Về nơi tôi đang sống…(07/10/2014)

Vấn đề đưa ra với mục đích để mỗi người dân ở từng đô thị khác nhau thể hiện góc nhìn và quan điểm riêng của mình về nơi mà họ đang sống, học tập và làm việc. Đây là những góc nhìn mang tính cá nhân, dưới nhiều lăng kính hay đơn giản, là một nơi mà người dân mong muốn được sinh sống trong tương lai…

 

“Nếu môi trường được cải thiện, phố cổ Hà Nội sẽ là một khu ở đáng sống”

Phạm Quốc Uy – Phố Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Không dám nói là nơi sống hạnh phúc nhưng thực sự cư dân ở phố cổ có nhiều cơ hội tìm thấy sự thịnh vượng. Sự đông đúc nhộn nhịp, mang lại nguồn lợi kinh doanh cho các gia đình. Đây là điều hấp dẫn nhất khiến rất nhiều người muốn ở lại cho dù diện tích nhà ở tương đối chật chội. Việc kinh doanh theo phường hội, với rất nhiều sợi dây liên kết như họ tộc cũng giúp mang lại sự chắc chắn trong kinh doanh. Tuy cũng có sự cạnh tranh buôn bán nhưng luôn có thể hỗ trợ nhau về nguồn hàng, nhân lực sản xuất hay phân phối. Nhiều người đã chuyển phần sản xuất ra bên ngoài nhưng cửa hàng chính phân phối sản phẩm vẫn nằm trong khu phố cổ để có thể kinh doanh thuận lợi dựa trên ưu thế cổ truyền, sự đông đúc và nét văn hóa lịch sử.  Thêm nữa, nếu nói về dịch vụ dân sinh, có thể cho rằng phố cổ là nơi có nhiều loại dịch vụ đa dạng nhất. Là trung tâm hội tụ của đa dạng phong cách, riêng về ẩm thực, khác với các khu phố mới, khu phố cổ với lợi thế lâu đời và vị trí trung tâm gần với nhiều không gian nổi tiếng khiến mọi người đều có thể thưởng thức các hương vị ẩm thực từ hiện đại đến truyền thống. Là nơi mua sắm từ hàng đổ đống đến hàng hiệu đắt tiền hay các tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

biaco

Cuộc sống tấp nập khu phố cổ Hà Nội

Vấn đề duy nhất cần khắc phục để Phố Cổ Hà Nội trở thành nơi đáng sống là phải nâng cấp điều kiện vệ sinh môi trường. Rất nhiều các khu ở chật và xuống cấp khiến điều kiện sống gặp nhiều khó khăn bởi sống quá đông người trên một diện tích hẹp như nhà 15 Hàng Điếu có 20 hộ sống trên một diện tích nhỏ với mật độ chỉ 1,5 m2/ người (số liệu khảo sát thực tế năm 2012). Cuộc sống chật hẹp khiến các hộ khu vực lõi cũng mất an toàn như vụ cháy năm 2010 tại phố Hàng Bạc từ một đám nhỏ của một gia đình đã lan sang 3 đến 4 căn hộ. Điều kiện về vệ sinh cũng còn nhiều bất cập, chỉ khoảng 2/3 số hộ có về sinh cá nhân riêng, còn lại vẫn sử dụng vệ sinh tập thể. Số hộ có nhà tắm và bếp nấu riêng cũng không đạt quá 80%. Điều này làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cư dân. Chủ trương giãn dân khu phố cổ của chính quyền thành phố thời gian qua là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, công tác quy hoạch và triển khai thực tế cần mang tính mở nhiều hơn nữa để trước hết có thể nhanh chóng ổn định được cuộc sống của người dân ở chỗ mới, quản lý tốt các diện tích giải phóng được tránh để tái lấn chiếm, nhanh chóng chuyển đổi các diện tích này thành các diện tích tiện ích phục vụ nhu cầu còn thiếu (như nhà trẻ, trường học, nhà văn hóa…) phục vụ nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng, tập trung giải quyết các vấn đề môi trường như điều kiện vệ sinh, diện tích nhà ở… và sau đó là tuyên truyền để người dân hiểu và cùng đồng thuận tham gia. Nếu hoàn thiện giải quyết tốt các vấn đề trên, chắc chắn khu phố cổ Hà Nội sẽ là một khu ở đáng sống trọn vẹn của Thủ đô.

 

“Đà Nẵng và Tôi…”

KTS. Hồ Thế Vinh – Hải Châu, Đà Nẵng

Tôi sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng. Hồi ấy, nơi này nhỏ lắm, vắng người, vắng xe. Mỗi con phố ở đây đều thân quen và đầy ắp những kỷ niệm. Tôi yêu những ngày mưa, ngồi trên căn gác trên căn nhà ở đường Thống Nhất nhìn xuống phố thưa người qua khung cửa sổ mà mơ mộng xa xăm. Tôi yêu những trưa hè cùng đám bạn đạp xe dưới hàng phượng đỏ. Yêu nhà thờ Con Gà với tiếng chuông lanh lảnh vang lên mỗi chiều chủ nhật và hàng ghế đá lặng im dưới bóng cây rợp mát… Đà Nẵng yên bình và chậm rãi. Hầu như ai cũng cảm nhận được điều đó, kể cả những du khách. Nhưng không ai có thể cảm nhận được thành phố này một cách trọn vẹn như những con người Đà Nẵng cảm nhận. Và trong mỗi con người Đà Nẵng chúng tôi lại có những cảm nhận riêng về thành phố, không ai giống ai cả mà với nó đôi khi cũng khó có thể diễn tả nó ra thành lời…

Đà Nẵng bây giờ thay đổi nhiều nhưng dường như nó vẫn không mất đi cái chất thi vị, thanh thản, không xô bồ nhưng đầy năng động. Người ta có thể biết đến thành phố với những sự kiện, với những cây cầu tuyệt đẹp và bờ biển dài trắng mịn, với môi trường trong lành và đường xá thông thoáng, với các điều kiện chăm sóc y tế cùng giáo dục khá hoàn chỉnh và nhân bản… nhưng còn đó những góc riêng của thành phố với những chiều muộn cùng đám bạn phóng xe trên con đường dốc men theo triền núi lên bán đảo Sơn Trà để phóng tầm mắt giữa lồng lộng đất trời nhìn về thành phố đang dần ánh lên những ánh “mắt đêm đèn vàng”, là những đêm về sáng được lót lòng bởi những món ăn và những nụ cười thân thiện bên những hàng quán, con phố dường như chẳng được nghỉ ngơi trong ánh đèn đường còn thắp sáng, là những sớm tinh mơ thong thả đạp xe để cảm nhận hương vị biển một cách êm ái trên những con đường còn vắng người hay đắm chìm trong hương thơm café, chậm rãi ngắm nhìn con phố Lê lợi đang còn “ngái ngủ”…

danang

Một góc đôt thị Đà Nẵng

Có một dạo, khi xa Đà Nẵng khá lâu, tôi mới nhận ra rằng mình yêu thành phố này đến mức nào dù rằng đã có những thay đổi rất nhanh khi người ta có thể buộc phải bỏ đi những gì quen thuộc để những con đường mới được rộng ra, xây lên những cửa hàng, khách sạn… Nhưng kỷ niệm và sự bình yên thì vẫn còn đọng lại dù thành phố có khoát lên mình dáng hình nào. Bởi, đời sống của một đô thị cũng giống như con người – cũng cần có những kí ức, sự tiếp nối và nhu cầu phát triển. Sự nối kết các chu trình này cần phải đặt trong sự liên tục và lành mạnh nhằm hướng tới yếu tố cốt lõi là con người với mong muốn một sự thụ hưởng trong an lành và bền vững. Và thành phố này dường như đã có được điều đó như một điều rất đỗi tự nhiên mà không chỉ những người dân thành phố mà hầu như tất cả những ai đã từng một lần đặt chân đến đây đều có thể cảm nhận… Và cũng bởi rằng, điều này không phải dĩ nhiên mà có được khi nó còn là quá trình tích lũy từ những cơ sở văn hóa – xã hội đã được hun đúc trong những ngày cần lao và một đầu óc đủ tỉnh táo để lựa chọn giữa được và mất, giữa lâu và dài… trong quá trình phát triển để có thể tạo dựng được hình hài hôm nay…

 

“Đô thị Huế – Bình yên nhưng thiếu sức bật”

Bùi Xuân Hòa – Lý Thường Kiệt, TP. Huế

Huế trong tôi là một thành phố nên thơ, nhẹ nhàng và đầm ấm. Từng có thời gian học tập và làm việc tại TP.HCM, tuy nhiên tôi vẫn quyết định quay về Huế – quê hương của mình để sinh sống và làm việc. Huế – thành phố di sản với nhiều cây xanh, sạch đẹp, không có khói bụi ồn ào, không biết đến kẹt xe như nhiều thành phố lớn khác. Có thể nói, cây xanh chính là một phần làm nên nét đáng sống của Huế. Mỗi mùa đến lại là mỗi mùa hoa khác nhau khoe sắc trên các trục đường. Dọc sông Hương hay dòng An Cựu chảy qua thành phố, bạn cảm nhận được sự mềm mại, nên thơ như chính những người dân nơi đây. Từng chiều, sau giờ làm việc có thể tự thưởng cho mình một buổi đi bộ dọc sông Hương hay đạp xe nhè nhẹ trên con đường phượng bay lãng mạn. Nhẹ nhàng và yên ả biết bao. Thêm vào đó, mức sống nơi đây cũng khá thấp, cho dù là một thành phố du lịch. Bạn ăn một tô cơm hến – món truyền thống của người dân xứ Huế với giá chỉ vài ngàn đồng.

Tuy nhiên, cũng cần chia sẻ thắn thắn rằng, cơ hội phát triển kinh tế cho người dân tại Huế không nhiều. Khu vực thành phố có thể phát triển du lịch, tuy nhiên cũng không đơn giản. Người dân vùng sâu vùng xa vẫn còn vô cùng khó khăn. Ngay trong thành phố, người dân làm du lịch vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp, còn mang tính nhỏ lẻ, chắp vá. Cũng có thể, một phần vì cuộc sống tại Huế êm đềm, nên con người tại đây cũng có tính cách nhẹ nhàng, trầm tư, ít tranh đấu và xông pha trong công việc. Huế vẫn là một thành phố của du lịch văn hóa. Các doanh nghiệp lớn không nhiều, đa phần là các công ty nhỏ hoặc văn phòng đại diện. Do vậy, nếu nơi đây thu hút được thêm nhiều thành phần kinh tế khác nữa ngoài du lịch, chắc chắn nơi đây sẽ là một đô thị “mơ ước” của nhiều người dân.

 

“TP.HCM vẫn và sẽ luôn là một đô thị đáng sống”

Vũ Tuấn Anh – Quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh

Với vị thế là một đô thị trọng điểm của khu vực phía Nam nên TP. Hồ Chí Minh cũng đang trong hiện trạng bị quá tải. Sự nhập cư ồ ạt của cư dân các địa phương khác khiến đô thị phải gồng mình trước sức ép tăng dân số cơ học. Rất nhiều các con đường trong nội đô vẫn xảy ra tình trạng tắc nghẽn kéo dài, thậm chí là cả ở những tuyến đường mới mở như Nguyễn Văn Linh. Bên cạnh đó vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường cũng là những vấn đề cần giải quyết. Tình trạng ngập dài ngày (thậm chí cả tháng trời) không chỉ gây thiệt hại về của cải vật chất, mà còn gây nên rất nhiều các dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Tuy vậy, không thể phủ nhận TP.HCM sẽ và vẫn luôn là một đô thị đáng sống bởi sức mạnh kinh tế và sự thịnh vượng của nó mang lại. Xét về góc độ phát triển kinh tế và cuộc sống sôi động, TP.HCM là một trong những trung tâm hàng đầu ở Việt Nam. Với nguồn lực lộ trình đầu tư mạnh dạn, đây thực sự là một đô thị ấn tượng về mặt kiến trúc quy hoạch bởi chỉ trong một thời gian ngắn đã có rất nhiều công trình cao tầng xây mới, các khu đô thị “trong mơ”. Ở TP.HCM, người dân có rất nhiều cơ hội để phát triển kinh doanh, buôn bán, phát triển kinh tế, đồng thời có thể thụ hưởng rất nhiều các giá trị dịch vụ như giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe tiêu biểu cho một đô thị dịch vụ phát triển. Cường độ và nhịp sống hối hả, các cơ hội giao thương của nó mang đến các cơ hội làm ăn tạo nên các cộng đồng thịnh vượng, các doanh nhân thành đạt, cơ hội việc làm và kiếm sống cho rất nhiều người dân.

saigon

Cafe vỉa hè theo phong cách Sài Gòn

Hạ tầng đô thị cũng có những nét chuyển mình ấn tượng như hoàn thành xây dựng mới hệ thống hầm đường bộ hiện đại nhất Việt Nam nối trung tâm thành phố với bán đảo thủ thiêm, thống các cầu vượt, cầu bộ hành, đường cao tốc. Về mặt kiến trúc, nét kiến trúc hiện đại cũng như kiến trúc lịch sử qua các giai đoạn thời kỳ lịch sử cũng ghi dấu ấn. Rất nhiều các công trình trở thành những di tích lịch sử, danh thắng quý giá trong lòng đô thị, đồng thời nơi đây cũng là một đô thị với nhiều nét văn hóa đặc trưng đặc biệt nổi bật là văn hóa Nam Bộ và Hoa kiều. Sự pha trộn các dòng văn hóa nói chung khiến cho đô thị bên cạnh có rất nhiều nét thi vị cuốn hút để trở thành một đô thị đáng sống.

 

“Giấc mơ về ngôi làng Tam Kỳ độc đáo trong thế giới phẳng”

Ths.KTS Huỳnh Quốc Hội – TP Tam Kỳ, Quảng Nam

Đó là buổi sáng ngày Cá tháng Tư của năm 2020.

Tam Kỳ đã trở thành một ngôi làng, sử dụng xe đạp làm phương tiện chính. Đường Hùng Vương đã trở thành một con đường làng rợp bóng cây và đầy tiếng ve. Nhà Văn hóa với thiết kế kiến trúc mang hình quả thị nằm trên cồn sông, trở thành một biểu tượng khác của Tam Kỳ. Bảo tàng và Thư viện trở thành một bản sắc văn hóa đột phá, một hiện tượng đô thị của Việt Nam về đổi mới đô thị, thu hút được nhiều khách du lịch đến với thành phố. Đường Phan Chu Trinh trở thành một phố đi bộ cùng với xe điện năng lượng. Khu đất trống ngã tư Huỳnh Thúc Kháng đã trở thành một khu phố mua sắm với những dãy phố nhỏ xinh xinh…

Tam Kỳ đã trở thành một ngôi làng, nhịp phát triển của thành phố nhỏ không còn sôi động, ồ ạt, gấp rút như những năm 2014. Tiếng động cơ chỉ còn vẳng đâu đó ở trên tuyến cao tốc. Nhịp sống đô thị đã chậm lại bằng với một ngôi làng, với những cư dân hiền hòa. Những nhậu nhẹt phố xá, những tấp nập ồn ào đã trở thành một quá khứ hổ thẹn, một giai đoạn xấu hổ chung, làm sự nhắc nhở cho sự đánh mất các giá trị của bản thân. Du lịch của Tam Kỳ ngày một phát triển. Nhưng cái phát triển đó không phải là làm giàu khi khách du lịch phải trả rất ít tiền, thành phố thu được không nhiều, nhưng điều thu được là những nụ cười, sự thỏa mái trong tâm hồn. Họ đang sống ở trên thiên đường của chính họ, một thiên đường do chính những con người ở đây tạo ra.

 

“Nét quan họ trong văn hóa đô thị xứ Kinh Bắc”

Nguyễn Đông Giang -Phường Đáp Cầu, Thành phố Bắc Ninh

Không chỉ người bản xứ, bất cứ ai nếu có dịp về ngang qua Bắc Ninh, dọc theo con phố Ngô Gia Tự, hẳn mọi người đều cảm nhận được một nét sống đô thị rất riêng cho đô thị xứ Kinh Bắc này. Không ồn ào và náo nhiệt, đô thị vẫn giữ được nét e ấp vốn có và tự nhiên như thế núi thế sông. Phong thái yểu điệu e ấp của người dân xứ Quan họ cũng đi vào văn hóa và không gian đô thị cũ một cách tự nhiên. Chợ đông đúc nhưng không ồn ào, nét lộn xộn chợ búa xen lẫn không gian cư trú kín đáo đầy tự nhiên. Đô thị cũ đẹp, bởi nó có một cấu trúc phân bổ không gian kiến trúc và quy hoạch hòa quyện theo thế đất tự nhiên rất hữu tình.

Áp lực kinh tế thời mở cửa khiến thành phố có thêm nhiều không gian mới như các khu công nghiệp, khu đô thị mới. Phố mới vào buổi tối cũng còn rộng và thưa người. Còn phải mất nhiều thời gian và công sức để góp sức xây dựng thành một đô thị đẹp về cảnh quan, chất lượng với cuộc sống. Dẫu biết phát triển kinh tế luôn là nhiệm vụ quan trọng để tạo nguồn lực xây dựng đô thị nhưng công tác quy hoạch cần đặt ra nhiều hơn ưu tiên bài toán tạo sự kết nối, giữa đô thị hôm qua với đô thị hôm nay. Không thể để mất đi sợi dây liên kết tuy vô hình nhưng cần thiết để tạo nên một đô thị có lối sống và bản sắc riêng. Đô thị phải làm mới nhưng quy hoạch với tầm nhìn dài hạn không tạo ra sự phủ định cưỡng ép với những không gian hiện hữu của đô thị. Quy hoạch phải lưu giữ không chỉ cái vỏ vật chất, mà có hướng cải tạo để các không gian mới cũng là một thành tố gắn bó hữu co lưu lại những nét kiến trúc đô thị gắn với thiên nhiên vốn có.

 

“Mong muốn Hải Phòng không mất đi sự thanh bình vốn có”

Phạm Thị Hòe – Lê Chân, Hải Phòng

Hải Phòng – nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố sông nước và cảng biển. Điều này mang lại cho cuộc sống của người dân những nét khác biệt, đặc biệt là về cảnh quan đô thị và sự bình yên trong cuộc sống. Cá nhân tôi đặc biệt thích các không gian công cộng ven sông trong lòng thành phố. Tối rất thích những chiều đi dạo bộ qua các khu công viên ven sông từ những khu vực phố cũ đến khu phố mới buôn bán sầm uất.

Hải Phòng cũng là một đô thị cũ, với rất nhiều các công trình Pháp cổ. Đây là điều làm nên nét lãng mạn và phong cách sống của người dân TP cảng. Giống như khu phố cổ, phố cũ Hà Nội, khu vực này cũng là nơi sầm uất nhất của đô thị. Đa phần người dân có xu hướng thích hội tụ buôn bán ở đây vì sức sống, khả năng buôn bán thịnh vượng và hệ thống giao thông, hạ tầng tuy cũ nhưng đồng bộ từ thời Pháp thuộc. Nếu có cơ hội, dù có thể mua nhà ở khu đô thị mới, tôi vẫn muốn được chuyển vào trong khu phố cũ để sinh sống và buôn bán làm ăn.

Nếu xét về phát triển kinh tế, so với các thành phố lớn khác như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng không phát triển mạnh và “nóng”. Đô thị hóa cũng diễn ra chậm hơn. Cụ thể là cho đến nay cũng chưa có được những khu đô thị cao cấp vượt trội như các trung tâm đô thị lớn. Đổi lại, đây là một đô thị có nhịp sống tương đối yên bình. Là người dân thành phố cảng, mong muốn chung mơ ước Hải Phòng phát triển, nhưng không bị mất đi sự thanh bình vốn có. Không nhất thiết phải có thêm các công trình quá đồ sộ, quan trọng hơn cần có chính sách bảo tồn và phát triển không gian công viên xanh dọc theo các con sông lớn, để trở thành những không gian công cộng hữu ích đúng nghĩa trong lòng thành phố cho mọi người. Có thể, nên tập trung đầu tư nhiều hơn hệ thống dịch vụ như nhà hàng, trung tâm vui chơi giải trí, chợ dân sinh phục vụ tốt hơn cho cuộc sống người dân.

 

bình luận