Thu hồi 20 nhà công vụ:Khó nhưng không phải là bất khả thi!(03/09/2014)

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đưa ra tại buổi làm việc của Đoàn công tác Ủy ban Pháp luật với TP Hà Nội về việc thực hiện Luật Nhà ở ngày 28.8. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng thừa nhận, để thực hiện được nhiệm vụ này, cá nhân ông đã phải chịu khá nhiều sức ép, đơn từ khiếu nại vượt cấp khắp nơi.

Khu nhà công vụ Hoàng Cầu gồm 2 tòa nhà (A và B). Mỗi tòa nhà 2 đơn nguyên với tổng số 80 căn hộ, được đưa vào sử dụng từ năm 1999, thuộc quyền quản lý của Văn phòng Chính phủ. Từ ngày 31.12.2013 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định bàn giao cho Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (QLN&TTBĐS) thuộc Bộ Xây dựng quản lý.

Theo quy định hiện hành, các trưòng hợp cán bộ đã về hưu, chuyển công tác về các địa phương khác, đã mất hoặc không ở thì phải trả lại nhà ở công vụ. Tuy nhiên, việc thực thi này hoàn toàn không đơn giản. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo các chuyên gia, chủ yếu vẫn là do các quy định của pháp luật trước đây về lĩnh vực này còn thiếu, hoặc chung chung. Nhà công vụ thường có các vị trí đẹp, tương đối thuận lợi nhưng khi bàn giao thì đơn vị quản lý nhà ở công vụ chỉ có quyết định giao nhà ở công vụ mà không có hợp đồng thuê nhà, không quy định về việc thuê, giá thuê cụ thể, thời hạn thuê nhà!

Ngoài ra, cũng do cả một thời gian dài vừa qua, việc quản lý sử dụng nhà ở công vụ gần như bị lãng quên. Đáng chú ý, nhiều cán bộ dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn sở hữu nhà công vụ. Có trường hợp đang cho người nhà ở nhờ, hoặc không có người ở, hoặc nghiễm nhiên sử dụng sai mục đích. Lý do được đưa ra là khi tiếp nhận nhà công vụ, họ đã phải đầu tư, chi phí khá lớn các trang thiết bị nội thất và sửa chữa cải tạo cho nhà ở công vụ một thời gian dài hết sức tốn kém…

Chính vì vậy, để ra được quyết định thu hồi 20 căn nhà ở công vụ sử dụng sai mục đích tại Hoàng Cầu, bản thân Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thừa nhận, cá nhân ông đã phải chịu khá nhiều sức ép, đơn từ khiếu nại vượt cấp khắp nơi. Song theo ông, cái yếu của nhà công vụ thời gian qua là quản lý, thực thi chứ không phải yếu về mặt pháp luật, cơ chế. Quy định đã rõ ràng nhưng không được thực hiện nghiêm túc, người được phân nhà công vụ cũng chưa nghiêm túc.

Chính vì vậy, quan điểm của Bộ Xây dựng là kiên quyết thu hồi nhà công vụ sử dụng sai mục đích. Với nhà công vụ Hoàng Cầu, Bộ Xây dựng đã tiến hành rà soát, phân loại nhà ở công vụ thành 4 trường hợp: Cán bộ hiện đang công tác đúng đối tượng, đủ điều kiện và đang ở nhà công vụ; cán bộ đã nghỉ hưu hiện vẫn đang ở nhà công vụ; cán bộ đã nghỉ hưu hoặc đã mất, hiện đang cho người nhà ở nhờ; cán bộ đã nghỉ hưu hoặc đã mất, nhà không có người ở, khóa cửa.

Trong đó, với trường hợp cán bộ hiện đang công tác đúng đối tượng, đủ điều kiện và đang ở nhà công vụ Hoàng Cầu thì sẽ được bố trí nhà ở công vụ mới của Chính phủ tại nhà chung cư CT1-CT2 và nhà chung cư CT7 mà Bộ Xây dựng đang được giao quản lý.

Đối với các trường hợp khác, Bộ Xây dựng đang lên kế hoạch và quy trình xử lý cụ thể, thận trọng theo quy định về nhà ở công vụ và phù hợp với thực tiễn đang quản lý, sử dụng tại khu nhà Hoàng Cầu, tuy nhiên vẫn tuân thủ nguyên tắc: Khi không còn thuộc đối tượng được thuê nhà công vụ thì dứt khoát phải trả nhà.

Riêng đối với những trường hợp cán bộ đã về nghỉ hưu, đang ở tại khu nhà này, có nhu cầu về nhà ở trên địa bàn TP Hà Nội, khi trả lại nhà ở công vụ sẽ được ưu tiên, tạo điều kiện để các cán bộ này được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và được vay vốn ưu đãi để mua nhà.

“Với các trường hợp hiện không ở tại khu nhà Hoàng Cầu, đang sử dụng không đúng mục đích thì sẽ phải trả lại nhà công vụ để bố trí cho các cán bộ khác thuộc đối tượng, có nhu cầu. Tôi không cho đây là nhiệm vụ bất khả thi. Bộ Xây dựng có nhiều cách để thu hồi nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, và việc này sẽ được rà soát, thống kê, phân loại không chỉ trên địa bàn Hà Nội mà sẽ được thực hiện trên diện rộng tại nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn có nhiều nhà ở công vụ”, Thứ trưởng Nam khẳng định.

 

Theo Lao Động

bình luận