Viện Kiến trúc Quốc gia hoàn thành tập huấn nâng cao năng lực cán bộ ngành xây dựng tại các địa phương(27/12/2021)

Trong khuôn khổ thực hiện và triển khai Nhiệm vụ thường xuyên hàng năm, Viện Kiến trúc Quốc gia đã phối hợp với Sở Xây dựng các tỉnh Lào Cai, Hà Giang và KonTum tổ chức thành công 03 lớp Tập huấn nâng cao năng lực cán bộ ngành xây dựng với Chủ đề “Thiết kế đô thị và Quy định của pháp luật về công trình Kiến trúc có giá trị”. Chương trình tập huấn được thực hiện từ ngày 29/11 đến ngày 16/12/2021)

Khóa tập huấn được xây dựng dựa trên những vấn đề thực tiễn trong quá trình quản lý, vận hành công tác triển khai các đồ án Quy hoạch, trong đó yêu cầu thiết kế tùy theo từng cấp độ của đồ án QHXD sẽ được định hưỡng hoặt định hình bằng những yếu cầu về kiến trúc, cảnh quan khác nhau. Từ năm 2003, nội dung Thiết kế đô thị chính thức có tính pháp lý trong bộ Luật Xây dựng và là một trong các nội dung lớn của đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, và đặc biệt với các khu vực đô thị hiện hữu thì lập thiết kế đô thị riêng. Tuy nhiên, việc thực hành các nội dung Thiết kế đô thị ở Việt Nam đang còn rất mới mẻ. Các cấp quản lý nhà nước và các đơn vị tư vấn thiết kế hiện đang rất lúng túng và thiếu sự hiểu biết, nắm bắt, vận dụng các nội dung Thiết kế đô thị trong luật, nghị định, thông tư hướng dẫn… vào các công việc cụ thể này.

Đứng trước thực trạng đó, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 06/2013/TT-BXD ngày 13/5/2013 Hướng dẫn về nội dung Thiết kế đô thị. Tuy nhiên, do chưa nắm bắt và xác định được yêu cầu thực sự của Thiết kế đô thị, việc thực hành thiết kế đô thị ở Việt Nam đang gặp nhiều khó trong tất cả các công việc liên quan như: xác định nhiệm vụ, xây dựng ý tưởng, thể hiện hồ sơ bản vẽ thiết kế, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, giám sát việc thực hiện trên thực tế.

Luật Kiến trúc có hiệu lực từ 7/9/2020, cùng với đó là Nghị định 85/2020/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều, trong đó đã đề xuất tiêu chí đánh giá công trình kiến trúc có giá trị. Đây cũng là những văn bản pháp lý của ngành xây dựng đề cập trực tiếp đến công tác quản lý, đánh giá về các công trình có tính lịch sử dưới tiếp cận, phân tích ở góc độ đặc thù về kiến trúc, nghệ thuật. Điều đó cũng thấy rõ, những đổi mới trong phối hợp quản lý liên ngành để đảm bảo gìn giữ, khai thác, phát huy các giá trị đặc trưng của các loại hình công trình kiến trúc có giá trị này.

Với hai nội dung của khóa tập huấn về “Thiết kế đô thị và Quy định của pháp luật về công trình kiến trúc có giá trị rất cần thiết cho công tác quản lý ngành xây dựng nói chung và đặc biệt là tính đặc thù về cảnh quan, địa hình, văn hóa kiến trúc theo vùng miền. Vì vậy, việc tập hợp, phân tích, học hỏi kinh nghiệm thông qua các tài liệu về Thiết kế đô thị và giá trị của các công trình kiến trúc… cũng như công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ hiểu biết và chuyên môn sâu cho cán bộ công tác trong cả lĩnh vực tư vấn và quản lý địa phương là hết sức cần thiết.

Nội dung khóa tập huấn này được tổng hợp kiến thức từ nhiều chuyên ngành – kiến trúc, sinh thái, kinh tế, kỹ thuật, phát triển bất động sản, kiến trúc cảnh quan, quy hoạch, xã hội học, văn hóa học, bảo tồn di sản. Các chuyên đề giảng dạy và tài liệu hỗ trợ này được xây dựng dựa trên cơ sở khảo sát những nhu cầu thực tiễn quản lý và thực hành thiết kế đô thị và quản lý công trình có giá trị ở các địa phương, đồng thời bám sát hiện trạng ở Việt Nam nhằm hỗ trợ cho các học viên những kiến thức tổng quan, cơ bản và cụ thể, thiết thực nhất để có thể ứng dụng vào công việc quản lý và tư vấn chuyên ngành của mình. Kinh nghiệm từ các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế đô thị sẽ được chia sẻ cùng với học viên để có được những kiến thức tốt nhất cho hoạt động thực tiễn.

Với những ý nghĩa đó, mục tiêu khóa tập huấn này nhằm:

– Cung cấp kiến thức tổng quan và phương pháp phân tích hiệu quả đối với một đồ án thiết kế đô thị;

– Chia sẻ và phân tích bài học kinh nghiệm từ các chuyên gia về mặt lý thuyết và thực tế từ các đồ án thiết kế đô thị mẫu đối với những đặc trưng văn hóa, địa hình, kiến trúc đô thị của địa phương;

– Giới thiệu những quy định về quản lý, phát huy giá trị và tiêu chí xác định, xếp loại các công trình kiến trúc có giá trị trong các văn bản pháp lý (Luật và Nghị định).

Đây cũng là sản phẩm đào tạo nâng cao năng lực của Viện Kiến trúc Quốc gia (BXD) với sự phối hợp chuyên môn của các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về thiết kế đô thị và đánh giá công trình kiến trúc có giá trị cùng các cán bộ quản lý của địa phương hướng tới nâng cao kỹ năng ứng dụng vào thực tế.

Các học viên tham gia khóa đào tạo đã có những trao đổi thực tiễn từ công tác quản lý địa phương với các giảng viên. BTC cũng đã tặng điểm tích lũy nghề nghiệp liên tục (CPD) với các học viên là kiến trúc sư tham gia.

 Một số hình ảnh tập huấn:

1

ThS.KTS. Đỗ Thanh Tùng – Viện trưởng , phát biểu khai giảng lớp tập huấn tại Sở Xây dựng Hà Giang

9

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang, phát biểu khai mạc khóa tập huấn

2

TS.KTS. Nguyễn Tất Thắng với bài giảng “Phân tích sự khác biệt và tương đồng giữa di sản kiến trúc và công trình kiến trúc có giá trị”

5

ThS.KTS. Vũ Đình Thành – Phó Viện trưởng, với bài giảng “Thiết kế Đô thị – Lý thuyết và thực tiễn”

7

TS.KTS. Trịnh Hồng Việt – Phó Viện trưởng với bài giảng “Nhận diện các giá trị của kiến trúc cảnh quan trong thiết kế đô thị”

10

TS.KTS. Trần Minh Tùng – Trường Đại học Xây dựng Hà Nội với bài giảng “Cơ sở lý luận và lý thuyết về thiết kế đô thị”

8

Lãnh đạo Viện KTQG và Sở GT-VT-XD Lào Cai trao chứng nhận cho các học viên

11

Lãnh đạo Viện KTQG và Sở Xây dựng Hà Giang trao chứng nhận cho các học viên

4

Phó Viện trưởng Vũ Đình Thành, trao giải thưởng cho học viên có bài tập đạt điểm cao

6

Các thành viên Ban tổ chức và giảng viên

 

PV/KTVN

Tổng hợp: Đào tạo &HTQT

bình luận