Đề tài nghiên cứu thiết kế điển hình công trình tiện ích đô thị, không gian công cộng(01/02/2018)
Trong hơn 25 năm qua, cùng với sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước, đô thị và kiến trúc nước ta có được những bước phát triển vượt bậc. Trong đó, không gian công cộng với các công trình tiện ích là một thành phần quan trọng của đô thị. Một thành phố phát triển thành công và bền vững phải là một thành phố có hệ thống không gian công cộng với chất lượng cao, cảnh quan đẹp và bền vững về mặt môi trường.
Thực trạng thường thấy tại các đô thị hiện nay là: việc bố trí các công trình tiện ích trong các không gian công cộng chưa có sự nghiên cứu từ tổng thể và mối liên hệ với các khu vực xung quanh, chưa được chú trọng về mặt thiết kế, cũng như khả năng tiếp cận, do đó không thuận tiện và thân thiện với người sử dụng. Điều này dẫn đến hạn chế việc phát huy được tối đa tiềm năng và tác dụng của nó đối với hạ tầng đô thị, đôi khi bị quá tải hay lãng phí do ít được sử dụng.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ thông qua Nghị định số 38/2010/NĐ-CP, Về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, việc lập thiết kế điển hình các công trình tiện ích Đô thị (nhà vệ sinh công cộng, trạm dừng xe buýt, điểm đặt máy ATM) là hết sức cấp bách và cần thiết trong quá trình Đô thị hóa mạnh mẽ hiện nay
1. Điểm dừng xe bus:
Hoạt động vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt có một vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội tại các Thành phố nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng. Với điều kiện phát triển kinh tế và đặc biệt là điều kiện phát triển hạ tầng giao thông đô thị của Hà Nội như hiện nay thì hoạt động vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt vẫn giữ vai trò chủ đạo trong cung ứng dịch vụ VTHKCC của Thủ đô. .
Tuỳ theo đặc điểm, tính chất cũng như khả năng tài chính của từng đô thị mà sẽ có những loại hình vận tài hành khách công cộng khác nhau được phát triển đồng thời hay có chọn lọc. Với những hạn chế về nhiều mặt, Hà Nội hiện nay vẫn đang tạm ” hài lòng ” với hoại hình vận tải hành khách công cộng có sức chứa lớn nhất là xe Bus. Xe Bus Hà Nội đã có những sự phát triển không ngừng cả về số lượng cũng như chất lượng trong thời gian trở lại đây nhưng vẫn chưa thực sự đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của thị dân.
Giải pháp xây dựng Điểm dừng xe buýt có nhà chờ tập trung vào các đề xuất mới như sau:
+ Kết hợp điểm dừng xe bus có nhà chờ với các tiện ích khác trong khu đô thị như: tích hợp dịch vụ bán sách báo, tạp chí ấn phẩm, cửa hàng bán đồ ăn nhanh, cafe take away…
+ Tích hợp điểm dừng xe bus có nhà chờ với công trình nhà vệ sinh công cộng (wc ngầm, bán ngầm).
+ Kết hợp với dịch vụ ATM.
+ Đặc biệt tích hợp với dịch vụ quảng cáo ngoài trời là kênh tiếp cận khách hàng hiệu quả nhất, tích cực nhất.
+ Tích hợp điểm dừng xe bus có nhà chờ với công trình công cộng như trạm dừng nghỉ…
+ Trong nhà chờ xe buýt phải niêm yết đầy đủ các thông tin về các tuyến xe buýt: Số hiệu tuyến, tên tuyến, lộ trình tuyến, tần suất xe chạy, thời gian hoạt động trong ngày của tuyến, số điện thoại liên hệ.
2. Nhà vệ sinh công cộng:
Thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh là những thành phố lớn của nước ta nhưng hiện trạng nhà vệ sinh công cộng vẫn còn nhiều bất cập về cả số lượng lẫn chất lượng. Để cải thiện chất lượng cuộc sống đô thị ngoài việc nâng cao các điều kiện ăn, ở thì cũng không thể quên việc xây dựng mới và cải thiện các nhà vệ sinh công cộng đã có tạo điều kiện để người dân thể hiện lối sống văn minh, lịch sự. Tuy nhiên, không phải cư dân nào cũng có điều kiện tiếp cận được với nhà vệ sinh công cộng để chứng tỏ sự văn minh của mình, bởi trên địa bàn thành phố còn thiếu nhà vệ sinh công cộng và không ít người dân còn e ngại khi bước chân vào một nhà vệ sinh công cộng chưa thực hợp vệ sinh môi trường.
+ Nhà vệ sinh công cộng phù hợp với đặc điểm cảnh quan, môi trường,…Bố trí một phần diện tích hợp lý để quảng cáo khi thực hiện đầu tư bằng hình thức xã hội hóa.
+ Hiệu quả xã hội và môi trường: thu hút người sử dụng, đáp ứng nhu cầu và thân thiện với môi trường, bảo đảm thông thoáng, sạch sẽ và đủ ánh sáng.
+ Nhà vệ sinh có chiều cao tối thiểu 2.5 m, tường ốp gạch men và sàn lát bằng vật liệu chống trơn; có lối vào dành cho người khuyết tật.
+ Diện tích một buồng vệ sinh đủ cho một phụ nữ hoặc nam giới trưởng thành.
3. ATM:
Ngày nay, công nghệ ATM đang được ứng dụng rộng rãi trên phạm vi toàn thế giới và cả ở Việt Nam. Khái niệm máy rút tiền ATM cũng không còn xa lạ trong cuộc sống của người dân Việt Nam. Những tiện ích mà các dịch vụ thẻ mang lại đã góp phần từng bước thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân, giảm chi phí xã hội, nâng cao khả năng quản lý tiền tệ của Nhà nước cũng như góp phần hữu ích vào việc tạo dựng nền móng cho sự hình thành một nền thương mại điện tử.
Tuy nhiên, một vấn đề bức xức cũng được đặt ra là làm thế nào để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hệ thống và cả người dùng, chống lại mọi sự gian lận, ăn cắp tài khoản … của người dùng.
– Các mẫu thiết kế điển hình này được thực hiện làm cơ sở cho việc quản lý sử dụng, hướng dẫn thiết kế xây dựng các công trình tiện ích đô thị.
Nguyễn Quốc Hoàng- Trưởng phòng NC Thiết kế Điển hình hóa XD – Viện Kiến trúc Quốc gia
bình luận