Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương về quy hoạch và kiến trúc – Sự cần thiết để phủ hợp bản sắc văn hóa giữa các vùng miền của Việt Nam(26/05/2023)

TS.KTS. NGUYỄN TẤT THẮNG

Nghiên cứu viên Cao cấp Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng

 

Với chặng đường 75 năm (1948 – 2023), tương đương với 3/4 thế kỷ đã qua – Có thể nói lĩnh vực Quy hoạch và Kiến trúc mang sứ mệnh cao cả, luôn đồng hành và đóng góp lớn vào sự nghiệp xây dựng và kiến thiết đất nước.

Chặng đường đó, cũng đồng thời với việc hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện các bộ Luật có liên quan đến quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng, liên quan đến các lĩnh vực như Xây dựng, Quy hoạch, Kiến trúc…Trong đó, đặc biệt là hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch và Kiến trúc. Hệ thống này đang thực sự trở thành công cụ quản lý, điều tiết tất cả các hoạt động xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm từ quy hoạch, thiết kế đến thi công xây dựng và quản lý vận hành… Tuy vậy, hệ thống quy chuẩn và tiêu chuẩn hóa này, với nội hàm đặc trưng bởi các chỉ tiêu tối thiểu, bắt buộc và bao trùm cho tất cả các vùng miền, địa phương của Việt Nam – Vốn có nhiều sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, văn hóa, trình độ phát triển kinh tế – xã hội… ít nhiều đang trở thành các rào cản cho phát triển. Dẫn đến sự đồng nhất hóa khiên cưỡng, khi các vùng miền khó có sự tương đồng trên mọi phương diện. Đặc biệt là dẫn tới sự nhất thể hóa, làm mất dần đi sự khác biệt và đa dạng về văn hóa bản địa có tính vùng miền. Hơn thế, với kỷ nguyên của cách mạng số, rất khó đón nhận và tiếp thu các thành tựu từ khoa học công nghệ…

do đó, việc xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương lĩnh vực Quy hoạch Kiến trúc vấn đề hết sức cần thiết, đòi hỏi cần phân tích làm ở cả góc độ khoa học lẫn thực tiễn.

1.   KHÁI QUÁT VỀ HỆ THỐNG QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ LĨNH VỰC XÂY DỰNG Ở VIỆT NAM

Sự hình thành và ra đời của hệ thống Quy chuẩn xây dựng tại Việt Nam

Giai đoạn từ những năm 1960-1990, thể chế và hoạt động của Ngành Xây dựng Việt Nam chủ yếu dựa vào các Tiêu chuẩn ngành (TCXD) được xây dựng, biên dịch dựa trên các tiêu chuẩn GOST và tiêu chuẩn SNIP mang tính quy phạm và định mức kinh tế kỹ thuật của Liên Xô cũ, đồng thời một số định mức kinh tế kỹ thuật hoặc chi tiết cấu tạo kiến trúc và xây dựng được tham khảo và biên soạn từ Trung Quốc và một số các nước xã hội chủ nghĩa. Về mặt quản lý nhà nước, hệ thống Tiêu chuẩn (TC) được nằm ở các Ban tiêu chuẩn rồi đến Vụ tiêu chuẩn từ Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước đến Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước.

Năm 1979, Viện Tiêu chuẩn hóa và Điển hình hóa xây dựng được thành lập trực thuộc Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước (nay là Viện Kiến trúc Quốc gia trực thuộc Bộ Xây dựng). Đây là cơ quan có chức năng và nhiệm vụ chủ yếu trong việc là đầu mối tổ chức, nghiên cứu biên soạn hệ thống TCXD và Thiết kế điển hình về một số thể loại công trình kiến trúc và các cấu kiện trong lĩnh vực xây dựng.

Ngày 24/3/1988, Hội đồng Nhà nước ra Nghị quyết số 66-NQ/HĐNN về việc kiện toàn một bước các cơ quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng, trong đó có việc thành lập lại Bộ Xây dựng trên cơ sở sát nhập Bộ Xây dựng và Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước. Bắt đầu từ đây, hệ thống TC và TCXD do Bộ Xây dựng quản lý và tổ chức thực hiện.

Trong giai đoạn này, chưa có hệ thống Quy chuẩn – Vì vậy, mặc nhiên hệ thống TC là công cụ sắc bén phục vụ phát triển kinh tế xã hội và quản lý Nhà nước. Lúc này TC giữ một vai trò quan trọng trong hệ thống văn bản pháp quy kỹ thuật và có hiệu lực “bắt buộc áp dụng”. Điều này phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, với thành phần kinh tế chủ yếu là kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể (giai đoạn này còn gọi là thời kỳ bao cấp)

Trước những yêu cầu đổi mới và đáp ứng với nền kinh tế thị trường – Ngành Xây dựng rất cần có một thể loại văn bản pháp quy kỹ thuật còn gọi là Quy chuẩn kỹ thuật nằm dưới các bộ Luật có liên quan để đưa ra những yêu cầu bắt buộc phải tuân thủ áp dụng trong hoạt động xây dựng là hết sức cần thiết. Để đáp ứng nhu cầu và yêu cầu đó – Năm 1994, trong khuôn khổ Dự án biên soạn Luật Xây dựng của Việt Nam, được sự tài trợ của Chính phủ và sự giúp đỡ của chuyên gia Ôxtraylia, Bộ Quy chuẩn xây dựng Việt Nam đã được ban hành năm 1996 (tập I) và 1997 (tập II và tập III) theo Quyết định số 682/BXD-CSXD ngày 14/12/1996 và Quyết định số 439/BXD-CSXD ngày 25/9/1997 của Bộ Xây dựng. Đây là bộ Quy chuẩn (QC) đầu tiên được áp dụng trong lĩnh vực xây dựng. Những nội dung trong bộ QC này đã làm tốt vai trò của một văn bản pháp quy kỹ thuật, điều tiết các hoạt động xây dựng trong nền kinh tế thị trường.

Khái niệm về Quy chuẩn xây dựng

Là văn bản pháp quy kỹ thuật với những nội dung bắt buộc đã được luật hóa trong Luật Xây dựng năm 2003 (sửa đổi 2014), cũng như Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 và Thông điệp của tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) được gọi là Quy chuẩn kỹ thuật.

Theo Luật Xây dựng 2014 – Quy chuẩn xây dựng (QCXD) là các quy định bắt buộc áp dụng trong hoạt động xây dựng do  cơ  quan quản    lý nhà nước có thẩm quyền về xây dựng ban hành. Có nghĩa là văn bản quy định các  đặc tính của sản phẩm hoặc của các quá trình có liên quan và phương pháp sản xuất sản phẩm, quy định những yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ – Có nghĩa nó là một văn bản pháp quy.

Theo Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 thì Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế-xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác.

Theo lĩnh vực hoạt động xây dựng, QC là văn bản pháp quy kỹ thuật quy định các yêu cầu tối thiểu mang tính bắt buộc tuân thủ với Ngành Xây dựng và tình trạng sức khỏe của con người.

Với khái niệm QC kỹ thuật là văn bản để bắt buộc áp dụng thì cần hiểu cụm từ “bắt buộc áp dụng” ở đây có nghĩa là phải đáp ứng, phải thoả mãn. Trong xây dựng, những qui định trong QC kỹ thuật là những yêu cầu về tính năng, công năng, những yêu cầu về mục tiêu cần phải đạt, không được làm trái trong các hoạt động xây dựng. Bản thân QC không đề ra giải pháp, biện pháp thực hiện nhằm thoả mãn các yêu cầu nói trên. Khi đó các TC được coi là các biện pháp, giải pháp thực hiện. Một yêu cầu được qui định trong QC, có thể được thực hiện bởi nhiều TC khác nhau.

Hệ thống một số Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia chuyên ngành QCVN lĩnh vực Ngành Xây dựng

Với các TC khác nhau sẽ thoả mãn các yêu cầu của QC ở những mức độ khác nhau. Trong QC đưa ra các yêu cầu phải đạt được – Đó là những giới hạn, những yêu cầu (có thể nhỏ nhất hoặc lớn nhất, hoặc trong khoảng giới hạn) bắt buộc phải đạt được. Việc đảm bảo các yêu cầu được nêu trong QC sẽ đảm bảo tính hiệu quả về kinh tế và sẽ thuận lợi khi sử dụng các TC khác nhau để là giải pháp được lựa chọn. Theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hệ thống QC kỹ thuật của Việt Nam bao gồm: QC kỹ thuật quốc gia – ký hiệu là QCVN và QC kỹ thuật địa phương – ký hiệu là QCĐP.

QC kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tổ chức xây dựng và ban hành QC kỹ thuật quốc gia trong phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công quản lý; QC kỹ thuật địa phương do Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và ban hành để áp dụng trong phạm vi quản lý của địa phương, phù hợp với đặc điểm về địa lý, khí hậu, thuỷ văn, văn hóa, trình độ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. (Hình 1)

Mục tiêu, vai trò của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia trong lĩnh vực Xây dựng

QC kỹ thuật quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong mọi hoạt động kinh tế – xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác nên QC là cơ sở khoa học để  đảm bảo cho các công trình xây dựng được hình thành, khai thác, sử dụng một cách an toàn, bền vững, đáp ứng yêu cầu tiện nghi, sức khoẻ, vệ sinh môi trường nhằm phục vụ lợi ích của cộng đồng và xã hội.

QC kỹ thuật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng; QC kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực Xây dựng còn là công cụ quản lý nhà nước trong xây dựng cơ bản và là chuẩn mực kỹ thuật để xem xét, thẩm định và phê duyệt cũng như nghiệm thu và khai thác sử dụng công trình xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam; QC còn là cơ sở để soát xét, biên soạn, công nhận, ban hành TC quốc gia về xây dựng của Việt Nam, cũng như cho phép áp dụng TC nước ngoài. 1.4. Phương pháp biên soạn Quy chuẩn.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thường được biên soạn theo phương pháp Tính năng (Performance). Biên soạn theo phương pháp tính năng là để tạo sự linh hoạt trong việc áp dụng các công nghệ, các vật liệu xây dựng, các hệ thống, các thiết bị, các thiết kế mới. Mọi vật liệu, cấu kiện, giải pháp thiết kế, thi công đều có thể được áp dụng nếu chúng thoả mãn các yêu cầu về tính năng, trong đó:

+ Yêu cầu mục tiêu: nêu rõ mục tiêu phải đạt được;

+ Yêu cầu về công năng: xác định các yêu cầu mà công trình phải đạt được cho mỗi mục tiêu;

+ Yêu cầu về tính năng: quy định các yêu cầu về tính năng kỹ thuật cụ thể mà cấu kiện, vật liệu, giải pháp thiết kế, thi công phải đạt được các mục tiêu trên.

Như vậy, QC chỉ “đưa ra các yêu cầu phải đạt được và các tiêu chuẩn kiểm tra việc thoả mãn các yêu cầu đó mà không giới hạn phương pháp để đạt được kết quả theo yêu cầu” (Perforrmance- based).

Trong phương pháp biên soạn, QC thường được xây dựng dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ, kinh nghiệm thực tiễn, nhu cầu hiện tại và xu hướng phát triển kinh tế – xã hội. Các nội dung trong QC đưa những yêu cầu kỹ thuật có thể trực tiếp hoặc được trích dẫn từ các TC quốc tế, TC khu vực, TC nước ngoài và TC quốc gia, quy định kỹ thuật hoặc quy phạm thực hành. Việc sử dụng các TC này cần căn cứ vào các đặc điểm về địa lý, khí hậu, kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam hoặc vào các ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia (nhất là khi áp dụng TC quốc tế, TC khu vực). Việc xây dựng QC còn cần bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống QC kỹ thuật và hệ thống TC quốc gia của Việt Nam.

Các hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật nằm trong Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Xây dựng

Trong hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có thể phân thành các loại như Quy chuẩn kỹ thuật chung; Quy chuẩn kỹ thuật an toàn; Quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Quy chuẩn kỹ thuật quá trình và Quy chuẩn kỹ thuật dịch vụ.

+ QC kỹ thuật chung: bao gồm các quy định về kỹ thuật và quản lý áp dụng cho một lĩnh vực quản lý về quy hoạch, kiến trúc, thiết kế, thi công, sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình;

+ QC kỹ thuật an toàn: bao gồm các quy định về mức, chỉ tiêu, yêu cầu liên quan đến an toàn cháy nổ, an toàn xây dựng, an toàn nhiệt, an toàn điện, an toàn sinh mạng và sức khoẻ con người;

+ QC kỹ thuật môi trường: bao gồm các quy định về mức, chỉ tiêu, yêu cầu về chất lượng môi trường xung quanh, về chất thải;

+ QC kỹ thuật quá trình: bao gồm các quy định yêu cầu về vệ sinh, an toàn trong quá trình sản xuất, khai thác, chế biến, bảo quản, vận hành, vận chuyển, sử dụng, bảo trì sản phẩm, hàng hóa;

+ QC kỹ thuật dịch vụ: bao gồm các quy định yêu cầu về an toàn, vệ sinh trong dịch vụ kinh doanh, thương mại, bưu chính, viễn thông, xây dựng, giáo dục, du lịch, giải trí, văn hoá, thể thao, giao thông, môi trường và dịch vụ trong các lĩnh vực khác…

Nội dung Quy chuẩn chỉ đề ra các yêu cầu kỹ thuật buộc phải tuân thủ trong các hoạt động xây dựng để khống chế và điều tiết đối với các đối tượng xây dựng. Quy chuẩn chỉ quy định những nội dung có tính nguyên tắc, bao quát chung. Văn phong được sử dụng trong Quy chuẩn là từ “phải” để nêu lên rằng một yêu cầu phải được thực hiện nghiêm ngặt.

Sau khi công bố 3 tập Quy chuẩn (1996-1997) về xây dựng, với việc bao quát nhiều nội dung – Đến nay, trước đòi hỏi của thực tiễn và yêu cầu phát triển ngành cũng như đáp ứng xu thế hội nhập – Bộ Xây dựng đã xây dựng, biên soạn và công bố thêm nhiều Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chuyên ngành ở các lĩnh vực khác nhau, nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống Quy chuẩn trong lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, với nhiều sự biến động và thay đổi trong các hệ thống Luật; Các rào cản về kỹ thuật, thương mại, dịch vụ…sẽ được tháo dỡ khi các hiệp định, hiệp ước…của Việt Nam với các tổ chức, khu vực, châu lục…trên thế giới có hiệu lực, bên cạnh các yếu tố chi phối có tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, ô nhiễm môi trường, kiệt cạn tài nguyên, công nghệ số… thì đây sẽ vừa là cơ hội nhưng đồng thời cũng là những thách thức không hề nhỏ trong quá trình soát xét, xây dựng mới hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực xây dựng ở Việt Nam. (Hình 2)

2. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA VÀ SỰ CẦNTHIẾT XÂY DỰNG QUY CHUẨN KỸ THUẬT ĐỊA PHƯƠNG LĨNH VỰC QUY HOẠCH VÀ KIẾN TRÚC CHO CÁC ĐỊA PHƯƠNG Ở VIỆT NAM

Như phần 1 đã trình bày, phần lớn các QC kỹ thuật quốc gia chuyên ngành xây dựng như về kỹ thuật, năng lượng, an toàn, quy trình, chất lượng sản phẩm hàng hóa…đều có tính phổ quát, có hiệu lực và hiệu quả trong việc thống nhất quản lý, áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lĩnh vực Quy hoạch và Kiến trúc (ở đây chính là QCVN 01:2021/BXD), là Quy chuẩn gần như bao trùm các nội dung cần đi trước một bước, liên quan đến quy hoạch các ngành khác, trong đó đặc biệt liên quan đến các đồ án quy hoạch ở các cấp độ quy hoạch khác nhau, về không gian sử dụng đất, không gian vật chất và không gian hệ sinh thái tự nhiên…Vì vậy rất khó khả thi khi áp dụng, quản lý và triển khai thực hiện trên cả nước – Do các tỉnh, thành phố, địa phương, vùng miền của Việt Nam có nhiều sự khác biệt trên các phương diện.

Mặc dù các địa phương, tỉnh, thành phố có nhu cầu rất lớn về xây dựng QCĐP với nội dung chỉ thay đổi, điều chỉnh tăng các chỉ tiêu tối thiểu như mật độ cây xanh, mặt nước, mật độ bãi đỗ xe…giảm mật độ diện tích đất ở, mật độ dân số và cư trú…Tuy vậy, vẫn không có đủ cơ sở pháp lý chính thống, do không có QCĐP, dẫn tới việc triển khai, bổ sung, điều chỉnh các đồ án quy hoạch gặp nhiều khó khăn.

Có thể thấy rõ những khó khăn, rào cản từ hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch và Kiến trúc khi tuân thủ thực hiện, thể hiện ở các nội dung chính sau đây:

Trước hết, QC là một văn bản quy phạm dưới luật, là công cụ quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, nếu xét đến yếu tố tiến hóa thì những yêu cầu có tính bắt buộc nhưng lại ở mức độ tối thiểu nhất, lại trở thành rào cản trong mọi sự phát triển. Nhất là trong thời đại ngày nay, với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ như vũ bão, không chỉ thuần túy ở sự tuần tự, mà có nhiều bước nhảy vọt, tạo ra các cuộc đại cách mạng khoa học công nghệ. Trong khi đó, việc thay đổi, điều chỉnh, bổ sung những nội dung trong QC trên cơ sở tiếp thu thành tựu của khoa học công nghệ ở Việt Nam thường không nhanh, chậm và không kịp thời bởi các thủ tục hành chính…

Trong khi ở nhiều thành phố, đô thị lớn, với việc phát triển không gian có xu hướng nén do hạn hẹp quỹ đất, mật độ dân số và cư trú cao… thì trái lại ở các vùng nông thôn, ngoại vi đô thị…ở nhiều tỉnh đang có xu hướng mật độ dân số giảm, không đủ điều kiện trở thành đơn vị hành chính tế bào, có xu hướng sát nhập, hợp nhất các huyện, xã, thôn… để thỏa mãn quản  lý có tính tập trung và hiệu quả. Hoặc trong một tỉnh, về mặt điều kiện tự nhiên có cả vùng núi, vùng trung du và đồng bằng (ví dụ như tỉnh Vĩnh Phúc thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng). Do đó, việc cùng áp dụng một chỉ tiêu tối thiểu về mật độ xây dựng hoặc các chỉ tiêu tối thiểu về yêu cầu kỹ thuật trong QC cũng sẽ rất khó khả thi.

Nếu chiếu theo QC với đơn vị hành chính cấp xã, phường, thường được quy hoạch một trường Tiểu học và Trung học cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay ở một số đô thị có mật độ dân số quá cao, đã phải xây dựng tối thiểu 2 điểm trường cùng cấp, sẽ rất khó tìm được quỹ đất để thỏa mãn, đáp ứng bán kính phục vụ, phù hợp với yêu cầu của QC kỹ thuật quốc gia.

Rất nhiều các công trình xây dựng về giáo dục, y tế, văn hóa, hành chính, thương mại…và đặc biệt là nhà ở riêng lẻ, liền kề hoặc chung cư

– Đôi khi các địa phương phải đưa ra các nghị quyết thụ động của Hội đồng nhân dân cấp Tỉnh để tạm quyết định cho các vấn đề có liên quan đến các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc, kỹ thuật như: mật độ xây dựng thuần, mật độ xây dựng gộp, chiều cao công trình cùng một vị trí nhưng chênh cốt cao độ ở các trục đường tiếp giáp với các mặt của công trình, khoảng lùi công trình so với chỉ giới đường đỏ, mật độ cây xanh và mặt nước, mật độ xây dựng đất ở trong ô đất có chức năng sử dụng thương mại hoặc hỗn hợp, bán kính phục vụ của các công trình phúc lợi và dân sinh, mật độ bãi đỗ xe và chỉ tiêu diện tích cho chỗ đỗ xe, đặc biệt là các chỉ tiêu về nghệ thuật và tiện ích cho các không gian công cộng… mà các chỉ tiêu này nằm trong QCVN 01:2021/ BXD, để phù hợp với thực tiễn liên quan tới bản sắc văn hóa và kiến trúc, cũng như những yêu cầu đặt ra theo hướng kiến trúc sinh thái và bền vững của địa phương.

Với các khu đô thị mới được xây dựng ở các tỉnh, do còn dồi dào về quỹ đất cũng như cần thỏa mãn nhu cầu ở ngày càng cao của người dân theo các xu hướng kiến  trúc xanh, sinh thái nên hầu như có yêu cầu giảm chỉ tiêu và mật độ đất ở, giảm mật độ xây dựng, tăng tỉ lệ cây xanh mặt nước cho đô thị và đơn vị ở, tăng chỉ tiêu mật độ đất công cộng và tiện ích đô thị. Hoặc tăng chiều rộng vỉa hè, tăng khoảng lùi của công trình so với chỉ giới đường đỏ, từ đó có đủ và dư diện tích để bố trí hạ tầng kỹ thuật các đường ống chạy ngầm và diện tích cây xanh…Hoặc tăng diện tích bãi đỗ xe cho các khu vực công cộng và nhà chung cư. Việc thay đổi các chỉ tiêu này đương nhiên theo hướng tích cực, nhưng vì không có QCĐP nên rất lúng túng trong các văn bản thẩm định và quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch, nhất là cho các dự án khu đô thị mới, khu chức năng đặc thù…của các cơ quan có thẩm quyền.

Với những nội dung phân tích trên, để có thể chủ động cho các địa phương, vùng miền trong việc tổ chức quy hoạch, kiến tạo các đô thị mới, các vùng nông thôn, các khu chức năng đặc thù, cũng như quy hoạch bảo tồn các vùng lõi đô thị di sản, đô thị hiện hữu, tái thiết phục hồi và chuyển hóa các chức năng không gian cho cả đô thị và nông thôn, đi đôi với việc tạo lập và gìn giữ sắc thái văn hóa riêng cho từng địa phương – Rất cần xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương cho các Tỉnh, Thành phố về lĩnh vực Quy hoạch và Kiến trúc. Đây vừa là nhu cầu, vừa là yêu cầu để phát triển nền Kiến trúc Việt Nam theo hướng phù hợp với điều kiện tự nhiên, lưu giữ và bảo tồn được giá trị văn hóa bản địa và chuyển hóa thích ứng với thời đại kỷ nguyên công nghệ số. Cũng là phù hợp với Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hiện nay đã có Thông tư số 13/2002/TT- BKHCN ngày 15/9/2022 của Bộ

Khoa học và Công nghệ về Quy định mức kinh tế – kỹ thuật cho nhóm dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đối với hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hoạt động giải thưởng chất lượng quốc gia. Đây là một điều kiện thuận lợi có thể chủ động đề xuất và xây dựng QCĐP cho các địa phương trên cả nước.

Công việc này trước hết đòi hỏi sự quyết tâm của các cấp chính quyền địa phương, sự ủng hộ của Bộ Xây dựng và sự đồng thuận của các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng xã hội tại địa phương…

Tài liệu tham khảo:

  1. Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH11 ngày 29/06/2006
  2. Quy chuẩn QCVN 01:2021/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng Thông tư s 13/2002/TT-BKHCN ngày 15/9/2022 của B Khoa học Công nghệ.

 

* Trích Kỷ yếu hội thảo kỷ niệm 75 năm Hội Kiến trúc sư Việt Nam

bình luận