Viện Kiến trúc Quốc gia công bố đề tài NCKH: “Thiết kế điển hình Nhà văn hóa thôn kết hợp điểm tránh trú bão lụt”(02/05/2024)

Viện Kiến trúc Quốc gia trân trọng giới thiệu và công bố thông tin kết quả nghiên cứu đề tài khoa học sau đây:

  • Tên đề tài: “Thiết kế điển hình Nhà văn hóa thôn kết hợp điểm tránh trú bão lụt” thuộc lĩnh vực thiết kế điển hình.
  • Cơ quan thiết kế: Viện Kiến trúc Quốc gia.
  • Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS.KTS Nguyễn Quốc Hoàng – Phòng Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ kiến trúc và các cộng sự thực hiện.
  • Năm hoàn thành đề tài: 2023
  • Hạng mục gồm: Thiết kế điển hình Nhà văn hóa thôn kết hợp điểm tránh trú bão lụt, đề tài đề xuất 06 mẫu TKĐH. Trong đó, 02 mẫu có ký hiệu NVH-MT.01-22 và  NVH-MT.02-22 (áp dụng tại khu vực Bắc Trung Bộ); 02 mẫu NVH-MT.03-22 và  NVH-MT.04-22 (áp dụng tại khu vực Nam Trung Bộ); và 02 mẫu NVH-TNB.05-22, NVH-TNB.06-22 (áp dụng tại khu vực Tây Nam Bộ).

 

TÓM TẮT:

I/ Mục tiêu, phạm vi và quy mô áp dụng:

  • Nhóm tác giả đã đề xuất các mẫu thiết kế điển hình Nhà văn hóa thôn kết hợp điểm tránh trú bão lụt có quy mô 100, 200 chỗ.
  • Đề xuất phương án tránh trí bão lụt được áp dụng cho vùng duyên hải Bắc Trung Bộ bao gồm các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, nơi chịu ảnh hưởng nhiều của bão lụt và áp thấp nhiệt đới thường xuyên với cường độ bão mạnh, nước lũ tăng nhanh. Trung bình mỗi năm có ít nhất từ 2-3 cơn bão tập trung vào tháng 8 và tháng 10. Ngoài ra, còn có các phương án phù hợp với Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ và duyên hải miền Trung.
  • Địa hình phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi các dãy đồi núi và hệ thống sông, suối, nghiêng theo hướng Tây Bắc-Đông Nam, với ba vùng sinh thái rõ rệt: miền núi, trung du, đồng bằng ven biển. Đặc điểm địa hình trên là nguyên nhân lũ lụt cho nhiều vùng, đất đai bị xói mòn nghiêm trọng.
  • Tháng mưa nhiều nhất là tháng 8, 9, số ngày mưa 15 – 19 ngày/tháng, mùa này thường kèm theo gió bão.
  • Gió mùa Đông Bắc thường xuất hiện vào mùa Đông từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, mang theo không khí lạnh, khô làm cho nhiệt độ giảm xuống 5-10 độ C so với nhiệt độ trung bình năm.
  • Gió phơn Tây Nam là một loại hình thời tiết đặc trưng cho mùa hạ của vùng Bắc Trung Bộ. Loại gió này thường xuất hiện vào tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Gió Tây Nam gây ra khí hậu khô, nóng và hạn hán, ảnh hưởng không tốt đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân

II/ Các giải pháp đề xuất áp dụng:

2.1.  Giải pháp quy hoạch tổng mặt bằng gồm:

– Quy hoạch tổng mặt bằng phân khu chức năng rõ ràng, tổ chức giao thông hợp lý, phù hợp yêu cầu sử dụng.

– Các phòng chức năng tổ chức liên hoàn trong công trình tạo quy mô hợp lý.

2.2 Giải pháp kiến trúc bao gồm:

– Phương án sử dụng hình thức kiến trúc hiện đại, kết hợp mái dốc nhiều tầng mang đặc trưng kiến trúc khu vực Bắc Trung Bộ. Đối với mái dốc mang dáng dấp nhà sản dân tộc truyền thống có cốt cao, mái rộng hiên ngoài để hạn chế gió mùa Tây Nam (gió Lào) phù hợp với vùng miền như Nghệ An, Quảng Bình…

– Hình khối công trình đơn giản, tiết kiệm tối đa diện tích đất, hạn chế cản gió và giảm thiểu tác động của gió bão lên công trình.

– Công trình có đầy đủ các phòng chức năng, với đường nét kiến trúc đơn giản, sử dụng nhiều loại vật liệu truyền thống địa phương, tạo lên một công trình kiến trúc hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.

2.3 Giải pháp kết cấu và vật liệu xây dựng:

– Kết cấu khung BTCT, tường xây gạch, mái lợp tôn với hệ đỡ là vì kèo và tường thu hồi.
– Cửa gỗ hoặc nhôm kính.

– Vật liệu: ưu tiên sử dụng các loại vật liệu có sẵn của địa phương.

2.4 Giải pháp phòng, chống thiên tai:

– Hình khối công trình đơn giản, không cản gió, kết cấu BTCT có thể chịu được tác động của gió bão.

– Kết cấu móng vững chắc, nền tôn cao. Trường hợp ngập lụt dài ngày dưới 1m, tầng 1 làm hội trường rộng; khu vực bếp, kho, y tế; có bể chứa nước mưa trên mái phục vụ sinh hoạt cho người dân. Trong trường hợp ngập lụt dâng cao, bố trí thang bộ lên mái, phần mái bằng BTCT để tập trung cứu hộ an toàn cho người dân địa phương.

– Giải pháp thu và trữ nước mưa phục vụ sinh hoạt khi công trình bị cô lập do mưa lũ.

– Giải pháp chống bão: Tiêu chí 3 cứng ( Móng- Thân- Mái ); Seno bê tông chắn mái, hạn chế các kết cấu đua dài dễ bị phá hoại của gió bão ..

III. Kết quả nghiên cứu:

Đề tài đã đưa ra 06 mẫu thiết kế điển hình

Đối với Khu vực Bắc Trung Bộ áp dụng mã NVH-MT.01-22 và NVH-MT.02-22

Đối với Khu vực Nam Trung Bộ áp dụng mã NVH-MT.03-22 và NVH-MT.04-22

Đối với Khu vực Tây Nam Bộ áp dụng mã NVH-MT.05-22 và NVH-MT.06-22

 

Nguồn: Phòng Quản lý khoa học kỹ thuật và dữ liệu – Viện Kiến trúc Quốc gia

Đức Nguyên

bình luận