Xây dựng các văn bản quy phạm dưới luật để hướng dẫn thi hành Luật kiến trúc(27/10/2021)
TS. KTS Nguyễn Tất Thắng
Nghiên cứu viên Cao cấp – Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng
Luật Kiến trúc (số 40/2019/QH14) đã được Quốc hội thông qua và ban hành ngày 13/6/2019. Tuy nhiên, nhiều nội dung của Luật này còn không ít băn khoăn, tranh luận trái chiều từ dư luận, thậm chí là rất khó thực thi bởi chưa sát với thực tiễn… Hơn thế, nội dung luật có những hạn chế nhất định trong việc phát huy kiến trúc bản địa vốn đa dạng hóa ở các vùng miền, địa phương. Và nhất là trong việc tiếp nối xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật để quản lý, thực hiện và giám sát, thanh kiểm tra, nếu vẫn duy trì cách xây dựng cũ, khó có thể tránh khỏi tình trạng có nhiều luật, nhưng lại chồng chéo, sẽ khó đưa ra được các giải pháp xử lý trước những vấn đề phức tạp có tính liên ngành.
MỘT SỐ CÁCH THỨC XÂY DỰNG LUẬT NÓI CHUNG HIỆN NAY
Trên thế giới hiện nay, có 2 hệ thống pháp luật phổ biến nhất và cơ bản nhất, đã và đang được các quốc gia sử dụng để quản lý Nhà nước, bất luận ứng với chế độ xã hội nào – Đó là hệ thống Luật Common Law (Thông luật là hệ thống luật Anh – Mỹ) và hệ thống luật Civil Law (Dân luật – là hệ thống luật Châu Âu lục địa). (Hình 1.1)
Hai hệ thống luật này, tương đối khác nhau từ nguồn gốc ra đời, cách thức xây dựng luật, các thủ tục tố tụng và vai trò của cơ quan tư pháp từ tòa án, thẩm phán đến luật sư…
Việt Nam là quốc gia chủ yếu xây dựng hệ thống luật và các văn bản quy phạm dưới luật (VBQPDL), bao gồm có thể là các Nghị định, Thông tư, Quyết định… theo xu thế của hệ thống luật Civil Law, có những sự điều chỉnh, để phù hợp với Hiến pháp và chế độ chính trị – xã hội của riêng mình.
Nhìn chung, việc quản lý và xây dựng hệ thống luật hiện nay của Việt Nam được dựa trên nền tảng với 3 hình thức tổ chức: Tổ chức thực thi quyền lực Nhà nước với ba bộ máy chính, gồm Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp; Hình thức và phương thức thực hiện với việc xây dựng pháp luật (Lập pháp), tổ chức thực hiện pháp luật (Hành pháp) và bảo vệ pháp luật (Tư pháp) song hành với tam quyền phân lập mềm dẻo (Hình 1.2)
Với việc xây dựng luật hiện nay, chúng ta đang dựa vào nguồn của pháp luật – Đó là tất cả các căn cứ được các chủ thể có thẩm quyền sử dụng làm cơ sở để xây dựng, ban hành, giải thích pháp luật cũng như để áp dụng vào việc giải quyết các vụ việc pháp lý xảy ra trong thực tế. Bao gồm 9 loại nguồn chủ yếu sau: Đường lối, chính sách của Đảng; nhu cầu quản lý kinh tế – xã hội của đất nước; các tư tưởng, học thuyết pháp lý; các nguyên tắc chung của pháp luật; văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; các điều ước quốc tế; phong tục tập quán; án lệ hay các quy định, bản án của Tòa án; quy tắc của các Hiệp hội nghề nghiệp (Hình 1.3).
Trong 9 loại nguồn này, nguồn thứ chín đã được đưa vào thông qua Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” nhằm góp phần bổ sung và hoàn thiện pháp luật.
Nói qua một chút như vậy, để thấy rõ, khi liên hệ với Luật Kiến trúc đã ban hành – Luật không những tác động, chi phối qua lại với mọi hoạt động liên quan đến lĩnh vực hoạt động kiến trúc nói chung, mà cần phải được xem xét, xây dựng, nhất là các VBQPDL tới đây để thực thi Luật, sẽ phải được xây dựng như thế nào để vừa đảm bảo thực thi, vừa tận dụng được các nguồn pháp luật để xây dựng luật, nhất là cần xác định và làm rõ nguồn pháp luật thông qua vị thế, vai trò của Hội KTS Việt Nam hiện nay.
CÁC HƯỚNG ĐI CHÍNH TRONG VIỆC XÂY DỰNG CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM DƯỚI LUẬT ĐỂ THỰC THI LUẬT KIẾN TRÚC
Luật Kiến trúc đã được công bố, với nội dung gồm 5 chương và 41 điều khoản thi hành. Tuy nhiên, để việc xây dựng các VBQPDL vừa đảm bảo tính khoa học và thực tiễn, vừa đảm bảo tính pháp chế và hội nhập phát triển…trong việc triển khai thực thi Luật – Cần có những cách nhìn nhận thấu đáo, khoa học, khách quan, cần làm rõ hơn bao gồm những nội dung chính sau đây:
Mặc dù tên là “Luật Kiến trúc”, song cá nhân tôi thấy chưa được chính xác lắm, bởi vì không thể dùng luật để đi kiểm soát một đối tượng, một thuộc tính, một phạm trù có tính thiên về sáng tác và nghệ thuật, sẽ có xu hướng làm hạn chế sự sáng tạo và chưa thực sự đúng đối tượng. Hơn thế, nếu xét ở phạm trù biện chứng về duy vật, yếu tố kiến trúc thường mang định tính nhiều hơn, chúng còn phải kết hợp với nhiều lĩnh vực chuyên ngành khác, mới tạo ra không gian và vật thể trong môi trường tự nhiên. Khi đó, mới có đầy đủ cơ sở để quản lý, kiểm soát, lượng hóa được…Ở đây, thực chất, luậtgắn bó mật thiết với KTS thông qua các công tác hoạt động sáng tác, hoạt động nghề nghiệp, đào tạo kiến trúc, truyền thông kiến trúc, hội nhập kiến trúc… Do đó, nên là “Luật KTS” hay “Luật Hành nghề KTS”. Đối chiếu sang một số nước ASEAN, chẳng hạn như Malaysia, bên cạnh các Đạo luật quản lý của ngành xây dựng, họ vẫn đang có Luật KTS (Hình 3.1)
Hoạt động kiến trúc không chỉ có “Quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc”. Thực tế cho thấy, KTS hành nghề hết sức đa dạng, từ QLNN, sáng tác thiết kế, nghiên cứu khoa học, giảng dạy đào tạo, phản biện xã hội, truyền thông và báo chí, tạp chí… Khái niệm này cùng với các khái niệm về “đào tạo liên tục” hay “phát triển nghề nghiệp liên tục”chưa được chính xác và có tính phiến diện. Ứng với mỗi một vị trí công việc trong xã hội, KTS đã mang trong mình cả “nghề” để sáng tác, thiết kế, mưu sinh cuộc sống và đóng góp cái đẹp cho xã hội, đồng thời mang cả cái “nghiệp”để phù hợp tương ứng với mỗi vị trí công tác khác nhau. Do đó, đào tạo hay phát triển nghề nghiệp ở đây, không chỉ giới hạn thuần túy ở trình độ và năng lực thiết kế, thông qua chứng chỉ hành nghề. Mà phải còn là các tri thức khác cùng song hành, và cũng không thể tuyệt đối hóa liên tục nếu so sánh một KTS không cần đào tạo thêm, liên tục làm gì khi họ tự học hỏi để hội tụ đủ và dư các phẩm chất nghề nghiệp bao gồm cả Trí huệ – Trí tuệ – Trí tạo.
Không thể tuyệt đối hóa rằng nếu có Luật Kiến trúc song hành cùng các VBQPDL sẽ tốt hơn trong kiểm soát quản lý đô thị, nông thôn… Thực tiễn cho thấy, chúng ta không thiếu luật và các văn bản quy phạm đi cùng nhưng vẫn không thể kiểm soát được. Bài học từ các sự cố vi phạm đã xảy ra như tòa nhà 8B Lê Trực, nhà thờ Bùi Chu – Phát Diệm, Mã Pì Lèng Panorama – Hà Giang, bán đảo Sơn Trà – Đà Nẵng… Ngoài bộc lộ những thiếu vắng, chồng chéo của các VBQPDL, sự yếu kém trong quản lý, quản trị của các cấp chính quyền đô thị, nông thôn… Còn báo động sự buông lỏng quản lý với các hình thức lách luật, lạm dụng và trở thành hội chứng điều chỉnh quy hoạch bởi cơ chế xin – cho, quyền lực đã bị chi phối bởi lợi nhuận, lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm (Hình 3.2).
Chính vì vậy, các VBQPDL cần xây dựng đảm bảo xâu chuỗi tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, trong đó đặc biệt lưu ý trọng lượng của tính pháp chế khi thực hiện, bởi những VBQPDL sẽ liên quan trực tiếp đến các cơ quan tư pháp, cơ quan QLNN ở các cấp trong việc xét xử, giải quyết các vụ việc pháp lý về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng .
Đồng thời, để hướng tới một xã hội dân sự dân chủ và minh bạch, các VBQPDL cần thể hiện được các quy tắc của pháp luật trong quá trình xây dựng nhằm thể hiện rõ được 5 yếu tố bao gồm: Tính minh bạch, có tính dự đoán và dự báo cho phát triển, tính ổn định (tương đối), tính quá trình và xuyên suốt, đặc biệt là tính thực thi có trọng lượng pháp chế cao trong việc xử lý các tranh chấp hoặc vi phạm. (Hình 3.3)
Với các doanh nghiệp Nhà nước hoặc tư nhân có hoạt động hành nghề trong lĩnh vực xây dựng nói chung, trong đó có lĩnh vực kiến trúc – Bản thân đã phải thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, có đăng ký kinh doanh ứng với các nội dung hành nghề – Do đó cần xem lại có nhất thiết phải cấp chứng chỉ hành nghề cho các loại hình tổ chức này không?
Rất cần các VBQPDL, đưa ra được các yêu cầu, định hướng cho sáng tác kiến trúc ứng với các vùng miền, địa phương… Có sự khác biệt lớn về khí hậu, văn hóa… để tạo sự phong phú, đa dạng bởi bản sắc văn hóa bản địa, nhưng lại được thống nhất trong quản lý và sáng tạo, phát triển. Đồng thời cần làm rõ hơn các quy định để đảm bảo quyền lợi của KTS trong quá trình hội nhập, tránh bài nội sính ngoại đi đôi với bảo vệ quyền tác giả, tác phẩm của KTS trong quá trình thực hiện.
Cần xem lại việc bãi bỏ các “Quy chế về quản lý quy hoạch và kiến trúc” đã có trong các Bộ luật như Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch – Bởi phần lớn các quy định trong Luật Kiến trúc cũng đã trùng với các quy chế trên. Không thể giản đơn và tùy tiện bỏ thuật ngữ “Quy hoạch” để từ “Quy chế về quản lý quy hoạch và kiến trúc” trở thành “Quy chế về quản lý kiến trúc”, làm đứt gãy các quy định và vô tình làm biến dạng cấu trúc đã có của các luật khác. Hơn thế, việc kiểm soát về kiến trúc không chỉ đơn thuần ở một công trình hoặc tổ hợp công trình riêng lẻ, với chiều cao, không gian, kiểu dáng và phong cách nghệ thuật, màu sắc, chất phủ bề mặt… Mà cần phải là tổng thể trong môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, môi trường đô thị và nông thôn – Ở đó, vai trò của quy hoạch là yếu tố nhạc trưởng, ứng với các cấp độ quy hoạch từ quy hoạch vùng, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và đến cả thiết kế đô thị…
THAY LỜI KẾT
Kiến trúc là một ngành nghệ thuật chiếm lĩnh không gian, được kiến tạo bởi phương pháp tạo hình nghệ thuật kết hợp hợp với kỹ thuật, tạo ra môi trường sống thứ hai cho con người, sau môi trường của tạo hóa – Việc xây dựng luật và các văn bản quy phạm pháp luật vừa đòi hỏi tính khoa học, khách quan và thực tiễn, vừa đảm bảo tính pháp chế, thực thi và phát triển
– Do đó, rất cần sự chung sức trí tuệ của các chủ thể và cá nhân được giao sứ mệnh này để xây dựng luật, đặc biệt là sự hưởng ứng và tham gia tích cực của giới KTS trong cả nước. Để kỳ vọng, chúng ta sẽ hướng tới một thiết chế kỷ cương, trật tự trong quản lý, giám sát về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng; đồng thời tạo ra một sân chơi bình đẳng, minh bạch, thu hút được sức sáng tạo nghệ thuật của giới KTS – Hướng tới nền kiến trúc Việt Nam phù hợp với môi trường tự nhiên, văn hóa bản địa và thời đại của Kỷ nguyên công nghệ ./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Dtbd.moha.gov.vn/uploads/resources/admin/chuyende
2. http://m.dan/luat.thuvienphapluat.vn/so-sanh-he-thongluat-anh-my-va-luat-phap-duc-136781
3. http://m.danluat.thuvienphapluat.vn/su-khac-nhau-giua-dan-luat-va-thong-luat-153234
4. http://www.mpc.gov.my/wp-content/uploads/2016/04/Chapter
5. https://blog.supplysideliberal.com/post/133051179543/cass-sunstein-on-the-rule-of- law
6. Luatduonggia.vn
7. Nguyễn Tất Thắng-“Lý luận và Phê bình kiến trúc-Một chức phận xã hội thiêng liêng”Tạp chí Kiến trúc Việt Nam-Bộ Xây dựng số 203/2016
8. Nguyễn Tất Thắng-“Vai trò của công tác lý luận và phê bình trong lĩnh vực Nghiên cứu khoa học”-Tạp chí Xây dựng–Bộ Xây dựng số 06/2018
9. Thegioiluat.vn
10. Thongtinphapluatdansu.edu.vn
11. Usis.us/luat-di-chu/gioithieuhethongluathoaky
bình luận