Viện Kiến trúc Quốc gia đạt giải nhất phương án kiến trúc quy hoạch chi tiết mở rộng Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP Tuyên Quang (giai đoạn 2)(02/07/2024)

Vượt qua nhiều nhóm nghiên cứu, Viện Kiến trúc Quốc gia đã vinh dự đạt giải nhất cuộc thi phương án kiến trúc quy hoạch chi tiết mở rộng Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP. Tuyên Quang (giai đoạn 2) và được lựa chọn để thành phố triển khai các bước tiếp theo.

Theo đó, ngày 27/6/2024, UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Quyết định 669/QĐ-UBND vè việc phê duyệt kết quả thi tuyển phương án kiến trúc quy hoạch chi tiết mở rộng Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang (giai đoạn 2).

Hội đồng thi tuyển theo Quyết định số 378/QĐ-UBND ngày 15/4/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang về hình thức thi tuyển rộng rãi, trong nước.

Địa điểm thực hiện dự án tại TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang và đơn vị tổ chức thi tuyển là Sở Xây dựng tỉnh Tuyên Quang.

Đặc biệt với kết quả thi tuyển Giải nhất đã thuộc về phương án của Viện Kiến trúc Quốc gia (Mã số: M223).

Phối cảnh Tổng thể của Giải nhất do Viện Kiến trúc Quốc gia thiết kế.

Bên cạnh đó, Giải nhì thuộc về phương án của Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Cotana (Mã số: C102); Giải ba là phương án của Công ty cổ phần Mỹ thuật và Xây dựng Việt Nam (Mã số: V268); Giải khuyến khích, phương án của Công ty cổ phần tư vấn và kiểm định xây dựng Việt Nam (Mã số: L044) và Trung tâm tư vấn Kiến trúc và đầu tư  xây dựng (Mã số: A774).

Phối cảnh kiến trúc quy hoạch chi tiết mở rộng Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP. Tuyên Quang (giai đoạn 2) về đêm.
Phối cảnh nhìn từ trên cao.

Đặc biệt, phương án của Viện Kiến trúc Quốc gia (Mã số: M223) sẽ được lựa chọn để triển khai các bước tiếp theo.

Khẳng định năng lực của các thành viên trong nhóm, Trưởng nhóm KTS. Nguyễn Thành Long (Lscrop) – Viện Kiến trúc Quốc gia (VIAr) nhận định, phương án đạt giải nhất là kết tinh, hội tụ của bản sắc văn hoá – lịch sử cách mạng – tính đương đại hướng tới tương lai góp phần vào định hướng vươn tầm quốc tế của quảng trường Nguyễn Tất Thành, đồng thời thể hiện quyết tâm nâng tầm thương hiệu của VIAr.

Ý nghĩa hơn khi nơi đây chính là khu vực của Thành cổ Tuyên Quang, tương truyền được xây dựng từ thời nhà Mạc, nằm bên cạnh bờ sông Lô. Hiện nay vẫn còn dấu vết của đoạn góc thành, cửa Tây, cửa Nam và núi Thổ Sơn. Trải qua quá trình lịch sử, hiện nay khu vực thành đã biến đổi và là nơi đặt các trụ sở, cơ quan hành chính, chính trị của tỉnh.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình nghiên cứu phương án, KTS. Lscrop cho biết, quảng trường Nguyễn Tất Thành có chức năng đặc biệt không chỉ là nơi  tập trung tổ chức các hoạt động, lễ hội thu hút khách du lịch mà còn là khu vực nghiên cứu để hội tụ rất nhiều giá trị truyền thống.

Chính vì những ý nghĩa giá trị đó, nhóm phải xuyên suốt nghiên cứu các nội dung, vấn đề về văn hoá, lịch sử, cách mạng để cô đọng, đem đến ý tưởng nổi bật cho đồ án đồng thời xác định đây là ý tưởng duy nhất chỉ có ở Tuyên Quang.

Đáng chú ý, khó khăn lớn nhất là hệ thống dữ liệu đa dạng, việc lựa chọn điểm sáng nhất, đặc điểm riêng biệt của khu vực để đưa vào đồ án cần nghiên cứu, chọn lọc có trọng tâm, trọng điểm.

Ý tưởng lựa chọn của nhóm gợi lại hình ảnh của khu vực thành xưa và kết hợp với không gian để tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm và hoạt động sáng tạo bên trong và ngoài trời để trở thành điểm hội tụ và kết nối từ lịch sử quá khứ đến tương lai. Khu vực trung tâm sẽ bố trí không gian trình diễn ánh sáng thể hiện những biểu tượng tương ứng với những thay đổi của Tuyên Quang và là hạt nhân xuyên suốt trong bức tranh toàn cảnh.

Có thể nói hình ảnh của không gian quảng trường mở rộng trong tương lai sẽ là nơi thu hút sự quan tâm của cộng đồng, là nơi tổ chức các hoạt động lớn và thường xuyên của thành phố, tỉnh và cả nước với mong muốn tạo nên một bản hoà ca ánh sáng và nghệ thuật! KTS. Lscrop gợi mở về ý tưởng đồ án.

Việt Khoa -Hải Nam

bình luận