Từ dịch bệnh đến những vấn đề đặt ra cho phát triển du lịch Hà Giang?(13/03/2022)
Năm 2019, ngành Du lịch gần như đã đạt được những chỉ tiêu để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Tuy nhiên, dịch bệnh đã đưa du lịch Việt Nam trở về điểm xuất phát. Không thể đón được du khách quốc tế ít nhất trong vòng 2 năm, do đó phải xác định du lịch nội địa là then chốt.
Vừa qua Hà Giang cũng như các tỉnh thành có thế mạnh về du lịch chịu nhiều tác động của dịch bệnh. Vì vậy, Hà Giang cần phải có phương án để thu hút được khách du lịch trong nước, tập trung vào khách nội địa. Bên cạnh đó cũng cần có một kế hoạch chuẩn bị trong vòng một hoặc hai năm tới sẽ đón khách quốc tế.
Chuẩn bị, thiết lập cho những bước phát triển kinh tế du lịch nội địa lâu dài và tạo đà thu hút mạnh mẽ khách du lịch quốc tế là điều Hà Giang cần hướng tới không chỉ trong bối cảnh dịch bệnh mà còn là hướng đi bền vững, lâu dài.
Dịch bệnh và những thay đổi thị trường du lịch cần quan tâm?
Sau đợt bùng phát dịch tại Đà Nẵng, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đã cùng VnExpress thực hiện cuộc khảo sát về nhu cầu, khả năng tài chính của du khách trong nước, tập trung phân tích hai thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hai thị trường lớn nhất cung cấp khách du lịch cho cả nước. Cho nên Hà Giang cũng cần nhìn nhận, phải hiểu được tiềm năng từ hai thị trường nguồn này.
Khảo sát cho thấy khách du lịch nội địa thay đổi rất nhiều cách thức. Trước đây, khách du lịch nội địa nếu nhận thấy có đợt khuyến mãi hoặc có điểm đến đang thu hút giới trẻ là lập tức lên đường, nhưng hiện tại, tình hình dịch bệnh khiến họ sẽ cân nhắc nhiều điều. Trước khi quyết định đi du lịch có rất nhiều vấn đề làm cho họ suy nghĩ, nhiều câu hỏi đặt ra: Có nên đi du lịch không? Đi đâu? Đi với ai? Đi như thế nào? Đi bao lâu? Địa điểm đến có an toàn và tạo được hứng thú? Hơn thế dịch bệnh đã thay đổi tâm lý, hành vi của tất cả mọi du khách.
Qua đợt khảo sát này, các nhà nghiên cứu nhận thấy có một số các xu hướng:
Đầu tiên, khách du lịch lựa chọn đi xe riêng nhiều hơn, và điều này sẽ là xu hướng chung của giới trẻ hiện nay. Do đó, nếu muốn thu hút khách phải nghĩ đến việc tăng bãi đỗ xe cho các phương tiện cá nhân.
Thứ hai, điều du khách quan tâm nhiều là sự an toàn về dịch bệnh và an ninh, sẽ xảy ra tình trạng du khách yêu cầu được hủy phòng nếu có dịch bùng phát tại địa phương, vì vậy các nhà cung cấp dịch vụ du lịch cần phải hết sức linh hoạt. Du khách có xu hướng đặt dịch vụ du lịch muộn hơn và có thể hủy, hoãn tour muộn hơn trước chuyến đi do lo ngại bùng phát dịch.
Thứ ba, du khách thích những khuyến mãi, ưu đãi ngay tại chỗ. Họ không còn thích các chương trình khuyến mãi cho lần sau nữa. Vì vậy hãy giảm giá trực tiếp trong giá tour.
Trước dịch bệnh, người Việt Nam ưu tiên đi du lịch biển, nhưng khi có dịch bệnh, biển là nơi tập trung đông người nên họ bắt đầu có xu hướng du lịch về với thiên nhiên.
Hà Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng về du lịch của vùng miền núi Tây Bắc Tổ quốc, được thiên nhiên ưu đãi, có núi, có sông, đặc biệt có các giá trị nổi trội như: Công viên địa chất toàn cầu, những làng bản truyền thống còn mang đậm những nét đặc sắc của kiến trúc, đời sống văn hóa người dân vùng Cực Bắc của Tổ Quốc…Đây là những yếu tố tiềm năng phát triển mạnh mẽ của du lịch cộng đồng tại vùng núi Hà Giang. Vì vậy, Hà Giang nên tận dụng triệt để những ưu thế đó.
Xu hướng tiếp theo là khách du lịch đi ngắn ngày hơn và đi theo nhóm nhỏ theo nhóm gia đình hoặc nhóm bạn. Cho nên không nên bỏ quên việc xây dựng những chương trình tour ngắn ngày, dành cho những nhóm nhỏ, và nhất là những sản phẩm du lịch dành cho gia đình.
Khách du lịch hiện nay có xu hướng đặt tour online. Trước đây họ thường thông qua các công ty du lịch, lữ hành, nhưng giờ đây họ có thể ngồi ở nhà, tự book xe, book phòng khách sạn, book vé tham quan. Cho nên nơi nào càng cung cấp nhiều giải pháp số, càng nhiều thuận tiện thì càng thu hút khách du lịch.
Chúng ta chỉ có thể kích cầu được thị trường khi chúng ta hiểu được thị trường và chúng ta đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Ngoài các xu hướng trên, trong tình hình dịch bệnh diễn ra khó lường và phức tạp, khách du lịch có những lo ngại về vấn đề được bảo vệ khi dịch bùng phát tại địa phương mình đang du lịch (ví dụ như khi Đà Nẵng bùng dịch, nhiều khách du lịch bị mắc kẹt, không thể bay về nhà, tự bỏ tiền để ở thêm trong khi chờ đợi các chuyến bay giải cứu). Vậy, chính quyền địa phương sẽ có những cam kết như thế nào để bảo vệ du khách khi có bùng phát dịch mà không ai có thể biết trước?
Từ những phân tích trên, có thể thấy xu hướng hiện nay là khách du lịch sẽ tự tìm kiếm thông tin về nơi mà họ muốn tới . Hà Giang nên xây dựng một nền tảng cung cấp thông tin: phương tiện di chuyển, những địa điểm tham quan nổi bật, địa điểm ăn uống nghỉ ngơi, giá cả minh bạch, công khai.
Những điểm mấu chốt để phát triển du lịch Hà Giang hiện nay?
Để một điểm đến du lịch phát triển bền vững thì quản lý điểm đến đóng vai trò vô cùng quan trọng và then chốt. Các thành phần cần tham gia vào việc quản lý điểm đến trước tiên là cơ quan quản lý nhà nước ngành Du lịch – là cơ quan đưa ra chính sách phát triển du lịch. Thứ hai là khối các doanh nghiệp, hiệp hội du lịch địa phương – là đối tác thực hiện cung cấp các dịch vụ du lịch. Cuối cùng là cộng đồng người dân địa phương – là đối tác vừa tham gia cùng cấp dịch vụ du lịch, vừa chịu tác động trực tiếp của du lịch.
Hiện nay nhiều du khách vẫn chưa hài lòng với điểm đến ở nhiều khía cạnh: công tác tiếp thị điểm đến, bảo vệ môi trường, thiếu phòng vệ sinh… Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các bên ở địa phương từ cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, cộng đồng, hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp.
Chính quyền địa phương cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, đưa ra các chính sách phù hợp với người dân bản địa, với các doanh nghiệp. Quan trọng hơn là sự kết hợp giữa các nhóm (chính quyền, doanh nghiệp, người dân và khách du lịch) để cùng quản lý, gây dựng và phát triển.
Phát triển du lịch phải luôn nghĩ đến cộng đồng địa phương, đừng nghĩ việc phát triển du lịch chỉ để thu thuế, đem về lợi ích cho cho Nhà nước hoặc là đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nếu người dân không thể tham gia cùng làm Du lịch thì đó là sự phát triển không bền vững.
Muốn phát triển du lịch một cách bền vững, cộng đồng địa phương phải được hưởng lợi một cách lâu dài. Lợi ích này phải nhìn từ rất nhiều yếu tố. Thứ nhất là về kinh tế, giá cả sinh hoạt. Du lịch là phải tạo ra công ăn việc làm, tạo ra sinh kế cho người địa phương, không nên gạt bỏ họ ra khỏi chính vùng đất của mình. Thứ hai là phải xét về mặt xã hội, văn hóa. Hiện nay đang tồn tại hiện tượng vì phục vụ cho du lịch mà thay đổi văn hóa bản địa, kiến trúc địa phương. Cuối cùng là phải giữ được môi trường thiên nhiên. Hà Giang với những cảnh quan kỳ vĩ như Cao nguyên đá Đồng Văn, đèo Mã Pì Lèng… hoạch định phát triển du lịch tại những khu vực này cần phải được quan tâm chú trọng để đảm bảo phát triển bền vững.
Hà Giang phải bảo tồn, lưu giữ những cảnh quan thiên nhiên, những bản làng dân tộc. Hà Giang có thể khuyến khích phát triển homestay, nhưng phát triển theo hướng là để người dân sinh sống bình thường, họ vẫn có việc làm, người khách du lịch đến để sống hòa vào cuộc sống của người dân.
Quy hoạch và thiết kế, xây dựng những điểm ngắm cho các khu vực có cảnh quan độc đáo của Hà Giang, đồng thời kết hợp thành điểm dừng chân là cần thiết. Bên cạnh đó, Hà Giang cũng phải quan tâm đến sự an toàn giao thông (xây sửa đường xá, lập thêm biển chỉ dẫn…).
Trong bối cảnh dịch bệnh như vừa qua, viêc cân nhắc giữa tập trung vào các lễ hội lớn, phục vụ cho các đoàn du lịch đông người hay tập trung cho các dịch vụ du lịch cho các nhóm nhỏ, gia đình hoặc cân bằng, linh hoạt cả hai cũng là bài toán cần đặt ra, cần nhận diện rất rõ để có lộ trình hướng tới.
Cuối cùng, kho tàng bản sắc kiến trúc Hà Giang khá phong phú và hấp dẫn với các làng bản, nhà cổ… là sự kết hợp giữa kiến trúc của các dân tộc tại địa phương và kiến trúc thời Pháp thuộc. Hà Giang cần có kế hoạch lưu trữ, phân tích và giới thiệu cho khách du lịch để họ biết tới./.
Tạp chí Kiến trúc Việt Nam
bình luận