Để kiến trúc tái định cư nông thôn phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới(24/03/2014)

Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Thời gian qua, các địa phương trong cả nước đã huy động tổng lực hệ thống chính trị để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tích cực công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Sau hơn 20 năm đổi mới và 05 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn của cả nước nói chung và của từng địa phương nói riêng đã thay đổi tích cực. Hệ thống các công trình văn hóa cộng đồng, nhà trẻ, trường học, trạm xá, bệnh viện, chợ dân sinh… được đầu tư xây dựng để hoàn thiện cơ sở vật chất xã hội cho các điểm dân cư nông thôn. Nhà ở dân cư cũng được xây dựng, chỉnh trang, nâng cấp theo xu hướng chú trọng hơn tới thẩm mỹ kiến trúc, chất lượng xây dựng và mức độ tiện nghi. Cơ cấu sản xuất nông thôn chuyển biến nhanh, giảm dần lao động sản xuất nông nghiệp để hình thành và phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hệ thống đường giao thông nông thôn được nâng cấp, cải tạo đáp ứng nhu cầu giao thông dân sinh và xe cơ giới. Hệ thống kênh tiêu, trạm bơm đã từng bước đáp ứng được tiêu thoát nước về mùa mưa. Nhiều địa phương đã có hệ thống cấp nước sạch tập trung; hệ thống thông tin, truyền hình. Nhìn chung, cấu trúc không gian cảnh quan kiến trúc nông thôn biến đổi mạnh.

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, sự nghiệp xây dựng nông thôn mới nhìn chung vẫn còn nhiều tồn tại. Trong quản lý xây dựng và phát triển nông thôn, các công trình công cộng bố trí trong các điểm dân cư chưa tạo thành điểm trung tâm tập trung. Cảnh quan nông thôn đang mất dần bản sắc, không phù hợp với cảnh quan truyền thống bởi các khu dân cư mới bố trí phân tán, bám sát dọc theo các trục đường giao thông; công trình nhà ở xây dựng mới với nhiều loại kiến trúc pha tạp. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi nhỏ vẫn còn lẫn với khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Hệ thống cơ sở hạ tầng tại nhiều khu dân cư nông thôn tuy đã được đầu tư, nâng cấp, nhưng chưa đảm bảo an toàn cho giao thông cơ giới; Tỷ lệ lớn dân cư vẫn chưa được sử dụng nước sạch; Hệ thống cống, rãnh thoát nước chưa được quan tâm đầu tư đồng bộ, ao hồ bị san lấp tùy tiện, các nghĩa trang nhân dân bố trí rải rác, xen lẫn trong các khu sản xuất, gần khu dân cư; Chưa có bãi rác tập trung và vấn đề xử lý rác thải vẫn còn vô cùng nhức nhối. Đặc biệt, nguồn lực đầu tư về nông thôn cơ bản vẫn phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước.

Được sự quan tâm và đầu tư lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chắc chắn trong thời gian tới công tác xây dựng nông thôn mới trên toàn quốc sẽ tiếp tục làm diện mạo nông thôn thay đổi nhanh và phát triển mạnh mẽ hơn.

VAI TRÒ CỦA CÁC DỰ ÁN TÁI ĐỊNH CƯ NÔNG THÔN

Để phục vụ phát triển kinh tế đất nước, trong nhiều thập niên qua và trong thời gian tới, toàn quốc đã và sẽ có nhiều dự án di dân tái định cư. Các dự án di dân tái định cư có quy mô khác nhau tùy thuộc vào yêu cầu về thời gian ngắn và dài hạn của dân số di dân, của vị trí và quy mô sử dụng đất từ các khu dân cư hiện hữu cần tái định cư để thực hiện đầu tư xây dựng (thủy lợi, thủy điện, cầu, đường, khu công nghiệp tập trung…).

Ngoài di dân tái định cư phục vụ các dự án phát triển kinh tế xã hội, tại các tỉnh miền núi phía Bắc, khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên giai đoạn 5 năm (2005-2010) mỗi năm số dân di cư tự do khoảng 5.600 hộ, giai đoạn 2011 – 2013 mỗi năm khoảng 900 hộ di dân tự do.

Tựu chung, dù di dân tái định cư với hình thức nào thì Nhà nước cũng cần dùng chính sách hỗ trợ để ổn định cuộc sống dân cư, kể cả nơi ở và sản xuất. Đặc biệt, cần sử dụng chính sách xây dựng nông thôn mới – là chính sách toàn diện và bao trùm tất cả các lĩnh vực: sản xuất, phát triển hạ tầng, an ninh, văn hóa, đào tạo.

 Kinh nghiệm cho thấy, nếu gắn công tác di dân tái định cư với xây dựng nông thôn mới thường đem lại hiệu quả thiết thực. Đời sống và sản xuất cho dân cư vùng tái định cư được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương không ngừng quan tâm, chăm lo phát triển về mọi mặt: các hộ dân có nhà ở khang trang hơn, vệ sinh môi trường, đời sống vật chất, tinh thần được đảm bảo.

Tuy nhiên, xét về ưu thế được tập trung nguồn lực đầu tư và cơ hội đầu tư các điểm dân cư nông thôn tái định cư trên những khu đất “khá sạch” thì còn nhiều vấn đề phải nhìn nhận, đánh giá lại và có giải pháp hiệu quả, tích cực hơn.

Tình trạng các khu tái định cư chưa thu hút được người dân gắn bó lâu dài, nhiều khu sau khi đầu tư xây dựng xong lại bỏ hoang vì dân không chịu ở, đã dấy lên những hồi chuông cảnh báo về chất lượng của các khu ở tái định cư hiện nay. Điều này xuất phát từ một trong vài nguyên nhân chính là công tác quản lý quy hoạch, thiết kế, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc cảnh quan phục vụ dự án tái định cư chưa đáp ứng được nhu cầu sống và sinh kế, văn hóa tập quán cho đối tượng dân cư tái định cư.

GIẢI PHÁP ĐỂ CÁC KHU TÁI ĐỊNH CƯ DÂN CƯ NÔNG THÔN TRỞ THÀNH HÌNH MẪU THỰC TẾ PHỤC VỤ CÔNG TÁC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Như đã phân tích, trong khi việc huy động các nguồn lực đầu tư ngoài Nhà nước về nông thôn đang gặp nhiều khó khăn, thì ưu thế đầu tư cho các điểm dân cư nông thôn tái định cư lại rất thuận lợi bởi nguồn kinh phí tập trung của Nhà nước. Các yếu tố thuận lợi này là cơ hội để xây dựng các khu ở mới tại nông thôn có kiến trúc cảnh quan, môi trường sinh thái, hệ thống hạ tầng kỹ thuật… đồng bộ, hoàn chỉnh và bài bản nhất. Sản phẩm tái định cư của các khu ở mới tại nông thôn phải trở thành hình mẫu thực tế phục vụ công tác xây dựng Nông thôn mới, không những đáp ứng 19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới hiện nay mà còn là thực tiễn để soi rọi và tiếp tục xây dựng thêm các tiêu chí nông thôn mới trong tương lai.

Để sản phẩm tái định cư nông thôn trở thành hình mẫu thực tế phục vụ công tác xây dựng Nông thôn mới, tôi đề xuất mấy vấn đề sau:

Trong công tác nghiên cứu xây dựng đồ án, dự án tái định cư

 

Theo Thông tư số 39/2011/TT-BNNPTNT ngày 24/5/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTN&MT ngày 28/10/2011 của Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới. Nội dung đồ án quy hoạch nông thôn mới bao gồm: Phân tích và đánh giá tổng hợp hiện trạng về điều kiện tự nhiên (đặc điểm địa lý, địa hình, địa mạo, khí hậu, thủy văn, thổ nhưỡng, tài nguyên: nước, rừng, biển…), môi trường và các hệ sinh thái …; Đánh giá việc thực hiện các quy hoạch đã có, hiện trạng về nhà ở, công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật, di tích, danh thắng du lịch. Và cũng tại Thông tư số 39/2011/TT-BNNPTNT, nội dung quy hoạch chi tiết di dân, tái định cư, bao gồm: Xác định vị trí (địa điểm), ranh giới, quy mô và mối liên hệ của khu, điểm tái định cư với phát triển kinh tế – xã hội của xã, huyện sở tạ; Đánh giá thực trạng khu, điểm tái định cư: Điều kiện tự nhiên (khí tượng, thủy văn, địa hình, địa chất, diện tích và thổ nhưỡng các loại đất….); Phân tích hiện trạng sử dụng đất đai, đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, đất phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng, đất khác; Tình hình cơ sở hạ tầng: giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, điện, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa xã hội, trụ sở cơ quan, thương mại, dịch vụ; Tình hình dân cư và phân bố dân cư: số thôn, bản; số hộ (khẩu), thành phần dân tộc, phong tục tập quán, trình độ dân trí, thu nhập và đời sống, dự báo quy mô dân số của khu, điểm tái định cư; Phân tích, đánh giá thực trạng và dự báo tình hình chuyển đổi nghề nghiệp của người dân tái định cư.

Các công tác phân tích đánh giá trên để xây dựng các đồ án và dự án tái định cư là rất cần thiết. Tuy nhiên, phải nhận thức cho đúng tầm quan trọng, bổ sung nội dung và thực hiện cẩn trọng, khoa học công tác điều tra, khảo sát, đánh giá đầy đủ về kiến trúc cảnh quan và mối liên hệ giữa nhà ở và các công trình phục vụ cộng đồng, hình thái cấu trúc không gian nhà ở và công trình công cộng, yếu tố đặc trưng vùng miền… gắn với văn hóa sống truyền thống của đối tượng dân cư sẽ tái định cư. Ví dụ, xác định rõ đặc trưng của kiến trúc cảnh quan vùng là gì? Bố cục và tổ chức không gian sống ra sao? Tổ chức không gian cảnh quan chung, tính liên kết của nó trong từng nhóm nhà và với toàn khu dân cư? Yêu cầu về kiến trúc và các không gian sinh hoạt chung và mối liên hệ của nó với nhà ở trong khu vực?… Đối với việc xây dựng các dự án tái định cư, cần nghiên cứu sâu về: đặc trưng về bố cục tổng mặt bằng, mặt bằng, hình thức kiến trúc và kết cấu công trình, xác định việc sử dụng các loại vật liệu xây dựng truyền thống… của các thể loại công trình và không gian kiến trúc gắn với văn hóa sống truyền thống của đối tượng dân cư sẽ tái định cư. Các thông số kiến trúc cơ bản của ngôi nhà như chiều cao, độ mở, tỷ lệ tương quan giữa các thành phần chính ngôi nhà (chân đế, tường nhà, hệ thống cửa, mái nhà…) như thế nào? Các vật liệu truyền thống cho mái, tường, cửa, nền nhà… Quy mô từng ngôi nhà, khoảng cách và mối liên hệ giữa các khối nhà trong tổng thể kiến trúc cảnh quan?

Trên phạm vi nghiên cứu cho từng đồ án, dự án tái định cư, kết quả nghiên cứu sẽ phục vụ trực tiếp cho đồ án và dự án đó. Nhưng nếu nghiên cứu nội dung này ở phạm vi lớn hơn, mang tính đặc trưng cho từng vùng miền gắn với từng dân tộc định cư thì sản phẩm nghiên cứu là xây dựng các văn bản quản lý, yêu cầu, hướng dẫn nội dung trong các đồ án, dự án tái định cư nông thôn. Cũng từ sản phẩm nghiên cứu đó, cơ quan quản lý có thể xây dựng và ban hành các tiêu chí về kiến trúc nhà ở nông thôn, công trình công cộng, bảo tồn di tích, văn hóa, dân tộc phù hợp với đặc điểm kiến trúc cảnh quan của từng vùng miền và thiết kế các mẫu nhà phù hợp với người dân bản địa.

Trong công tác quản lý, thực hiện các đồ án, dự án tái định cư

Thông tư số 39/2011/TT-BNNPTNT quy định: UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thẩm định, phê duyệt Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư thuộc phạm vi địa bàn tỉnh; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định, phê duyệt Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư thuộc địa bàn 02 tỉnh trở lên; UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết khu, điểm tái định cư hoặc ủy quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt.

Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTN&MT quy định: UBND xã là chủ đầu tư, có trách nhiệm tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch nông thôn mới; Phòng hạ tầng, phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện có trách nhiệm thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch nông thôn mới; UBND huyện quyết định phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch nông thôn mới, đồng thời ban hành quy định quản lý xây dựng theo đồ án quy hoạch; Sở Xây dựng (Sở Quy hoạch – Kiến trúc đối với TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) chủ trì, phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và môi trường hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch nông thôn mới (kiểm tra: năng lực tư vấn, chất lượng đồ án và việc thực hiện theo quy hoạch được phê duyệt).

Từ các văn bản quản lý trên, chúng ta thấy: Với các đồ án hoặc dự án tái định cư nông thôn do hệ thống ngành dọc nông nghiệp và phát triển nông thôn từ trung ương xuống địa phương quản lý. Và, nếu là đồ án quy hoạch nông thôn mới thì cả 03 bộ ngành Xây dựng, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường đều có trách nhiệm. Theo tôi, vấn đề quy hoạch phát triển nông thôn (nông thôn mới hoặc tái định cư nông thôn) liên quan đến nhiều bộ, ngành chức năng, đặc biệt là bộ, ngành Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Giải quyết vấn đề này, cần thiết nhất là bộ ngành Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng phối hợp để đưa ra những quy hoạch và dự án tái định cư thật sự có tính hệ thống, chất lượng, quy mô mang tính chiến lược cho các địa phương. Cụ thể, trong tất cả các đồ án, dự án tái định cư nông thôn cần phân công trách nhiệm và phối hợp giữa 02 ngành trên như sau: phối hợp ngành để xây dựng nội dung đề án, đồ án Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư; Quy hoạch chi tiết và thực hiện dự án di dân, tái định cư: nếu là quy hoạch hoặc dự án xây dựng điểm dân cư tái định cư thì chủ trì phải là ngành Xây dựng và nếu là quy hoạch hoặc dự án sản xuất dân cư tái định cư thì chủ trì phải là ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sự phân công hợp lý và với cách tiếp cận nghiên cứu hợp lý, sẽ đòi hỏi các ngành chuyên môn phải có trách nhiệm cao hơn trong quá trình thực hiện công việc của mình, để cuối cùng đưa ra được các sản phẩm là các khu tái định cư nông thôn có chất lượng tốt, xứng đáng là các hình mẫu thực tiễn làm động lực thúc đẩy nông thôn mới phát triển đúng hướng.

Đặc biệt, các dự án đầu tư điểm dân cư tái định cư nông thôn phải do các đơn vị chuyên ngành kiến trúc nghiên cứu và xây dựng dự án, lập hồ sơ bản vẽ thiết kế các mẫu nhà để xây dựng trong thực tế. Nguyên tắc thiết kế phải kế thừa phong cách và hình mẫu kiến trúc, vật liệu xây dựng truyền thống để tạo ra các sản phẩm kiến trúc mới có công năng tương thích, tạo điều kiện và cơ hội cho công nghệ tiên tiến sản xuất vật liệu mô phỏng truyền thống phát triển. Thực tế là trong những năm 1964 – 1965, KTS Hoàng Như Tiếp đã triển khai khu Tam Thiên theo mẫu quy hoạch xây dựng nông thôn với khu dân cư, khu sản xuất nông nghiệp riêng biệt… Mô hình này đã được xây dựng ở Hưng Yên, Bắc Ninh… và rất thành công.

Phương thức giao Chủ đầu tư xây dựng khu nhà ở tái định cư và công trình nhà ở tái định cư phục vụ nhu cầu tái định cư tại các dự án do mình làm chủ đầu tư cần được xem xét lại. Ở những dự án tái định cư này thường có rất nhiều hạn chế về thiết kế kiến trúc, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển vật liệu truyền thống không được quan tâm. Bất kỳ vùng miền nào, nếu theo phương thức đầu tư này thì chúng ta sẽ bắt gặp ngay kiến trúc những khu dân cư tái định cư với loại nhà phổ biến sử dụng các vật liệu xây dựng thông thường như: tường xây gạch, mái lợp ngói hay fibro ximăng, nền láng vữa ximăng hoặc lát gạch. Cảnh quan môi trường chưa được quan tâm đầu tư, lạc lõng với đặc trưng khí hậu vùng miền, tập quán và môi trường sống dân cư khu vực. Mặt khác, phương thức này thiếu sự kiểm tra giám sát của các cơ quan chuyên môn và quản lý nhà nước, không tạo được “đất” cho các sản phẩm, cấu kiện, vật liệu xây dựng mô phỏng vật liệu và cấu kiện kiến trúc truyền thống ứng dụng công nghệ tiên tiến ra đời.

Lời kết 

Chú trọng và phân công hợp lý hơn đến công tác quản lý, lập và thực hiện các đồ án, dự án tái định cư trong lĩnh vực kiến trúc quy hoạch, cùng với đó là nâng cao vai trò hơn nữa của chính cộng đồng cư dân tái định cư trong xây dựng và giám sát. Nếu thực hiện tốt những điều này sẽ góp phần tạo nên các khu tái định cư phù hợp với tập quán, nâng cao điều kiện sống của người dân vùng tái định cư, biến chủ trương Nhà nước: “Nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” thành hiện thực. Từ những khu ở tái định cư tốt này mới tạo nên những mô hình ở bền vững trong công cuộc xây dựng, phát triển nông thôn mới hiện nay.

bình luận