Trung Quốc với các thành phố thông minh vượt trội(07/10/2021)
Khai thác sức mạnh cùng những lợi thế sẵn có, Trung Quốc đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào đô thị thông minh và kinh tế số nhằm cách mạng hóa cuộc sống cũng như cách làm việc của hàng tỷ người trong những thập kỷ tới.
Thâm Quyến – Mô hình thành phố NET
Tiếp nối chuỗi thành phố mang dáng dấp các khuôn viên khổng lồ do tập đoàn công nghệ Huawei thực hiện trước đây, Đằng Tấn, một trong những công ty công nghệ tại Trung Quốc đóng vai trò phát triển và đưa ứng dụng nhắn tin WeChat và QQ đến cộng đồng, đã tuyên bố sẽ xây dựng thành phố Net ngoài bờ sông Châu Giang ở Thâm Quyến. Đây là dự án được xem sẽ góp phần thay đổi cục diện đô thị tại Trung Quốc, đồng thời tạo ra một thành phố mới cho 8 vạn người.
Không những đóng vai trò mở rộng đô thị, thành phố Net còn kết nối khăng khít các thành viên trong xã hội, đồng thời tạo điều kiện cho họ hòa mình vào không gian thiên nhiên xung quanh.
Môi trường xanh trong thành phố được tạo nên bằng việc sử dụng một loạt các tấm pin mặt trời, những khu vườn trên mái nhà cùng hệ thống xử lý nước thải, góp phần làm giảm lượng khí thải carbon của thành phố. Hơn thế, các nhà thiết kế đã tính đến vấn đề nước biển dâng, qua đó tìm ra giải pháp nâng cao thành phố lên nhằm đối mặt với thực trạng này. Bên cạnh đó, hệ thống rừng ngập mặn cũng đóng vai trò lớn trong việc ứng phó với thiên tai, bão lũ.
Là một công ty đi đầu trong lĩnh vực công nghệ, Đằng Tấn có khả năng mang tới hệ thống cảm biến thông minh cho phép theo dõi hoạt động môi trường trong thành phố. Ngoài ra, công nghệ nhà thông minh được ứng dụng như một giải pháp hữu ích trước tình hình đại dịch COVID – 19 bùng phát. Bởi lẽ, đây thời điểm mà công nghệ và các hoạt động trực tuyến đóng vị trí ngày một quan trọng trong đời sống của con người.
Phương châm thành phố Net hướng tới chính là hạn chế các phương tiện giao thông không cần thiết, tạo điều kiện cho các phương tiện ít phát thải như xe đạp hay xe buýt hoạt động, giúp người dân có không gian và môi trường trong lành để di chuyển, thực hiện các hoạt động thể chất nhiều hơn, góp phần cải thiện sức khỏe và năng suất lao động của họ.
Tô Châu – Mô hình đô thị thông minh hàng đầu thế giới
Tô Châu là một thành phố lớn nằm ở phía Đông Nam tỉnh Giang Tô thuộc miền Đông Trung Quốc, cách Thượng Hải khoảng 100 km về phía Tây Bắc. Không những là một trung tâm kinh tế và đầu mối giao thương thương mại lớn, Tô Châu còn là thành phố lớn thứ hai của Giang Tô, chỉ sau thành phố Nam Kinh.
Một trong những điểm đáng chú ý của thành phố chính là khu công nghiệp Tô Châu (SIP). Đây được coi như nơi thu hút rất nhiều dự án đầu tư nước ngoài, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Trung Quốc. Cụ thể, trong hai thập kỷ qua, khu công nghiệp đã thu hút hơn 5.000 dự án đầu tư nước ngoài, bao gồm 156 dự án được đầu tư bởi 92 công ty, 500 tài sản toàn cầu và sử dụng 32,3 tỷ đồng vốn đầu tư nước ngoài. Hơn 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước đã thành lập các trung tâm R&D (trung tâm nghiên cứu và phát triển) tại đây.
Cũng tại thành phố này, hơn 30 tổ chức nghiên cứu giáo dục hàng đầu trên thế giới đã được điều hành cùng các trường đại học quốc tế. Bên cạnh đó, khu công nghiệp còn đóng vai trò phát triển những trung tâm phục vụ cho các ngành công nghệ cao như công nghệ Nano và dược phẩm sinh học.
Các bệnh viện, khách sạn, tòa nhà hành chính, nhà hàng, hệ thống giao thông công cộng đều được định hướng phát triển thành mô hình thông minh. Chẳng hạn, đối với lĩnh vực giao thông, việc sử dụng dữ liệu nhằm phân luồng giao thông trong giờ cao điểm đã được các hệ thống trang thiết bị thông minh tiến hành hiệu quả. Nhờ vậy, thời gian chuyển tín hiệu đèn báo giao thông cho phương tiện đi lại được điều chỉnh một cách hợp lý.
Nhờ vào khả năng theo dõi và báo cáo tối ưu, hệ thống giao thông đã vận hành 5.000 xe buýt chạy trên 360 tuyến đường trong thành phố, chở 1,5 triệu người mỗi ngày. Có thể xem đây là một trong những mô hình đô thị thông minh hàng đầu trên thế giới.
Liễu Châu – Thành phố rừng theo chiều thẳng đứng
Được thiết kế bởi Stefano Bowari – kiến trúc sư đã và đang phát triển các dự án xanh trên toàn thế giới, thành phố rừng tại Liễu Châu, Trung Quốc được xem là “ngôi nhà” tương lai cho một cộng đồng khoảng 30.000 người. Với sự bao phủ bởi gần 1 triệu thực vật, trong đó 40 000 cây sẽ đóng vai trò hấp thụ gần 10.000 tấn carbon dioxide, nơi đây sẽ giúp giảm nhiệt độ không khí trung bình, tạo nên rào chắn bảo vệ cho người dân khỏi tiếng ồn, cải thiện chất lượng không khí, môi trường sống cũng như vấn đề đa dạng sinh học trong khu vực.
Thành phố rừng sẽ nối liền với Liễu Châu qua đường tàu cao tốc và mạng lưới xe điện. Trong thành phố có nhiều khu vực dân cư, không gian thương mại và giải trí khác nhau, hai trường học và một bệnh viện. Các ngôi nhà sẽ trang bị điều hòa không khí chạy bằng năng lượng địa nhiệt và mái nhà lắp pin Mặt Trời.
Kết luận
Là một quốc gia đang trong thời kỳ đô thị hóa nhanh chóng, các vấn đề đô thị đang ngày càng đón nhận được nhiều sự quan tâm tại Trung Quốc hơn. Quốc gia này đã và đang xây dựng kế hoạch đầu tư hàng nghìn tỷ nhân tệ nhằm tạo nên hàng trăm thành phố thông minh trên khắp cả nước.
Bên cạnh đó, từ năm 2015 đến nay, Bắc Kinh thường xuyên tiến hành tổ chức “Triển lãm Thành phố thông minh quốc tế” – một sự kiện thường niên nhằm tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề đô thị hóa. Đây cũng được xem là sự kiện về thành phố thông minh lớn nhất Trung Quốc, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp và cũng như đông đảo lượt khách. Với những lợi thế sẵn có, sự thành công trong các dự án xây dựng thành phố thông minh hàng đầu trên thế giới có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian đối với quốc gia tỷ dân này./.
Minh Ngọc
bình luận