Thiên nhiên-Người mẹ của muôn loài-Chúng ta cần ứng xử tôn trọng và đúng mực(21/09/2021)
TS.KTS Nguyễn Tất Thắng
Nghiên cứu viên cao cấp-Viện Kiến trúc Quốc gia-Bộ Xây dựng
Những thập niên đầu của thế kỷ 21, Thế giới không chỉ thuần túy đối mặt với những thách thức về dân số, lương thực, đói nghèo, an ninh năng lượng, môi trường và cạn kiệt tài nguyên…Mà đang phải đối mặt với những sự cuồng phong từ các thảm họa của tự nhiên như mưa bão, lũ lụt, hạn hán, động đất, dịch bệnh… Chưa bao giờ, môi trường sống lẫn hệ sinh thái tự nhiên và cách ứng xử của con người lại được quan tâm như hiện nay, trở thành mục tiêu và chiến lược coi trọng hàng đầu của các quốc gia trong quá trình phát triển.
Theo các kịch bản của biến đổi khí hậu, Việt Nam là một trong những quốc gia bị tổn thương lớn nhất từ những tác động của thiên tai, đặc biệt là từ mưa bão, lũ quét, sạt lở đất cùng với sự xâm nhập mặn từ nước biển dâng.
Đứng trước những thách thức đó – Việc nhìn nhận, xem xét, đánh giá cùng đưa ra những định hướng cho việc tạo dựng, kiến tạo môi trường sống thứ hai cho con người, sau môi trường của tạo hóa là việc hết sức cấp bách và quan trọng. Chúng không những là yếu tố tiên quyết, quyết định đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, mà còn là điều kiện, góp phần cùng chia sẻ, gánh vác trách nhiệm với môi trường và hệ sinh thái tự nhiên có tính khu vực và toàn cầu.
1.Những nguyên nhân nào đã, đang và sẽ có nguy cơ làm gia tăng thảm họa thiên tai từ tự nhiên đến cuộc sống của người dân ở Việt Nam.
Trong quá trình chinh phục thế giới tự nhiên để phát triển kinh tế xã hội, bằng việc kiến tạo không gian và vật chất thông qua các hoạt động về Quy hoạch, Kiến trúc, Xây dựng…Con người đã làm thay đổi, biến dạng vỏ trái đất, nguồn nước, hệ khí quyển, hệ sinh thái, sinh học của muôn loài. Các công trình kiến trúc, quần thể công trình được xây dựng…gắn với mọi hoạt động sống và sinh kế của con người không thể bền vững không phải vì chúng không có đủ khả năng chống chọi lại những thảm họa thiên tai từ thiên nhiên, mà là do chúng được tổ chức quy hoạch trong một kịch bản chỉ coi trọng con người lẫn phát triển kinh tế. Khai thác, chà đạp lên môi trường và hệ sinh thái tự nhiên và hầu như không được phòng thủ từ xa bởi ít được tính toán một cách có khoa học và nhân văn. Có thể dẫn chứng khái quát dưới đây:
1.1. Với môi trường và hệ sinh thái tự nhiên:
– Khai thác, chặt phá rừng, đốt rừng để di canh, di cư; Phát triển ồ ạt ở các quy mô khác nhau “thủy điện cóc” cùng với phát triển cơ sở hạ tầng về giao thông đã làm băm nát các con sông, bức tử hệ thủy sinh, làm cho diện tích rừng tự nhiên, đặc biệt là rừng đầu nguồn giảm sút nghiêm trọng. Việc đó đã dẫn đến mất rừng, mất đất, tất yếu mất khả năng điều tiết nước ở thượng nguồn, là nguyên nhân kích hoạt lũ quét, sạt lở đất cao hơn, lũ ống lũ quyét nhanh hơn, tai họa khủng khiếp hơn. Xảy ra đặc biệt ở những nơi đồi núi trọc, rừng nghèo, diện tích rừng tự nhiên thấp.
– Xây dựng hệ thống đường giao thông, công trình cùng với việc bạt núi, xẻ taluy dẫn tới mất chân và mất ổn định sườn dốc, tạo độ dốc cao hơn, mất thảm thực vật dẫn tới nguy cơ sạt lở. Thực địa cho thấy các điểm sạt lở tập trung ở sườn núi, nơi dân cư sinh sống hoặc dọc các tuyến đường, các công trình nhân tạo và theo các kiểu trượt như trượt xoay, trượt nêm, trượt phẳng, trượt hỗn hợp và trượt dạng dòng…
– Các hình thức khai thác vô tội vạ, ở cả hợp pháp và phi pháp như: Khai thác khoáng sản, đào sâu vào lòng đất, làm thay đổi cấu trúc tạo hang động, có nguy cơ làm mất sự ổn định của địa chất; Khai thác cát sỏi trên sông, tạo lở đất hai bên sông, đe dọa và thôn tính địa cư trú của người dân; Khai thác bạt đồi núi lấy đất, đá, tạo mất chân taluy, tăng độ dốc, phá hủy cảnh quan tự nhiên; Khai thác săn bắt các loại động vật quý hiếm làm mất cân bằng hệ sinh thái, có nguy cơ phát sinh các dịch bệnh; Sử dụng, lạm dụng quá nhiều hóa chất trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm ô nhiễm môi trường đất, nước ngầm, có nguy cơ hủy hoại hệ sinh thái lẫn xuất hiện dịch bệnh mới; Khai thác mạch nước ngầm vô tội vạ, làm biến dạng địa chất và hủy hoại mạch nước ngầm…
– Xả thải các hóa chất độc hại từ hoạt động sản xuất của các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất… ra ao, hồ, sông, biển. Gây ô nhiễm môi trường nước, cả nước ngọt lẫn nước mặn, ảnh hưởng đến mọi hoạt động sống của người dân.
1.2. Tại các đô thị và thành phố:
– Mất kiểm soát trong quản lý, quản trị đô thị do lạm dụng điều chỉnh quy hoạch xây dựng, phá vỡ các chỉ tiêu về mật độ dân số, mật độ cư trú, mật độ xây dựng, chiều cao xây dựng công trình. Từ đó gây áp lực lớn lên hạ tầng kỹ thuật và xã hội của đô thị như ô nhiễm không khí, lụt lội, tắc nghẽn giao thông, rác thải, cháy nổ, dịch bệnh, tệ nạn xã hội…Thiếu trầm trọng các công trình phúc lợi như nhà trẻ, trường học…Thiếu vắng các không gian công cộng và các tiện ích đô thị như công viên, cây xanh, mặt nước, không gian vui chơi giải trí… Gây nên các hiệu ứng nhà kính, nhà kín, đảo nhiệt đô thị… Làm cho chất lượng môi trường sống. tiện nghi môi trường cư trú ngày một tồitệ.
1.3. Tại các vùng nông thôn:
– Vốn được coi là nơi thanh bình nhất, với chất lượng môi trường sống lý tưởng nhất song cũng không khá hơn. Tuyệt đối hóa, nhất thể hóa và xơ cứng hóa các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, áp đặt cưỡng bức cho tất cả các vùng miền. Có xu thế đô thị hóa nông thôn. Phá vỡ các đơn vị ở theo cấu trúc làng xã, những ngôi nhà ở truyền thống, vốn được coi là những tế bào đơn vị ở cân bằng sinh thái thông qua việc tách thửa đất thổ cư, với tăng mật độ dân số, mật độ xây dựng. Phần đất canh tác nông nghiệp có xu thế hợp thửa, chuyển đổi cho doanh nghiệp, cá nhân sử dụng chuyển đổi mục đích sử dụng khác hoặc để hoang hóa, cùng với việc người nông dân ngày càng bỏ ruộng, ly nông và ly hương…
– Thiếu thốn trầm trọng hệ thống hạ tầng kỹ thuật vừa để sinh kế, vừa phục vụ cho các mô hình sản xuất tập trung theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn… Ô nhiễm không khí và nguồn nước ngầm do sử dụng vô tội vạ hóa chất trong sản xuất, khai thác không có kiểm soát nguồn nước ngầm, quy hoạch và tạo dựng các khu dân cư mới theo kiểu phố chợ, mất dần bản sắc, đồng điệu hóa từ vùng núi đến trung du và đồng bằng…
Với những thực trạng hết sức khái quát trên – Có thể nhận thấy, môi trường sống của người dân Việt nam không chỉ chịu sự tác động từ những sự biến đổi khó lường của thiên tai đến từ tự nhiên. Mà những thảm họa người dân đang phải gồng mình gánh chịu, từ đô thị đến nông thôn còn bị chi phối và tác động do chính con người tạo nên. Đó chính là “Nhân tai”, thông qua các hoạch định kiến tạo cơ chế chính sách trong phát triển và trong quản lý, quản trị… còn thiếu khoa học, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, Ngành, Địa phương… Chúng ta chỉ chú trọng đến phát triển kinh tế – xã hội mà bỏ qua, lãng quên đến môi trường tự nhiên. Đã đưa tới nhiều nguy cơ, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi có thiên tai xảy ra ở cả đô thị và nông thôn Việt Nam.
2.Những hướng đi nhằm giảm thiểu thiên tai thông qua điều chỉnh, tích hợp các yêu cầu thích ứng với thiên tai vào các đồ án Quy hoạch chung xây dựng.
Trước hết, về mặt tổng thể, cần xây dựng chiến lược cụ thể trong kế hoạch trung và dài hạn cho phát triển kinh tế – xã hội với việc coi trọng môi trường tự nhiên. Việc phát triển cần song hành với bảo vệ môi trường và thích ứng với những kịch bản của biến đổi khí hậu. Cần có quan điểm nhất quán trong việc hạn chế khai thác năng lượng hóa thạch, tăng cường phát triển công nghệ để làm chủ và khai thác các nguồn năng lượng tự nhiên, năng lượng tái tạo…Hướng mọi sự phát triển theo hướng, theo xu thế sinh thái và bền vững.
Đi đôi với chiến lược đó, cần phải xây dựng, thiết lập các bản đồ phân vùng với các mức độ ảnh hưởng lớn nhỏ khác nhau về địa chấn, lũ quét, sạt lở đất, mực nước biển dâng, diện tích nguy cơ xâm nhập mặn…ở các khu vực, vùng có nguy cơ tác động xấu của thiên tai. Đồng thời, lập các trạm quan trắc đi cùng các biển chỉ dẫn, biển cảnh báo mức độ nguy hiểm của từng loại hình thiên tai.
Với những khu vực, vùng miền như vùng núi phía Bắc, vùng miền Trung và Tây Nguyên, vùng Đông và Tây Nam bộ, là những nơi có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai, cần thực hiện ngay việc rà soát để tích hợp và cụ thể hóa các vấn đề về biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng vào các đồ án Quy hoạch chung (QHC) nhằm cụ thể hóa theo Thông tư 12/2016/TT- BXD ngày 29/6/2016 về lập nhiệm vụ và đồ án QHXD
vùng, QH đô thị và QHXD khu chức năng đặc thù. Cụ thể như sau:
2.1. Đối với vùng núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên:
– Vì các đồ án QHC được lập ở các thời điểm khác nhau, có thể trước, sau với kịch bản của BĐKH nên cần đánh giá BĐKH trong các đồ án QHC khi chưa và có xét đến kịch bản của BĐKH. Ở đó, cần xem xét các đô thị hoặc nông thôn không thể đứng đơn lẻ, cần phải đánh giá có tính chất tổng thể vùng, miền bởi các đô thị cần có sự kết nối, nương tựa, chia sẻ, gánh vác, thậm chí là thị trường, động lực của nhau… để phát triển. Nhất là các yếu tố gắn với địa hình, dòng chảy từ thượng lưu đến hạ lưu, thủy điện, khai thác khoáng sản…Cần bổ sung tổng thể và chức năng chính của từng đô thị, từ đó có cách đánh giá toàn diện hơn cho từng đô thị về những đặc trưng, đặc thù, lợi thế và tiềm năng… cũng như những thách thức, nguy cơ rủi ro lớn từ BĐKH.
– Việc đánh giá nên đúng vào đối tượng là các đồ án QHC được thể hiện theo quy trình từ lập nhiệm vụ QHC, thực hiện QHC, thẩm và phê duyệt, công bố QHC và được cụ thể hóa từ phân khu chức năng, QH sử dụng đất, QH giao thông, QH sản xuất, QH kiến trúc cảnh quan, QH hạ tầng kỹ thuật. Trong đó gồm 2phần:
+ Chưa tính đến kịch bản BĐKH: gồm các thông số về thủy văn, thiên tai…. Các thông số về cốt nền xây dựng, kiểm soát lũ, đê kè chống sạt lở, lũ quét… Lựa chọn đất xây dựng, hành lang thoát lũ, đánh giá tác động môi trường….
+ Đã tính đến kịch bản BĐKH: lựa chọn cao độ san nền để có cốt khống chế; Lập bản đồ đánh giá đất xây dựng và vị trí các khu vực: thuận lợi, ít thuận lợi, không thuận lợi hoặc cấm xây dựng; Đánh giá rộng hơn phần lưu vực của hệ thống sông suối từ thượng nguồn; Cảnh bảo các khu vực sạt lở, lũ quét… để đề xuất đê, kè phù hợp; Quản lý nguồn nước, kiểm soát lũ, tăng lưu vực, tăng diện tích trữ nước; Xem xét giải pháp thích ứng với BĐKH từ quy mô công trình, ô phố đến toàn đô thị; Bổ sung BĐKH trong phần đánh giá tác động môi trường; Thay đổi phương pháp quy hoạch linh hoạt hơn, thích ứng tốt hơn, đề cao yếu tố sinh thái, cảnh quan, khung hạ tầng chiến lược để đảm bảo tính bền vững, thích nghi.
– Đề xuất giải pháp để tích hợp vào các điều chỉnh của đồ án QHC, nên phân chia thành 3 khung độ:
+ Sàng lọc các vấn đề BĐKH lớn nhất, đặc thù nhất liên quan đến lập QHXD. Để từ đó đưa ra yếu tố trọng tâm và ưu tiên lồng ghép.
+ Đánh giá tác động của BĐKH đến nội dung của QHĐT và xác định phương án ứng phó.
+ Đề xuất giải pháp ứng phó.
– Trong đó, cần xác định rõ cái hiện hình đã có, kế thừa và cái cần lồng ghép, bổ sung. Bao gồm từ hiện trạng về điều kiện tự nhiên, dân số lao động, kinh tế, xã hội, sử dụng đất, kiến trúc cảnh quan…. Để từ đó, các tiền đề lồng ghép như mục tiêu tầm nhìn, động lực phát triển, các chỉ tiêu kinh tế -kỹ thuật, quy mô đất đai và lựa chọn vị trí xây dựng. Định hình quy hoạch không gian lồng ghép với tác động của BĐKH thông qua lựa chọn hình thái và cấu trúc phát triển đô thị, định hướng phân khu chức năng và chiến lược sử dụng đất đai…
– Từ đó, cụ thể hóa, lồng ghép hóa…. Để đề xuất, bổ sung, chỉnh sửa… Các hợp phần của đồ án QHC đô thị có thể bao gồm một số nội dung như: Cần tổ chức để tránh lũ theo dạng chuỗi, phân tán….Và nên có khoảng cách hợp lý với các dòng chảy của sông, suối…; Các công trình hạ tầng xã hội phải thực sự là chỗ tạm trú khi có thiên tai xảy ra; Bảo vệ và phát triển phủ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, Đây là giải pháp phi công trình chủ động quan trọng, giảm lũ về hạ lưu, giảm lũ quét, lũ ống; Duy trì và mở rộng hành lang thoát lũ; Có thể xây dựng các sổ tay, tài liệu hướng dẫn … để ứng phó với BĐKH cho khu vực này…
2.2. Đối với vùng Đông và Tây Nam bộ:
– Bổ sung khảo sát, phân tích đánh giá các yếu tố điều kiện tự nhiên như: Ven biển, cửa sông, cửa biển; Ven sông, ven kênh rạch; Thượng nguồn, hạ lưu; Các kiểu định cư hiện nay : Sông trước, đường sau; Đường trước, sông sau; Hai mặt là sông (nhà nổi).
– Cần làm rõ sự khác biệt lớn giữa Đông và Tây Nam Bộ trên các phương diện: Địa hình, điều kiện tự nhiên; Sự phân bố sông, dòng chảy; Vị trí tiếp giáp biển; Thổ nhưỡng, địa chất, thủy điện…Với các hình thức sinh kế cũng có đặc thù riêng như: Tây Nam Bộ chủ yếu với nông hộ, ngư hộ; Trong khi Đông Nam Bộ chủ yếu với lâm hộ (rừng, cây công nghiệp), chăn nuôi…Để từ đó, xác định các hình thức quy hoạch, cư trú… ứng với vị trí của dòng chảy, đường giao thông, đê kè… nhằm giảm áp lực dòng chảy, hoặc lấy đất xây dựng phải bù cho lưu vực của dòng chảy…
– Việc chống sạt lở bằng kè ở các bờ sông, cần dùng các hình thức cánh tay đòn để bẫy trầm tích, trầm lắng phù sa. Trước khi lựa chọn đất xây dựng cần đánh giá tác động dòng chảy để có giải pháp tối ưu về hệ thống kè. Với những khu vực nhạy cảm và có biên độ dao động lớn về mực nước ngập sâu, cần quy hoạch tổ chức sống và cư trú kiểu nhà sàn, nhà nổi. Các khu vực thượng lưu cần có quy hoạch bổ sung trồng rừng đầu nguồn.
– Các hình thức giao thông vùng ngập nước theo mùa cần bổ sung hình thức sử dụng cầu cạn. Với nhà ở, cần có nhiều mô hình quy hoạch linh hoạt như phân tán ứng với nơi có lũ, sạt lở cao. Với những khu vực có cốt đất cao, nên quy hoạch dạng tập trung, nén. Nên có nhiều mô hình theo quy hoạch theo cấu trúc thứ tự từ sông, đến đường giao thông Tỉnh lộ, đường dự phòng, rồi mới đến nhà…
Lời kết:
Việt Nam là một quốc gia nhiệt đới với đa dạng bản sắc văn hóa, được gắn kết mật thiết với điều kiện tự nhiên ở khắp các vùng miền. Không phải ngẫu nhiên mà học giả người Pháp Pierre Gourou (1900-1999) trong cuốn sách nổi tiếng“Người nông dân châu thổ Bắc kỳ” đã từng khái quát: “Việt Nam có một nền văn minh dựa trên thảo mộc và sông nước”- Nhận định sâu sắc đó cũng đúng với tổng kết kinh nghiệm của cha ông chúng ta hàng bao đời nay trong sinh kế và cùng chung sống hài hòa với thiên nhiên: “Nhất canh Trì, nhị canh Viên, tam canh Điền”.
Những nơi chốn, vùng miền của Việt Nam, vốn dĩ đã từng được mệnh danh là nơi sơn thủy hữu tình, là chốn rừng vàng biển bạc…được Mẹ Thiên nhiên khai tạo và ưu đãi, không thể lại trở thành những nơi xảy ra thảm họa đau thương và mất mát cho người dân. Tất cả sự phi lý đó, lệ thuộc ở thế hệ hậu nhân chúng ta, trong cách kiến tạo môi trường sống, đi đôi với quản lý, quản trị thông qua các thể chế, cơ chế, chính sách…cùng nhận thức và hành động trong cách ứng xử với môi trường và hệ sinh thái tự nhiên./.
bình luận