Cuộc thi “Thiết kế nhà ở an toàn – cộng đồng bền vững với biến đổi khí hậu khu vực ven biển”(06/09/2019)

Ngôi nhà được coi là tài sản có giá trị của người dân nhưng lại là đối tượng cũng dễ bị tổn thương, mất mát trong bối cảnh thiên tai, thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Hướng tới thiết kế ngôi nhà an toàn, với giải pháp kỹ thuật thông minh, giảm phát thải khí nhà kính và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với đặc trưng vùng miền lãnh thổ là mục tiêu tiên quyết để xây dựng một cộng đồng an toàn và bền vững. Nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc chủ động trang bị các khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu tới ngôi nhà cũng như đời sống của người dân là một điều vô cùng cần thiết. Những thiết kế ngôi nhà đáp ứng được sự phù hợp về kinh tế, văn hóa và thói quen sinh kế… cũng sẽ được chính họ nhân rộng, phổ biến trong cộng đồng. Bởi “Ngôi nhà có tiếng nói vĩnh cửu, ai nghe nó, nó nói lên một hoài vọng, một ước mơ” là điều mà chúng ta hướng tới.

Poster cuộc thi

Poster cuộc thi

Trong khuôn khổ dự án “Improving the resilience of vulnerable coastal communities to climate change related impacts in Vietnam”, Quỹ Khí hậu Xanh (GCF), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (MARD) và Bộ Xây dựng (MOC) kêu gọi các kiến trúc sư, kỹ sư đang hành nghề, các sinh viên chuyên ngành kiến trúc tham gia cuộc thi “Thiết kế nhà ở an toàn, cộng đồng bền vững thích ứng với BĐKH khu vực ven biển – NHÀ Ở, KHU DÂN CƯ VÙNG BÃO LỤT” nhằm mang đến cho người dân khu vực ven biển cuộc sống AN TOÀN – HẠNH PHÚC – BỀN VỮNG.

Cuộc sống AN TOÀN (Save life) – Thông qua việc thiết kế một ngôi nhà khu vực ven biển có giá hợp lý, phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán địa phương, có khả năng chống chịu bão lụt để tạo ra một cuộc sống an toàn cho người dân.

Cuộc sống HẠNH PHÚC (Happy life) – Thông qua việc thiết kế một ngôi nhà ven biển thân thiện với môi trường sinh thái để mang đến một cuộc sống hạnh phúc, an cư cho người dân dựa trên sự hợp lý về điều kiện địa phương và sinh kế.

Cuộc sống BỀN VỮNG (Sustainable life) – Thông qua việc thiết kế một điểm dân cư cấp thôn nhằm mang đến cho cộng đồng cuộc sống xanh, tăng cường các khả năng chống chịu các biển đổi tiêu cực của khí hậu, hướng đến một cuộc sống bền vững trong tương lai.

CÁCH THỨC THỰC HIỆN

  1. Quy mô triển khai: Cấp quốc gia (theo mạng lưới các đơn vị nghiên cứu, cơ sở tư vấn thiết kế và cơ sở đào tạo KTS và các nhà thiết kế)
  2. Các đơn vị tổ chức: Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (MARD) và Bộ Xây dựng (MOC) thông qua dự án dự án Quỹ Khí hậu Xanh (GCF)-UNDP, “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của Biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam”

Đơn vị hỗ trợ tổ chức cuộc thi: Viện Kiến trúc Quốc gia (VIAr) – Bộ Xây dựng

MỤC TIÊU CUỘC THI

  1. Tìm kiếm các ý tưởng, mô hình thiết kế nhà ở và điểm dân cư ven biển nhấn mạnh các đặc tính an toàn, thân thiện và thích ứng với bão lụt để có thêm nhiều lựa chọn về thiết kế nhà an toàn.
  2. Góp phần cải thiện, nâng cao cuộc sống cho nhóm cộng đồng yếu thế là người dân nghèo ven biển, hướng đến việc Đoàn kết – Kết nối – Tương trợ giúp đỡ lẫn nhau tự phục hồi sau thiên tai.
  3. Góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương bởi thiên tai đối với các tác động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Các hạng mục dự thi: 03 hạng mục chính là:

  1. Hạng mục Nhà ở chống bão giá rẻ
  2. Hạng mục Nhà ở nhiều lợi ích, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng đến tương lai
  3. Hạng mục Điểm dân cư khu vực ven biển có khả năng chống chịu thiên tai

Đối tượng: Người đang hành nghề thiết kế kiến trúc và công trình và Sinh viên các ngành thiết kế kiến trúc và công trình

Ban giám khảo sẽ gồm đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng (MOC) và các nhà chuyên môn trong các lĩnh vực liên quan.

CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG

1. Đánh giá: có 2 vòng xét tuyển, gồm vòng sơ khảo và vòng chung kết:

– Vòng sơ khảo: Ban giám khảo chọn ra 30 mẫu thiết kế tốt nhất trong các phương án tham dự cuộc thi.

– Vòng chung kết: Ban giám khảo sẽ chọn ra những bài thi tiêu biểu nhất trên cơ sở vòng sơ khảo.

2. Các giải thưởng cố định:

Có 6 nhóm giải thưởng cho 3 hạng mục và 2 nhóm đối tượng nêu trên, mỗi nhóm sẽ gồm có cơ cấu giải thưởng sau:

01 giải nhất: 01 máy tính xách tay core i5, 15’

01 giải nhì: 01 máy tính bảng

01 giải ba: 01 máy ảnh hoặc điện thoại di động

01 giải do cộng đồng bình chọn: 01 ổ cứng di động 1Tb

Tất cả các bài dự thi sẽ được nhận giấy chứng nhận (tham gia/đạt giải) từ Ban tổ chức. Cơ cấu các giải thưởng có thể thay đổi mà không cần báo trước tùy theo chất lượng bài dự thi của từng nhóm hạng mục và đối tượng, theo quyết định cuối cùng của Ban giám khảo và Ban tổ chức.

KẾ HOẠCH TỔ CHỨC

– Ngày 06/09/2019 – Phát động cuộc thi online

– Ngày 12/09/2019 – Lễ phát động cuộc thi (tại Viện Kiến trúc Quốc gia, 389 Đội Cấn, q. Ba Đình, Tp. Hà Nội)

– Ngày 20/9/2019 (dự kiến, sẽ có thông báo cụ thể) – Hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và giải đáp các câu hỏi liên quan đến cuộc thi – Tại Trường Đại học Xây dựng, 55 Giải Phóng, q. Hai Bà Trưng, Tp. Hà Nội.

Ngày 30/10/2019 – Hạn cuối nhận bài dự thi (qua email hoặc tại văn phòng BTC)

Ngày 05/11/2019 – Chấm chọn các phương án dự thi

Tháng 11/2019 – Triển lãm các phương án dự thi và Lễ công bố, trao giải thưởng

Lễ công bố thể lệ cuộc thi và Hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng sẽ được tổ chức vào 8.00, thứ năm ngày 12 tháng 9 năm 2019.

Địa điểm: Phòng Đa năng, Viện Kiến trúc Quốc gia, 389 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội.

Rất hân hạnh được đón tiếp!

bình luận