Quận Hoàn Kiếm – Km số 0, trung tâm khởi nguồn sáng tạo của Hà Nội phát triển(21/12/2023)

Km0 nằm ở vị trí bưu điện của tỉnh thành, là mốc chuẩn về giờ và điểm xuất phát của các con đường tỉnh lộ. Điểm mốc Km0 thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm dù chưa có cột mốc nhưng là Km0 của quốc gia, không chỉ là chuẩn múi giờ quốc tế, điểm xuất phát của quốc lộ mà khu vực này nơi đây đang thực sự là điểm Khởi nguồn tiên phong, lan tỏa trong mọi lĩnh vực kinh tế, thương mại, sáng tạo nghệ thuật, tiền đề phát huy nguồn lực văn hóa làm sản phẩm phát triển kinh tế. Sự phát triển mạnh mẽ vào bất kể thời điểm nào của Trung tâm đô thị đặc thù này chính là nhịp đập Trái tim, hội tụ và lan tỏa mạnh mẽ của Thủ đô Hà Nội. 

Nhà thờ Lớn Hà Nội (Nguồn ảnh: Tác giả)

VÙNG ĐẤT CỦA QUẬN HOÀN KIẾM – TRÁI TIM CỦA THĂNG LONG XƯA VÀ NAY

Khi nhắc về một Hà Nội xưa, ai cũng nhớ đến những tên gọi “36 phố phường” – những phố có chữ Hàng liên quan đến các phường nghề của đất kinh kỳ Thăng Long xưa mà đến nay vẫn còn những phố “buôn có bạn, bán có phường” những mặt hàng xưa như Hàng Bạc, Hàng Mã, Hàng Chiếu, Lãn Ông, Thuốc Bắc… với chợ Đồng Xuân là chợ đầu mối và lan tỏa mỗi phố một mặt hàng thành “chợ Trời” khổng lồ, dường như bất tận, xứng đáng là một khu vực trung tâm thị thành phát triển, đúng nghĩa “Nhất Kinh kỳ”, mọi buôn bán đều tụ hội về đây. Nhà có quy mô từ 1-2 tầng, dạng hình ống chiều rộng nhỏ, chiều sâu lớn, được chia làm các lớp trong ngoài, ngăn cách các không gian buôn bán, sinh hoạt gia đình và xưởng sản xuất bằng các sân trong lấy sáng và thoáng mát… Đó chính là vùng đất của khu phố Cổ – quận Hoàn Kiếm ngày nay.

Đình Bạch Mã – trấn Đông thành Thăng Long, Ô Quan Chưởng… là những dấu tích còn lại đến ngày nay minh chứng về một kinh thành Thăng Long xưa đã tồn tại trên vùng đất này. Vua Lê Lợi thắng giặc Minh, trả kiếm thần cho thần Kim Quy đã tạo nên tên hồ nước. Đến thời kỳ vua Lê – chúa Trịnh, khu vực phía Đông bên ngoài thành vua Lê là nơi các chúa Trịnh xây dựng Phủ và các công trình trung tâm chính trị quyền lực điều hành cai trị, vui chơi giải trí, xưởng đúc tiền (Tràng Tiền ngày nay), nơi thi học (Tràng Thi), thao diễn thủy quân trên hồ Thủy Quân (một nhánh của sông Hồng). Nơi đây cũng trở thành nơi giao thương quốc tế với các hãng tàu buôn nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan… Đó chính là khu vực hồ Hoàn Kiếm ngày nay.

Thời kỳ Pháp xâm chiếm, khi quy hoạch Hà Nội là thủ phủ của Đông Dương với mô hình thành phố vườn thì tuyến phố đầu tiên được xây dựng là phố Paul Bert (phố Tràng Tiền), kết nối Khu Nhượng địa (khu Bệnh viện 108 – Nhà hát Lớn) với Khu trung tâm chính trị, quân sự Ba Đình, làm cơ sở để hoạch định các tuyến đường dạng ô bàn cờ. Vùng đất này tiếp tục được xác định là trung tâm hành chính, chính trị, tài chính, văn hóa, thương mại của thành phố… với một loạt các công trình kiến trúc tiêu biểu được xây dựng như Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn, Ngân hàng Nhà nước, Khách sạn Métropole, Nhà khách Chính phủ, Viện Bảo tàng Lịch sử… mà đến nay đều nằm trong danh mục các công trình nghệ thuật kiến trúc giá trị. Đó chính là khu phố Pháp tại 9 phường phía Nam quận Hoàn Kiếm, một phần của Khu phố Cũ ngày nay.

Các sự kiện giành chính quyền ngày 19/8/1945, toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 tại khu vực Nhà hát Lớn, Nhà khách Chính phủ, Khu phố Cổ, chợ Đồng Xuân… cũng diễn ra trên vùng đất này.

Chợ Đồng Xuân (Nguồn ảnh: Tác giả)

Từ khi thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giải phóng Thủ đô, thống nhất đất nước, trong tất cả các đồ án quy hoạch của các thời kỳ, vùng đất này vẫn luôn được xác định là trung tâm nội đô lịch sử của Thủ đô Hà Nội, chức năng là trung tâm của thành phố Hà Nội với các trụ sở cơ quan công quyền, sở chuyên ngành thành phố, trung tâm thương mại, văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia.

Tất cả những khu vực mô tả về Khu phố Cổ – Kinh thành – Phủ chúa – Khu phố Cũ… nêu trên đều đã thành di sản đô thị – kí ức hào hùng của Thủ đô Hà Nội và đều thuộc về vùng đất ngày nay với tên gọi là quận Hoàn Kiếm. Trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam, thật hiếm có vùng đất nào hội tủ đủ diễn tiến ngàn năm của đô thị từ khi hình thành đến nay như vùng đất này.

NHỊP ĐẬP TRÁI TIM – HỘI TỤ VÀ LAN TỎA

Bảo tàng lịch sử Việt Nam (Nguồn ảnh: Tác giả)

Điểm mốc Km số 0 tại đây là nơi các con đường hội tụ, hướng về trong cả nghĩa bóng và nghĩa đen.

Khu vực hồ Hoàn Kiếm là không gian chuyển tiếp dạng hình giao thông thời trung cổ rộng 8-12m, nhà hàng phố mái ngói 1-2 tầng sát đường trong Khu phố Cổ phía Bắc sang khu quy hoạch giao thông ô bàn cờ rộng 18-20m, công trình quy mô 2-3 tầng trong khuôn viên cây xanh, hè phố có hàng cây dạng đô thị phương Tây trong Khu phố Cũ phía Nam quận Hoàn Kiếm.

Với chức năng trung tâm kinh tế tài chính, thương mại, kinh doanh buôn bán nên mọi hoạt động giao dịch nơi đây diễn ra tấp nập cả ngày đêm từ chợ Đồng Xuân – khu phố Hàng Ngang – Hàng Đào đến các trung tâm thương mại lớn Tràng Tiền; các hoạt động biểu diễn sáng đèn hàng đêm tại Nhà hát Lớn, Nhà hát múa rối Thăng Long, Nhà hát Kịch và gần đây là Nhà hát Hồ Gươm mới được xây dựng… đã minh chứng về một quận nhỏ về diện tích nhưng lại có sức sống mãnh liệt, hiệu quả kinh tế lớn và văn hóa nghệ thuật thu hút đến vậy.

Nhà hát Lớn (Nguồn ảnh: Tác giả)

Và nếu vị thế không phải là “Trái tim” thì tại sao mỗi khi có sự kiện hào hùng hay tự hào, chiến thắng kể cả chỉ là một trận cầu bóng đá khu vực, châu lục thì mọi người dân khắp nơi từ các quận huyện, thậm chí địa phương lân cận lại chỉ đổ về hồ Hoàn Kiếm để thể hiện sự hân hoan, tự hào, đến nơi này như một lời thôi thúc và lẽ tự nhiên như “máu chảy về tim” khiến mọi ngả đường hướng tới trung tâm đều tắc cứng?

Và không chỉ là một lần, một sự kiện diễn ra mà kể từ khi tuyến phố đi bộ đầu tiên của Việt Nam: Hàng Đào – Đồng Xuân năm 2004, phố ẩm thực Tống Duy Tân, mở rộng cả Khu phố Cổ và không gian xung quanh hồ Hoàn Kiếm từ 01/9/2016 đến nay thì khu vực này vẫn đều đặn và luôn rộn ràng không khí lễ hội. Vừa tạo dựng kinh tế đêm, vừa tạo nên không gian giao tiếp, sinh hoạt cộng đồng bù đắp các không gian trống, quảng trường vốn thiếu và yếu của Hà Nội.

Chính vì sức hút, sự hội tụ của vùng đất này nên để lan tỏa tính tích cực và góp phần giảm tải tập trung vào khu trung tâm Hoàn Kiếm này, Thành phố yêu cầu các quận huyện tổ chức khu vực tuyến phố đi bộ phát triển kinh tế đêm, lần lượt ra đời phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây), đảo Ngọc Ngũ Xã (Ba Đình), công viên Thống Nhất – Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng)… và gần đây nhất là phố đi bộ Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân).

Phố Bích hoạ Phùng Hưng

THÀNH CÔNG KHÔNG DỪNG LẠI

Hà Nội có các danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô anh hùng” và từ ngày 30/10/2019, Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Thủ đô Hà Nội là Thành phố sáng tạo, thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đây là vinh dự, sự bổ sung quý giá vị thế Hà Nội, là cơ hội phát huy mạnh mẽ các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, sớm trở thành đô thị sáng tạo, trung tâm dịch vụ chất lượng cao của khu vực và thế giới.

Đồng hành trong tổng thể các đề án lớn của Thành phố xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo”, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức các sự kiện, cuộc thi quy mô lớn, thu hút sự tham gia trong và ngoài nước… nhằm cụ thể hóa chương trình.

Với độ đậm đặc về di tích, cảnh quan, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt là Khu vực hồ Hoàn Kiếm – đền Ngọc Sơn và đình Bạch Mã – trấn Đông thành Thăng Long… quận Hoàn Kiếm tiếp tục bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích, phục hồi các nghi lễ, lễ hội truyền thống, cùng hợp tác các nghệ sỹ trong và ngoài nước tạo dựng phố bích họa Phùng Hưng, phố Sách 19/12, nghệ thuật trang trí đường phố ven sông Hồng… Đồng thời, đưa các chức năng mới vào không gian xưa như Hội quán Quảng Đông 22 Hàng Buồm thành Trung tâm văn hóa nghệ thuật Hà Nội, các không gian trống Đông Kinh Nghĩa Thục hay Vườn hoa Chí Linh… trở thành những không gian sáng tạo kiến trúc thế hệ mới như pavilion vào mỗi cuối tuần…

Tất cả tạo nên những sản phẩm văn hóa mới, thỏa sức sáng tạo cho thanh niên, phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của mọi tầng lớp nhân dân. Sự liên tục và đều đặn, sáng tạo và thu hút ngày đêm – đó chính là dòng chảy không ngừng của quận Hoàn Kiếm – Trái tim Thủ đô.

Những thành công đó sẽ không dừng lại khi vị thế Hoàn Kiếm đã là Km số 0 – Trái tim của khởi nguồn sáng tạo. Những đề xuất mới sẽ tiếp tục được kết hợp, nghiên cứu để có những sản phẩm mới cho việc phát triển kinh tế dựa trên những lợi thế tính chất trung tâm Thủ đô và yếu tố về văn hóa.

Nhà tù Hoả Lò (Nguồn ảnh: Tác giả)

Những công trình kiến trúc giá trị không chỉ là trong Khu phố Cổ mà kiến trúc Khu phố Cũ: Nhà hát Lớn, Tòa án nhân dân, Đại học Tổng hợp… sẽ được đưa vào tour du lịch khám phá kiến trúc. Tour đêm khám phá nhà tù Hỏa Lò – chứng nhân lịch sử, sẽ có thêm thời gian tham quan trụ sở Tòa án tối cao liền kề. Cây cầu Long Biên sẽ kể câu chuyện lịch sử hơn 100 năm bên cạnh những khu vực vui chơi đêm rộn ràng ngay cạnh chợ hoa quả Long Biên mà không ảnh hưởng dân cư khu vực, hay vùng ven, bãi giữa sông Hồng, những vòm cầu dẫn lên ga Long Biên, những không gian tầng cao của các chợ Đồng Xuân, Hàng Da sẽ được khai thác ngày đêm…; Những khu ẩm thực, ăn uống, tuyến phố đi bộ Tạ Hiện, Hàng Bè, Tống Duy Tân… được bổ sung mái che tạo nên sự hấp dẫn, tấp nập ngày đêm và thích ứng mọi khí hậu, thời tiết…

Tất cả sẽ có những câu chuyện mới của một Thành phố sáng tạo theo đúng nghĩa.

Mỗi một khu vực có di tích, điểm văn hóa được chăm chút sẽ kích hoạt cả khu vực phát triển, thu hút du khách đến, níu kéo du khách ở lại và trả thêm chi phí góp phần cho đời sống dân cư khu vực đó văn minh và được nâng cao… đó cũng chính là hiệu quả kinh tế từ văn hóa.

Tổng thống Pháp thăm đình Kim Ngân (Nguồn ảnh: Tác giả)

Văn hóa là tiềm năng, làm nền tảng tạo ra những giá trị mới, có thể không là sản phầm có hiệu quả kinh tế ngay. Những lệ phí tham quan cũng không thể đủ cho việc duy tu bảo dưỡng di tích, chứ chưa nói chuyện đến những chi phí kỹ thuật, nhân viên vận hành, khai thác. Nhưng tiềm năng văn hóa được đầu tư và khai thác sử dụng từ điểm tham quan đến nghệ thuật biểu diễn đã góp phần làm tăng giá trị thương hiệu – mã định danh của quận Hoàn Kiếm.

Trên thế giới có những quốc gia nhỏ, rất nhỏ nhưng vẫn được tôn vinh, tôn trọng và du khách mọi người đều kéo đến. Và tại Hà Nội, quận có diện tích nhỏ nhất là Hoàn Kiếm với 5,35km2, nằm trong top các quận có diện tích nhỏ nhất Việt Nam nhưng lại là quận trung tâm – giá trị thương hiệu và lịch sử thì đúng nghĩa là quận “bé hạt tiêu”, “bé mà có võ”, đầy đặn lịch sử, truyền thống. Chính vì vậy, không thể vì bất kể một căn cớ nào làm mất đi cả vùng đất minh chứng cả quá trình hình thành và phát triển của Hà Nội ngàn năm, nơi mà địa danh – trái tim cổ của đất Thăng Long cũng như của Thủ đô ngày nay luôn đập mạnh mẽ.

Rồi tới đây khi cột mốc Km số 0 được xây dựng ở khu vực này thì quận Hoàn Kiếm là tọa độ chắc chắn phải đến. Và nếu ai đó đến Hà Nội mà không check in tại hồ Hoàn Kiếm, không cùng tham dự các hoạt động đa dạng, sáng tạo náo nhiệt ngày đêm thì có được công nhận là đã đến Thủ đô của nước Việt Nam này không? Câu trả lời chắc chắn là Không./.

Ths.KTS Nguyễn Phú Đức

bình luận