Văn hóa kiến trúc bản địa kết hợp với công nghệ 4.0-Cuộc cách mạng hóa kiến trúc theo xu hướng bền vững(20/09/2021)
TS.KTS Nguyễn Tất Thắng
Nghiên cứu viên cao cấp-Viện Kiến trúc Quốc gia-Bộ Xây dựng
Lịch sử quá trình chinh phục, khai thác, cải tạo thế giới tự nhiên và xã hội đã và đang đưa các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đối mặt với những thách thức như cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường sinh thái; Hủy hoại, làm suy thoái và đứt gãy các hệ sinh thái, hệ sinh học, hệ sinh cảnh đa dạng. Trực và gián tiếp gây nên biến đổi khí hậu. Kéo theo các thảm họa từ thiên tai, dịch bệnh…Song song với đó, quá trình đô thị hóa cùng với sự di cư và gia tăng dân số tại các đô thị, dẫn đến ô nhiễm môi trường sống, môi trường ở, quá tải hạ tầng kỹ thuật và xã hội, gia tăng bệnh học đô thị, dịch bệnh, phân hóa giàu nghèo, tệ nạn xã hội, thất nghiệp….Với nông thôn, cũng cùng chung cảnh, đó là sự mất mát dần về bản sắc văn hóa địa phương, vùng miền; Cùng với ô nhiễm môi trường, khó khăn sinh kế và luôn bị đe dọa lẫn nguy cơ tổn thương do tác động từ thiên tai, nhân tai, dịch bệnh… Ngày nay, các cuộc đại cách mạng về công nghệ số, công nghệ thông minh phát triển như vũ bão, làm chi phối và tác động, đặt ra các yêu cầu cần phải thay đổi trong thiết kế và xây dựng các công trình kiến trúc. Đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến an ninh năng lượng, phòng thủ bởi thiên tai và dịch bệnh, phát triển bền vững với những sự chọn lựa không đơn giản giữa các xu hướng đối lập: truyền thống và hiện đại, tiên tiến và bản sắc, bảo tồn và phát triển…Trong khi đó, lý thuyết về sự phát triển bền vững, đang khuyến khích sự tôn trọng và trỗi dậy của văn hóa bản địa của mỗi quốc gia, coi đó như một nguồn lực, một tài nguyên hiếm quý, có nguồn cội bắt rễ từ trong các nền văn hóa…Đó cũng chính là việc cần phân tích và làm rõ để định hướng cho những chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam theo hướng phát triển bền vững.
1. Sứ mệnh và vai trò của Văn hóa kiến trúc bản địa theo dòng chảy lịch sử của Văn hóa Việt Nam:
Kiến trúc được coi là một ngành, một loại hình nghệ thuật trong 7 ngành nghệ thuật kinh điển của nhân loại, bao gồm: văn học, hội họa, điêu khắc, múa, âm nhạc, kiến trúc và điện ảnh. Khác với các ngành nghệ thuật khác, kiến trúc là loại hình nghệ thuật chiếm lĩnh không gian, được kiến tạo bởi phương pháp tạo hình nghệ thuật kết hợp với kỹ thuật, tạo ra môi trường sống thứ hai cho con người sau môi trường của tạo hóa. Ngành nghề nào trong xã hội loài người cũng thường được biểu hiện, thể hiện thông qua văn hóa giao tiếp giữa con người với tự nhiên và giữa con người với con người. Ví dụ như, chúng ta có văn hóa giao thông, văn hóa ẩm thực, văn hóa đô thị, văn hóa nông thôn, văn hóa vỉa hè…Kiến trúc cũng vậy! Văn hóa kiến trúc nói chung hay Văn hóa kiến trúc bản địa nói riêng, là tổng hợp, tổng hòa những biểu hiện của hệ tư tưởng, những giá trị về vật chất, tinh thần, xã hội, thông qua các đặc trưng về cốt cách tinh hoa, truyền thống văn hóa, bản sắc văn hóa của mỗi vùng miền, dân tộc, quốc gia…từ đời này qua đời khác, được thể hiện ở những đặc trưng cơ bản sau:
+ Kho tàng và quỹ các công trình kiến trúc bản địa có giá trị của Việt Nam thường là di sản, đại diện bởi tính cộng đồng và được lưu truyền nên sẽ có tính hệ thống, có thể ở cấp địa phương, vùng miền, quốc gia…Có ý nghĩa trong việc liên hệ các sự kiện sống trong một nền văn hóa thông qua việc kết nối, hồi suy, nhận diện, định hướng tiếp nối…giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Tính hệ thống này giúp cho kiến trúc bản địa có chức năng tham gia vào tổ chức xã hội, là nền tảng vật chất cho xã hội ổn định và pháttriển.
+ Bản chất của kiến trúc là loại hình văn hóa vật thể có tính giá trị, bao gồm cả giá trị vật chất và tinh thần, giá trị sử dụng, giá trị thẩm mỹ, giá trị hiếm quý, giá trị đồng đại và lịch đại, thể hiện qua phong cách nghệ thuật, kỹ thuật và vật liệu xây dựng lẫn công nghệ xây dựng…Đặc trưng này, cũng giúp cho kiến trúc có chức năng điều tiết, điều chỉnh xã hội, giúp cộng đồng xã hội duy trì trạng thái cân bằng động về nhận thức cái đẹp, cái thích dụng, cái công nghệ và kỹ thuật, cái thuộc về văn hóa cộngđồng…
+ Kiến trúc cũng là hiện thân tính nhân sinh thông qua ý tưởng, tư tưởng, được biểu đạt ở công trình. Được cộng hưởng giữa không gian của văn hóa xã hội và hệ sinh thái tự nhiên. Và do đó, kiến trúc góp phần tạo không gian, môi trường sống, cũng chính là tạo không gian chức năng giao tiếp cho con người ở cả môi trường nhân tạo lẫn môi trường tự nhiên.
+ Sự hiện thân của các di sản kiến trúc thể hiện tính lịch sử, tính niên đại, được tích lũy, duy trì qua yếu tố truyền thống văn hóa. Yếu tố này giúp kiến trúc có chức năng giáo dục và nhận thức. Giúp cho các thế hệ hiểu biết, tự hào về văn hóa, lịch sử của đất nước. Đồng thời, trong quá trình phát triển, luôn tiếp nhận có chọn lọc, tiếp biến, tiếp nối hoặc du nhập, phát sinh các nhu cầu mới, công nghệ mới, văn hóa mới…nhằm ngày càng hoàn mỹ hơn, giá trị hơn… Suy cho cùng, theo dòng chảy của lịch sử, cùng với không gian bao trùm của văn hóa nhân loại, văn hóa của mỗi quốc gia
– Kiến trúc bản địa là hiện thân không gian vật chất và tinh thần, nơi chất chứa các giá trị và kể cả là sự thất bại, minh chứng hùng hồn cho quá trình ra đời, phát triển, suy tàn…của mỗi chế độ xã hội, mỗi quốc gia, dân tộc. Mà thực chất, ở đó, chính là sự phản ánh các sự tiếp nối, tiếp biến, giao thoa, cộng hưởng…giữa Văn hóa vật chất, Văn hóa tinh thần và Văn hóa tổ chức xã hội. Đó cũng chính là sự phát triển theo dòng chảy của lịch sử, ở góc độ văn hóa, đi từ Văn hiến đến Văn hóa và Văn minh. Và rõ ràng, có thể khẳng định, kiến trúc bản địa là một thành tố, đóng góp vào sự rực rỡ và phong phú của Văn hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, ngày nay, các quốc gia đang phải đương đầu với một loạt vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu, trong đó nổi bật lên là nghịch lý của nền “văn minh công nghiệp”, một thành phần của thế giới Văn minh. Mặc dù đem lại cho xã hội loài người sự phát triển vượt bậc ở mọi phương diện, thông qua các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, nhưng có sức mạnh ghê gớm về nguy cơ san bằng và đồng nhất hóa các chuẩn mực, các hệ thống giá trị, đe dọa và làm suy kiệt khả năng sáng tạo của các nền văn hóa, trong đó có các giá trị thuộc về văn hóa kiến trúc bản địa. Song song với đó, là sự tác động và tàn phá từ biến đổi khí hậu, kéo theo những thảm họa thiên tai, dịch bệnh…Đây là những thách thức mà các quốc gia đang phải đối mặt, đặc biệt trong lĩnh vực sáng tác và thiết kế các công trình kiến trúc đương đại, làm sao để có thể cân bằng được các giá trị giữa Văn hóa và Văn minh, nhằm vừa tận dụng khai thác được những lợi thế từ công nghệ và kỹ thuật số, vừa kế thừa và phát huy được những giá trị văn hóa bản địa và quan trọng hơn cả là bảo vệ được hệ môi trường sinh thái, để có thể phát triển theo hướng bền vững.
2. Văn hóa kiến trúc bản địa kết hợp với công nghệ 4.0 có thể cách mạng hóa
kiến trúc theo xu hướng bền vững: Trước hết, để có thể kết hợp một cách khéo léo và có hiệu quả giữa Văn hóa kiến trúc bản địa với công nghệ 4.0, trong việc tạo lập các công trình kiến trúc đương đại theo xu hướng bền vững – Cần phải nhận thức rõ, việc đó thành công phải trên cơ sở có chiến lược xuyên suốt trong phát triển kinh tế – xã hội, với việc luôn tôn trọng và bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, hệ sinh học đa dạng và không ngừng tái tạo, phục hồi và bù đắp các hệ sinh cảnh trong quá trình kiến tạo. Đây là các yêu cầu tiên quyết, được thực hiện và quản lý ở mọi Bộ, Ngành, địa phương…
Được cụ thể hóa thông qua các cấp đồ án quy hoạch, các yêu cầu cụ thể trong các quần thể và công trình kiến trúc…Bởi chính các hệ sinh thái, hệ sinh học tự nhiên, ở các vùng miền khác nhau, đóng vai trò vừa là chủ thể hoặc khách thể, là yếu tố vừa chi phối, tác động và làm nên, hun đúc lên các giá trị văn hóa bản địa. Ở góc độ rộng và lớn hơn, đó cũng chính là việc gìn giữ và tạo lập nên bản sắc văn hóa đa dạng. Bởi, ngoài bốn nguồn lực chủ yếu trong phát triển hiện nay, bao gồm: tài nguyên, nguồn vốn, sức lao động và công nghệ, thì các giá trị thuộc về văn hóa, trong đó có kiến trúc bản địa, là một nguồn lực cần được khai thác và phát huy. Đồng thời, cũng chính là làm cân bằng lại mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên, kết nối và khắc phục các đứt gãy của các hệ sinh thái, hệ sinh học…do con người tạo ra trong quá trình chinh phục và kiến tạo. Giảm được xung đột, tránh được thảm họa do tự nhiên gây ra do mất cân bằng sinh thái.
Thế giới của công nghệ và kỹ thuật số đã tham gia vào tất cả các hoạt động của một quốc gia. Việt Nam là một quốc gia đang trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Vì vậy, các đồ án quy hoạch xây dựng cần phải được thiết lập trên cơ sở tích hợp các dữ liệu về quy hoạch phát triển của mọi ngành trong xã hội. Một công trình kiến trúc hoặc một quần thể tập hợp bởi nhiều công trình đạt tiêu chí bền vững, không thể đứng đơn lẻ, riêng lẻ nếu như chúng được đặt ở trong một vùng miền, một khu vực, một thành phố, một đô thị, một địa bàn nông thôn…không được quy hoạch phát triển theo hướng sinh thái, thông minh và bền vững. Sự bền vững chỉ có được, khi có sự tham gia của mọi cấp, mọi ngành, mọi chủ thể trong xã hội, thông qua quy định của các bộ luật, kèm theo việc triển khai tổ chức thực hiện, vận hành, quản lý, quản trị…một cách khoa học và đồngbộ. Cần phải xây dựng, thiết lập hệ thống ngân hàng dữ liệu được số hóa, đủ ở các lĩnh vực về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, con người…để xây dựng đồng bộ các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc và xây dựng. Đã có rất nhiều tiêu chuẩn thiết kế và kỹ thuật bãi bỏ, nhưng chưa được xây dựng lại. Hầu như, các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến cùng với các trang thiết bị hiện đại, được chế tạo tích hợpbởicáccôngnghệthôngminh,cóxu thế tạo điều kiện để các công trình kiến trúc được thiết kế và vận hành theo hướng bền vững, chưa được đưa vào và cụ thể hóa trong các tiêu chuẩn thiết kế. Đặc biệt là các tiêu chuẩn kỹ thuật bên trong công trình về năng lượng, cơ điện, cấp thoát nước, chiếu sáng, điều hòa, quản trị mạng, quản lý vận hành BMS, quản lý và kết nối BIM…Do đó, song song với việc kế thừa và phát huy các giải pháp, kinh nghiệm truyền thống trong thiết kế và xây dựng các công trình kiến trúc, cần phải hoàn thiện các bộ tiêu chuẩn này, tạo điều kiện thiết kế có tính thụ động, đi trước một bước, cho các công trình kiến trúc theo hướng xanh, tiết kiệm năng lượng, thông minh, phòng thủ, bền vững…
Với việc công nghệ số tham gia trực tiếp vào tất cả các mặt của đời sống xã hội – Vì vậy, để có thể sử dụng và thụ hưởng các giá trị từ các công trình kiến trúc theo hướng bền vững, nhất là các kiến trúc nhỏ ở góc độ tiện ích công cộng, cũng như đảm bảo sự kết nối và tương tác của con người trong cộng đồng xã hội, ứng với các hoạt động truyền thống và đương đại, phục vụ cho văn hóa giao tiếp – Rất cần đồng bộ hóa trong việc xây dựng không gian xã hội số, mà ở đó, tất cả việc từ quy hoạch đến thiết kế các không gian công cộng, cần phải được chú ý quan tâm, như các không gian đường giao thông, nhà ga, bến tàu, công viên, quảng trường, vườn hoa, vỉa hè, các không gian mở…
Việc thiết kế các công trình kiến trúc đương đại sẽ có những xu hướng theo cảm hứng mô phỏng từ sinh học, gần gũi với thiên nhiên, hoặc mô phỏng theo các hệ tư tưởng, gắn với văn hóa bản địa hoặc tôn giáo tín ngưỡng – Vì vậy, song song với việc sử dụng các công nghệ, kỹ thuật và các thiết bị thông minh có tính chủ động trong thiết kế, cần nghiên cứu xây dựng và Việt hóa các phần mềm, ứng dụng các phương pháp lý thuyết hình học trong thiết kế kiến trúc như Topology, Fractal…Cũng như kết hợp với các chuyên ngành kỹ thuật khác, đặc biệt là chuyên ngành năng lượng và kết cấu, để có thể chủ động tìm tòi ý tưởng, hỗ trợ cho thiết kế các công trình kiến trúc phứchợp.
Mặc dù có sự kết hợp các yếu tố giữa văn hóa và kiến trúc bản địa với các công nghệ và kỹ thuật 4.0, trong sáng tác kiến trúc, thông qua trí tuệ nhân tạo AI (Artificial Intelligence), nhờ sự kết hợp giữa các lĩnh vực kỹ thuật số, vật chất và sinh học – Tuy nhiên, chúng cần phải được đặt trong một quy hoạch khoa học và bền vững. Chẳng hạn, hàng trăm ngôi nhà đơn giản nhưng bền vững có thể che chở cho những người vô gia cư, hoặc cho những cư dân ở những vùng bị tàn phá bởi bão, lũ lụt, động đất…hoặc cho các bệnh viện dã chiến, được xây dựng bằng máy in 3D. Bài học từ dịch bệnh Covid19 đã bộc lộ cho chúng ta thấy những khiếm khuyết trong quy hoạch đô thị, các khu công nghiệp, các khu dân cư, các khu sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp…về môi trường ở, môi trường định cư, môi trường tạm cư, môi trường sản xuất…thể hiện với mật độ dân số, mật độ cư trú quá cao, lẫn các hình thức sinh kế mong manh, lệ thuộc quá nhiều vào điều kiện tự nhiên, không có khả năng phòng thủ trước dịch bệnh.
Với sự xuất hiện của Công nghiệp 4.0, các kiến trúc sư, những người mong muốn sự bền vững, sẽ có những công cụ để tạo ra tương lai. Không giống như nhiều phương pháp xây dựng cũ, ngôi nhà in 3D có thể có mức độ chính xác và siêu cách nhiệt, ngay cả khi đưa chất thải vật liệu gần bằng không. Kết nối thiết kế mô phỏng sinh học và tính toán, cho phép kết nối các tiêu chuẩn hiệu suất cao và tầm nhìn thẩm mỹ độc đáo. Các công cụ chuỗi cung ứng sáng tạo cho phép lựa chọn các vật liệu và nhà cung cấp bền vững nhất. Mọi bộ phận đều có thể được sửa chữa, thay thế và tái sử dụng hiệu quả trong tương lai. Biết được những dự báo về khí hậu trong tương lai, các kiến trúc sư có thể lập kế hoạch cho những ngôi nhà để chống chọi với từng kịch bản khí hậu có thể xảy ra cho một vùng lãnh thổ nhất định. Tất cả các yếu tố của một ngôi nhà có thể được liên kết thành một mạng lưới hiệu quả, tối ưu hóa hiệu quả của tòa nhà và mang lại sự thoải mái tối đa.
Các công nghệ và kỹ thuật hiện đại, cũng cần được khai thác và tham gia vào nghiên cứu và chế tạo, sản xuất các loại vật liệu xây dựng, theo các xu hướng như giảm thiểu (Redeuce), đối với các vật liệu chủ yếu khai thác từ tài nguyên thiên nhiên như rừng, đá vôi, đất…Và chủ yếu với các xu hướng như tái sử dụng (Reusing), tái chế (Receiling), phục hồi (Restore)…Đặc biệt, các xu hướng này, ngoài việc tạo ra các vật liệu xây dựng cho phần thô, còn có khả năng và triển vọng trong việc tạo ra các vật liệu hoàn thiện nhân tạo nhưng giống như các vật liệu khai thác từ nguyên liệu tự nhiên như: gỗ, tre, gạch, đá…Rất cần đối với công tác hoàn thiện chi tiết, bộ phận, công trình kiến trúc…theo hướng thân thiện với tự nhiên, ở cả nội và ngoại thất. Đây là giải pháp vừa tận dụng được phế thải trong hoạt động sống của con người, vừa gìn giữ và hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Cần chú trọng thay đổi hình thức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực kiến trúc thông qua các hình thức đào tạo KTS thực hành và KTS công nghệ – Với mô hình CDIO: Conceive – Design – Implement – Operate (Hình thành ý tưởng, Thiết kế, Triển khai thực hiện và Vận hành). Ở đó, các KTS tương lai sẽ được đào tạo theo hướng sáng tạo, được kết hợp các ý tưởng sáng tác lồng ghép giữa những yếu tố về văn hóa, bên cạnh sự hỗ trợ của các công nghệ số và thông minh,đặcbiệtlàcáccôngnghệtươngtácgiữakhônggiankiếntrúcvàsửdụng hiệu quả năng lượng, nhằm hướng công trình kiến trúc theo hướng sinh thái và bền vững.
Việt Nam là một quốc gia nhiệt đới với sự đa dạng về văn hóa và kiến trúc bản địa, được gắn kết mật thiết với điều kiện tự nhiên ở khắp các vùng miền. Việc kết hợp cơ hữu giữa văn hóa và kiến trúc bản địa với công nghệ 4.0, trên nền tảng tôn trọng và hài hòa với thiên nhiên, chính là việc phát huy nguồn lực từ trong Văn hóa kết hợp với công nghệ thuộc về Văn minh, nhằm kiến tạo các công trình kiến trúc theo hướng hiện đại, có bản sắc, và trên hết đó là tiết kiệm tài nguyên, tôn trọng tự nhiên, hướng tới phát triển theo xu hướng sinh thái và bền vững – Đây cũng chính là cuộc cách mạng cần thiết trong lĩnh vực kiến trúc, nhằm hướng tới phát triển cân bằng giữa truyền thống và hiện đại, bảo tồn và phát triển, bản sắc và tiên tiến./.
bình luận