Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X của Đảng về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, một số chỉ tiêu, nhiệm vụ vẫn chưa đạt được. Tại Hội nghị Trung ương 8, khóa XII, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh. Để góp phần hiến kế, đi tìm những lời giải đưa Nghị quyết số 36 vào cuộc sống, Báo Quân đội nhân dân Điện tử mở loạt bài “Đánh thức “mặt tiền” Biển Đông.
Bài 1: Chiến lược biển – tầm nhìn của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Biển là cửa
Người xưa có câu nói khái quát địa lý nước ta: “Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”, tức là rừng núi chiếm ba phần, biển chiếm bốn phần, đất liền chỉ một phần. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến biển, đảo và thể hiện tầm nhìn “tiến ra biển” để làm giàu từ biển và bảo vệ biển từ rất sớm. Ngày 4-10-1956, Bác Hồ đã đến dự hội nghị cải cách miền biển và phát biểu nêu rõ việc cải cách để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân miền biển là rất quan trọng, “công việc này phải dựa vào chính lực lượng của nhân dân”. Người cũng chỉ rõ mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và quốc phòng, an ninh trên biển: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không?… Nếu mình không lo bảo vệ miền biển thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”.
Với tầm nhìn chiến lược của một lãnh tụ thiên tài, Người đã thấy rõ tiềm năng vô cùng to lớn đối với sự phát triển của đất nước từ biển cả, không chỉ căn dặn phải giữ gìn mà bộ đội và nhân dân phải biết cách mở mang, phát triển kinh tế từ biển.
Tháng 3-1961, Bác đến thăm các đảo vùng Đông Bắc Tổ quốc. Khi thuyền đưa Bác vào thăm hang Đầu Gỗ – căn cứ hậu cần làm cọc gỗ cắm trên sông Bạch Đằng đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông, Bác đã có lời căn dặn bất hủ, hàm chứa mong muốn chúng ta giữ gìn và phát huy thế mạnh từ biển: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển, bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải giữ gìn lấy nó”. Ngày 13-11-1962, đến thăm bộ đội Hải quân lần thứ ba tại căn cứ Vạn Hoa, Bác căn dặn: “Là chiến sỹ Hải quân, các chú phải biết yêu quý đảo như nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa có ích cho đất nước”.
Từ mật lệnh giải phóng đảo xa đến kiến nghị chiến lược biển
Tháng 3-1975, khi ta đang mở những chiến dịch quan trọng trên đất liền thì ngay sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có một kiến nghị hết sức quan trọng với Bộ Chính trị. Kiến nghị này được ghi vào nghị quyết ngày 25-3-1975: “Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo mà quân Ngụy đang chiếm giữ, vì nếu không khẩn trương giải phóng các đảo và quần đảo, nước ngoài sẽ chiếm mất, rất phức tạp và khó khăn về sau”.
Ngày 4-4-1975, mật lệnh số 990B/TK của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã đến với Chính ủy và Tư lệnh Quân khu 5. Mật lệnh nêu rõ: “Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhanh nhất, đánh chiếm các đảo do quân Ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Lưu ý: Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng”.
Nhờ chỉ đạo chiến lược này mà sau đó, quân ta đã nhanh chóng giải phóng các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, An Bang… và làm chủ hoàn toàn quần đảo Trường Sa.
Theo cuốn sách “Võ Nguyên Giáp – Hào khí trăm năm (Nhà xuất bản Trẻ, 2012) của tác giả Trần Thái Bình, ngay sau ngày giải phóng miền Nam, từ năm 1977, trên cương vị Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Đại tướng đã đề xuất chiến lược về khoa học biển và kinh tế biển.
Ngày 2-8-1977, tại Hội nghị về biển lần thứ nhất ở Nha Trang, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề xuất: “Chúng ta cần phải nhanh chóng khắc phục sự lạc hậu trong hiểu biết về biển cả, để góp phần thúc đẩy việc khai thác tốt hơn những nguồn lợi mà biển cả sẽ đem lại cho đất nước ta”. “Việc khai thác dầu khí ngoài biển Việt Nam đã là chuyện trước mắt. Việc sử dụng năng lượng thủy triều ở bờ biển nước ta cũng phải đặt ra rồi. Độ chênh lệch thủy triều của nước ta chứa đựng một tiềm lực quan trọng về năng lượng là rất quý. Có thể có những kiểu máy điện thủy triều được không? Các đồng chí vật lý biển phải trả lời vấn đề này, ngành cơ khí phải đi trước một bước” – Đại tướng gợi ý.
Tại Hội nghị khoa học về biển lần thứ III diễn ra ngày 8-6-1985, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phân tích những giá trị to lớn của Biển Đông về kinh tế, quốc phòng, an ninh và thẳng thắn nhìn nhận chúng ta còn chưa chú trọng phát triển kinh tế biển, thiếu tư duy tiến ra biển. Đại tướng nói: “Là một đất nước có biển, diện tích vùng biển lớn gấp 3 lần diện tích đất liền, nhưng chúng ta còn quay lưng lại với biển”. “Phải đặc biệt chú trọng kết hợp kinh tế với quốc phòng và an ninh… Việc phân bố lực lượng sản xuất, phân bố lại lao động, phát triển kinh tế biển của các ngành, các địa phương phải theo sự bố trí chiến lược thống nhất, nhằm làm chủ cả về kinh tế và quốc phòng. Thế bố trí về mặt địa bàn vừa tạo điều kiện khai thác toàn diện và tổng hợp các nguồn tài nguyên, vừa hình thành một thế trận liên hoàn có chiều sâu, thuận lợi cho tác chiến”.
Theo Đại tướng, cần xây dựng vùng biển vững mạnh về kinh tế, có đời sống văn hóa và tinh thần tốt đẹp, phát triển đồng đều trên suốt dải ven biển. Có xây dựng vùng biển giàu mạnh thì mới có thể giữ biển được vững chắc. Đại tướng cũng chỉ ra các phương hướng trọng điểm của kinh tế biển như: Kinh tế vùng biển phải từ đất liền mà phát triển ra biển và các hải đảo; đưa dân ra làm kinh tế biển đảo vừa cải thiện đời sống của dân, vừa có lực lượng để thực hiện quốc phòng toàn dân, giữ vững chủ quyền biển đảo. Đặc biệt, phải đẩy mạnh phát triển du lịch ven biển…
GS,TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng: “Không chỉ là một nhà quân sự thiên tài mà với tư duy của một nhà khoa học, nhà chiến lược kiệt xuất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đầu tiên đề xuất về chiến lược biển, tạo môi trường hòa bình, ổn định trên biển. Có thể nói đó là một chiến lược phát triển, một tầm nhìn đại dương của dân tộc ta”.
Chiến lược Biển – những ước mơ thời đại
Theo TS Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, năm 2007, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên của khu vực châu Á thông qua Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu: “Đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển, giàu lên từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển đảo”… Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược này đã được thực hiện năm 2018 để trên cơ sở đó hình thành Chiến lược mới, “Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam thông qua tại Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018.
Năm 2016, khi bàn về Chiến lược biển Việt Nam, PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện là Ủy viên của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã chỉ ra rằng, cách tiếp cận phát triển kinh tế biển của Việt Nam có hai thiếu sót lớn. Một là, xu hướng muốn vận dụng một cách đơn giản và dễ dãi tư duy phát triển nông nghiệp truyền thống – hay nói “riết róng” hơn – tư duy phát triển tiểu nông, gắn với “con trâu đi trước cái cày đi sau” – vào công cuộc phát triển kinh tế biển. Đó là cách thức khai thác biển theo lối “con cò lặn lội bờ sông”, “đánh bắt ven bờ”, không dám vươn ra biển khơi, không mang tư tưởng tìm kiếm và chinh phục đại dương. Hai là, thiếu tư duy toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, chưa rõ tầm nhìn toàn cầu và thời đại trong công cuộc phát triển kinh tế biển trong bối cảnh hiện đại, trong khi cả thế giới đang đồng loạt tiến ra biển, chiếm hữu không gian biển, khai thác biển ở tất cả các loại hình, cấp độ và với những công cụ và phương thức hiện đại chưa từng thấy.
Với cách tiếp cận như vậy, thật khó kỳ vọng đạt được những kết quả mang tính đột phá trong triển khai Chiến lược kinh tế biển đầu tiên của Việt Nam năm 2007.
Do đó, theo ông, để phát triển kinh tế biển, mở rộng một không gian phát triển mới, tăng cường một động lực phát triển hiện đại ở tầm chiến lược mạnh bậc nhất, Việt Nam cần có cách tiếp cận mới. Hướng ra biển, phát triển kinh tế biển một cách chiến lược phải trở thành một nhu cầu bức bức bách, đồng thời, là một cơ hội lớn cho sự trỗi dậy mang tính bùng nổ của Việt Nam. Trong những khuyến nghị đưa ra, PGS, TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh: Cả hệ thống kinh tế “mặt tiền” – đô thị biển và du lịch biển (bờ, biển, đảo) – cũng phải phát triển mạnh. Phải đổi mới tư duy phát triển kinh tế bờ biển với một trong các điểm nhấn là ưu tiên xây dựng một số cứ điểm phát triển chiến lược mạnh ven biển. Những cứ điểm này là các tổ hợp phát triển lớn bao gồm: đô thị biển + cảng biển lớn + khu kinh tế mở (hay khu kinh tế tự do).
Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã có nhiều nội dung giải được các bài toán mà PGS, TS Trần Đình Thiên đưa ra. Theo PGS, TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân): Nó đã đưa ra tầm nhìn xa nhất so với tất cả các chiến lược hiện có, kể cả so với Báo cáo Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố năm 2016. Nghĩa là nó có tầm nhìn tương đương Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sắp tới.
PGS, TS Nguyễn Thường Lạng đánh giá: “Tầm nhìn xa là bằng chứng cho thấy mức độ ưu tiên cao và tầm quan trọng tăng lên của vị trí, vai trò cũng như tính chất dài hạn của chiến lược biển giai đoạn mới so với các chiến lược khác trong phát triển kinh tế Việt Nam. Nó còn cho thấy tư duy vượt trội về kinh tế biển trong giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh tầm nhìn xa hơn đáng kể, giá trị cốt lõi đưa đất nước trở thành quốc gia “mạnh về biển” và “giàu từ biển” trong chiến lược biển 2020 được bổ sung thêm các giá trị cốt lõi khác như “dựa vào biển” và “hướng ra biển” trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã cho thấy chiến lược có tính đầy đủ, vững vàng và tính định hướng cao hơn”.
bình luận