Suy nghĩ về đô thị hạnh phúc ở Việt Nam(07/10/2014)

“Đô thị là sản phẩm vật chất vĩ đại do con người sáng tạo ra. Và cũng con người, qua rất nhiều thế hệ thăng trầm cùng lịch sử, bằng sự sáng tạo và lao động bền bỉ đã xây dựng, phát triển, hoàn thiện đô thị “ngôi nhà chung” của cộng đồng. Ngày Kiến trúc Thế giới 2014 (do Liên hiệp Hội KTS thế giới U.I.A khởi xướng),với thông điệp về “Đô thị lành mạnh – Đô thị hạnh phúc”, đã chứa đựng rất nhiều vấn đề của thế giới hôm nay. Một thế giới đầy bất ổn bởi biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế, chiến tranh và khủng bố. Vậy thế nào là một đô thị hạnh phúc? Phải chăng đó là đô thị mà ở đấy cư dân được sống trong một môi trường trong lành, thân thiện, hòa đồng, không bị phân biệt đối xử và an toàn. Đô thị đó không phải là bản sao vô hồn của bất kỳ một khuôn mẫu đô thị nào. Đô thị đó phải sở hữu đầy đủ hai yếu tố nhân văn và bản sắc.”

ĐI TÌM ĐÔ THỊ HẠNH PHÚC

Xét trên tổng thể, đô thị là một tổ hợp vật chất khổng lồ, bao gồm kiến trúc công cộng, nhà ở, hệ thống đường sá, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các không gian công cộng, di tích văn hóa lịch sử… Bản chất đô thị luôn tồn tại song song những mặt tốt và góc khuất. Ngay như ở thành phố New York (Mỹ), bên cạnh các khu như Brooklyn, Mahattan hoa lệ, hiện đại dành cho những người giàu có, là khu Harlem, nơi trú ngụ của đa số người da màu nghèo nhập cư với những chung cư cũ nát, tồi tàn, nơi cách đây chừng nửa thế kỷ từng là quê hương của những  “Bố già”, những băng đảng maphia khét tiếng Hoa Kỳ. Thế nhưng, dù đô thị lớn hay nhỏ, hiện đại hay chưa hiện đại, thì đô thị vẫn luôn có một sức hút đặc biệt. Rất nhiều cuộc dịch cư từ nông thôn ra đô thị, hay từ đô thị này đến đô thị khác, cũng chỉ là tìm kiếm ở đó việc làm và một tương lai hứa hẹn, cho dù đó là những nghề lao động chân tay nặng nhọc cùng những cạm bẫy, hiểm họa, bạo lực và bất ổn luôn rình rập…

Ở Việt Nam, hầu hết các đô thị có lịch sử chỉ hơn trăm năm (không kể Thăng Long, Phố Hiến và Hội An). Về bản chất, sự hình thành đô thị Việt Nam bắt đầu từ những quần cư vốn là làng quê, tụ hội buôn bán chung quanh các trị sở hành chính của chính quyền phong kiến đương thời, thiếu vắng các thiết chế đặc trưng của một đô thị. Chỉ khi người Pháp xuất hiện ở Đông Dương vào cuối thế kỷ 19, quy hoạch đô thị kiểu châu Âu mới được áp dụng ở Việt Nam, mà điển hình nhất là Hà Nội (cũ).

suynghi1

Kiến trúc tại vùng lõi thủ đô Hà Nội

Trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, đô thị đã có sự lớn mạnh cả về lượng và chất. Hiện nay, ở nước ta đã có gần 800 đô thị lớn, nhỏ. Trong đó có hai siêu đại đô thị là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đứng vào top các thành phố lớn nhất thế giới. Không thể phủ nhận sự thay đổi to lớn về diện mạo kiến trúc, về chất lượng sống của đô thị ngày được cải thiện theo hướng văn minh hiện đại, là động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế quốc đân. Nhưng bên cạnh đó, đô thị Việt Nam đã bộc lộ những yếu kém bởi tiến trình đô thị hóa nhanh và thiếu kiểm soát. Như đã nói, đô thị có sức hấp dẫn đặc biệt, là thỏi nam châm khổng lồ cuốn hút ngày càng nhiều dân cư từ vùng nông thôn đổ về. Trong khi đó, do quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập, dự báo phát triển còn khiên cưỡng, duy ý chí, hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị lạc hậu… nên không đáp ứng được sự bùng nổ dân số và nhu cầu đòi hỏi của cuộc sống. Một đặc tính cố hữu của đô thị là dân cư phân bố không theo quy định của chính quyền, mà tự phát theo kiểu nước chảy chỗ trũng, càng khu vực lõi, trung tâm thì mật đô dân số càng cao. Hà Nội là ví dụ điển hình. Thành phố này rộng  có đến hơn 3.000 km2, nhưng chỉ tập trung đặc quánh trong 60 km2 trung tâm, còn lại nhiều nơi rất heo hút, dân cư thưa thớt.

Đã có rất nhiều giải pháp kể cả áp đặt của quyền lực để giải quyết hiện tượng trên. Nhưng thực tế đã chỉ ra rằng, nâng cấp đô thị hoàn toàn không chỉ là bài toán di dân, mở rộng diện tích và xây dựng nhiều kiến trúc lớn?! Có thể thấy rõ điều này qua câu chuyện giãn dân khu phố cổ Hà Nội, mà chúng ta đã loay hoay thực hiện hơn chục năm qua. Phải chăng, nếu coi sức hút đô thị là một thực tế và xem xét dưới góc độ nhân văn, thì hoàn toàn có được những chiến lược lành mạnh để phát triển đô thị bền vững và hạnh phúc?!

Sự bùng nổ đô thị thiếu kiểm soát, khiến một bộ phận cư dân, đặc biệt là nhóm yếu thế trong xã hội, dễ dàng bị “lãng quên” những quyền lợi tối thiểu được hưởng thụ của đô thị. Hầu hết các khu đô thị mới đều thiếu diện tích công cộng phục vụ cộng đồng, như sân chơi cho trẻ em, nơi nghỉ dưỡng cho người già, công viên cây xanh, vườn hoa và bãi để xe. Các công viên lớn, trung tâm thương mại, các khu vui chơi giải trí được đầu tư để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ của một lớp người giàu mới và thanh thiếu niên con cái gia đình khá giả. Các trò chơi truyền thống phù hợp với đại đa số trẻ em nghèo đô thị hầu như mất hẳn. Thiếu không gian giải trí, chơi đùa và an toàn, trẻ em ở các đô thị lớn, ngoài giờ đi học, chỉ biết vùi đầu vào các trò chơi điện tử đầy rẫy hình ảnh sex và bạo lực. Ai dám bảo đảm rằng, với môi trường như vậy, mầm mống của tệ nạn xã hội không bắt đầu nảy sinh?!

suynghi2

Không gian mặt nước cây xanh trong đô thị

ĐÔ THỊ HẠNH PHÚC PHẢI LÀ ĐÔ THỊ CÓ VĂN HÓA BẢN SẮC

Các nhà đô thị học dự báo, thế kỷ 21 là thế kỷ của đô thị, với hầu hết dân số thế giới sẽ sống trong các đô thị, và đó cũng là tương lai của nhân loại. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Một đô thị hạnh phúc là đô thị mà sống ở đó, người dân phải được đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như được các dịch vụ công phục vụ, việc làm với thu nhập tốt, nhà ở giá rẻ, đi lại thuận tiện, có không gian công cộng, có cuộc sống thân thiện với thiên nhiên, với cộng đồng, an toàn và không có bạo lực.

Đô thị hạnh phúc không nhất thiết phải thật to lớn, hoành tráng, kiến trúc thật hiện đại với nhiều cái nhất như to nhất, cao nhất và cả đầu tư lớn nhất (mà ai đó đang hướng tới). Sẽ có (trong tương lai) những đô thị hạnh phúc kiểu Việt Nam, nhưng ở nhiều cấp độ và khía cạnh khác nhau. Đừng quá tham vọng để đưa đô thị Việt Nam sống tốt dập khuôn theo các khuôn mẫu của đô thị thế giới, bởi tính vận động liên tục của đô thị. Người Thượng Hải có câu nói hài hước, đại ý: “Nếu bạn bằng Thượng Hải ngày hôm qua, thì hôm nay (Thượng Hải) chúng tôi đã trở thành một thiên đường khác”. Chúng ta cần tìm ra những giải pháp thích hợp để xây dựng, phát triển một cuộc sống tốt ở đô thị theo nhu cầu, khả năng và phù hợp với điều kiện kinh tế, lối sống, văn hóa của chính mình.

Thông điệp về đô thị hạnh phúc của U.I.A cho thấy, đây là mục tiêu chung mà thế giới đang hướng tới và cũng là cho phát triển đô thị ở Việt Nam. Mục tiêu giản dị, chứa đựng trong đó thông điệp về hòa bình, về cái thiện, tính nhân văn, dân chủ vì quyền con người. Bất kỳ sống ở đâu, đô thị lớn hay nhỏ, mới hay cũ, thì ở đó con người vẫn phải được sống bình đẳng. Bình  đẳng trong hạnh phúc!

Đô thị là một cơ thể sống. Nó sinh ra, phát triển và cũng có giai đoạn tàn lụi. Cho nên, muốn đô thị phát triển bền vững và luôn giữ được sức sống của nó, phải có bàn tay chăm sóc của con người (người sử dụng và người quản lý). Cần coi trọng cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, nơi lưu dấu các thời kỳ phát triển của đô thị. Bởi đây chính là những yếu tố tạo nên giá trị nhân văn và văn hóa mang bản sắc riêng của đô thị. Có sự khác nhau giữa đô thị Việt Nam và đô thị trên thế giới. Nhưng có một điểm chung, nếu đô thị sống không có hạnh phúc, thì đô thị thực sự trở thành cái nhà tù mà con người tự nguyện nhốt mình vào trong đó.

Văn hóa đô thị luôn là các giá trị vô hình, nhưng có ảnh hưởng rất mạnh đến cá tính, chất lượng sống và hình ảnh đô thị. Phải hiểu để giữ gìn và phát triển văn hóa đó. Chúng ta không chấp nhận một đô thị phát triển xô bồ, hỗn loạn phá vỡ quy hoạch, bất chấp quy định của pháp luật. Nhưng chúng ta cũng không chấp nhận một đô thị dập khuôn cứng nhắc, ngoại lai. Với Việt Nam, văn hóa làng đã có hàng nghìn năm, trong khi văn hóa đô thị mới có hơn 100 năm. Do vậy, khi văn minh đô thị còn mong manh, yếu ớt thì văn hóa làng sẽ lấn lướt, mà biểu hiện rõ nét nhất là lối sống “Trọng tình hơn lý” và cung cách quản lý đô thị tùy hứng, thậm chí còn theo kiểu “Phép vua thua lệ làng”. Do cái nền văn hóa đô thị còn thấp, nên người dân khi ra đường tham gia giao thông thì phóng nhanh, vượt ẩu, gây hỗn loạn là chuyện thường; ở chung cư cao tầng mà  coi cái thang máy như của riêng nhà mình, nên mới có chuyện như… đùa, là ở khu chung cư cao tầng, có người đã hồn nhiên ngày ngày phi xe máy vào buồng thang máy để lên căn hộ của mình trên tầng cao cho khỏi mất phí gửi xe?!

Để đô thị sống tốt, trong giai đoạn hiện nay cần thiết phải xây dựng được lối sống, văn hóa, văn minh đô thị với sự chung tay của cả cộng đồng. Kiến trúc sư có vai trò tham gia. Cũng nên bớt tranh cãi về xu hướng này nọ của kiến trúc đô thị. Bởi nghĩ cho cùng ở khía cạnh nào đó, kiến trúc cũng mang tính thời trang. Cần quan tâm, kiến trúc đó có vi phạm về quản lý quy hoạch xây dựng và có bền vững, an toàn. Kiến trúc đó có đem lại thuận tiện và tiện nghi, hay bất ổn cho cá nhân và cộng đồng khi sống và sử dụng nó. Cũng tránh tư tưởng vội vàng đốt cháy giai đoạn, cần có kế hoạch và thời gian đủ để người dân hiểu rõ và tự giác chung tay xây dựng văn hóa, văn minh đô thị. Văn hóa đô thị không tự đến. Văn hóa đô thị được hình thành bởi lối sống thích nghi với thiết chế đô thị, chứ không phải là thiết chế làng xã. Văn hóa đô thị phải được xây dựng trên nền tảng của di sản văn hóa và cuộc sống hiện đại. Các nhà quản lý đô thị trước tiên phải là những người hiểu biết văn hóa đô thị, để thể hiện rõ vai trò quản trị xã hội của mình. Truyền thông sẽ góp phần quan trọng vào xây dựng văn hóa đô thị cho cộng đồng.

Hiện nay,  đô thị Việt Nam đang có tình trạng copy lại mô hình của nhau, khiến cho đô thị miền trung du, miền núi giống các đô thị ở đồng bằng, ven biển, trong khi cảnh quan, địa hình thiên nhiên, con người với tập tục, văn hóa, lối sống khác nhau. Những bản sao 3d vô hồn ấy đã trở thành tác nhân làm cho đô thị thiếu lành mạnh, thiếu bản sắc. Theo vị trí địa lý, các đô thị ở Việt Nam có nhiều sự khác biệt. Nếu ở đồng bằng Bắc bộ, đô thị với những thiết chế cộng đồng có cấu trúc chặt chẽ, thì ở phía Nam, cấu trúc đô thị mang tính mở, thể hiện bản sắc phóng khoáng, cởi mở, dễ hòa đồng và đón nhận của người dân một thủa đi mở cõi, của vùng đất mênh mang sông nước Cửu Long. Tất cả những yếu tố đó tạo thành bản sắc riêng và ảnh hưởng đến kiến trúc đô thị. Và vì thế, sẽ có nhiều lời giải khác nhau cho bài toán quy hoạch đô thị.

THAY LỜI KẾT

Đô thị là tấm gương phản ánh của thời đại. Qua tấm gương ấy, người ta hiểu được xã hội đó đang phát triển như thế nào. Một đô thị với kiến trúc phi tỷ lệ, khấp khểnh, nhô ra thụt vào, cao thấp hỗn loạn; giao thông đường phố luôn ùn tắc;  môi trường sống bị ô nhiễm bởi khí thải, chất thải, bụi bẩn, đầy rẫy tệ nạn và bạo lực… thể hiện một xã hội đang trong quá trình phát triển và cần được gấp rút hoàn thiện.

Đô thị hạnh phúc không nhất thiết phải là đô thị thật hiện đại và kinh tế cao.  Bên cạnh các vấn đề của kiến trúc đô thị, cần quan tâm đến vấn đề cốt lõi là văn hóa và chất lượng sống. Không nên áp đặt cào bằng, mà cần tổ chức đô thị theo nhiều cấp độ đa dạng, phù hợp với nhiều tầng lớp, nhóm cư dân có thu nhập khác nhau. Với nhóm người giàu có mức sống cao, sẽ cung cấp các tiện nghi cao cấp như nhà ở biệt thự, bể bơi… và cả sân đỗ trực thăng.  Nhưng với đại đa số người thu nhập thấp, người nghèo, thì những khu nhà ở xã hội giá rẻ, việc làm ổn định, dịch vụ công cộng phục vụ tốt, giao thông thuận tiện, không gian công cộng an toàn, thậm chí là những vỉa hè thông thoáng… cũng đã là hạnh phúc. Thành phố sẽ có rất nhiều, rất nhiều ô tô đời mới, nhà hàng sang trọng, các trung tâm thương mại, siêu thị đầy ắp hàng hóa nhập ngoại đắt tiền… nhưng sẽ không thể thiếu vắng các hoạt động bình dị của đời sống với những chợ dân sinh truyền thống, những  gánh hàng rong, những người bán dạo với tiếng rao da diết gọi mời… Đó chính là cuộc sống, là hơi thở của đô thị mang bản sắc Việt Nam. Áp đặt khiên cưỡng các suy nghĩ kiểu hàn lâm khuôn mẫu, sẽ khiến đô thị của chúng ta trở nên khô cứng, vô hồn.

Và như thế, phải chăng, “Đô thị Hạnh phúc” chính là nơi mà người dân sống ở đó không bị biến thành những “rô bốt-người” trong những cỗ máy để… ở ?

Đô thị luôn gắn với con người, do vậy nó phải rất nhân văn. Đô thị không nhất thiết phải là một chỉnh thể ngăn nắp tinh tươm như cỗ máy được lập trình. Một đô thị luôn mang trong mình những mặt tốt và cả những yếu kém cần khắc phục. Kiến trúc sư như một nhà phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng không được tác động một cách thô bạo làm thay đổi cơ thể đô thị, bởi như vậy cơ thể đó sẽ trở nên bệnh hoạn. Kiến trúc sư tham gia chỉnh trang đô thị, cải tạo đô thị, nhưng không làm biến hình đô thị. Hai cái đó khác nhau. Chúng ta cứ nghĩ cái gì không quản lý được thì phải dẹp đi. Nhưng chúng ta không biết rằng, làm như vậy là biến người dân đô thị thành tù nhân trong chính đô thị do mình tạo ra.

 

 KTS.Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam

 

bình luận