VIAr – Diễn đàn kiến trúc tháng 5(30/05/2014)

Diễn đàn kiến trúc tháng 5 được đồng tổ chức bởi Viện Kiến trúc quốc gia (VIAr) và 2 công ty đến từ Vương quốc Bỉ: công ty Boydens và NEY với chủ đề: “Công nghệ năng lượng hiệu quả trong thiết kế công trình đặc thù – Công viên Khảo cổ Hoàng thành Thăng Long” đã diễn ra sôi nổi vào sáng nay, 30/5 tại trụ sở Viện Kiến trúc Quốc gia.
Đây được coi là một buổi trao đổi mở nhằm giới thiệu phương án thiết kế Công viên Khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long (được thực hiện bởi liên danh tư vấn VIAr – Boydens – NEY) cũng như những công nghệ năng lượng tiên tiến được 2 công ty hàng đầu của Bỉ và Viện Kiến trúc Quốc gia áp dụng trong phương án thiết kế này. Công nghệ năng lượng hiệu quả trong thiết kế công trình đặc thù – Công viên Khảo cổ Hoàng thành Thăng Long được coi là buổi mở màn cho diễn đàn kiến trúc sẽ được VIAr tổ chức định kỳ hàng tháng với những chủ đề khác nhau nhằm chia sẻ cũng như học hỏi thêm những kinh nghiệm thực tế trong các công trình thực hiện.
Ý tưởng sáng tạo với tên gọi “Công viên Khảo cổ Hoàng thành Thăng Long” là phương án thiết kế liên danh VIAr – Boydens – NEY thực hiện thể hiện tiisnh mở trong thiết kế, sự hài hòa với toàn bộ không gian chung của khu vực. Với việc sử dụng hệ kết cấu khá mới và mang tính linh động cao, có hệ khung cột tương đối tùy biến (khẩu độ có thể lên tới 30m) giảm được các tác động về thị giác và xây dựng với các hiện vật di tích trưng bầy có giá trị, hướng đến tạo ra một công viên trên nền một cấu trúc thống nhất với 5 nhân tố then chốt là Bảo tồn – thống nhất và hài hòa – nền tảng kiến thức – liên kết xanh – giao tiếp cộng đồng. Giải pháp cũng tập trung đến các yếu tố tiết kiệm năng lượng, dựa trên các mô hình khái quát hóa được tính toán dựa trên những phương án về công nghệ năng lượng hiệu quả được tính toán và đưa ra những giải pháp tối ưu nhất. Khu vực mái che của bảo tàng được nhóm nghiên cứu tổ chức thành dải công viên cây xanh để du khách có thể đi bộ khi tham quan khu vực bảo tàng phía, đồng thời đảm bảo các yếu tố chiếu sáng, môi trường vi khí hậu tối ưu cho không gian trưng bầy hiện vật ở tầng trệt.
Các đại biểu tham gia hội thảo sau khi lắng nghe liên danh thực hiện trình bày phương án cũng đã có những góp ý thẳng thắn và chân thực. Nhiều góp ý liên quan đến vấn đề khí hậu đặc thù của Việt Nam cũng được đề cập. Nhóm nghiên cứu cũng đã chia sẻ những phương án thực hiện cho phù hợp cũng như ghi nhận sâu sắc ý kiến của các vị đại biểu để hoàn thiện tốt hơn trong những vòng sau.
Song song với việc đưa ra những trao đổi về phương án của liên danh, các đại biểu cũng bày tỏ sự nhiệt tình ủng hộ và cần thiết trước việc Viện Kiến trúc Quốc gia sẽ tổ chức diễn đàn kiến trúc hàng tháng. Đây sẽ là dịp để các nhà chuyên môn, những người làm nghề có sân chơi để cùng nhau chia sẻ về kiến trúc đương đại.

Một số hình ảnh diễn ra tại diễn đàn :

Toàn cảnh hội thảo

Phó Viện trưởng Vũ Đình Thành trình bầy ý tưởng phương án thiết kế Công viên Khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long

Ông Xavier Pinchart, Tổng Giám Đốc Công Ty Boydens Engineering chia sẻ về phương pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả

TS KTS Lê Đình Chi phát biểu tại hội thảo

TS KTS Đào Ngọc Nghiêm đóng góp ý kiến cho nhóm thực hiện đồ án

Ths KTS Phạm Huệ Linh chia sẻ những kinh nghiệm bản thân trong việc thiết kế cảnh quan phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam

Công viên khảo cổ Hoàng Thành – Ý tưởng và Thách thức

 

“Khi tạo ra một công viên trên nền cấu trúc thống nhất, chúng tôi muốn gửi gắm hoài bão của mình là mang lại sự hài hòa và cá giải pháp bảo tồn phù hợp cho di tích, di sản UNESCO. Bên cạnh việc mang lại sự thống nhất về cảnh quan với các công trình xây dựng hiện có tại khu vực, chúng tôi còn mong muốn tạo ra một bảo tàng khảo cổ độc đáo, bền vững, mang dấu ấn riêng biệt. Một công viên dành cho cộng đồng”, Ông Xavier Pinchart, Tổng Giám Đốc Công Ty Boydens Engineering (www.boydens.be) phát biểu.

 

Trung tâm Hà Nội là không gian trang trọng, hội tụ nhiều công trình trang nghiêm và mang tính biểu tượng cao (Nhà Quốc Hội, khu vực quân đội, Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh …). Việc tái hiện sự thống nhất giữa các công trình này thông qua việc sử dụng kết cấu che phủ toàn bộ khu vực là vô cùng quan trọng. Ý tưởng chủ đạo là thiết kế mái công trình trở thành công viên xanh có thể dạo bộ phía trên bảo tàng khảo cổ và tọa lạc giữa khu trung tâm chính trị. Công viên này sẽ đóng vai trò là mặt phân cách rõ ràng, tách biệt giữa những dấu ấn trong lòng và những tồn tại trên mặt đất, như sự gợi nhớ về truyền thống và hiện đại. Đồn thời, cũng sẽ trở thành một điểm nhấn hài hòa, là nơi lý tưởng cho mọi người trao đổi, thảo luận và giao tiếp.

 

Khu khảo cổ học Hoàng Thành Thăng Long là một dự án đầy thách thức nhưng cũng đầy thú vị đối với bất kỳ kiến trúc sư hay kỹ sư nào. Giá trị văn hóa, lịch sử chính trị của khu khảo cổ này khiến cho việc tìm ra các giải pháp bảo tồn bền vững để bảo quản các di tích quý giá này cũng như giới thiệu chúng đến với cộng đồng là vô cùng quan trọng.

Thách thức bảo tồn

 

Trong suốt thời gian qua, rất nhiều vấn đề đã được phát hiện: hiện tượng tạo muốn (haloclasty), phong hóa (efflorescence), phân rã vữa/ đất sét (accelerated mortar/ clay decay), thay đổi kết cấu đất. “Chúng tôi hiểu rằng nếu sử dụng các chất hóa học hay triển khai hoạt động xây dựng sẽ không mang lại hiệu quả gì mà trái lại còn phá hủy khu khảo cổ một cách nhanh chóng hơn”. Ông Xavier Pinchart cho biết. Vì lý do đó, cần phát triển các giải pháp bảo tồn theo định hướng: giữ cho tình trạng khí hậu ổn định, không sử dụng chất hóa học, không sử dụng các giải pháp gây ô nhiễm khác, kiểm soát điều kiện lòng đất, etc. như vậy sẽ tách biệt các di tích cần bảo vệ ra khỏi môi trường không khí bên ngoài.

Năng lượng tiêu thụ

 

Khi cần phải bảo tồn một không gian rộng lớn như vậy, nếu sử dụng hệ thống điều hòa không khí truyền thống để kiểm soát khí hậu toàn bộ khu vực, các vấn đề sau sẽ phát sinh: mặt đất sẽ nhanh chóng bị quá khô và mức độ năng lượng tiêu thụ rất lớn. “Với kinh nghiệm làm việc với các dự án bền vững trên khắp Châu âu, chúng tôi xem dự án này là một dự án hết sức thú vị để nghiên cứu, làm việc và cống hiến sao cho ra được những kết quả vẹn toàn nhất, mang lại các giải pháp bảo tồn bền vững nhất và có được bảo tàng khảo cổ với mức tiêu thụ năng lượng thấp nhất”. Ông Xavier Pinchart và ông Vũ Đình Thành, Viện Phó Viện Kiến Trúc Quốc Gia cho biết.

Tham vọng gửi gắm

 

Các giải pháp thiết kế thụ động và thiết kế chủ động đều đã được áp dụng. Thiết kế thụ động (mái xanh, ánh sáng tự nhiên, các hộp kính điều hòa khí hậu) có ảnh hưởng đáng kể đến vấn đề về tiết kiệm năng lượng, chất lượng công trình và chi phí đầu tư. Trong khi đó, thiết kế chủ động sẽ giúp kiểm soát khí hậu một cách chính xác và tối ưu tiện nghi cho người sử dụng.

 

Rất nhiều nghiên cứu và mô phỏng đã được thực hiện một cách cẩn thận và chi tiết giúp đội tư vấn hiểu được phản ứng của khu vực khảo cổ với các giải pháp đưa ra và như vậy đảm bảo được tính phù hợp của giải pháp được lựa chọn.

 

“Với nỗ lực tối đa, chúng tôi tin rằng một bảo tàng khảo cổ học bền vững tôn vinh giá trị lịch sử văn hóa, đồng thời là một bảo tàng dành cho cộng đồng sẽ được xây dựng” – Ông Xavier Pinchart chia sẻ.

 

 

 

 PV

bình luận