Thông tin luận án Tiến sĩ của NCS. Nguyễn Thành Công(20/02/2024)

THÔNG TIN TÓM TẮT VỀ NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN TIẾN SĨ:

 

1. Tên luận án: CHUYỂN ĐỔI KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC LÀNG CỔ VÙNG ĐÔNG NAM BỘ

Chuyên ngành: Kiến trúc   Mã số: 9.58.01.01

Nghiên cứu sinh: NGUYỄN THÀNH CÔNG

Người hướng dẫn khoa học:

  • TS. LÊ THỊ BÍCH THUẬN
  • TS. TRẦN MAI ANH

2. Cơ sở đào tạo: Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng)

 

TÓM TẮT ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

  1. Hệ thống lý luận về làng cổ ĐNB, xác định các giá trị không gian kiến trúc làng cổ vùng ĐNB

Tổ chức không gian kiến trúc mà luận án đề xuất là dựa trên kết quả nghiên cứu về đặc điểm chuyển đổi của cấu trúc không gian qua các giai đoạn lịch sử của làng cổ ĐNB cũng như dựa trên hệ thống lý luận về không gian kiến trúc cảnh quan nông thôn, về bảo tồn di tích và đặc biệt là lý thuyết về chuyển hóa luận về không gian làng cổ được xây dựng riêng cho luận án.

Cấu trúc không gian kiến trúc làng cổ, như đã phân tích ở trên, vừa phản ánh vừa bị chi phối bởi các yếu tố: Quản trị, Kinh tế – xã hội; Văn hóa – Lịch sử; Môi trường tự nhiên – BĐKH. Đồng thời phải thỏa mãn 5 tiêu chí: Nghề truyền thống – Cảnh quan thiên nhiên đặc hữu – Cấu trúc không gian làng truyền thống – Công trình công cộng truyền thống (tôn giáo, công cộng…) – Nhà ở truyền thống. Trong phân tích các yếu tố và tiêu chí nêu trên, luận án chỉ rõ thuộc tính quan trọng nhất đối với không gian làng cổ ĐNB thích ứng là tính linh hoạt và quan hệ biện chứng giữa yếu tố khả biến và bất biến trong quá trình chuyển đổi cấu trúc không gian.

  1. Nhận diện sự chuyển đổi của không gian kiến trúc làng cổ vùng ĐNB trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của vùng Đông Nam Bộ.

Phân tích quá trình chuyển đổi không gian 14 làng cổ ĐNB sẽ nhận thấy được chuyển đổi không gian làng là một quá trình liên tục nhằm thích nghi với những biến đổi quản trị – kinh tế – văn hóa – xã hội – môi trường. Thực tế phát triển khu vực nông thôn ở ĐNB trong thời gian qua cho thấy: thường xuất hiện thay đổi trong chiến lược, chính sách đầu tư, thay đổi lối sống hay cách quản trị do vậy không gian làng cổ tất yếu sẽ có những chuyển đổi nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.

  1. Xây dựng hệ tiêu chí xác định mức độ chuyển đổi của các làng cổ vùng Đông Nam Bộ.

Hiện nay, làng cổ vùng Đông Nam Bộ đã bị chuyển đổi ở ba mức độ khác về không gian kiến trúc: (1) Biến đổi hoàn toàn, (2) Chuyển đổi một phần, (3) gần như còn nguyên trạng.

Biến đổi hoàn toàn là làng đã và đang tăng trưởng nhanh do tốc độ đô thị hóa với cấu trúc không gian tổng thể bị thay đổi nhiều và diễn ra sự biến đổi mạnh trên cơ sở mở rộng về quy mô và tăng mật độ xây dựng. Điều này dẫn đến cảnh quan tự nhiên bị thu hẹp và mối tương quan giữa kiến trúc và không gian bị phá vỡ.

        Chuyển đổi một phần là các làng ở các khu vực phát triển kinh tế – vùng kinh tế mới, gần đô thị – các thị trấn, thành phố (ở các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu). Cảnh quan thiên nhiên bị biến đổi ít nhiều do các hoạt động khai thác kinh tế, phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ. du lịch, xây dựng thủy điện. Vẫn giữ được bố cục mặt bằng tổng thể truyền thống, một số kiến trúc truyền thống (nhà cộng đồng – đình/ đền/ chùa/ miếu/ lăng của người Việt…). Các phong tục tập quán, lễ hội văn hóa, nghề truyền thống cũng bị mai một dần theo thời gian.

        Làng còn nguyên trạng Là làng lưu giữ được nhiều giá trị không gian kiến trúc truyền thống nhất thường gồm các làng ở vùng sâu, vùng xa – khu vực kinh tế kém phát triển (khu vực Tây Ninh, Bình Phước). Cảnh quan thiên nhiên dường như còn nguyên vẹn. Đến nay các làng vẫn giữ được cấu trúc tổng thể làng truyền thống. Phần lớn kiến trúc nhà cửa truyền thống cũng vẫn được bảo tồn. Các phong tục tập quán, lễ hội văn hóa, nghề truyền thống vẫn được duy trì, thu hút sự khám phá của khách du lịch.

  1. Định hướng tổ chức không gian kiến trúc đối với từng thể loại làng cổ được đánh giá và phân loại

Dựa trên các lý luận về chuyển đổi không gian và dựa trên phân tích 6 chức năng của không gian nông thôn: định cư, sản xuất, dịch vụ, sinh thái, giải trí, hoạt động cộng đồng, luận án đưa ra giải pháp tổ chức không gian của 3 không gian chức năng làng bao gồm: (1) Không gian cư trú (2) Không gian kinh tế (3) Không gian sinh thái – nghỉ dưỡng – sinh hoạt cộng đồng. Các không gian này không hoàn toàn bao chứa các hạng mục quỹ đất như ở các quy định hiện hành của VN về quy hoạch, nhưng việc phân tách như trên sẽ hiệu quả hơn trong việc tổ chức không gian – vừa bảo vệ được di sản vật thể và di sản phi vật thể của làng cổ, vừa thuận lợi cho việc phát triển và điều tiết trong tương lai. Riêng các hoạt động thương mại – dịch vụ sẽ được tích hợp và phân bố theo bán kính phục vụ và các điểm thuận lợi giao thông liên vùng ./.

Đường Link tham khảo tại đây: https://vienkientrucquocgia.gov.vn/

1. Quyết định thành lập Hội đồng;

2. Luận án Tiến sĩ;

3. Tóm tắt Luận án (Tiếng Việt);

4. Tóm tắt Luận án (Tiếng Anh);

5. Tóm tắt đóng góp mới của Luận án (Tiếng Anh).

 

 

bình luận