Viện Kiến trúc Quốc gia (VIAR) họp chuyên gia lấy ý Kiến xây dựng bộ tiêu chí Đô thị có tính chất đặc thù về di sản và lịch sử cho đô thị Thừa Thiên Huế(11/02/2020)

Ngày 10/2/2020, Viện Kiến trúc Quốc gia (VIAR) đã tổ chức cuộc họp chuyên gia lấy ý kiến xây dựng bộ tiêu chí Đô thị có tính chất đặc thù về di sản và lịch sử cho đô thị Thừa Thiên Huế. Nhiều chuyên gia có kinh nghiệm và bề dày nghiên cứu về đô thị Huế đã tham dự và đóng góp ý kiến.

image001

Toàn cảnh cuộc họp

Thừa thiên Huế sau 10 năm triển khai thực hiện kết luận 48 – KL/TW của Bộ Chính trị khóa X.

Thừa Thiên Huế là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang, có Thành phố Huế, cố đô của Việt Nam là đô thị loại I, là nơi lưu trữ, bảo tồn di sản vật thể và phi vật thể của Quốc gia và thế giới.

Hiện nay, Thừa Thiên Huế là Trung tâm văn hóa, du lịch; Trung tâm Y tế chuyên sâu; Trung tâm khoa học – công nghệ; Trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của miền Trung và cả nước. Là nơi hội tụ các tiềm năng, thế mạnh của đa dạng vùng miền; Có chung đường biên giới với nước bạn Lào; Nằm trên trục hành lang kinh tế Đông – Tây và có trục giao thông đường sắt, đường bộ Bắc – Nam xuyên suốt chiều dài của tỉnh; Có cảng Hàng không quốc tế Phú Bài, cửa khẩu Quốc gia A Đớt, Hồng Vân, Hải cảng Thuận An và cảng nước sâu Chân Mây – “cửa ngõ” ra biển ngắn nhất, thuận lợi nhất của các nước tiểu vùng sông Mê Kông nói riêng và khu vực Đông Á nói chung.

Nhận rõ vị trí chiến lược của Thừa Thiên Huế, năm 2009, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 48 – KL/TW về xây dựng Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020 với phương hướng chính là“Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung Ương, là trung tâm của khu vực miền Trung và là một trong những Trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch; Khoa học – công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao…”

Ngày 01/8/2014, Bộ Chính trị ban hành thông báo 175 – TB/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kết luận số 48 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020.

Qua 10 năm triển khai thực hiện kết luận 48 -KL/TW của Bộ Chính trị khóa X về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế – xã hội: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2009 – 2018 là 7,16%/năm; Quy mô nền kinh tế tăng khá từ 17.500 tỷ đồng lên 32,749 tỷ đồng, tăng 1,86 lần (theo số liệu năm 2010); Thu nhập bình quân đầu người năm 2018, đạt 1,794 USD, tăng 2,24 lần so với năm 2009, dự kiến năm 2020 là 2000 USD/người.

Thách thức và hướng đi!

Thừa Thiên Huế đang từng bước khẳng định là Trung tâm văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, khoa học – công nghệ và giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được đẩy mạnh. Hệ thống di tích lịch sử cách mạng. Quần thể di tích Cố đô huế và các danh lam thắng cảnh được giữ gìn, tôn tạo. Khẳng định được vị thế của một trung tâm du lịch lớn của quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc phát triển đôthị Huế còn nhiều hạn chế. Mục tiêu đưa thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung Ương chưa thành hiện thực. Kết quả đánh giá tiêu chí đô thị loại I theo Nghị quyết số 1210/2016/ UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy các tiêu chuẩn khó khắc phục nhất chủ yếu liên quan đến quy mô và mật độ dân số.

Vì vậy, nếu giải bài toán phát triển đẩy mạnh quy mô dân số để đảm bảo theo quy định nếu phát triển quá mức sẽ tác động tiêu cực đến các di sản và vẻ đẹp thơ mộng của đô thị Huế.

Với mục tiêu xây dựng lộ trình phát triển đôthị Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung Ương theo hướng bền vững, bảo tồn phát huy các giá trị di sản, không gian, kiến trúc cảnh quan đặc trưng của địa phương, việc nghiên cứu đề xuất tiêu chí cho đô thị có tính chất đặc thù về di sản cho đô thị Thừa Thiên Huế là cần thiết.

Tại cuộc họp, Viện trưởng Viên Kiến trúc Quốc gia  Đỗ Thanh Tùng cùng các chuyên gia đã thống nhất tập trung vào việc khẳng địnhgiá trị đặc thù của đô thị Thừa Thiên Huế trên cả 2 góc độ về di sản và lịch sử. Các chuyên gia cũng đặt vấn đề phân biệt 2 khái niệm Đô thị di sản và Đô thị có tính chất đặc thù di sản. Từ đó cũng đặt ra cần làm rõ các khái niệm về Đô thị đặc thù, đô thị đặc thù về di sản…

Trong bối cảnh chung khi các văn bản pháp quy hiện nay chưa có các định nghĩa trên, mới chỉ có các định nghĩa về Di sản đô thị, di sản Kiến trúc thì việc xác định đô thị Thừa Thiên Huế là đô thị có tính chất đặc thù về di sản là phù hợp.

Tại cuộc họp, TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Đô thị Việt Nam đã nhấn mạnh: Cần khẳng định hướng nghiên cứu hướng đến là đô thị Thừa Thiên – Huế chứ không phải chỉ là đô thị Thành phố Huế. Và việc xác định đô thị có tính chất đặc thù về di sản cần đặt ra trong tầm nhìn vĩ mô. Đô thị Thừa Thiên Huế có những đặc thù của một đô thị đặc biệt với dấu ấn lịch sử 400 năm trong lịch sử dân tộc 1000 năm và thời đại Hồ Chí Minh. Lịch sử Huế chỉ xếp sau kinh thành Thăng Long. Cũng theo TS. Lưu Đức Hải, cần xác định các vùng lõi nội thành cho tương lai với các hướng phát triển của Trung tâm Thừa Thiên Huế mang tầm vĩ mô để khẳng định vai trò, vị trí, giá trị và hướng phát triển của nó.

TS. Nguyễn Tất Thắng – Viện Kiến trúc Quốc gia nhấn mạnh: Trên thực tiễn, Huế là đô thị di sản, văn hóa là đương nhiên. Vậy đô thị Thừa Thiên Huế cần được xem xét lồng ghép các nội dung gì để nó thể hiện hết và phát huy được hết tiềm năng của nó. Vì vậy, nó cần được xem xét rộng hơn cả phần đô thị và vùng lân cận (tức là đô thị vùng đệm, bao gồm cả phần vật thể và phi vật thể).

TS. Khuất Tuấn Hưng – Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội thì cho rằng: Đô thị di sản không nên đóng băng ở một thời điểm, nhằm phục vụ cho mục tiêu trước mắt mà nó cần hướng tới ý nghĩa lớn hơn; Việc xác định thế nào là đô thị di sản, từ đó đặt ra hướng bảo tồn như thế nào là cần thiết.Với Huế, nếu quá mải mê với thành cổ… mà quên đi những yếu tố kiến trúc dân gian thì cũng sẽ là sự nuối tiếc. Từ đó đẩy lên một mức nữa đối với các đô thị di sản khác, để các địa phương thấy được cái cần hướng tới.Khi đã xây dựng xong các tính chất di sản sẽ tiến tới lồng ghép các chỉ tiêu đô thị, tiêu chí liên quan đến kinh tế xã hội, du lịch …

Một câu hỏi cũng được đặt ra: Các đô thị hiện nay đang hướng đến yếu tố dân số. Vậy đô thị di sản có cần hướng đến điều đó hay không?

Việc xác lập tiêu chí đặc thù về di sản và lịch sử của đô thị Thừa Thiên Huế sẽ góp phần khẳng định vị trí vai trò của đô thị Thừa Thiên Huế, xứng đáng là đô thị trực thuộc Trung Ương với tính chất đặc thù về di sản văn hóa và lịch sử. Đồng thời góp phần mở ra trong việc xác định các tiêu chí của một đô thị di sản và lịch sử cho các địa phương khác trên cả nước.

Minh Khôi

bình luận