Tỉnh giấc(07/10/2014)

Sức khỏe và hạnh phúc là hai yêu tố căn bản để quyết định chất lượng cuộc sống của mỗi con người. Có thể ví sức khỏe là hạ tầng cơ sở, hạnh phúc là thượng tầng kiến trúc, cả hai đều quan trọng để kiến tạo nên một đời sống tốt đẹp của mỗi chúng ta. Có rất nhiều yếu tố chi phối và tác động đến sức khỏe và hạnh phúc của bạn, nhưng khi bạn sống trong thành phố, một ngày của bạn, hàng ngày của bạn, hàng năm của bạn và có thể là cả cuộc đời bạn sẽ gắn với thành phố đó. Sức khỏe và hạnh phúc của bạn cùng những người xung quanh bạn cũng gắn với thành phố đó… Một điều thật đơn giản mà dường như chúng ta không để ý, đó là thành phố đã, đang và sẽ luôn ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta.

Hãy bắt đầu câu chuyện về thành phố và sức khỏe cùng hạnh phúc bằng việc tìm hiểu xem thế nào là một thành phố lành mạnh – thành phố hạnh phúc?

tinhgiac3 tinhgiac4

“THÀNH PHỐ LÀNH MẠNH”

Không có một định nghĩa rõ ràng, nhất quán, được thừa nhận nào trên thế giới về “thành phố lành mạnh” hay “thành phố hạnh phúc”. “Thành phố lành mạnh” là một khái niệm được Tổ chức sức khỏe Thế giới (WHO) khởi xướng năm 1986 nhằm thúc đẩy nhận thức và hành động của các chính quyền đô thị về vấn đề sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong lĩnh vực y tế công và thiết kế đô thị. WHO cũng không đưa ra một định nghĩa cụ thể về trạng thái thế nào là một “thành phố lành mạnh” mà khẳng định, khái niệm này dùng để chỉ một quá trình nỗ lực của chính quyền cùng toàn thể xã hội, hướng tới sức khỏe cho con người sống trong đô thị.

“Thành phố lành mạnh” là một danh hiệu không phải để chỉ trạng thái sức khỏe của một thành phố, mà để phản ánh và thúc đẩy nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe con người sống trong môi trường đô thị và những nỗ lực cải thiện sức khỏe cộng đồng của đô thị đó. Nó chính là một chương trình vận động. Vì vậy mọi thành phố đều có thể là “thành phố lành mạnh” bất kể trạng thái sức khỏe của nó.

Tuy nhiên WHO cũng có những hướng dẫn và yêu cầu nhất định, rằng một thành phố được xem là lành mạnh nếu thành phố đó:

– Có một sự cam kết đối với sức khỏe con người cùng quá trình và cơ cấu tổ chức thực hiện cam kết đó;

– Liên tục tạo ra và cải thiện môi trường không gian, môi trường xã hội, mở rộng những nguồn lực trong cộng đồng để tạo điều kiện cho mọi người hỗ trợ lẫn nhau để có được cuộc sống tốt đẹp hơn và phát huy tối đa tiềm năng của họ.

WHO cũng gợi ý cách tiếp cận “thành phố lành mạnh” cho các chính quyền địa phương như:

– Các thành phố cần đặt vấn đề sức khỏe cộng đồng làm trọng tâm trong các chính sách kinh tế, xã hội và phát triển đô thị, cùng với các phong trào, chương trình thực tiễn.

– Cách triển khai thực hiện cần chú trọng đến sự công bằng, sự tham gia của người dân trong công tác quản trị đô thị, khối đại đoàn kết, phối hợp liên ngành và các hành động cụ thể để giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cách tiếp cận chính sách “thành phố lành mạnh” cần nhận ra những yếu tố quyết định sức khỏe cộng đồng và phải có những quyết tâm chính trị từ chính quyền để chỉ đạo và triển khai các cơ chế chính sách phối hợp liên ngành, phối hợp giữa chính quyền và các thành phần xã hội từ khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội, các tập thể và cá nhân. Cách làm này cần lôi cuốn sự tham gia của người dân trong các quyết định, cần có các quyết tâm chính trị, và sự phát triển cơ cấu tổ chức, phát triển các cộng đồng. Vì vậy quá trình thực hiện cũng quan trọng như kết quả thực hiện vậy.

Hưởng ứng sáng kiến này của WHO, rất nhiều thành phố trên thế giới đã cam kết trở thành các “thành phố lành mạnh” và tham gia vào các liên minh, các mạng lưới “healthy cities” toàn cầu, hay châu lục, hay quốc gia để chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực thực hiện các chương trình hành động tại địa phương mình.

Danh mục tham chiếu cho các thành phố lành mạnh do WHO gợi ý gồm có những điểm chính sau:

– Có môi trường không gian đô thị sạch sẽ, an toàn, có chất lượng (bao gồm cả nhà ở).

– Có hệ sinh thái bền vững hiện tại và trong tương lai.

– Có các cộng đồng dân cư mạnh mẽ, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau.

– Có mức độ tham gia và giám sát cao của cộng đồng trong các quá trình ra quyết định liên quan đến cuộc sống, sức khỏe và sự lành mạnh của cộng đồng.

– Đáp ứng những nhu cầu cơ bản của người dân như thực phẩm sạch, nước sinh hoạt, nơi cư trú, thu nhập, an toàn, an ninh và sinh kế cho mọi người dân đô thị.

– Mọi người đều dễ dàng tiếp cận và chia sẻ các cơ hội tốt đẹp, đa dạng.

–  Một nền kinh tế đa dạng, năng động và sáng tạo.

– Duy trì sự kết nối với lịch sử, di sản văn hóa và sự kết nối trong sự đa dạng sinh học và đa dạng xã hội.

– Có những dịch vụ chăm sức khỏe đa dạng và tối ưu cho cộng đồng, phù hợp với khả năng chi trả của mọi thành phần xã hội, có tình trạng sức khỏe cộng đồng tốt (ko có dịch bệnh, hiểm họa y tế…).

tinhgiac2 tinhgiac1

“THÀNH PHỐ HẠNH PHÚC”

Không có một định nghĩa nào về thành phố hạnh phúc, ngoại trừ một cuốn sách của Charles Montgomery – Một phóng viên người Canada viết, có tựa đề “Happy City: Transforming Our Lives Through Urban Design” năm 2013, tạm dịch là “Thành phố hạnh phúc: chuyển biến cuộc sống của chúng ta bằng thiết kế đô thị”. Cuốn sách này đã được nhận giải thưởng vì nó giúp chúng ta thay đổi cách nghĩ về cuộc sống đô thị. Charles đã kéo người đọc theo anh trên một chuyến du lịch vui vẻ tới một số những thành phố lớn và năng động nhất thế giới; ở đó anh đã gặp ngài Thị trưởng đầy mơ ước và nhiệt huyết của Bogota, người đã giới thiệu loại xe buýt hình thỏi son môi đỏ cực kỳ sexy để làm giảm đi sự căng thẳng vốn có trong thành phố; hay gặp một KTS đã học tập những kinh nghiệm thiết kế các thành phố thời trung cổ Tuscan và áp dụng thật khéo léo cho NewYork hôm nay; hay gặp một nhà hoạt động xã hội đã vận động thành công và biến một số đường cao tốc của Paris thành bãi tắm; hay một “đội quân” những người sống ở ngoại ô California đã hợp lực thay đổi những thiết kế vốn không phù hợp ở khu phố của mình để làm cho môi trường không gian ở đây trở nên hấp dẫn đáng yêu và phù hợp hơn… Thông điệp của cuốn sách đầy bất ngờ và tràn hy vọng: hãy “thêm gia vị” hạnh phúc cho thành phố, chúng ta sẽ hoàn toàn có thể vượt qua những thách thức cấp bách của thời đại.

Hạnh phúc, một phạm trù tâm lý trừu tượng liên quan đến cảm xúc và cảm nhận mang tính chủ quan của mỗi người, nhưng có rất nhiều thứ vô cùng giản dị về môi trường sống xung quanh ta mà cả tôi và các bạn đều chung cảm nhận:

– Chúng ta yêu không khí trong lành, mát dịu, không ô nhiễm và khói bụi

– Chúng ta yêu những con đường rợp bóng cây, những bãi cỏ xanh, những vườn hoa khoe sắc, yêu tiếng chim ríu rít chuyền cành mỗi sớm mai…

– Chúng ta yêu những mặt hồ xanh biếc in bóng mây trời, yêu khung cảnh mênh mông, mở òa trước mắt, yêu cái làn hơi nước mát rượi và tinh khiết. Ngồi bên nhau, chỉ cần ngắm mặt hồ mênh mông là thấy lòng nhẹ nhõm… Hạnh phúc, ước gì có thể nhảy tùm xuống nước, hòa vào cái sự mát rượi ấy, như một đám trẻ thơ, vô tư.

– Chúng ta yêu những nụ cười, lời chào hỏi, cám ơn của người hàng xóm, yêu cảm giác chia sẻ cảm thông, tin tưởng lẫn nhau trong cộng đồng nơi ta sinh sống và làm việc.

– Chúng ta mong con cái, trẻ em có nhiều không gian để vui chơi, chạy nhảy, nô đùa mà không lo ngại đến những nguy cơ từ giao thông hay tệ nạn.

– Chúng ta mong thời gian đi lại hàng ngày không quá dài, đường phố không quá căng thẳng, và xe cộ không nguy hiểm đến thế…

Có thể chúng ta giàu có và thành đạt, trong ngôi nhà của mình chẳng thiếu vật chất; nhưng bất cứ khi nào rời khỏi ngôi nhà chúng ta vẫn đều mong có được bình an, dễ chịu và hạnh phúc từ chính thành phố mà chúng ta sinh sống.

 

CHÚNG TA CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ THÀNH PHỐ LÀNH MẠNH HƠN, HẠNH PHÚC HƠN

Khi chọn chủ đề này cho ngày Kiến trúc thế giới năm 2014, UIA hẳn đã có hàm ý nhấn mạnh vị trí của con người trong môi trường đô thị và gửi gắm đến giới KTS – những người có sứ mệnh tạo dựng vỏ vật chất không gian của các thành phố, rằng việc mang lại sức khỏe và hạnh phúc cho người dân sống trong những vỏ không gian ấy mới là mục đích cốt lõi, mới thực sự quan trọng. Dù không thể và cũng không cần đưa ra những định nghĩa về trạng thái thế nào là thành phố lành mạnh, thành phố hạnh phúc; đặc biệt, không cần phải tiến hành những đề tài nghiên cứu hoành tráng để xác định các tiêu chuẩn, quy chuẩn (theo cách kỳ vọng thông thường của giới kiến trúc – quy hoạch). Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể và rất cần bắt tay vào hành động ngay để làm cho thành phố của chúng ta lành mạnh hơn, hạnh phúc hơn. Một số nhận định cơ bản dưới đây rất cần nhận được sự thống nhất, chia sẻ từ xã hội.

– Thành phố lành mạnh, thành phố hạnh phúc chắc hẳn phải là thành phố lấy sức khỏe thể chất và tinh thần của con người làm trọng tâm; một cách ngắn gọn, đó là những thành phố về con người và vì con người.

– Môi trường sống đô thị có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và hạnh phúc của người dân;

– Mọi thành viên trong xã hội đều có vai trò và cần chung tay góp sức xây dựng các thành phố mạnh khỏe, hạnh phúc; trong đó kiến trúc sư, với sứ mệnh là những người kiến thiết nên thành phố và các công trình có một vai trò chuyên môn đặc biệt quan trọng.

Muốn tạo ra hay cải thiện những không gian vì con người và cho con người, các KTS chúng ta cần phải HIỂU HỌ, hiểu nhu cầu, thói quen, hoàn cảnh, tập quán, tâm sinh lý của họ. Sự hiểu biết này cần được nâng lên và mở rộng để bao trùm được mọi đối tượng người dân trong thành phố: có kẻ giàu, người nghèo, có người già, có trẻ nhỏ, có nam có nữ, có khu vực mới, có khu vực cũ, có người khỏe mạnh, người tàn tật. Mỗi đối tượng, mỗi nhóm đối tượng lại có những sự khác biệt trong nhu cầu và hoàn cảnh. Một thực tế quan trọng nữa là sẽ luôn có SỰ TRANH CHẤP (về không gian và nhiều mặt khác) giữa các nhóm xã hội, tạo nên những xung đột và mâu thuẫn, nhiều khi tới mức cực đoan và gay gắt. Đó là bản chất tự nhiên của mọi xã hội. Vì vậy:

Thứ nhất, không chỉ tạo ra những thiết kế phù hợp cho đối tượng hướng tới, mà còn phải tìm ra những giải pháp thiết kế và quản lý không gian linh hoạt đa dạng, phục vụ được nhiều người và dung hòa được mâu thuẫn giữa các nhóm.

Một sân chơi không nhất thiết chỉ được dành cho đá bóng, mà sáng sớm nó có thể dành cho hoạt động thể dục nhịp điệu của phụ nữ thanh, trung niên; trưa có thể là nơi tập yoga hay khí công của người cao tuổi; chiều có thể dành cho đá bóng; tối có thể dành cho dance sport, đá cầu hay bất cứ hoạt động gì khác. Ở rất nhiều không gian công cộng hiện hữu, những khoảng dành cho hoạt động của người dân thì không có mà chỉ toàn những mảng cỏ xanh vườn hoa chi chít, ngoài việc tạo nên màu xanh và tốn chi phí chăm sóc thì chẳng có tác dụng lớn gì. Người dân vì thế phải tập thể thao hay vui chơi trên các lối đi, hoặc họ đã chủ động bê tông hóa vườn hoa để có nơi hoạt động cho mình. Tất cả những sự “bóp méo không gian gốc” bởi người sử dụng đều phản ánh một sự thực khách quan là những thiết kế của chúng ta chưa phù hợp với cuộc sống. Vậy nên, (dù có nhiều lý do chủ quan hay khách quan) chúng ta vẫn rất cần nhìn lại những thiết kế của mình, thay vì áp đặt hay cấm đoán người sử dụng, chúng ta hãy thấu hiểu họ, giúp họ, và dần định hướng họ, thay đổi hành vi sử dụng của họ thông qua thiết kế. Để hiểu họ, điều đơn giản và duy nhất chúng ta cần làm là quan sát họ và trò chuyện cùng họ. Khi ở trường đại học, tôi luôn trú trọng đến kỹ năng khảo sát xã hội học này của sinh viên trong các đồ án của mình.

Thứ hai, hãy quan tâm nhiều hơn đến những nhóm xã hội nghèo, những nhóm ngoài lề.

Nhóm người này, họ là ai: Họ là những người xe thồ, những người bán hàng rong trên đường phố, những anh xe ôm, những chị gánh gồng. Họ mang vào đô thị thực phẩm và dịch vụ, chúng ta cần họ và họ cũng cần chúng ta. Họ đã tham gia một cách tích cực và trong sáng nhất vào cuộc sống đô thị. Các nhà quản lý đô thị, hãy đừng xua đuổi họ, đừng phạt họ, trước hết hãy cho họ một số không gian phù hợp, hướng dẫn họ cách giữ vệ sinh đô thị, quan tâm và nâng đỡ họ… chắc chắn đô thị sẽ đáng sống và ấm áp tình người hơn. Một nghiên cứu về vỉa hè đô thị tại TP HCM của Giáo sư người Mỹ là Annet Kim đã chỉ ra rằng “Vỉa hè ở Sài gòn là KGCC sống động, nhân bản và hợp tác nhất”. Theo Annet Kim, “Phát hiện thú vị nhất (của bà sau khi nghiên cứu) là về mức độ tin tưởng và hợp tác xã hội diễn ra trên vỉa hè. Hầu hết những người bán hàng rong chia sẻ rằng các cửa tiệm thường giúp đỡ họ, cho họ dùng điện nước miễn phí và gửi đồ qua đêm. Lý do để giải thích cho sự giúp đỡ này là vì mọi người hiểu rằng những người bán hàng rong cần phải kiếm sống. Thậm chí các cửa tiệm cũng coi những gánh hàng rong là phần bổ sung cho dịch vụ của họ. Ví dụ: các nhà hàng thì phục vụ đồ ăn còn cà-phê được bán trên vỉa hè. Lý do khác nữa là người dân thấy sự tiện lợi mà những gánh hàng rong mang lại. Những người bán hàng rong cũng hợp tác với nhau như trường hợp ba người bán hủ tiếu, bán nước và bán kẹo góp chung tiền mua bàn ghế nhựa và linh động về chuyện khách ngồi ở đâu. Tất cả những sinh hoạt trên vỉa hè, bao gồm cả buôn bán, chỉ chiếm từ 10% đến 40% không gian, còn để lại khá nhiều chỗ trống cho người đi bộ. Trong khi đó, hoạt động chiếm nhiều không gian nhất là đỗ xe gắn máy.

Trên những vỉa hè TP.HCM, nhiều người cùng chia sẻ không gian cho những hoạt động khác nhau, vào những thời điểm khác nhau. Ở một góc phố, lúc 5g sáng, vỉa hè là nơi ngả lưng của những người muốn hưởng sự thoáng đãng của khí trời. Sau đó là nơi phục vụ bữa sáng và cà phê. Có một khoảng lặng trước khi vỉa hè lại đông đúc trong giờ ăn trưa. Vào lúc xế chiều, vỉa hè là nơi mọi người ngồi nghỉ, ngắm phố phường hoặc mua bán. Tất cả những câu chuyện này diễn ra trên một đoạn vỉa hè. Thật kỳ diệu khi ta nhận ra rằng bao nhiêu phần của cuộc sống có thể được nuôi dưỡng trong không gian công cộng khiêm nhường này”.

Thứ ba, KTS (dù làm thiết kế hay quản lý) cần phải tạo ra một sự phối hợp giữa các bên liên quan về không gian, hay nói cách khác là tổ chức một “cuộc chơi” mà tất cả các bên cùng thắng. Điều này quyết định đến hạnh phúc của người dân và sự thành công của không gian.

Một nghiên cứu nhanh của nhóm sinh viên ĐHXD dưới sự hướng dẫn của tôi và hai KTS trẻ Thụy Điển về công viên Thống nhất đã chỉ ra một số thực tế thú vị:

Có rất nhiều nhóm đối tượng sử dụng không gian công viên (đá bóng, dance-sport, chạy bộ, đạp xe, thể dục nhịp điệu, người đi dạo, các cặp đôi, người nuôi chó, người bán hàng rong, người chụp ảnh …)  và giữa họ có những khó chịu hay ưa thích về mặt cảm xúc lẫn nhau, thậm chí có nhiều tranh chấp không gian.

Nhưng điều bất ngờ và đáng suy ngẫm nhất là cảm xúc khó chịu lẫn nhau giữa những cán bộ quản lý và công nhân thuộc công ty TNHH 1 thành viên cây xanh Thống Nhất với tất cả các nhóm người sử dụng. Lý do là người sử dụng không hài lòng và thỏa mãn với chất lượng dịch vụ của công ty, còn người của công ty thì cho rằng những người sử dụng thiếu ý thức giữ vệ sinh và gây thêm vất vả cho công việc của họ. Những lý do này rất dễ hiểu nhưng vấn đề nằm ở chỗ: nếu các bên liên quan trực tiếp đến một công viên mà không thể đối thoại và hợp tác cùng với nhau thì làm sao có thể có một không gian hạnh phúc như mong đợi, cho dù nhà nước có bỏ ra hàng tỉ đồng đi nữa, sự khó chịu vẫn tồn tại.

Với tinh thần thấu hiểu, phục vụ, chia sẻ và phối hợp với xã hội, cùng với năng lực và kiến thức chuyên môn của mình, các KTS dù làm ở bất cứ cương vị nào: người thiết kế, người đào tạo, người nghiên cứu phê bình lý luận, người quản lý nhà nước các cấp và nhiều vị trí khác cũng sẽ khẳng định được vai trò của mình và góp phần tạo nên những thành phố lành mạnh và hạnh phúc cho tất cả mọi người trong đó có chúng ta hôm nay và con cháu chúng ta mai sau.

Để kết thúc cho bài viết chia sẻ quan điểm về thành phố lành mạnh và hạnh phúc, tôi xin nhắc lại câu chuyện có thực về một quốc gia nhỏ bé, không xa với văn hóa và vị trí địa lý của chúng ta, đất nước Bhutan nằm bên dãy Himalaya, một nơi được gọi là “thiên đàng nơi hạ giới”. Ở đó, quốc gia đã lấy khẩu hiệu “Natural happiness for People” làm tuyên ngôn, và dùng chỉ số Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH – Gross National Happiness) thay cho chỉ số tổng sản phẩm quốc nội (GDP – Gross National Product) để đo sự tiến bộ và phát triển của đất nước. Bhutan đã thiết lập chính sách thông qua các chỉ số tổng hạnh phúc quốc gia, với các thông số về sức khỏe tinh thần, thể chất dựa trên phát triển công bằng xã hội, bảo tồn văn hoá, bảo tồn môi trường và thúc đẩy quản trị. Với quan niệm đặt thế giới tự nhiên ở trung tâm của chính sách công, việc bảo vệ môi trường đã được quy định rõ ràng và chặt chẽ trong Hiến pháp của vùng đất Rồng Sấm. Có thể khẳng định trong ba thập kỷ qua, niềm tin rằng tăng trưởng vật chất nên được thay thế bằng những phát triển về đời sống tinh thần vẫn là một điều kỳ quặc có một không hai. Tuy nhiên hiện nay, khi thế giới bị vây bủa bởi những những hệ thống tài chính sụp đổ, các nền kinh tế suy thoái, sự bất bình đẳng xã hội nghiêm trọng và những hiện tượng khí hậu cực đoan trên diện rộng, đất nước nhỏ bé theo đạo Phật này đang ngày càng thu hút sự quan tâm chú ý và ngưỡng mộ của thế giới.

Muốn tạo ra hay cải thiện những không gian vì con người và cho con người, các KTS chúng ta cần phải HIỂU HỌ, hiểu nhu cầu, thói quen, hoàn cảnh, tập quán, tâm sinh lý của họ. Hãy quan tâm nhiều hơn đến những nhóm xã hội nghèo, những nhóm ngoài lề. Khi sáng tác, các KTS hãy không chỉ tạo ra những thiết kế phù hợp cho đối tượng mình hướng tới, mà còn phải tìm ra những giải pháp thiết kế và quản lý không gian linh hoạt đa dạng, phục vụ được nhiều người và dung hòa được mâu thuẫn giữa các nhóm. KTS (dù làm thiết kế hay quản lý) cần phải tạo ra một sự phối hợp giữa các bên liên quan về không gian, hay nói cách khác là tổ chức một “cuộc chơi” mà tất cả các bên cùng thắng. Điều này quyết định đến hạnh phúc của người dân và sự thành công của không gian.

 

6:30 Reng reng reng – (Tiếng chuông báo thức bỗng reo lên đánh thức giấc mơ về thành phố lành mạnh và hạnh phúc.)Bật dậy… “Đến giờ dậy rồi, nhanh nhanh nào hai con yêu, ngày mới đã bắt đầu”.

7:00 Ba mẹ con ra khỏi nhà – Đường từ khu đô thị mới (ĐTM) Định Công đến Trường tiểu học quốc tế Thăng Long ở ĐTM Bắc Linh Đàm chừng 2km nhưng đi lại rất khó khăn, đường cũ hẹp, có những cây cầu bé bắc tạm qua dòng sông nước thải màu lúc nào cũng đen ngòm và lờ đờ rác. Có đoạn đường thường xuyên bị cày xới thành những “hố bom” to rồi bị bỏ đó nhiều tháng. Trời mưa thì việc đi lại trở nên vô cùng nguy hiểm. Cũng trên chính đoạn đường này, buổi chiều đúng giờ tan tầm thì lại là thời điểm xe tải thu gom rác từ những xe đẩy rác con đã được tập kết thành 2, 3 hàng tại đây, làm cho việc đi lại đã khó khăn lại càng khó khăn hơn nữa.

7h30 các con vào lớp. Mẹ đến cơ quan, đi qua những cung đường đông nhất Hà Nội, xe nhích từng chút một, luôn có thể có những va chạm và những to tiếng xung quanh. Lúc này không gian đã trở nên ồn ã, náo nhiệt, căng thẳng và nghẹt tiếng còi xe. Một ngày tất tả của một thành phố “tất tả”đã thực sự bắt đầu. Tuyến đường khoảng hơn 8km nhưng đi mất gần một tiếng. Đôi đoạn qua những cung đường trên cao, có thể thấy hình bóng thành phố thật ấn tượng với những tòa tháp cao tầng hiện đại, vươn mình hãnh diện với trời xanh. (Thật khác với ký ức về một thành phố nhỏ bé yên bình khi mẹ còn thơ, trẻ em có thể tự đi bộ đến trường, tha thẩn ngắm trời mây cây lá mỗi khi tan trường và thanh niên sẽ sóng đôi lộng gió trên những chiếc xe đạp đơn sơ cũ kỹ).

Buổi chiều, sau một ngày làm việc bận rộn, mẹ lại quay lại cung đường ấy, cũng sự đông nghẹt ấy để đón các con. Cũng như bao ông bố bà mẹ khác trong thành phố, mẹ không dám “thả” các con ra thành phố dù chỉ 1 phút vì sợ đủ thứ: sợ giao thông, sợ tệ nạn xã hội, sợ những thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, sợ những thứ vu vơ nhưng cực kỳ đáng sợ như các con có thể sảy chân ngã xuống những hố cống trên vỉa hè miệng hở hoác đã lâu, những đoạn đường hố bom mà không cơ quan chức năng nào xử lý. Mặc dù mẹ ý thức được rất rõ là không nên bao bọc con trẻ và để cho các con tự trưởng thành, nhưng mẹ vẫn không làm sao dẹp đi nỗi lo sợ về những nguy hiểm đến từ thành phố.

 PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan – Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia

bình luận