Khi từng người dân hạnh phúc, khi ấy đô thị hạnh phúc được hình thành(07/10/2014)
Có quan điểm cho rằng, sự mở rộng đô thị, sự phát triển của những khu vực dân cư với mật độ thấp, sự phụ thuộc vào ô tô để di chuyển ở khu vực ngoại ô ở nhiều nơi trên thế giới khiến bạn không cảm thấy hạnh phúc. Sự cô lập đó ảnh hưởng đến bạn cả về thể chất lẫn tinh thần. Và khi một cá nhân không hạnh phúc, nhiều cá nhân không hạnh phúc thì xã hội ấy, đô thị ấy không hạnh phúc. Và tôi đồng ý với quan điểm này.
Hạnh phúc có lẽ là được trở thành một thành viên năng động và tích cực của xã hội. Những thành phố đông dân mà người dân được khuyến khích đi bộ hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đất đai được quy hoạch và sử dụng theo mô hình nén, mang đến sự lựa chọn phong phú cho người dân khi sử dụng các tòa nhà, lựa chọn các loại hình nhà ở khác nhau, tạo nhiều cơ hội để người dân được tương tác với nhau, thì đó là một thành phố hạnh phúc.
Trên thế giới có rất nhiều ví dụ về những đô thị lành mạnh và hạnh phúc. Vancouver là một ví dụ ở nước phát triển khi đã biến thành phố trở thành thiên đường cho người đi bộ. Những công viên hay đường phố trở thành không gian công cộng cho nhiều hoạt động xã hội. Ngoài ra ranh giới giàu nghèo ở đó cũng được xóa mờ bởi người dân với mức thu nhập khác nhau vẫn sống cùng nhau trong một tòa nhà và đối xử với nhau công bằng, tôn trọng.
Bogota – Thủ đô của Colombia là một ví dụ điển hình chứng minh rằng thiết kế đô thị bền vững đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc tạo ra hạnh phúc và sự phát triển cho người dân và toàn thành phố. Nếu như những năm 90 của thế kỷ trước, mọi người biết đến thành phố này bởi sự bất ổn về xã hội, bất bình đẳng, lộn xộn, cũng như thiếu an toàn thì 20 năm sau, Bogota đã có bộ mặt hoàn toàn khác, và trở thành một trong những điểm đến an toàn nhất ở châu Mỹ La tinh. Có được sự thay đổi mạnh mẽ như vậy thì phải kể đến người có công đầu tiên, Thị trưởng Bogota, Enrique Penalosa, người đã có những ý tưởng cải cách tuyệt vời khi ông đưa ra những chính sách khuyến khích người dân đi bộ, sử dụng xe buýt và đầu tư vào những tòa nhà công và không gian công cộng ở những vùng nghèo nhất của thành phố. Ông đã cho đầu tư lớn vào hệ thống xe buýt trung chuyển (BRT) lớn và nhỏ để mọi người dân từ mọi khu vực, kể cả hẻo lánh đều có thể tiếp cận với mức vé thống nhất, không phân biệt khoảng cách. Biết được người nghèo có mặc cảm khi đi xe buýt nên BRT được đặt tên là Transmilenio (Xuyên thiên niên kỷ). Và cho đến tận ngày nay, tất cả người dân Botoga đều rất tự hào với “Xuyên thiên niên kỷ” của mình.
Ngoài ra, ông còn cho xây dựng 300km đường dành cho người đi xe đạp, một phương tiện thân thiện với môi trường và cho tất cả mọi người, không phân biệt giàu, nghèo. Cùng với biện pháp áp thuế cao gấp đôi với phí đậu xe ô tô đã làm giảm lượng phương tiện cá nhân lưu hành trong giờ cao điểm. Điều này đã cải thiện rất lớn chất lượng môi trường của thành phố cũng như chất lượng sống của người dân Bogota.
Nếu không có những chính sách phù hợp đầu tư cho việc cải thiện hệ thống giao thông, thiết kế không gian đô thị phù hợp, sử dụng đất với nhiều mục đích thì nhiều thành phố lớn ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội sẽ rơi vào khủng hoảng mà Bogota phải trải qua những năm 90. Theo một đánh giá gần đây, Hà Nội được xếp vào những thành phố ô nhiễm nhất châu Á. Hiện tại mức độ ô nhiễm của Hà Nội tương đương thành phố Dehil và Karachi, hai trong 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Và ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới sức khỏe và hoạt động của người dân mọi lúc, mọi nơi. Chúng ta không thể có những thành phố khỏe mạnh nếu người dân của thành phố đó ra đường lúc nào cũng phải bịt kín khẩu trang vì khói, bụi của ô tô, xe máy.
Hệ thống tàu điện ngầm ở Hồ Chí Minh, hệ thống tàu trên cao ở Hà Nội đang được xây dựng. Khi hoàn thành, nếu dịch vụ tốt và giá cả phù hợp thì đây sẽ là giải pháp thay thế để người dân đô thị lựa chọn. Song hành với đó là việc thiết kế và sử dụng các tòa nhà cao tầng với nhiều mục đích khác nhau và bố trí với nhau đủ gần để mọi người có thể tiếp cận bằng việc đi bộ. Sự kết nối cần được bảo đảm thông suốt và dễ dàng thì mới thuyết phục được người dân bỏ xe máy để đi bộ và đi xe đạp. Khi đó, cần có những làn đường an toàn và dành riêng cho người đi bộ và xe đạp. Không gian công cộng được sử dụng với nhiều mục đích cả phục vụ văn hóa, giải trí, và tạo môi trường mở và thân thiện để mọi người có thể dễ dàng tiếp xúc với nhau. Những ngôi nhà, công trình sẽ được thiết kế với kiến trúc xanh, thân thiện với môi trường giúp giảm phát thải khí nhà kính, làm cho con người được sống khỏe mạnh hơn.
Ngày Kiến trúc thế giới năm nay, chủ đề “Đô thị lành mạnh, đô thị hạnh phúc” một lần nữa đề cao vai trò quan trọng của những kiến trúc sư trong việc kiến tạo đô thị giúp người dân được sống vui vẻ, hạnh phúc trong môi trường đô thị. Chủ đề này cũng có mối gắn kết chặt chẽ với việc tìm kiếm những giải pháp cho vấn đề đô thị hóa bền vững, tương lai của không gian đô thị mà Chương trình Nghị sự Habitat III (sẽ được tổ chức vào năm 2016) hướng tới. Hi vọng với sự thay đổi trong tư duy, cùng với những tìm tòi trong công việc, những kiến trúc sư sẽ có những đóng góp tích cực cho việc hình thành diện mạo mới giúp đô thị đẹp, hiện đại nhưng không kém phần lành mạnh và hạnh phúc ./.
TS.Nguyễn Quang
bình luận