Chung cư cũ Hà Nội: Chỉ 14/982 dự án được cải tạo(14/08/2014)
Trong 10 năm qua, Hà Nội mới thực hiện cải tạo được 14 chung cư cũ xuống cấp trên tổng số 982 dự án cần tải tạo.
Chiều 12/8, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc khảo sát thực trạng chung cư cũ tại Hà Nội. Mặc dù đã triển khai nhiều năm nhưng số lượng dự án được cải tạo vẫn rất hạn chế, trong khi tình trạng chung cư cũ xuống cấp ngày một nghiêm trọng.
Ngay sau khi khảo sát, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có cuộc làm việc với UBND TP. Hà Nội để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc cải tạo chung cư cũ.
Nhà C8 Giảng Võ đã được đưa vào sử dụng từ năm 1979. Chung cư này đã được kiểm định và kết quả cho thấy khối nhà thứ ba nguy hiểm cấp D, nghĩa là mức độ nguy hiểm tổng thể, 2 khối nhà 1 và 2 nguy hiểm cấp B, nghĩa là có cấu kiện nguy hiểm. Tuy nhiên, khi chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, người dân lại tỏ ra không nhiệt tình với việc di chuyển để cải tạo.
Thành phố Hà Nội hiện có tới 54 nhà chung cư cũ đã được phân loại nguy hiểm cần cải tạo hoặc phá dỡ, trong đó có 3 nhà nguy hiểm cần di dời khẩn cấp. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhà chung cư nào trong số 54 nhà nguy hiểm này được xử lý.
Tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng ngay khi khảo sát, đại diện TP. Hà Nội cho biết, trong 10 năm qua, Hà Nội mới thực hiện cải tạo được 14 chung cư cũ xuống cấp trên tổng số 982 dự án cần tải tạo. Chỉ riêng dự án N3 Nguyễn Công Trứ đã mất cân đối tài chính, TP phải bù tới gần 300 tỷ đồng. Hàng loạt các dự án khác cũng đang đứng trước nguy cơ mất cân đối tài chính.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Bộ đang đề xuất giải pháp để lấy niềm tin cho người dân như là phải kiểm tra việc thực hiện, cam kết tiến độ, giải thích cho người dân hiểu về chủ trương của Nhà nước là tốt cho dân, dân sẽ được ở nhà rộng hơn, tốt hơn; đồng thời kiến nghị về chiều cao công trình để hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào”.
Thực tế, tại nhiều dự án sau khi cải tạo, người dân được nhận lại căn hộ mới có diện tích gấp từ 1,7-2,2 lần so với nhà cũ. Nhưng không ít người dân vẫn không chịu di dời để cải tạo nhà. Những bất cập trong vấn đề nhà tái định cư như chất lượng kém, xa trung tâm, thiếu hạ tầng là lý do làm nản lòng những người dân phải di dời.
Theo Bộ Xây dựng, những đề xuất mới về cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho việc cải tạo chung cư cũ đã và đang được điều chỉnh trong dự thảo Luật Nhà ở 2014 và các văn bản liên quan.
Theo VTV
bình luận