Tạo lập diện mạo kiến trúc cảnh quan cho khu vực trung tâm thành phố Hà Giang(20/12/2022)

Các đô thị ven sông của tất cả các quốc gia trên thế giới từ lâu đã trở thành tâm điểm sống và phát triển của cả khu vực, nhờ sự ưu đãi từ môi trường tự nhiên và sự quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, để hình thành nên những đô thị hiện đại sầm uất… Những kinh nghiệm trong quá trình quy hoạch và triển khai quy hoạch, dự án của những đô thị ven sông trên thế giới là những bài học tốt cho quá trình quy hoạch và triển khai chỉnh trang kiến trúc cảnh quan sông Lô – TP Hà Giang cũng như với nhiều đô thị trên phạm vi cả nước trong thời gian tới.

Thành phố Hà Giang là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa… của tỉnh Hà Giang; nằm ở vị trí trung tâm của tỉnh, cách cửa khẩu Thanh Thủy trên biên giới Việt Nam – Trung Quốc 23km và cách Hà Nội 318km; có vị trí địa lý: Phía Đông giáp huyện Bắc Mê và các phía còn lại giáp huyện Vị Xuyên; diện tích 133,46km². Thành phố có 22 dân tộc khác nhau cùng sinh sống, trong đó người Kinh chiếm 55,7% và người Tày chiếm 22%.

TP Hà Giang có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện địa hình và kết cấu hạ tầng so với các địa phương khác trong Tỉnh. Tuy nhiên, kinh tế của thành phố tăng trưởng thiếu ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng, vai trò của một trung tâm tỉnh lỵ. Nguyên nhân được xác định là từ công tác quy hoạch, quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị còn hạn chế; quy hoạch xây dựng đô thị chưa tạo được động lực và tầm nhìn phát triển; các dự án đầu tư còn manh mún.

Trong những năm qua, diện mạo đô thị của TP Hà Giang ngày một khang trang, sạch đẹp hơn, nhằm phấn đấu đến năm 2025 TP đạt tiêu chí đô thị loại II. Để đạt mục tiêu trên, TP đang triển khai đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị để đáp ứng các tiêu chí về chuẩn đô thị loại II và nhu cầu hoạt động của người dân. TP đang tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm như: Trung tâm Hành chính – Chính trị mới; Khu Liên hợp Thể thao và Sân Vận động cấp Tỉnh; các trung tâm thương mại – dịch vụ, nhà hàng – khách sạn cao cấp trong khu vực đô thị cũ; điểm du lịch tâm linh núi Cấm; điểm du lịch sinh thái Chum Vàng – Chum Bạc…; Các khu đô thị mới, như: Hà Phương, Phú Hưng, Ngọc Hà, Bắc Sông Miện, Phương Thiện, Khu dân cư Tổ 2 phường Quang Trung…

Cùng với phát triển hạ tầng đô thị, TP cũng đặc biệt quan tâm quy hoạch phát triển hệ thống công viên cây xanh và mong muốn tạo ra nét đặc trưng của đô thị miền núi, như: ưu tiên cải tạo hành lang xanh ven sông Lô, sông Miện; sử dụng quỹ đất ven sông chưa xây dựng và quỹ đất sau khi di dời các công trình hành chính để tái thiết đô thị theo hướng xây dựng các tổ hợp công trình thương mại – dịch vụ hiện đại, không gian cây xanh vườn hoa, bãi đỗ xe, phát triển các tuyến phố đi bộ tại khu vực Quảng trường 26/3 và dọc theo 02 bên bờ sông Lô, gắn với khuyến khích các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, dịch vụ công cộng để phát triển du lịch và nâng cao bản sắc đặc trưng đô thị.

Có thể nói, TP Hà Giang luôn nhận được sự quan tâm đầu tư đặc biệt của các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, để sự quan tâm trong những năm tới có trọng điểm, TP cần thực hiện một trong những nhiệm vụ đột phá về tạo lập diện mạo kiến trúc cảnh quan cho TP trong thời kỳ này, là quan tâm tới việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị toàn bộ khu vực đô thị trung tâm TP thuộc tuyến đường Nguyễn Trãi – Nguyễn Văn Linh và dòng sông Lô; bởi đây là khu vực đô thị lịch sử lâu đời nhất TP, là trung tâm của vùng trung tâm của TP Hà Giang.

Khung cảnh thành phố Hà Giang nhìn từ trên cao

Kiến trúc đô thị hai bên đường trong TP Hà Giang

Tuyến đường được gọi là “Trục xuyên tâm” của khu vực trung tâm TP Hà Giang trên thực tế hiện nay chính là con đường mang tên Nguyễn Trãi và nó chạy dài từ ngã ba của điểm đấu nối Quốc lộ 2 với đường Hoàng Hữu Chuyên (thuộc xã Phương Độ) và đường Nguyễn Trãi; tiếp nối với đường Nguyễn Văn Linh và kết thúc tại ngã ba sông Lô kết nối với Quốc lộ 4C. Song song với trục đường Nguyễn Trãi về phía Đông là dòng sông Lô (với mặt cắt dòng chảy trung bình khoảng 40m). Hiện nay, phần lớn trên tuyến đường chạy theo hướng Bắc – Nam này, có 03 lớp công trình là: lớp nhà ở, khách sạn, trụ sở UBND tỉnh, trụ sở Tỉnh ủy và quảng trường thành phố nằm ở phía Tây; lớp nhà dân, công sở, chợ dân sinh và một vài khách sạn, văn phòng lớn nằm ở phía Đông trục đường (và tiếp giáp với bờ Tây của sông Lô); lớp nhà ở nằm tiếp giáp với bờ Đông của sông Lô.

Kiến trúc cảnh quan đô thị và dòng sông Lô chưa tạo ra điểm nhấn cho TP Hà Giang

Bờ kè và các lớp nền sông Lô đang thiếu giải pháp để phát triển cảnh qua

Nhìn chung, kiến trúc – cảnh quan khu vực này vẫn cần có những nghiên cứu khoa học và phù hợp với thực tế; có những giải pháp thực thi quyết liệt, đồng bộ để giải quyết trong thời gian tới, như:

Các công trình nhà ở cơ bản theo kiểu kiến trúc nhà “Ống” thấp tầng (01-03 tầng) với đủ loại chiều cao công trình, chiều cao tầng và cốt nền tầng 1, vật liệu thô sơ, chưa đáp ứng về mỹ quan đô thị;

Các công trình công sở cơ bản là các công trình cũ hoặc mới được cải tạo (khoảng 02-04 tầng) có kiến trúc chưa đồng bộ, hình thái kiến trúc không mạch lạc và không phù hợp với mô hình kiến trúc công sở hiện đại;

Vài khách sạn lớn mới xây dựng hiện đại và cao tầng, còn lại là các khách sạn tư nhân xây lên từ mảnh đất nhà “Ống” của mình nhưng cũng xây nhiều tầng (05- 09 tầng) nên đã tạo ra những hình ảnh kiến trúc đô thị chưa đẹp;

Cảnh quan cây xanh và mặt nước chưa được chú trọng, chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ, cộng hưởng giá trị nên không gian đô thị bị chia cắt, thiếu kết nối và đặc biệt là khu vực trung tâm nhưng không tạo ra được sự khác biệt, điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan của khu vực.

Dòng sông Lô chưa thực sự trở thành không gian điều tiết môi trường sống, tạo lập cảnh quan thiên nhiên, tham gia trực tiếp vào các hoạt động văn hóa, du lịch… và chưa khẳng định được giá trị của dòng sông trong lòng đô thị khi bản thân dòng sông luôn thiếu nước, các bờ kè hai bên thiếu mỹ quan, khai thác và cảnh quan cho các lớp nền sông và hai bên bờ chưa được quan tâm đúng mức.

Với những vấn đề còn tồn tại đó, tìm giải pháp nào để việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị toàn bộ khu vực đô thị trung tâm thành phố thuộc tuyến đường Nguyễn Trãi – Nguyễn Văn Linh và dòng sông Lô trong thời gian tới nhằm đạt hiệu quả cao, đáp ứng được kỳ vọng của chính quyền và nhân dân Hà Giang về một TP Hà Giang văn minh – hiện đại – đáng sống.

CẦN KHẲNG ĐỊNH GIÁ TRỊ CỦA ĐÔ THỊ VEN SÔNG LUÔN LÀ BIỂU TƯỢNG CỦA SỰ THỊNH VƯỢNG, TRƯỜNG TỒN

Nói đến những đô thị ven sông của các quốc gia trên thế giới đã tạo được danh tiếng và đẳng cấp, không thể không nhắc đến:

Dubai Marina

Hình thành từ năm 2003 dọc theo một kênh đào nhân tạo, Dubai Marina được cả thế giới biết đến và trở thành biểu tượng cho sự thịnh vượng của khu vực UAE với những tiện ích nổi bật, như: bến du thuyền, phố đi bộ, những công trình kiến trúc xa hoa lộng lẫy bậc nhất. Những điểm nhấn đặc biệt này giúp Dubai Marina trở thành trung tâm thu hút đầu tư, định cư và du lịch cho thủ đô đất nước và cả khu vực Trung Đông.

Dubai Marina – biểu tượng cho sự thịnh vượng của khu vực UAE

Singapore

Tại khu vực Đông Nam Á, Marina Bay Sands của Singapore trở thành một trong những biểu tượng cho sự phát triển của quốc gia và thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm. Tận dụng lợi thế toạ lạc bên bờ vịnh Marina, Marina Bay Sands đã ghi dấu bởi các tiện ích đẳng cấp bậc nhất thế giới, gồm: khu khách sạn, trung tâm mua sắm, trung tâm hội thảo, triển lãm, bảo tàng nghệ thuật…

Marina Bay Sands thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm

Seoul (Hàn Quốc)

Năm 2006 chính quyền Seoul đã chính thức khánh thành dự án Quy hoạch chỉnh trang phục hồi dòng sông Cheonggyecheon. Sau hơn 10 năm được phục hồi và chỉnh trang, dự án không chỉ có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của bộ mặt kiến trúc cảnh quan đô thị mà còn mang đến nhiều cơ hội phục hồi và tái thiết khu vực trung tâm cũ đã bị xuống cấp trong quá khứ, mang đến chất lượng tiện nghi sống, sự thịnh vượng mới cho người dân.

Cảnh quan khu vực trung tâm sau khi cải tạo hiện nay – sông Cheonggyecheon, Hàn Quốc

NHỮNG GIÁ TRỊ CỤ THỂ CỦA ĐÔ THỊ VEN SÔNG SAU KHI TÁI THIẾT ĐÃ MANG LẠI

Những kinh nghiệm trong quá trình quy hoạch và triển khai quy hoạch, dự án của những đô thị ven sông của các quốc gia trên thế giới là những bài học tốt cho quá trình quy hoạch và triển khai chỉnh trang kiến trúc cảnh quan sông Lô – TP Hà Giang cũng như với nhiều đô thị trên phạm vi cả nước trong thời gian tới.

Những giá trị cụ thể của đô thị ven sông sau khi tái thiết từ những kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới đã mang lại bao gồm:

Việc quy hoạch tái thiết không chỉ riêng dòng sông mà bao gồm cả không gian hành lang kiến trúc cảnh quan 02 bên bờ sông, đã làm thay đổi mô hình phát triển đô thị, tạo điều kiện tiền đề cho sự phát triển bền vững của đô thị;

Tạo động lực thúc đẩy quá trình cải tạo và kết nối đô thị. Các dự án quy hoạch tái thiết các dòng sông trong đô thị đã trở thành động lực tác động đặc biệt mạnh mẽ và lâu dài về cải tạo đô thị đối với khu vực xung quanh. Những giải pháp cụ thể được dựa trên việc sử dụng đất và cấu trúc đô thị trước đó; những thay đổi không chỉ cho các tòa nhà, mà còn là sự kết hợp các lô đất và tái tổ chức hệ thống đường dành cho người đi bộ. Các chức năng không được khuyến khích tồn tại trong đô thị được di dời, để nhường chỗ cho việc tổ chức các không gian dịch vụ, sinh hoạt cộng đồng, công viên cây xanh;

Giúp gia tăng không gian công viên cây xanh và môi trường sinh thái bền vững cho đô thị. Sự trở lại của dòng sông như sông Cheonggyecheon, Hàn Quốc đã mang lại nơi để mọi người tận hưởng thiên nhiên ở giữa trung tâm thành phố; môi trường sinh thái được cải thiện; là khu bảo tồn thiên nhiên sống trong lòng đô thị;

Trở thành biểu tượng và điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan của đô thị hiện đại. Trên cơ sở quy hoạch và điều chỉnh sử dụng hợp lý quỹ đất khu trung tâm, các dự án tái thiết đô thị ven sông tạo cơ hội để TP vươn mình phát triển với một khu trung tâm phát triển hiện đại;

Bảo tồn và phát huy giá trị của các không gian chợ truyền thống, các công trình di tích văn hóa lịch sử, các địa danh nổi tiếng…

BÀI HỌC KINH NGHIỆM VỚI TP HÀ GIANG VÀ VIỆT NAM NÓI CHUNG

Từ kết quả của dự án quy hoạch tái thiết không gian kiến trúc cảnh quan các đô thị ven sông của các quốc gia trên thế giới, với trường hợp sông Lô – TP Hà Giang nói riêng và hệ thống các kênh rạch, sông hồ trong các đô thị Việt Nam nói chung, công tác quy hoạch chỉnh trang cần đạt được một số tiêu chí:

Xác định rõ chức năng của mặt nước đối với đô thị

Phải lựa chọn hoặc sử dụng không gian ven sông như một đường giao thông kết nối, hoặc giữ gìn được cảnh quan đặc trưng vốn có. Những giá trị của sông Lô – TP Hà Giang là: cảnh quan tự nhiên; cung cấp không khí trong lành; tạo không gian nghỉ ngơi thư giãn, thể thao và các tiện ích phục vụ sức khỏe cộng đồng; tạo không gian giải trí, tổ chức hoạt động lễ hội, các sự kiện văn hóa xã hội; thúc đẩy tiềm năng khai thác du lịch, phát triển kinh tế đô thị… Và đặc biệt, chính không gian cảnh quan, mặt nước của dòng sông này là cơ hội để đô thị TP Hà Giang phát triển có bản sắc.

Quy hoạch có tham khảo ý kiến cộng đồng

Vấn đề tham khảo ý kiến cộng đồng gần đây đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong các đồ án quy hoạch; hạn chế cách triển khai mang tính thủ tục và kiểm soát đánh giá được mức độ ảnh hưởng cũng như hiệu quả phục vụ công tác quy hoạch và quản lý đô thị.

Bảo tồn được quỹ đất dự trữ, quản lý và bố trí trang thiết bị đáp ứng được nhu cầu cộng đồng

Việc đầu tư cho không gian mặt nước sẽ là giải pháp hợp lý hữu hiệu để giải quyết vấn đề thiếu không gian trống đô thị. Không gian mặt nước phải đủ thoáng để tổ chức được các hoạt động văn hóa giải trí nghỉ ngơi, bố trí các trang thiết bị đáp ứng nhu cầu cộng đồng. Điều này hầu như chưa được lưu tâm đúng mức trong quy hoạch dải xanh ven sông Lô – TP Hà Giang. Rất cần những định hướng quy hoạch, tổ chức nhiều loại thiết bị đô thị tiện ích phục vụ các nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi, thể dục thể thao… cho người dân.

Tổ chức không gian mặt nước dễ dàng tiếp cận và kết nối với các khu lân cận

Không gian mặt nước phải đảm bảo khả năng tiếp cận dễ dàng cho mọi người, không bị chi phối bởi khoảng cách tới nơi ở, điều kiện sức khỏe hay mức độ thu nhập. Không gian mặt nước phải tiếp cận được từ nhiều hướng với nhiều hình thức và phương tiện giao thông đi bộ, xe hai bánh, ô tô, buýt, du thuyền…, có tầm nhìn đẹp và thoáng, dễ dàng nhận biết và định hướng.

Phải đáp ứng và tiến tới thỏa mãn nhu cầu sử dụng

Sự liên hệ giữa dòng sông với đô thị là một phần của văn minh đô thị và là thước đo trình độ phát triển của đô thị. Đô thị càng phát triển, nhu cầu hưởng dụng càng đa dạng và phức tạp. Yếu tố này khiến dòng sông trở nên hấp dẫn người dân đến sử dụng, góp phần tạo nên hồn đô thị. Ngoài các nhu cầu nghỉ ngơi giải trí thông thường, có thể chia các hoạt động và sự kiện trên sông và ven sông thành 04 nhóm bao gồm: Các hoạt động giải trí; Các hoạt động phục vụ khách du lịch và cư dân, như du thuyền dọc sông, ngắm cảnh tham quan…; Các hoạt động tiếp xúc với mặt nước; Các hoạt động thương mại và phi thương mại.

Đảm bảo vệ sinh môi trường cho mặt nước, cải tạo các tuyến sông và xử lý rác thải ra sông

Cải tạo hệ thống giao thông cơ giới bờ sông, thiết kế hệ thống đường bộ hành và xe đạp kết hợp một cách thông suốt với các dịch vụ và phương tiện công cộng. Các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, taxi du thuyền cần được phát triển dọc theo bờ sông, từng bước thay thế dần các phương tiện giao thông cá nhân như xe máy, xe hơi. Các trạm dừng xe bus cần kết hợp với bến du thuyền cùng với các điểm tập kết người đi bộ. Các trạm dừng được đặt ở những khoảng cách hợp lý để người đi bộ có thể dễ dàng tiếp cận, áp dụng theo nguyên lý 500-800m có một trạm xe bus, bằng khoảng 5-10 phút đi bộ.

Tiếp cận mô hình tích hợp về Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan ven sông

Quá trình đô thị hóa đã kéo theo nhiều lĩnh vực kinh tế, xây dựng và kiến trúc cảnh quan phát triển. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa quá nhanh dẫn đến sự phát triển thiếu bền vững, trong đó có lĩnh vực tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan ven sông. Những vấn đề đặc biệt phải quan tâm và giải quyết là: Tầm nhìn quy hoạch tổng thể, hệ thống cho một dự báo phát triển toàn diện trong tương lai; Việc giữ gìn những giá trị sinh thái, giá trị văn hóa lịch sử, giá trị xã hội; Kết nối được giữa phát triển kiến trúc cảnh quan với phát triển kinh tế – xã hội.

MỘT SỐ YÊU CẦU VÀ GIẢI PHÁP ĐỂ CẢI TẠO, CHỈNH TRANG, TÁI THIẾT ĐÔ THỊ KHU VỰC ĐẤT TRUNG TÂM TP HÀ GIANG VEN SÔNG LÔ

Từ thời xưa, vùng đất ven sông luôn là địa điểm lý tưởng để các nhà quy hoạch lựa chọn xây dựng đô thị, do lợi thế về nguồn nước, giao thông và vị trí phòng thủ. Cho đến ngày nay, lợi thế về vị trí bên sông vẫn là nguồn lực tiềm năng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị và siêu đô thị thời hiện đại.

Có thể nói, khu vực đất ven sông là khu vực rất có giá trị về mặt kinh tế – xã hội, là địa điểm thuận lợi để phát triển các chức năng nhà ở, giải trí, nghỉ dưỡng, cảnh quan đối với đô thị. Vùng đất ven sông đô thị luôn là địa điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, nhà ở, thương mại – dịch vụ, văn hóa – giải trí, nghỉ dưỡng, kho bãi,… Hiện nay, rất nhiều đô thị lớn trên thế giới đang và vẫn coi các vùng đất ven sông là một tiềm năng dự phòng phát triển của đô thị.

Đối với Hà Giang, việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị toàn bộ khu vực đô thị trung tâm thành phố thuộc tuyến đường Nguyễn Trãi – Nguyễn Văn Linh và dòng sông Lô cần được coi là nhiệm vụ đột phá về tạo lập diện mạo kiến trúc – cảnh quan trong thời kỳ này.

Khu vực hiện trạng với 03 lớp công trình kiến trúc, một bên là Tuyến đường xuyên tâm của khu vực trung tâm TP Hà Giang (đường Nguyễn Trãi – Nguyễn Văn Linh) và một bên – song song với trục đường Nguyễn Trãi về phía Đông là dòng sông Lô. Việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị toàn bộ khu vực này sẽ mang lại một diện mạo kiến trúc cảnh quan mới, tăng cường các chức năng đô thị, cải tạo môi trường sinh thái…

Cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị toàn bộ khu vực đô thị trung tâm TP Hà Giang ngoài việc cần tuân thủ các bài học kinh nghiệm như trên, thì cần tuân thủ một số yêu cầu và giải pháp sau:

Thứ nhất, bảo tồn và phát huy giá trị nổi trội của cảnh quan thiên nhiên, các di tích lịch sử văn hóa, các công trình kiến trúc có giá trị….;

Thứ hai, khu trú các khu dân cư hiện hữu, không mở rộng thêm và tạo sự thống nhất về ngôn ngữ kiến trúc, độ cao, hình thức, màu sắc & chỉ giới xây dựng công trình;

Thứ ba, di dời các trụ sở cơ quan cũ để dành quỹ đất phát triển công trình kiến trúc cao tầng hiện đại, phục vụ thương mại – dịch vụ và công cộng. Quản lý theo mật độ xây dựng, các công trình sẽ có một số quỹ đất để phát triển cây xanh, mặt nước và tạo sự thông thoáng, gắn kết không gian cảnh quan của tuyến đường giao thông bộ với tuyến đường thủy trên sông Lô;

Thứ tư, cải tạo tuyến kè hai bên bờ sông Lô hiện trạng, theo hướng giảm thiểu sự khô cứng từ bê tông và bổ sung cây xanh, thảm cỏ dọc tuyến kè sông được cải tạo;

Thứ năm, bổ sung một số nhánh sông nhỏ chạy len lỏi vào hai bên bờ sông để giảm tốc độ dòng chảy và bổ sung diện tích mặt nước đô thị; nạo vét lòng sông và giữ gìn cao độ mực nước sông Lô ổn định quanh năm để phục vụ cải tạo môi trường khí hậu và phát triển du lịch sông nước; khai thác sử dụng chức năng phức hợp với một số khu vực nền đất cao trong lòng sông; mở một số bến thuyền để phục vụ đi đến các điểm tham quan di tích lịch sử, cảnh quan danh thắng… của TP;

Thứ sáu, tăng cường các mảng xanh, các không gian công cộng phục vụ các hoạt động ngoài trời và tăng cường trang thiết bị, tiện ích đô thị;

Thứ bảy, quan tâm việc cải tạo, chỉnh trang các cây cầu, các vật thể kiến trúc trong khu vực theo hướng: mỹ quan, công năng và bền vững./.

KTS Đỗ Thanh Tùng – Nguyên Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia

bình luận