với DSTG ở vùng trung tâm, mở rộng dần gần như theo kiểu đồng tâm, lần lượt được bao quanh bởi Vườn quốc gia, DTSQ và ngoài cùng, chiếm toàn bộ đảo là CVĐCTC UNESCO. Hiện nay, tỉnh Ninh Bình đang có định hướng lớn về “Thành phố Di sản Thiên niên kỷ Hoa Lư”, kích hoạt trực tiếp ý tưởng về CVĐCTC UNESCO.
Bài viết trình bày chi tiết hơn về ý tưởng CVĐCTC UNESCO Ninh Bình, nhưng trước đó sẽ là một số khái niệm cơ bản về Di sản Địa chất, Du lịch Địa chất, CVĐC, những nét giống và khác nhau giữa các danh hiệu DSTG, DTSQ và CVĐC, và một số lợi ích khi được UNESCO công nhận là CVĐCTC, qua đó có thể thấy rõ rằng CVĐCTC UNESCO sẽ là một giải pháp “vẹn cả đôi ba đường”, vừa góp phần giảm tải cho Quần thể Danh thắng Tràng An, vừa bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của DSTG này một cách bài bản, hiệu quả hơn, lại vừa bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể của thêm nhiều loại hình di sản trên một khu vực rộng lớn hơn nhiều.
KHÁI QUÁT VỀ DI SẢN ĐỊA CHẤT, DU LỊCH ĐỊA CHẤT VÀ CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT
Di sản Địa chất (DSĐC)
DSĐC là những địa điểm trên Trái Đất nơi lưu giữ những bằng chứng, dấu ấn của quá trình hình thành và phát triển Trái Đất, lịch sử tiến hóa sự sống của một vùng, một khu vực trên hành tinh này. Một số ví dụ như các cảnh quan địa mạo, các di chỉ cổ sinh, hoá thạch, các miệng núi lửa đã tắt hoặc đang hoạt động, các hang động, hẻm vực sông, hồ tự nhiên, thác nước, các diện lộ tự nhiên hay nhân tạo của đá và quặng, các thành tạo, cảnh quan còn ghi lại những biến cố, bối cảnh địa chất đặc biệt, các địa điểm mà tại đó có thể quan sát được các quá trình địa chất đã và đang diễn ra hàng ngày… Những địa điểm, khu vực như vậy rất có giá trị khoa học, giá trị thẩm mỹ, giá trị lịch sử và tiềm năng thu hút khách du lịch. Chúng được gọi chung là DSĐC – dạng di sản quan trọng hàng đầu trong số các di sản thiên nhiên. Cũng như các di sản khác, DSĐC là tài nguyên không tái tạo nên cần được bảo tồn, khai thác và sử dụng bền vững.
Công viên Địa chất (CVĐC)
Định nghĩa
CVĐC là một khu vực có ranh giới địa lý hành chính rõ ràng, liền khoảnh, trong đó chứa đựng một tập hợp các DSĐC có giá trị khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và kinh tế, đồng thời còn là nơi hội tụ các giá trị khác về cảnh quan, đa dạng sinh giới, khảo cổ, lịch sử, văn hóa, xã hội…, tất cả cùng được nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn và khai thác, sử dụng một cách tổng thể, bền vững. CVĐC cần có diện tích đủ lớn để có thể đóng góp đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đặc biệt là dưới hình thức phát triển du lịch và các dịch vụ hỗ trợ đi kèm.
Mười lĩnh vực ưu tiên của CVĐC
Một CVĐC chú trọng 10 lĩnh vực ưu tiên như: (i) Sử dụng hợp lý tài nguyên; (ii) Phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, tai biến địa chất; (iii) Vích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; (iv) Giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng; (v) Nghiên cứu khoa học; (vi) Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; (vii) Bình đẳng giới và trao thêm quyền cho nữ giới; (viii) Phát triển bền vững; (ix) Tri thức bản địa; và (x) Bảo tồn địa chất, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường. CVĐC là nơi lý tưởng nhất để triển khai các hoạt động hướng đến các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hiệp Quốc.
Mặc dù cùng là các danh hiệu cao quý nhất của UNESCO, khác với hai danh hiệu khác là Di sản Thế giới (DSTG) và Khu dự trữ Sinh quyền Thế giới (DTSQ) – vốn là những khu vực chú trọng các hoạt động bảo tồn, hạn chế các hoạt động phát triển, đặc biệt là không cho phép các hoạt động phát triển không thân thiện với di sản, với môi trường, với cộng đồng, ví dụ như khai thác khoáng sản, đóng tàu, các khu công nghiệp… – CVĐC không phải là một khu bảo tồn mà là một khu vực phát triển bền vững. Nói cách khác, trong phạm vi một CVĐC, chỉ có một số diện tích nhất định ở các di tích, danh thắng, các điểm di sản (vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng bảo vệ cảnh quan, các di tích văn hóa, lịch sử, các di chỉ khảo cổ học…), và các DSĐC mới cần được bảo tồn. Ở các diện tích còn lại của CVĐC mọi hoạt động phát triển kinh tế – xã hội hợp pháp, hợp lệ khác (thậm chí cả khai thác khoáng sản, phát triển khu công nghiệp… nếu như phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt) vẫn diễn ra một cách bình thường.
Là một mô hình phát triển kinh tế – xã hội bền vững, CVĐC khuyến khích những hoạt động thân thiện với môi trường, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể của các loại hình di sản. Các di sản được nhận dạng, được bảo tồn và sử dụng hợp lý trong CVĐC góp phần làm tăng giá trị của CVĐC hay một khu vực, một địa điểm cụ thể của nó, khiến cho chính quyền các cấp, cộng đồng địa phương và các nhà đầu tư cần trọng hơn đối với các hoạt động kinh tế có thể tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đến các giá trị di sản (ví dụ khai thác khoáng sản, phát triển thủy điện, san lấp, xây dựng cơ sở hạ tầng…). Việc tuân thủ, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của một CVĐC, qua đó, cũng là công cụ để chính quyền các cấp, cộng đồng địa phương và các doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ hơn, từ góc độ bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, bảo đảm an sinh xã hội… đối với các hoạt động kinh tế kể trên.
CVĐCTC UNESCO và một số yêu cầu tiên quyết
Một CVĐC muốn được UNESCO xem xét, công nhận là CVĐCTC cần đáp ứng một số yêu cầu tiên quyết sau:
(1) Đã tồn tại trên thực tế ít nhất 01 năm trước khi trình hồ sơ;
(2) Có một số DSĐC tầm cỡ quốc tế;
(3) Có Ban quản lý đủ mạnh, đủ năng lực và quyền hạn để điều hành mọi hoạt động của CVĐC, có kế hoạch quản lý và nguồn kinh phí hoạt động ổn định dài hạn và hàng năm;
(4) Trong thành phần của Ban quản lý phải có ít nhất 01 cán bộ có chuyên môn về các khoa học Trái Đất, bên cạnh các cán bộ khác có chuyên môn đa dạng về văn hóa, đa dạng sinh giới, bảo tồn di sản, du lịch, môi trường, giáo dục, IT…
(5) Có các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh của CVĐC, nâng cao nhận thức cộng đồng của người dân địa phương;
(6) Tham gia tích cực vào các hoạt động của Mạng lưới…
Danh hiệu CVĐCTC UNESCO không phải được công nhận một lần là vĩnh viễn. Một CVĐCTC UNESCO phải tiếp tục vượt qua các đợt tái thẩm định sau mỗi 04 năm… Nếu không đáp ứng được một hoặc một số yêu cầu, tiêu chí kể trên, hoặc các khuyến cáo, kiến nghị sau mỗi lần tái thẩm định, CVĐC đó sẽ được UNESCO khuyến cáo, nhắc nhở, có thể nhận thẻ vàng (lại phải đón một đoàn chuyên gia thẩm định UNESCO khác sau 02 năm (chứ không phải 04 năm như bình thường), và nếu tiếp tục không đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chí, khuyến cáo của UNESCO có khả năng nhận thẻ đỏ (không được tiếp tục công nhận nữa).
Một số lợi ích khi được công nhận là CVĐCTC UNESCO
Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ, bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên, đồng thời mở rộng phạm vi, đối tượng bảo vệ và bảo tồn, đặc biệt là DSĐC, đa dạng địa chất, đa dạng sinh giới, giáo dục, nghiên cứu và du lịch.
Cải thiện việc bảo vệ, bảo tồn, quản lý và phát huy giá trị tổng thể các loại hình di sản văn hóa, DSĐC, đa dạng sinh giới, hệ sinh thái và môi trường.
Quản lý và điều phối một mạng lưới rộng lớn hơn các khu vực được bảo vệ (khu bảo tồn/khu di tích/di sản) và khu vực phát triển bền vững. Cải thiện thông tin liên lạc và hỗ trợ lẫn nhau giữa các nhà quản lý những khu vực này.
Tăng cường giáo dục, nghiên cứu về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Tăng cường phát triển du lịch, mở thêm cơ hội kinh doanh và tạo doanh thu.
Cải thiện phương thức sống và sinh kế của cộng đồng địa phương. Nâng cao vị thế, ví dụ của DSTG Quần thể Danh thắng Tràng An và tỉnh Ninh Bình. Mở rộng sự công nhận và vị thế quốc tế tới một số khu bảo tồn/di tích/di sản khác.
Tăng thêm vị thế kinh tế – xã hội của tỉnh Ninh Bình ở Việt Nam và trên trường quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo tồn và du lịch.
Tăng cường sự hiện diện và hình ảnh của UNESCO tại các địa phương và ở Việt Nam.
Du lịch Địa chất (DLĐC)
Xu hướng chung trên thế giới hiện nay không còn là tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá mà là phát triển bền vững, kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội, giáo dục cộng đồng và bảo vệ môi trường. Nhu cầu của con người không còn đơn thuần là cơm ăn, áo mặc, mà còn là không ngừng nâng cao tri thức, kể cả trong khi nghỉ ngơi. Du khách không chỉ còn đến những nơi có điều kiện nghỉ ngơi tốt, những danh lam thắng cảnh mà không biết vì sao đó lại là danh lam thắng cảnh. Đó chính là lý do, là cơ hội, để du lịch xanh, du lịch sinh thái phát triển, trong đó có du lịch địa chất (DLĐC).
DLĐC là một loại hình du lịch văn hóa – sinh thái mới, có thể phát triển ở những khu vực có các đặc điểm, giá trị địa chất quan trọng, được khai thác nhằm làm giàu thêm nội dung, nâng cao chất lượng du lịch nói chung và đặc biệt là thu hút những du khách quan tâm đến những đặc điểm, giá trị này. Là sợi dây kết nối giữa Tự nhiên và Văn hóa của một vùng, một khu vực, DLĐC có thể đáp ứng những xu hướng cũng như nhu cầu mới của du khách, qua đó góp phần vào công cuộc phát triển bền vững của nhiều vùng lãnh thổ.
Chỉ mới xuất hiện khoảng một hai chục năm trở lại đây, DLĐC đã nhanh chóng phát triển rộng khắp trên thế giới, gắn bó chặt chẽ với những địa điểm có những đặc điểm, giá trị đặc biệt (địa chất, khoa học, thẩm mỹ, giáo dục…, kể cả các giá trị văn hóa, xã hội, lịch sử, kinh tế) – các DSĐC.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ và gìn giữ các DSĐC là thành lập các CVĐC và thúc đẩy DLĐC cùng các dịch vụ hỗ trợ đi kèm. Nói đến DSĐC là mới chỉ nói đến giá trị, ý nghĩa khoa học của những địa điểm đơn lẻ. CVĐC lớn hơn thế rất nhiều, cả về quy mô lẫn giá trị, ý nghĩa. Một cách nôm na, có thể coi CVĐC là một tập hợp các DSĐC (tất nhiên cùng các loại hình di sản khác), được đặt trong một hệ thống, một tổng thể thống nhất, có ranh giới hành chính – địa lý rõ ràng, được quy định và bảo vệ bởi pháp luật; CVĐC là nơi du khách có thể đến tham quan, nghỉ ngơi, học hỏi – nơi có thể phát triển DLĐC. Như vậy DSĐC, CVĐC và DLĐC là mối quan tâm chung của cả hai ngành Địa chất, Tài nguyên và Môi trường và Du lịch. Đây không chỉ là câu chuyện về các nhà địa chất mang đến cho ngành du lịch một ý tưởng, một cơ hội phát triển mới. Ngược lại, thông qua phát triển DLĐC, bản thân ngành địa chất, các nhà địa chất cũng được hưởng lợi, và quan trọng hơn, chất lượng cuộc sống hiện tại và tương lai được hưởng lợi.
CVĐCTC UNESCO NINH BÌNH, TẠI SAO KHÔNG?
CVĐC Ninh Bình có thể bao gồm một số khu bảo tồn như chính bản thân DSTG Quần thể Danh thắng Tràng An, Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long. Ngoài ra CVĐC Ninh Bình có thể bao gồm thêm Thành phố Ninh Bình với rất nhiều di tích văn hóa, lịch sử, khảo cổ học khác, điển hình như núi Non Nước. CVĐC Ninh Bình có thể còn được mở rộng hơn nữa ra các huyện xung quanh, để bao gồm thêm nhiều di tích, danh thẳng khác như suối nước nóng Kênh Gà, nhà thờ đá Phát Diệm, phòng tuyến Tam Điệp, cửa biển cổ Thần Phủ, một phần của khu DTSQ Châu thổ Sông Hồng… Đan xen giữa những khu bảo tồn, di tích, danh thắng kể trên là những vùng phát triển bền vững.
Quy mô, phạm vi, ranh giới của CVĐC Ninh Bình chỉ có thể được xác định sau khi điều tra, khảo sát, đánh giá tổng thể tiềm năng di sản của vùng CVĐC dự kiến, kết hợp với cân nhắc các phương án phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và của các huyện, thành phố khác.
CVĐC Ninh Bình như vậy, ít nhất cũng đã đáp ứng được một yêu cầu tiên quyết của UNESCO là phải có một (số) DSĐC có ý nghĩa quốc tế. Đó chính là DSTG Quần thể Danh thắng Tràng An có giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất – địa mạo (tiêu chỉ VIII) và cảnh quan (tiêu chỉ VII), và không những thế, còn đáp ứng tiêu chí (V) – tương tác giữa con người với những thay đổi không thể đảo ngược của môi trường.
Lộ trình ngắn nhất để CVĐC Ninh Bình có thể được UNESCO công nhận là CVĐCTC là 03 năm.
CVĐC Ninh Bình chắc chắn sẽ là một sự bổ sung hoàn hảo cho DSTG Quần thể Danh thắng Tràng An, là giải pháp hấp dẫn nhất để hướng tới mục tiêu “Thành phố Di sản Thiên niên kỷ” của tỉnh Ninh Bình./.
Trần Tân Văn, Đỗ Thị Yến Ngọc – Trung tâm Karst và Di sản Địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản
Paul Dingwall – Chuyên gia tư vấn quốc tế UNESCO/IUCN
bình luận