Đặc biệt, những năm gần đây ghi dấu ấn với 05 đề tài được thông qua Hội đồng cấp Cơ sở của các nghiên cứu sinh tại Viện Kiến trúc Quốc Gia, đạt yêu cầu để hoàn thiện trước khi ra bảo vệ trước Hội đồng cấp cao nhất để nhận học vị Tiến sĩ cấp Viện. Đặc biệt, vào tháng 10/2023, Luận án của Nghiên cứu sinh Nguyễn Minh Đức đã bảo vệ thành công trước Hội đồng cấp Viện và được hoàn thiện các thủ tục để nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Kiến trúc…
Trước đó, những nghiên cứu sinh này đã có thời gian dài gắn bó với Viện Kiến trúc Quốc gia bằng những đề tài nghiên cứu, cũng như các công trình, đồ án, dự án cụ thể… Điều đó đã cho thấy, những nghiên cứu sinh đã đáp ứng được nhu cầu về nhân lực chất lượng cao cho ngành kiến trúc. Đồng thời, chất lượng nghiên cứu thể hiện trong luận án rất phong phú, chủ yếu là liên quan đến kiến thức mới, hàm lượng khoa học chuyên sâu gắn với bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, phù hợp với định hướng kiến trúc của Chính phủ.
Viện xác định vấn đề đào tạo chuyên ngành kiến trúc luôn gắn liền với công tác mở rộng hợp tác quốc tế, vì nhu cầu cập nhật về kiến thức, áp dụng các công nghệ mới cũng như chia sẻ của cộng đồng quốc tế là việc hết sức cần thiết, tạo ra luồng gió mới cho lĩnh vực nghệ thuật kiến trúc một cách chất lượng và hiệu quả.
Những năm qua, Viện Kiến trúc Quốc gia không ngừng tăng cường hợp tác với các nước phát triển trên thế giới như: Hàn Quốc, Trung Quốc… Với các đối tác truyền thống tại Đông Nam Á, Viện vẫn luôn có sự liên kết chặt chẽ.
Ngoài ra, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học của Viện thường xuyên được cử đi học tập tại các nước có nền kiến trúc tiên tiến ở châu Âu, châu Mỹ và Nhật Bản. Thông qua những chuyến học tập, trao đổi kinh nghiệm từ các nước phát triển đã giúp đội ngũ cán bộ của Viện tiếp cận được các phương pháp đào tạo, kiến thức, khoa học công nghệ mới được cập nhật để có những đề xuất phù hợp trong giai đoạn phát triển mới.
Với bối cảnh thế giới, khoa học công nghệ phát triển, một trong những vấn đề rất cần thiết chính là công nghệ số, công nghệ thông minh ứng dụng trong thiết kế kiến trúc cũng như trong xây dựng… Viện Kiến trúc Quốc gia đã có những định hướng cho công tác đào tạo.
Cụ thể, thực hiện các nghiên cứu gắn liền với các xu hướng chung như: Kiến trúc xanh; Xu hướng kiến trúc bền vững tiết kiệm năng lượng; Trung hòa chất thải tiến tới netzero…
Bên cạnh một số định hướng về hợp tác quốc tế, cập nhật các kiến thức mới… như trên, Viện Kiến trúc Quốc gia sẽ phát triển một cách có hệ thống các phương pháp đánh giá định kỳ và tổng thể, giúp chương trình đào tạo nghiên cứu sinh kiến trúc được theo dõi và đánh giá hiệu suất, từ đó đưa ra điều chỉnh và cải thiện liên tục./.
bình luận