Đề tài nghiên cứu thiết kế điển hình trạm ngừng nghỉ ven đường quốc lộ tại các vùng miền(01/02/2018)
Trạm dừng nghỉ là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, được xây dựng dọc theo tuyến quốc lộ hoặc đường tỉnh để cung cấp các dịch vụ phục vụ người và phương tiện tham gia giao thông.
Đây là điểm dừng của khách du lịch, của người đi đường cho nên có đầy đủ các dịch vụ để cung cấp cho khách hàng. Trong đó có các dịch vụ: nơi đổ xăng dầu, rửa xe, sửa xe, cứu hộ, cứu nạn, mua sắm sản phẩm địa phương, điểm phục vụ y tế…. Ngoài ra, mỗi một trạm là một công trình văn hóa về đất nước và con người Việt Nam, là một điểm du lịch, nghỉ ngơi cho khách hàng
Trên thực tế vận tải hàng hóa và hành khách đường bộ trong nước chiếm trên 70%, vì vậy mô hình trạm dừng chân tích hợp nhiều chức năng tổng hợp bao gồm cả bến xe, trạm dừng nghỉ, dịch vụ hàng hóa, kho bãi, trung tâm phân phối… sẽ là một giải pháp hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tế.
Việc lập thiết kế điển hình trạm dừng nghỉ ven đường Quốc lộ nhằm cung cấp mẫu thống nhất trên toàn Quốc, phục vụ cho tất cả xe cộ lưu thông trên đường, giúp phần giảm thiểu tai nạn giao thông là việc làm hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Thông tư số 48/2012/TT-BGTVT ngày 15/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trạm dừng nghỉ đường bộ.Theo đó trạm dừng nghỉ đường bộ được phân thành 4 loại tương ứng với các mẫu thiết kế như sau:
1. Trạm dừng nghỉ quy mô 10.000 m2: Áp dụng cho các tuyến đường cao tốc bao gồm các hạng mục;
– Khối công trình dịch vụ công (cung cấp các dịch vụ miễn phí): Bãi đỗ xe; Không gian nghỉ ngơi;Phòng nghỉ tạm thời cho lái xe; Khu vệ sinh; Nơi cung cấp thông tin;Nơi tổ chức, phát động tuyên truyền về an toàn giao thông; Nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông.
– Khối công trình dịch vụ thương mại: khu vực phục vụ ăn uống, giải khát; khu vực giới thiệu và bán hàng hóa; trạm cấp nhiên liệu; xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; nơi rửa xe; phòng ngủ cho lái xe và hành khách lưu trú
– Khối công trình bổ trợ: Biểu trưng của địa phương hoặc của trạm dừng nghỉ; nơi sản xuất, chế biến đặc sản của địa phương; nơi sinh hoạt cộng đồng (tổ chức hội chợ, hoạt động văn hóa)
2. Trạm dừng nghỉ quy mô 5.000 m2: Áp dụng cho các tuyến đường quốc lộ có từ 03 làn xe mỗi chiều trở lên
3. Trạm dừng nghỉ quy mô 3.000 m2: Áp dụng cho các tuyến đường quốc lộ có từ 01 đến 02 làn xe mỗi chiều
4. Trạm dừng nghỉ quy mô 1.000 m2: Áp dụng cho các tuyến tỉnh lộ hoặc huyện lộ
Nguyễn Quốc Hoàng- Trưởng phòng NC Thiết kế Điển hình hóa XD – Viện Kiến trúc Quốc gia
bình luận