Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 05 năm (2016 – 2020); định hướng mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp thực hiện 05 năm (2021 – 2025) và năm 2021(29/12/2020)

Ngày 26/12/2020, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 05 năm (2016 – 2020); định hướng mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp thực hiện 05 năm (2021 – 2025) và năm 2021.

ThuTuong-NguyenXuanPhuc1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Dự và chỉ đạo Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, các Thứ trưởng Bộ Xây dựng, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương.

Theo Báo cáo tại Hội nghị do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị trình bày, trong giai đoạn 2016 – 2020, ngành Xây dựng đã quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và Chính phủ về phát triển kinh tế – xã hội 05 năm 2016 – 2020, tập trung xây dựng các chương trình hành động, chương trình công tác toàn khóa và chuyên đề, xác định đúng các nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp cụ thể, khả thi và nỗ lực, quyết tâm cao; phối hợp chặt chẽ với các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, các Bộ, ngành liên quan và cấp ủy, chính quyền các cấp, tích cực triển khai thực hiện theo chủ trương của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về “Xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân” đạt được nhiều kết quả, chuyển biến tích cực, quan trọng.

Đến nay, ngành Xây dựng đã cơ bản hoàn thành 5 nhóm chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 – 2020, cụ thể: tốc độ tăng trưởng ngành Xây dựng bình quân đạt từ 8,5% – 8,7%/năm; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40% vào cuối năm 2020; tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đến năm 2020 đạt khoảng 90%; đến năm 2018, tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh ở thành thị là 99,5%, nông thôn là 90,8%; quy hoạch chung xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn đều đạt 100%; quy hoạch phân khu đạt 78% và quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng đô thị; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại đô thị năm 2020 đạt khoảng 91%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch đến hết năm 2020 ước tính 8%, hoàn thành mục tiêu của định hướng phát triển cấp nước đề ra.

Các loại sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước và một phần dành cho xuất khẩu. Tổng sản lượng xi măng đến năm 2020 đạt 103 triệu tấn; gạch ốp lát đạt 560 triệu m2; sứ vệ sinh đạt 19 triệu sản phẩm; kính xây dựng đạt 280 triệu m2; gạch xây nung, gạch không nung đạt 30 tỷ viên, đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước.

ThuTuong-NguyenXuanPhuc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu dự Hội nghị

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Bộ Xây dựng đã xác định đúng và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các vấn đề lớn, then chốt, căn cốt để tạo chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá của ngành. Đó là luôn coi công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện công cụ quản lý nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và được tập trung chỉ đạo thực hiện, hoàn thành khối lượng công việc lớn với nhiều đổi mới. Đến nay, về cơ bản hệ thống chính sách, pháp luật về xây dựng đã tương đối hoàn chỉnh, đầy đủ và đồng bộ với các quy định của pháp luật khác có liên quan; đủ sức điều chỉnh các hoạt động trong thực tiễn và góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Bộ Xây dựng đã chủ động tham mưu, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời tổ chức triển khai có hiệu quả các đề án về hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng; đổi mới lý luận, phương pháp quy hoạch và phát triển đô thị; phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Đây là những đề án có tính quyết định đối với việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của toàn xã hội và của từng công trình, dự án đầu tư xây dựng, góp phần phòng chống tham nhũng và tiêu cực trong hoạt động đầu tư xây dựng, hoàn thiện thị trường xây dựng theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với xu hướng phát triển và thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đề án cùng các giải pháp tái cơ cấu và kiểm soát thị trường bất động sản. Vì vậy lần đầu tiên trong gần 6 năm liên tiếp thị trường bất động sản phát triển ổn định, không có hiện tượng phát triển nóng, “bong bóng” hoặc trầm lắng, suy thoái, đóng góp quan trọng vào mục tiêu về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Trong 5 năm qua, Bộ Xây dựng đã thực hiện quyết liệt việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng: bãi bỏ 5 ngành, nghề không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật số 03/2016/QH14 Sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư số 67/2014/QH13; bãi bỏ 2 ngành, nghề chồng chéo với pháp luật liên quan; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa phần lớn các điều kiện đầu tư kinh doanh của 12 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực hoạt động xây dựng, nhà ở và thị trường bất động sản; bãi bỏ 7 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không đáp ứng điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư; cắt giảm danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành từ 64 còn 31 sản phẩm (giảm 52%); quy định thời điểm kiểm tra đối với từng sản phẩm, hàng hóa; việc kiểm tra chuyên ngành đã được thực hiện bằng hình thức hậu kiểm. Chỉ số cấp phép xây dựng luôn ở tốp đầu trong 10 chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam (theo Báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới).

Với sự năng động sáng tạo và bám sát những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến nay năng lực ngành Xây dựng nói chung và các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ, ứng dụng nhanh và làm chủ nhiều công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Về cơ bản, ngành Xây dựng đã có thể tự thiết kế, thi công các công trình quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp trong các lĩnh vực công nghiệp, dân dụng, năng lượng… đảm bảo chất lượng công trình xây dựng theo thiết kế được duyệt. Một số doanh nghiệp của ngành đã tham gia thị trường xây dựng ở nước ngoài. Ngành sản xuất vật liệu xây dựng phát triển mạnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước, gia tăng xuất khẩu, có một số thương hiệu sản phẩm có uy tín, có khả năng cạnh tranh cao ở trong và ngoài nước.

Trên cơ sở những thành tựu quan trọng đã đạt được của giai đoạn 2016 – 2020, bước sang giai đoạn 2021 – 2025, ngành Xây dựng đề ra các chỉ tiêu phát triển chủ yếu như sau: tốc độ tăng trưởng bình quân ngành Xây dựng đạt từ 6 – 8%/năm; duy trì tỷ lệ 100% phủ kín quy hoạch chung đô thị; tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt khoảng 45%; tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 100%; tỷ lệ hệ thống cấp nước đô thị lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đến năm 2025 đạt 75%; tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch tại các đô thị dưới 15%; tỷ lệ thu gom nước thải đạt khoảng 70%; tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn tại các đô thị loại II trở lên đạt từ 30 – 35% và tại các đô thị loại III, IV, V đạt từ 15 – 20%; phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước mưa tại đô thị đến năm 2025 đạt 70%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 90%; diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 26 – 27 m2 sàn/người; tổng sản lượng xi măng không vượt quá 125 triệu tấn.

TT-NguyenThanhNghi-TC

Toàn cảnh Hội nghị

Ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm phấn đấu của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Xây dựng trong việc triển khai và hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, Thủ tướng Chính phủ đánh giá, đến nay ngành Xây dựng đã cơ bản hoàn thành 5 nhóm chỉ tiêu trong Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020, luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao; các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đều có mức tăng trưởng vượt kế hoạch. Thủ tướng dẫn đánh giá năm 2020 của GlobalData (công ty phân tích dữ liệu hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh): bất chấp khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có ngành Xây dựng phát triển mạnh nhất khu vực châu Á.

Theo Thủ tướng Chính phủ, trong những thành tựu quan trọng đã đạt được, công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính của Bộ Xây dựng đạt kết quả nổi bật. Trong 5 năm, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật (107 văn bản), có dự án được đầu tư rất sâu, rất kỹ như Luật Kiến trúc. Bộ cũng mở rộng phân cấp cho các địa phương; thực hiện tích hợp các nội dung, quy trình thẩm định thiết kế xây dựng, giúp giảm thời gian thẩm định 40 ngày; mở rộng đối tượng miễn cấp phép xây dựng, đơn giản hóa hồ sơ cấp phép xây dựng, giúp giảm thời gian cấp phép xây dựng từ 30 ngày xuống còn 20 ngày.

Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao nỗ lực của Bộ Xây dựng trong việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện có kết quả 02 đề án lớn về hoàn thiện hệ thống định mức, giá xây dựng, và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng; qua đó tạo đột phá trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng, tiết kiệm nguồn vốn đầu tư và góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong đầu tư xây dựng.

Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành Xây dựng tiếp tục chú trọng công tác hoàn thiện thể chế về xây dựng và coi đây là nhiệm vụ then chốt, xuyên suốt, mang tính đột phá; đồng thời tập trung nâng cao năng lực, bảo đảm năng lực thiết kế, thi công các công trình xây dựng hiện đại, phức tạp trong các lĩnh vực với mọi quy mô và có khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường hoạt động ra nước ngoài; cần phát triển vật liệu xây dựng, tiết kiệm tài nguyên năng lượng, bảo vệ môi trường, có sản phẩm đa dạng, có chất lượng; hạn chế tối đa việc xuất khẩu vật liệu xây dựng, sử dụng tài nguyên không có khả năng tái tạo như xi măng; quan tâm xây dựng, phát triển nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, có bản sắc dân tộc; phát triển đội ngũ kiến trúc sư có tài năng, bản lĩnh và các công trình kiến trúc tiêu biểu, có giá trị cao.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn ngành Xây dựng khơi dậy lòng tự hào, khát vọng cống hiến, hòa chung với khát vọng của cả dân tộc để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ trong 05 năm tới 2021 –  2025.

BT-PhamHongHa

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị

Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cảm ơn Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương đã tham dự và có ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị, đồng thời cho biết, Bộ Xây dựng sẽ nỗ lực cao nhất, quyết tâm cao nhất, phấn đấu thực hiện và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2021 và giai đoạn 2021 -2025, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trần Đình Hà/MOC.GOV.VN

bình luận