Hà Giang với những kiến trúc bản sắc giá trị(28/04/2023)

Hà Giang có khoảng 20 đồng bào dân tộc anh em cùng sinh sống. Với địa hình khí hậu đa dạng từ trung du, bình nguyên, ven sông, suối ngược lên các cao nguyên đá độ dốc lớn cũng như các đỉnh núi điệp trùng… đã hình thành các loại hình kiến trúc bản sắc riêng biệt, phù hợp với dân tộc, văn hóa, khai thác vật liệu địa phương và tận dụng được sức người tại chỗ. Tất cả tạo nên những giá trị đa sắc màu – bản sắc kiến trúc Hà Giang.

Những năm gần đây, Hà Giang – vùng đất phía cực Bắc của Tổ quốc, nơi mà thiên nhiên với vẻ đẹp nguyên sơ của cao nguyên đá – công viên địa chất toàn cầu, sông Nho Quế, hẻm Tu Sản, các mùa hoa, ruộng bậc thang đổ nước tháng 5 hay lúa chín tháng 10… và các công trình mộc mạc của các bản làng dân tộc… đã ngày càng trở thành điểm đến thu hút mọi du khách trong và ngoài nước. Nhiều khu vực với bản sắc kiến trúc đã được nhiều người biết, tìm đến: Quy mô nhỏ thì từng nhà dân trong các bản, lớn hơn là cả cụm nhà hay cả bản, làng như các bản Lô Lô Chải, Ma Lé (Lũng Cú – Đồng Văn), Lao Xa, Thiên Hương (Đồng Văn), Sủng Là, Phó Bảng…; dãy nhà hàng phố – Phố Cổ bên Chợ Đồng Văn xưa…

Hà Giang đã quan tâm đến việc bảo tồn, tôn tạo các công trình có kiến trúc giá trị: Từ việc tôn tạo, bảo tồn các công trình riêng lẻ, có giá trị về nghệ thuật kiến trúc như Dinh thự vua Mèo, ngôi nhà dựng phim “chuyện của Pao” ở Sủng Là, cà phê Phố Cổ Đồng Văn… đến cả tuyến phố như Phố Cổ Đồng Văn được đầu tư, cải tạo chỉnh trang toàn tuyến với nhà trình tường quy mô 1-2 tầng lớp ngoài.

Nhà của Pao

Bên cạnh đó, nhiều công trình mới được xây dựng, phục vụ các hoạt động du lịch và du khách với đủ các loại hình chức năng: từ nhà ở, homestay, resort, khách sạn đến điểm ngắm cảnh, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà trưng bày hay lớn hơn là các không gian làng văn hóa dân tộc. Ngoài những công trình xây dựng cao tầng, mái bằng bê tông cốt thép án ngữ cảnh quan, không ăn nhập, thậm chí phá vỡ cấu trúc khu vực, tỷ xích công trình – cảnh quan cũng như không gắn kết với bản sắc đặc trưng vốn có của Hà Giang thì cũng xuất hiện các dự án lớn như nhà cộng đồng, resort, công trình khai thác các yếu tố, hình ảnh dân tộc đặc trưng các dân tộc như nhà trình tường hoặc màu sắc vỏ ngoài công trình như màu đất, mái dốc hoặc lợp ngói âm dương hoặc tôn, tranh, cọ. Vậy, có phải Hà Giang chỉ duy nhất có nhà trình tường đất là bản sắc đặc trưng cho kiến trúc Hà Giang?

Thử điểm qua những kiến trúc đặc trưng vốn có và những công trình xây mới.

CÁC KIẾN TRÚC GIÁ TRỊ, ĐẶC TRƯNG HÀ GIANG

Nhà tường trình đất – Một ngôi, một tầng

Đây là dạng phổ biến, nhà 3 mặt thưng kín, cửa chỉ mở một phía mặt chính; không gian 1 tầng, có gác chạn, bao gồm cả bếp, ăn, ngủ, sinh hoạt trong cùng một không gian mái âm dương, chân móng có thể bằng đá, tường rào xếp đá.

Khu vực có nhiều công trình dạng này là các bản Lô Lô Chải, Thiên Hương, Ma Lé…, hầu hết là của đồng bào dân tộc Mông, Lô Lô.

Dân tộc Mông đã hàng trăm năm nay sống trên các triền núi đá cao, khí hậu lạnh khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến kiến trúc nhà ở truyền thống, hình thành nên nét độc đáo trong văn hóa kiến trúc của ngôi nhà trình tường bằng đất, lợp ngói hay lợp lá tranh phù hợp với cuộc sống của họ, với ưu điểm vừa giữ ấm về mùa đông, mát mẻ trong mùa hè và lại có thể chống được kẻ gian, thú dữ… Để trình tường nhà, phải có những chiếc khuôn gỗ có chiều dài 1,5m, rộng 0,45-0,5m. Khi trình tường, người ta đổ đất đầy khuôn gỗ, dùng những chiếc vồ nền chặt đất. Đất dùng để trình tường phải được loại bỏ sạch rễ cây, đá to, cỏ rác. Khi tiến hành trình tường, huy động nhiều nhân lực trong làng đến giúp; khuôn nọ nối tiếp khuôn kia cho đến khi hoàn thành.

Lô Lô Chải

Nhà tường trình đất – Nhiều ngôi, hai tầng

Các lớp công trình thiết kế dạng phòng thủ với hàng rào đá vây quanh, các công trình hướng vào trong, các ngôi hai tầng với các chức năng riêng biệt. Nhà có khuôn viên lớn, sân vườn bao quanh. Các khối công trình: Khu khách, bếp ăn, các khu ngủ của các thế hệ, khu chăn nuôi, các lớp sân ngoài – trong.

Quy mô 02 tầng. Tầng 1 trên nền đất cao, tường trình đất kín phía quay mặt ra giao thông chính, thưng gỗ phía quay vào sân trong. Cả 02 tầng tường trình nhưng có thể tầng 2 là thưng ván gỗ. Chủ nhân các ngôi nhà này là những người có quyền lực, thế lực trong cộng đồng, nhà giàu có và có nhiều thế hệ, gia đình, tầng lớp cùng sinh sống: Dinh thự vua Mèo (thung lũng Sà Phìn, xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn là một trong những ngôi nhà cổ ở Hà Giang được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ 19), Chúng Pủa – Mèo Vạc, nhà cổ họ Vừ bản Lũng Táo – Đồng Văn Tường, nhà phim “Chuyện của Pao” ở Sủng Là… Các ngôi nhà này của đồng bào Mông.

Nhà hai tầng: tầng 1 tường trình đất, tầng 2 thưng gỗ

Tập trung ở xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ của người Dao Chàm hay Dao áo dài. Cấu trúc ngôi nhà tương tự như của người Mông nêu trên nhưng hầu hết mái lợp tranh, không lợp ngói âm dương có thể do chủ nhân chưa có điều kiện.

Phố cổ Đồng Văn

Nhà tường trình đất phố chợ, hàng phố hai tầng

Tường trình đất, các nhà sát nhau tạo thành hàng phố. Tầng 1 cao kinh doanh, tầng 2 sàn gỗ thấp hơn làm nơi ở, có mái ngói âm dương. Tầng 1 bậc thềm thấp thuận tiện việc mua bán, kinh doanh. Các khu vực có tuyến đường giao thông chính đi qua, chợ phiên buôn bán lớn: Đồng Văn (khu phố chợ của người Tày, Mông, Hoa), Mèo Vạc, Khâu Vai, Vinh Quang (Hoàng Su Phì), Quản Bạ… Phố cổ Đồng Văn đã được hỗ trợ đầu tư cải tạo chỉnh trang tạo thành tuyến phố thuần chất, bản sắc, ấn tượng với du khách, cần mở rộng thêm các khu liền kề và nhân rộng mô hình này ở các khu vực có đặc điểm tương tự trên địa bàn toàn tỉnh Hà Giang.

Nhà sàn gỗ 2 tầng

Loại nhà của các dân tộc Tày, Nùng (Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Mê, Xín Mần), dân tộc Giấy (Ma Lé – Đồng Văn), La Chí (Hoàng Su Phì)… Các nhà sàn quần tụ thành những bản làng ấm cúng. Với truyền thống sinh hoạt và để hoà nhập với tự nhiên, chống chọi sự đe doạ từ thiên nhiên, thú dữ, trộm cướp… nhà sàn được dựng với những vật liệu sẵn có từ tự nhiên như gỗ, mây, lá cọ, tre, vầu, cỏ tranh…

Ngôi nhà sàn truyền thống có chiều cao sàn cách mặt đất khoảng 2-2,2m phòng tránh thú dữ và làm nơi cất trữ lương thực. Nhà sàn là một mô hình khép kín bao gồm cả bếp ăn. Quy mô thường làm ngôi nhà sàn to, từ 04-05 gian, nhà có điều kiện nhân lực, vật chất thì 07 gian, 09 gian, cột, kèo to lớn, gỗ bưng vách, làm sàn, cầu thang loại gỗ tốt… Nhà nào ít điều kiện thì làm ngôi nhà nhỏ 03 gian 02 chái cộng với sàn ngoài trời phơi thóc… Bếp nấu đặt ở vị trí trung tâm. Khói từ bếp củi làm lương thực tránh được sâu, mọt, giúp cho mùa đông tránh được giá lạnh. Với nhà sàn mùa hè thoáng mát, khi mưa không ẩm ướt và tránh được nhiều bệnh tật lây lan… Thang của người Giấy thì đi ngang ngay phía trước mặt ngôi nhà. Thang người Tày đi bên hông.Ngôi nhà sàn đẹp là ngôi nhà lưng quay về núi, mặt hướng ra đồng ruộng, trước nhà có thêm ao thả cá, tạo nên phong thủy hài hoà.

Những ngôi nhà truyền thống trên đã được đồng bào các dân tộc truyền đời xây dựng theo tập tục, văn hóa, phù hợp địa hình, khai thác tận dụng vật liệu địa phương và đặc biệt là tận dụng sức người tại chỗ. Mỗi ngôi nhà được dựng lên là công sức chung tay của họ tộc, anh em, hàng xóm nghĩa tình. Ngày nay, đây cũng là yếu tố lớn ảnh hưởng đến việc xây dựng, khôi phục loại hình công trình này khi thanh niên hầu hết đã có công ăn việc làm không ở nơi chốn sinh ra, hoặc nếu có xây dựng thì chi phí nhân công lại quá cao.

Dinh thự họ Vương

NHỮNG CÔNG TRÌNH XÂY MỚI

Làng văn hoá du lịch cộng đồng thôn Pả Vi Hạ – xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc

Quần thể kiến trúc trên quy mô diện tích trên 27.000m2, liền kề với khu dân cư. Công trình theo dạng nhà trình tường của đồng bào Mông, gồm các hạng mục chính như Nhà văn hóa 05 gian và nhà trưng bày sản phẩm 03 gian thiết kế theo kiến trúc nhà khung gỗ.

Đây là điểm thu hút khách du lịch về cả không gian mới mà thuần chất, hài hòa, gắn kết với khu dân cư hiện có, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho bà con. Tuy nhiên, qua đợt dịch Covid-19, cũng cần tăng cường chức năng để nơi đây khai thác trở thành điểm đến hấp dẫn kể cả ban đêm với trung tâm lễ hội, âm nhạc, ẩm thực Mèo Vạc, không gian họp chợ, nâng cao kiến thức, sản phẩm nghề thủ công, truyền thống: đan lát quẩy tấu, thêu thổ cẩm lên các sản phẩm may mặc.
Khu nghỉ dưỡng H’Mông Village Resort – Tráng Kìm, Quản Bạ

Khu đất 20ha này là địa điểm du lịch mới những năm gần đây. Chủ nhân cố gắng xây dựng công trình mang hơi hướng hình ảnh của các dân tộc Hà Giang với những dãy nhà xây mới nhưng có lớp màu vôi tựa nhà tường trình đất màu vàng thổ và mái ngói âm dương. Các homestay trên sườn cao hơn được tạo hình với hình ảnh những chiếc gùi, đan xen với rừng cây đào, cây mận. Các chức năng đáp ứng nhu cầu của du khách cũng được hoàn thiện như bể bơi vô cực với hệ thống nước khoáng tự nhiên, không gian biểu diễn, giao lưu…

Chúng Pủa Homestay Mèo Vạc

Với vị trí bên các sườn núi cao ôm trọn rừng đá, tầm nhìn bao quát cả thiên nhiên ở thung lũng Tráng Kìm, dòng sông Miện và dãy núi của Quản Bạ, luôn biến đổi trong ngày khi bình minh lên, mây vờn đỉnh núi cũng như khi hoàng hôn. Hình ảnh kiến trúc là sự mày mò mong muốn cái mới của chủ đầu tư. Dự án góp phần đánh thức cả một vùng cùng phát triển nhưng về kiến trúc cần có những nghiên cứu sâu hơn về bản sắc cũng như cấu trúc, để không chỉ là phần xác – vỏ công trình mà cả đến phần hồn cũng mang được hơi thở đặc trưng: tỷ xích công trình trong không gian cảnh quan, cầu thang lớn đi thẳng vào bề mặt công trình, chiều cao các tầng quá lớn…
Quy mô nhỏ nhưng ở vị trí cảnh quan đẹp là các điểm ngắm cảnh đang mọc lên: Panorama ngắm sông Nho Quế, các điểm ngắm cảnh ruộng bậc thang bản Phùng – Hoàng Su Phì… hoàn toàn là nhà bê tông mái bằng, cho dù có sơn màu sắc giả lẫn vào thiên nhiên thì đây cũng là những công trình phá hoại cảnh quan tự nhiên cũng như bản sắc kiến trúc Hà Giang.

Còn ở trong các khu vực đô thị, thị trấn, thị tứ thì thực sự việc xây dựng không tiếp nối bản sắc đã diễn ra với các công trình mẫu nhà của người dưới xuôi của các dân tộc, kể cả kiến trúc giao thoa ảnh hưởng của phương tây như kiến trúc Pháp cũng được sao chép đem về xây dựng tạo ra sự đột phá phá vỡ cấu trúc cảnh quan chung.

ĐÔI ĐIỀU BÀN LUẬN

Chắc chắn Hà Giang vẫn luôn là điểm du lịch hấp dẫn du khách vì địa thế, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, đồng bào dân tộc nơi đây. Việc mua bán đất đai, đầu tư xây dựng công trình phục vụ du lịch cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế tại đây cũng sẽ diễn ra nhanh, mạnh, sâu rộng, nhất là các khu vực thuận lợi về giao thông và có giá trị về cảnh quan. Để mỗi người đã đi Hà Giang là ấn tượng và về là nhớ, vương vấn và quay trở lại, chắc chắn việc quản lý, kiểm soát, cảnh quan trong đó có kiểm soát các công trình xây dựng là điều không thể thiếu. Cụ thể những việc sau đây:
Về bảo tồn

Thực hiện theo Luật Kiến trúc: Tiến hành kiểm đếm, lập danh mục các loại hình công trình kiến trúc có giá trị, đặc trưng của từng dân tộc, kể cả xác định các quần thể, khu vực công trình có độ tương đồng về chủng loại, vật liệu, nguyên gốc cũng như từng công trình nhỏ lẻ như khu vực trung tâm phố cổ Đồng Văn, các bản Lô Lô Chải, Thiên Hương, Ma Lé (Đồng Văn), Phố Cáo, Phó Bảng, Lao Xa, Sủng Là, các khu vực dân cư dọc tuyến đường chính từ quốc lộ 2 sang 4C nối các huyện Quản Bạ – Yên Minh – Đồng Văn – Mèo Vạc; Lập hồ sơ từng công trình phục vụ công tác bảo tồn, tôn tạo, chỉnh trang, đặc biệt là các công trình quy mô lớn, giá trị về kiến trúc như công trình Lũng Táo.

Ma Lé

Về quy hoạch

Lập quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, thậm chí tổ chức thiết kế đô thị đối với các khu vực có giá trị về cấu trúc quy hoạch, loại hình kiến trúc để gìn giữ bảo tồn công trình hiện có, cải tạo chỉnh trang những hạng mục đảm bảo tính hài hòa, đồng nhất về chủng loại, vật liệu mỗi khu vực… cũng như để kiểm soát phát triển xây dựng mới, nhất là các khu vực liền kề tuyến giao thông chính, các điểm dân cư có tầm nhìn quan sát từ xa, từ trên cao như Sủng Là, Thiên Hương, Ma Lé…

Về cảnh quan

Xác định các điểm có giá trị về cảnh quan để khoanh vùng bảo vệ, kiểm soát phát triển đầu tư xây dựng, không để diễn ra việc vi phạm xây dựng như công trình điểm ngắm cảnh Panorama trên con đường Hạnh phúc ngắm toàn cảnh sông Nho Quế mà đến tận bây giờ vẫn không xử lý dứt điểm.
Về thiết kế

Tổ chức các cuộc thi về thiết kế mẫu, điển hình đối với các thể loại công trình của từng khu vực, phục vụ nhu cầu cuộc sống dân cư cũng như phục vụ phát triển kinh tế, sản xuất và du lịch, đảm bảo vừa khai thác, phát huy các giá trị, bản sắc dân tộc vừa đáp ứng nhu cầu không gian, sử dụng hiện đại với kết cấu, vật liệu mới; Cải tạo chỉnh trang các hạng mục, lớp kiến trúc phía ngoài cả về màu sắc, vật liệu các khu vực tuyến phố tạo hình ảnh, bản sắc mới chuyên biệt cho các khu phố của các đô thị dọc các tuyến giao thông chính: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc… như đã từng triển khai tốt đối với phố cổ Đồng Văn.

Lũng Táo

Tăng cường chức năng công trình phục vụ cộng đồng

Nghiên cứu tạo dựng các không gian sáng tạo cho mỗi khu vực nhằm khai thác tối đa lợi thế vị trí, cảnh quan, phát triển kinh tế đêm… thu hút khách du lịch như không gian âm nhạc, ẩm thực tại phố chợ Đồng Văn, khu cắm trại tại 11 cây đa di sản Thiên Hương, cột cờ Lũng Cũ, các khu vực ngắm cảnh quan ruộng bậc thang bản Phùng, Hoàng Su Phì; Bổ sung các chức năng các công trình sinh hoạt động đồng, nhà văn hóa đã xây dựng để thành nơi sinh hoạt hàng ngày cho dân cư trong việc trưng bày, giới thiệu cũng như nâng cao chất lượng nghề thủ công, phục vụ sinh hoạt hàng ngày cũng như sản phẩm du lịch; Xây dựng mới, bổ sung các công trình thiết yếu như nước uống, vệ sinh công cộng phục vụ cộng đồng dân cư cũng như khu vực công cộng, có du khách.

Dù là đã muộn và chậm, nhưng nếu không ngay từ bây giờ tập trung thực hiện, triển khai đồng loạt, quyết liệt các công việc trên thì chắc chắn trong một thời gian ngắn, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ sẽ bị che lấp, hủy hoại; bản sắc kiến trúc Hà Giang sẽ nhạt nhòa, trộn lẫn như đô thị phát triển tự phát, không để lại ấn tượng, cảm xúc và khó có thể thu hút khách quay trở lại những lần tiếp theo sau chuyến check-in điểm cực Bắc – Cột cờ Lũng Cũ./.

Bài và Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức

bình luận