Dự án xây dựng mô hình kiến trúc nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc(30/10/2021)

TS Lý Văn Vinh, Ths. KTS Nguyễn Tuấn Minh

Phòng NCLLPB&LSKT – Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng

Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, nông thôn nước ta đã đạt được những kết quả khá toàn diện và to lớn. Nông nghiệp tiếp tục phát triển với tốc độ cao theo hướng sản xuất hàng hoá. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề. Kết cấu hạ tầng xã hội được tăng cường; bộ mặt nhiều vùng nông thôn thay đổi. Ðời sống vật chất và tinh thần của dân cư các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện.

Tuy nhiên, công tác QHXD điểm dân cư nông thôn thực hiện còn hạn chế, xây dựng nông thôn còn mang tính tự phát, chủ yếu đáp ứng nhu cầu trước mắt, hạn chế tầm nhìn về lâu dài, thiếu tính đồng bộ và thống nhất trong phát triển. Một số vấn đề bất cập trong xây dựng nông thôn nảy sinh trong quá trình phát triển như môi trường điểm dân cư thiếu bền vững, đang dần đánh mất bản sắc; công nghiệp nông thôn, làng nghề mới phát triển thiếu khả năng cạnh tranh; môi trường trong các làng nghề truyền thống xuống cấp…

Dự án nghiên cứu mô hình: “QH-KT làng xã NTM vùng đồng bằng sông Hồng & Trung du, miền núi phía Bắc” đã nghiên cứu và đưa ra các nguyên tắc tổ chức không gian quy hoạch – kiến trúc làng xã trên cơ sở xác định cơ cấu sản xuất phù hợp khai thác thế mạnh địa phương, mức độ ảnh hưởng đô thị hoá và khả năng áp dụng khoa học công nghệ (tiết kiệm năng lượng, cấp nước sạch, xử lý nước thải, xây dựng) nhằm đảm bảo:

–         Quy hoạch xây dựng phù hợp với mô hình sản xuất, đưa kinh tế nông thôn phát triển, bảo vệ môi trường sinh thái;

–         Điều kiện sống của người dân được cải thiện (không gian ở – sinh hoạt hợp lý, hệ thống hạ tầng xã hội – kỹ thuật hiện đại);

–         Bảo tồn giá trị truyền thống (nét văn hóa, cảnh quan môi trường xung quanh).

Các tiêu chí trên phù hợp với chiến lược phát triển KTXH của vùng đồng bằng sông Hồng & Trung du, miền núi phía Bắc cũng như mục tiêu đề ra của chương trình khoa học & công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 đã được chính phủ phê duyệt.

Hiện nay BCHTW Đảng đang tiến hành tổng kết nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạp chí kiến trúc Việt Nam xin giới thiệu một số kết quả đạt được của dự án: “Xây dựng, mô hình quy hoạch – kiến trúc làng xã nông thôn mới vùng đồng bằng sông Hồng, Trung du miền núi phía Bắc” do phòng nghiên cứu LLPB kiến trúc – Viện Kiến trúc Quốc gia thực hiện từ năm 2015 – 2017. Dự án được nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới thăm và cho ý kiến chỉ đạo nhân dịp tổng kết.

Bên cạnh những nghiên cứu hướng dẫn mô hình quy hoạch kiến trúc làng xã nông thôn mới, dự án đã đạt được một số kết quả cụ thể trong công tác quy hoạch kiến trúc, sử dụng khoa học công nghệ ứng dụng tại 3 xã điểm: Hồng Vân – Hà Nội; Văn Lang – Phú Thọ; Tân Trào – Tuyên Quang, kết quả như sau:

–          Ứng dụng phát huy hiệu quả các công nghệ xây dựng: gạch không nung, sàn Bubble deck, xử lý nước thải sử dụng vật liệu sinh thái EBB, tôn cách nhiệt;

–          Xây dựng phương án quy hoạch – kiến trúc, xây dựng công trình công cộng & nhà ở cho 3 xã điểm xây dựng nông thôn mới xem như mô hình trình diễn làm cơ sở cho việc triển khai, đẩy mạnh công tác xây dựng nông thôn mới;

–          Hướng dẫn quy trình triến hành thực hiện mô hình quy hoạch – kiến trúc làng xã nông thôn mới;

–          Đề xuất cơ chế chính sách đảm bảo việc triển khai & nhân rộng mô hình trên địa bàn cả nước.

MohinhKT-H11. Về quy hoạch

Dự án đã đưa ra nguyên tắc và cơ cấu quy hoạch như sau:

1.1. Nguyên tắc quy hoạch

–          Quy hoạch chi tiết khu vực nghiên cứu phải phù hợp với quy hoạch chung nông thôn mới đã được phê duyệt;

–     Cập nhật các dự án đang triển khai trong khu vực nghiên cứu;

–     Tổ chức không gian hài hòa trong khu trung tâm xã, ở và dịch vụ;

–     Bố trí đồng bộ, đầy đủ hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo việc hình thành khu trung tâm xã, ở và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của dân cư trong tương lai;

–     Tận dụng điều kiện địa hình, cảnh quan sẵn có để tạo không gian đa dạng.

1.2. Phương án cơ cấu quy hoạch

MohinhKT-H2

Hình 2: Quy hoạch chi tiết 1/500 khu hành chính, ở, dịch vụ xã Hồng Vân – Hà Nội

–          Tạo ra khu trung tâm xã chất lượng cao, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thân thiện với môi trường và bền vững;

–          Các khu chức năng liên kết chặt chẽ với hệ thống giao thông liên hoàn;

–          Không gian kết hợp hệ thống cây xanh,khu ở là các không gian chính, chủ đạo.

MohinhKT-H3

Hình 3: Quy hoạch chi tiết 1/500 khu trung tâm xã Văn Lang – Phú Thọ

2. Về Kiến trúc

Đề xuất các mẫu nhà ở tại các vị trí khác nhau đáp ứng nhu cầu ở, sinh hoạt, sản xuất theo hướng văn minh hiện đại, truyền thống.

MohinhKT-H5MohinhKT-H6 MohinhKT-H8.1

MohinhKT-H9

3. Vật liệu, công nghệ xây dựng công trình công cộng cho 3 xã điểm trong dự án

3.1.  Sử dụng gạch không nung

Công nghệ gạch không nung được sử dụng xây dựng nhà văn hóa xã Hồng Vân – Hà Nội.MohinhKT-H10

Gạch không nung là một loại gạch mà sau chế tác định hình, không phải sử dụng nhiệt để nung nóng đỏ viên gạch nhằm tăng độ bền của viên gạch. Độ bền của viên gạch không nung được gia tăng nhờ lực ép vào viên gạch và thành phần kết dính của chúng.

Gạch có kích thước: 210x110x60. Quá trình sử dụng, do các phản ứng hoá đá của nó trong hỗn hợp tạo gạch sẽ tăng dần độ bền theo thời gian. Tất cả các tổng kết và thử nghiệm trên đã được cấp giấy chứng  nhận: độ bền, độ rắn gạch không nung tốt hơn gạch đất sét nung đỏ và đã được kiểm chứng ở tất cả các nước trên thế giới: Mỹ, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản.

Vật liệu dùng để chế tạo gạch không nung là các loại vật liệu bị thải loại qua các quá trình gia công, sản xuất khác nhau, sẵn có, rẻ tiền, giá thành cho các nguyên vật liệu này thấp khi có nhiều nguồn cung cấp trong ngành công nghiệp phế thải.

3.2.  Công nghệ sàn Bubble Deck

Sử dụng trong việc xây dựng trường mầm non Văn lang – Phú Thọ.

Công nghệ sàn BubbleDeck có thể được mô tả một cách đơn giản là một hệ sàn phẳng hiệu quả, làm giảm chi phí và thời gian xây dựng. Những tiết kiệm về thời gian và tiền bạc được tạo ra nhờ hệ sàn BubbleDeck đã loại bỏ sử dụng dầm trong kết cấu bê tông, làm giảm đáng kể kích thước (hoặc số lượng) cột vách chịu lực cần thiết.

BubbleDeck được coi là công nghệ sàn mang tính cách mạng trong xây dựng khi sử dụng các quả bóng bằng nhựa tái chế để thay thế phần bê tông không tham gia chịu lực ở thớ giữa của bản sàn, làm giảm đáng kể trọng lượng bản thân kết cấu và tăng khả năng vượt nhịp. Bản sàn BubbleDeck phẳng, không dầm, liên kết trực tiếp với hệ cột, vách chịu lực có nhiều ưu điểm về kỹ thuật và kinh tế.

MohinhKT-H11

3.3.  Công nghệ xử lý nước thải sử dụng viên vật liệu sinh thái EBB

Áp dụng cho xây dựng hệ thống xử lý nước thải ở xã Tân Trào – Tuyên Quang, đảm bảo vệ sinh môi trường, chi phí thấp, hiệu quả cao.

MohinhKT-H12

Công nghệ sinh học xử lý nước thải sử dụng viên EBB là công nghệ tiên tiến của Nhật Bản đã được viện công nghệ môi trường nghiên cứu ứng dụng trong điều kiện Việt Nam trong 2 năm trở lại đây. Nước xả ra nguồn tiếp nhận đạt cột B QCVN 14:2008/BTNMT Quy chuẩn quốc gia đối với nước thải sinh hoạt, có thể sử dụng tưới cho cây trồng. Chi phí thấp, tiện sử dụng & bảo dưỡng trong quá trình vận hành, xử lý nước thải cục bộ – phân tán theo hướng thân thiện với môi trường, phù hợp với đặc điểm địa hình đồi núi dốc & điều kiện đầu tư phát triển địa phương trong giai đoạn hiện nay (khi chưa có điều kiện xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung đô thị với kinh phí lớn) là những ưu điểm của công nghệ này.

MohinhKT-H13

Kết luận:

Các kết quả đạt được của dự án: “Mô hình quy hoạch kiến trúc làng xã nông thôn mới vùng đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía bắc” đáp ứng quan điểm về mục tiêu và tiêu chí xây dựng nông thôn mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đó là:

–          Xây dựng mô hình quy hoạch – kiến trúc nông thôn mới nhằm phát triển kinh tế – xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái đất nước.

–          Xây dựng mô hình quy hoạch – kiến trúc nông thôn mới gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch.

–          Xây dựng mô hình quy hoạch – kiến trúc nông thôn mới dựa trên cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, phù hợp với từng vùng, từng lĩnh vực nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

–          Ðảm bảo về kích cầu phát triển kinh tế phù hợp với điền kiện của địa phương, khai thác ưu thế của địa phương.

–          Ðảm bảo về điều kiện sống, nhu cầu xã hội: y tế, giáo dục, văn hoá, thể thao, nâng cao dân trí của người dân địa phương…

–          Cơ sở hạ tầng phát triển bền vững đáp ứng các nhu cầu tối thiểu và tính đến các giai đoạn tiếp theo sau 20 năm và tầm nhìn sau 50 năm.

–          Quy hoạch và kiến trúc không gian phải phù hợp điều kiện tự nhiên, địa hình, có tính chất khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế.

–          Giữ gìn bản sắc tập quán văn hoá của địa phương và bảo tồn các di sản.

 

bình luận