Tài nguyên kinh tế du lịch di sản từ thương hiệu đô thị di sản thiên niên kỷ và những gợi ý nghiên cứu tiềm năng(24/07/2024)
Giá trị tiềm năng chỉ riêng cho kinh tế du lịch di sản của tỉnh Ninh Bình tính theo công thức của Noonan-2003 tổng hợp từ 129 địa điểm nghiên cứu để tính thử: Hàng năm có từ 5-7 triệu lượt khách du lịch/năm x 42.78 USD (sẵn lòng chi trả du lịch/người) = 192 triệu đến 300 triệu USD/năm; Nếu tính biến (t) theo thời gian, chẳng hạn sau 10 năm, thì Giá trị tiềm năng du lịch di sản của Ninh Bình có thể lên tới hơn 3 tỷ USD/năm – Khoảng 75 ngàn tỷ/năm (Hà Nội hiện nay là 62.000 tỷ/năm). Nếu lựa chọn định hướng phát triển Đô thị di sản thiên niên kỷ – biểu tượng duy nhất ở VN thì tiềm năng chi trả du lịch của du khách có thể lên đến 12 tỷ USD/năm.
VỀ LÝ LUẬN
Trong bài định hướng về “Tầm nhìn Đô thị Di sản thiên niên kỷ”, PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy đã khẳng định: “Kinh đô Hoa Lư tồn tại 42 năm (968-1010) gắn liền với 6 đời vua của 3 triều đại Đinh – Tiền Lê – Lý, giữ một vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước; tiếp tục khẳng định, củng cố vững chắc nền độc lập dân tộc đã được xác lập từ họ Ngô (năm 938); xóa bỏ tình trạng cát cứ phân liệt, thực hiện thống nhất đất nước, phục hưng dân tộc, xây dựng Nhà nước quân chủ Trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử Việt Nam; nâng tầm vị thế quốc gia-dân tộc trong cấu trúc quyền lực khu vực Đông Á đầy biến động vào thế kỷ X, đầu thế kỷ XI; tạo nền tảng cho định đô Thăng Long-Hà Nội.
Đặc sắc của địa bàn Cố đô Hoa Lư chính là quá trình định cư, quần cư liên tục từ sau biển thoái đến ngày nay. Kể cả sau khi nhà Lý dời đô ra Thăng Long thì vùng đất này vẫn liên tục duy trì các hình thái quần cư đa dạng, làm cho sức sống di sản được duy trì, bồi đắp trong đời sống sinh hoạt và sinh kế của cư dân Tràng An.
Di sản Cố đô Hoa Lư có mặt biểu hiện trong đời sống dưới các dạng thức văn hóa vật thể hoặc phi vật thể, có mặt lan tỏa đến các địa bàn khác (địa danh, thiết chế văn hóa, kiến trúc, hội họa, âm nhạc…) hình thành nên những con đường di sản thời hiện đại. Bên cạnh đó, vẫn còn những bí ẩn nằm sâu trong lòng đất chờ đợi khám phá của giới khảo cổ học”.
XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU DU LỊCH DI SẢN CHO ĐÔ THỊ DI SẢN THIÊN NIÊN KỶ – BA NỘI HÀM THIÊN NIÊN KỶ: VĂN HOÁ – THIÊN NHIÊN – ĐỊNH CƯ LIÊN TỤC TRONG DI SẢN THẾ GIỚI TRÀNG AN – HOA LƯ
Tỉnh Ninh Bình lựa chọn hướng đi lên với Đô thị di sản thiên niên kỷ bao chứa cả Thành phố di sản thế giới và Thành phố sáng tạo, tựa vào Quần thể danh thắng Tràng An về kinh tế và du lịch di sản, là hướng đi đúng đắn của đô thị hóa kiểu mới trong các chiến lược phát triển đột phá.
Với những lý do nêu trên, chúng tôi xin gợi ý một số phát lộ về tiềm năng phát triển các loại hình du lịch di sản, làm nền tảng để xây dựng thương hiệu và nội dung phát triển của Đô thị di sản thiên niên kỷ Hoa Lư như sau:
Đô thị di sản thiên niên kỷ – Cố đô Hoa Lư
Giá trị nổi trội của Đô thị di sản thiên niên kỷ là Cố đô Hoa Lư, mà khu vực bảo tồn là Khu danh thắng Tràng An. Cần phân biệt rõ điều này. Di sản thiên nhiên, di sản văn hóa là môi trường chứng kiến lịch sử của Cố đô nghìn năm, chứ không phải là đối tượng chính.
Nhận thức về Cố đô không chỉ là một nhóm di tích hiện tồn tại Hoa Lư, mà bao gồm toàn thể nhận thức về quốc gia Đại Việt trước, trong và sau thời Đinh – Tiền Lê.
Công việc chính của bảo tồn di sản Cố đô Hoa Lư cần làm hiện lên vị thế quá khứ của kinh đô một quốc gia thông qua nhiều phương cách khác nhau.
Trong đó, một trong những phương pháp căn bản là kết nối các địa điểm di tích thành những chuỗi, chứa đựng những câu chuyện lịch sử, trong đó có cả tính chân xác lịch sử, có cả truyền thuyết với niềm tin, tình cảm cộng đồng, có cả cảnh quan hữu tình, bên cạnh các giá trị văn hóa như nghệ thuật, ẩm thực…
Trên phạm vi liên tỉnh, có thể tạo ra các con đường di sản, khai thác mối quan hệ giữa các địa bàn lịch sử theo chủ đề như: Từ Hoa Lư đến Thăng Long (12 sứ quân và sự thắng thế của Hoa Lư ở cực Nam châu thổ, sự trở lại Thăng Long của Lý Công Uẩn đem theo các di sản Hoa Lư); Từ Hoa Lư đến Bạch Đằng (chiến thắng của Ngô Quyền chống Nam Hán và Lê Hoàn chống Tống); Hoa Lư và con đường thượng đạo (Động Hoa Lư – điểm cuối của dãy Hoàng Liên Sơn); Hoa Lư và con đường Nam tiến (hệ thống kênh Nhà Lê); Hoa Lư và Phật giáo Việt Nam (Đinh Khuông Việt, Nguyễn Minh Không); Hoa Lư và không gian văn hóa thờ Mẫu ở phía Nam đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Các chủ đề cần nghiên cứu cho du lịch di sản tại Cố đô Hoa Lư và vùng đệm di sản thế giới: Trong phạm vi tỉnh Ninh Bình, cần đặt trọng tâm vào việc tái hiện hình dung về lịch sử Hoa Lư, qua các chủ đề như: Kinh thành Tràng An; Hoa Lư tứ trấn; Buổi đầu Phật giáo Việt Nam ở Hoa Lư; Đô thị cổ Sông Hoàng Long; Con đường thượng đạo.
Di sản định cư thiên niên kỷ bao chứa các giá trị sau:
Giá trị địa điểm lịch sử
Di sản định cư có thể liên quan/chịu ảnh hưởng của môi trường bao chứa như một cơ thể di sản định cư “cộng sinh” đặc biệt/các hoạt động con người trải qua thiên niên kỷ làm cho nó có tầm quan trọng về lịch sử, biểu hiện trong văn hóa nhận thức, văn hóa sinh hoạt, văn hóa tổ chức, văn hóa tâm linh/trở thành những giá trị quốc gia, tự tôn dân tộc. Các giá trị này cần được những chính sách phát triển tốt để bộc lộ các động lực di Sản lịch sử thiên niên kỷ ở Việt nam, cần được sự công nhận pháp lý đối với “Di sản định cư thiên niên kỷ” như một loại hình đặc biệt của quốc gia và quốc tế.
Các giá trị Văn hóa – Tinh thần
Giá trị văn hóa và thẩm mỹ: các cấu trúc thành cổ, làng xã, bến thuyền, cánh đồng, sông núi… gắn liền với địa điểm di sản thế giới như những chuẩn mực của bố cục và hình thái, văn hóa – xã hội – giáo dục: các giá trị và phẩm chất làm cho địa điểm di sản thế giới thiên niên kỷ trở thành biểu tượng về mặt tinh thần, chính trị, cộng đồng dân cư cổ đã tạo nên các cảm xúc văn hoá/khai quốc đối với một dân tộc/một địa phương cụ thể.
Giá trị kinh tế, hiệu quả phát huy di sản vào đương đại
Được xác định bởi sự tham dự như một động lực của phát triển mới từ giá trị vô giá của di sản vào đời sống xã hội đương đại. (Đặc biệt ý tưởng phát triển TP Ninh Bình như một Đô thị di sản thiên niên kỷ Hoa Lư) là một bước ngoặt nhân thức để thiết kế phát triển tương lai: Xây dựng Hạ tầng kinh tế đô thị mới, từ Kinh tế di sản, Kinh tế sáng tạo – nghệ thuật và Kinh tế trí thức. Một cách đón đầu các chuỗi giá trị gia tăng cao của cơ hội Hậu hiện đại. Kéo theo đó là sự sáng tạo các sản phẩm thủ công truyền thống, ẩm thực, diễn xướng, thời trang, âm nhạc, phim ảnh, thiết kế…
Giá trị khoa học, công nghệ và chuyển đổi số dựa vào di sản định cư
Khi địa điểm Di sản thế giới rộng lớn và vô giá “cộng sinh” với Đô thị di sản thiên niên kỷ sẽ tạo một cơ hội cho chuyển đổi số trong quản lý di sản và hoạt động du lịch, sáng tạo và nghệ thuật. … đều liên quan hạ tầng công nghệ “thực tại ảo”. Giá trị tạo động lực sáng tạo nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật và các thành tựu có tiềm năng để giáo dục, minh hoạ và cung cấp cho các lĩnh vực diễn giải và tiếp nối di sản sẽ tạo ra nhiều nghiên cứu khoa học, nghệ thuật sâu hơn.
Các chủ đề cần nghiên cứu cho du lịch di sản định cư liên tục tại Quần thể danh thắng Tràng An
Nghiên cứu Hồi sinh di sản định cư thiên niên kỷ tại Tràng An như một minh chứng cho Văn hóa Tràng An kéo dài từ 27.000-30.000 năm trước đến nay: Thời kỳ biến tiến, biển lùi và các di chỉ khảo cổ học;
Thiết lập các tuyến tham quan Di sản làng xã tại Hoa Lư và Gia Viễn có chọn lọc đến nhu cầu du lịch trải nghiệm và du lịch nông nghiệp, làng nghề;
Hồi sinh nghề truyền thống và các sản phẩm thủ công truyền thống để bước tiếp là sự sáng tạo các sản phẩm thủ công truyền thống, ẩm thực, diễn xướng, thời trang, âm nhạc, phim ảnh, thiết kế…;
Thiết lập hạ tầng du lịch “tại chỗ” trong làng xã để tạo sự khác biệt cho du lịch Ninh Bình vốn chậm và giàu tính thẩm mỹ do thích ứng với văn hóa cư trú thưa dân và hệ thống Karst ngập nước.
Từ Hoa Lư đến Bạch Đằng; Từ Hoa Lư đến Thăng Long và các mốc lịch sử quan trọng về vai trò của Hoa Lư – Sông Hoàng Long
Các chủ đề cần nghiên cứu cho phát triển du lịch liên vùng: Những chủ đề này có thể phục dựng theo các kịch bản Thực tại ảo, dùng công nghệ để nhấn mạnh lịch sử và bảo về nền độc lập dân tộc, mở mang bờ cõi.
Từ Hoa Lư đến Bạch Đằng
Từ Hoa Lư đến Thăng Long
Sông Đáy, sông Sắt, sông Hồng, sông Nam Định;
Đường bộ từ cửa Nam Đại La , Chùa Tiên, Tam Chúc, Gia Viễn;
Đường thượng đạo từ núi cao ra biển
Từ Thành Tư Phố đến Hoa Lư: Câu chuyện Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền và thành Hoa Lư
Trong hệ thống thành quách Việt Nam, huyện thành Tư Phố hay Hoan Thành – thủ phủ của xứ Thanh Hóa xưa có bề dày lịch sử chỉ đứng sau thành Cổ Loa nơi An Dương Vương định đô năm 257 TCN. Theo sách Thủy kinh chú huyện Tư Phố xuất hiện từ năm 116 TCN thời nhà Triệu nước Nam Việt. Cũng giống như Loa thành, huyện Tư Phố cũng sở hữu nhiều câu chuyện, truyền thuyết lịch sử. Thành cổ nay thuộc làng Giàng, xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa), tỉnh Thanh Hoá. Gần các di chỉ như Đông Sơn, Núi Đọ.
Thủy kinh chú chép “Năm Kiến Vũ thứ 19 tháng 10, Mã Viện vào quận Cửu Chân ở phương nam. Đến huyện Cư Phong, tướng giặc không đầu hàng đều chém mấy chục đến mấy trăm người. Cửu Chân bèn yên”. Đó là cuộc viễn chinh của Mã Viện thời Hán. Mùa hè năm 43, Mã Viện kéo quân đến Lãng Bạc. Đạo quân của Hai Bà Trưng chặn giặc không thành, tan vỡ. Một cánh quân Cửu Chân do Chu Bá, Đô Đương chỉ huy lui về thành Tư Phố tiếp tục kháng chiến. Tháng 11 năm 43, Mã Viện cùng 2000 chiếc thuyền theo đường thủy tiến đánh quận Cửu Chân. Chúng chỉ đoạt được thành Tư Phố khi “tướng giặc không hàng, đều chém đến mấy trăm người”.
Sau khi Trung Quốc xảy ra loạn lạc (907-979) đã mở ra một cơ hội độc lập cho Việt Nam, Dương Đình Nghệ là một trong những thế lực bản địa từ Ái châu đã nhận ra điều này và tiến binh ra Bắc bộ đánh bại quân Nam Hán, mở đường cho và gây cảm hứng các lãnh đạo người Việt sau đó như Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn xây dựng nên quốc gia Đại Việt độc lập, tự chủ.
Dương Đình Nghệ (874 – 937), là một nhà quân sự, chính trị người Việt, người đã cùng 3.000 giả tử hành quân từ Tư Phố tiến ra Đại La đánh bại quân Nam Hán đang chiếm đóng ở đó. Dương Đình Nghệ tự mình phong là Tiết độ sứ, trông coi các châu. Đến năm 937, ông bị viên tướng cấp dưới là Kiều Công Tiễn giết hại.
Mặc dù Dương Đình Nghệ xuất hiện rất ngắn trong lịch sử nhưng được người Việt lúc đó xem là một nhân vật lịch sử quan trọng bởi vì sau cái chết của ông, gia đình họ Dương vẫn có quyền lực, mặc dù không trực tiếp, ảnh hưởng lên nền chính trị phần còn lại của thế kỉ. Các vị lãnh đạo kế tiếp đều lấy vợ là người họ Dương, như Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn và những bà vợ họ Dương này đều có vai trò quan trọng trong việc chọn người nối ngôi.
Năm 1804, Chúa Nguyễn Phúc Ánh quyết định di dời lị sở của trấn Thanh Hoá từ thành Tư Phố đến làng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn với cái tên mới: Hạc thành (Thành chim Hạc).
Từ Hoa Lư nam tiến và những dấu tích lịch sử
Kênh Nhà Lê là hệ thống kênh đào cổ được hình thành từ thời Vua Lê Đại Hành để kết nối giao thông thủy từ kinh đô Hoa Lư tới Đèo Ngang – biên giới giữa Đại Cồ Việt với Chăm Pa nhằm mục đích vận tải quân lương, mở rộng lãnh thổ về phía Nam và phát triển kinh tế nông nghiệp nước nhà. Tuyến kênh nhà Lê gồm nhiều kênh đào mới hoặc khơi vét từ các sông tự nhiên mà các triều đại phong kiến nhà Tiền Lê sử dụng với mục đích giao thông, quân sự và phát triển nông nghiệp.
Kênh Nhà Lê là tuyến đường thủy đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Đến nay còn ít nhất 6 sông mang tên sông Nhà Lê ở cả 4 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Các sông Nhà Lê này vẫn được nối thông thủy với nhau và với nhiều sông tự nhiên khác. Nhiều đoạn sông Nhà Lê hiện nay được công nhận là tuyến đường thủy quốc gia và Kênh Nhà Lê tại Nghệ An được xếp hạng di tích quốc gia
LỜI KẾT VỀ DU LỊCH VĂN HOÁ VÀ DU LỊCH DI SẢN
“Du khách không bao giờ quên được người chủ nhà đã rộng rãi thiết đãi họ” – Homer.
Nhiều định nghĩa khác nhau về du lịch văn hoá và di sản được đề cập trong các tài liệu nghiên cứu. Phát biểu của Homer tại Odyssey vào thế kỷ thứ 9 nhấn mạnh tầm quan trọng giữa du khách và dân bản địa thể hiện sự phát triển du lịch thành công tại các địa điểm du lịch dựa trên di sản văn hoá. Di sản bao gồm tri thức, lòng tin, nghệ thuật, đạo đức, luật lệ và các khả năng và lối sống khác được cảm nhận trong xã hội (Tylor, 1924). Còn du lịch văn hoá là hành trình được thực hiện với ý định, hoàn toàn hoặc một phần, củng cố hiểu biết về văn hoá (Hội đồng du lịch Ailen, 1988), hay là sự di chuyển của mọi người từ nơi ở đến với các điểm văn hoá nổi bật, nhằm thu thập thêm thông tin và kinh nghiệm, đáp ứng nhu cầu về văn hoá của họ (Bản đồ du lịch văn hoá, 1991). Có thể nói, du lịch văn hoá là một dạng du lịch đặc biệt dựa trên việc tìm kiếm và tham gia vào những trải nghiệm văn hoá mới và sâu sắc, thông qua thẩm mỹ, trí tuệ, cảm xúc hoặc tâm lý (Stebbins, 1996). Mặt khác, du lịch văn hoá hay du lịch di sản không chỉ dựa trên di sản văn hoá của địa điểm du lịch, mà còn bao gồm tất cả các khía cạnh quan trọng của văn hoá xã hội bản địa mà cư dân nơi đây đã trải qua nhiều thế hệ, được bảo vệ và gìn giữ cho tương lai nhằm truyền lại cái nhìn về quá khứ (Herbert, 1995; Hewison, 1989).
Tương lai của Đô thị di sản với tầm nhìn thiên niên kỷ tới hoàn toàn phụ thuộc vào cách chúng ta đồng hành cùng Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới với sự định cư liên tục để có được nền văn hóa Tràng An có cội nguồn sâu sắc, ghi dấu ấn vào chủ quyền và độc lập hơn 1.000 năm trước của cha ông. Và chúng tôi thử hình dung tương lai ấy, khi các bạn khởi động, từ bây giờ…
PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, Chuyên gia Quy hoạch Nguyễn Xuân Anh – Đại học Quốc gia Hà Nội
bình luận