Làng quê đang méo mó: [Bài V] Kiến trúc nông thôn thiếu sự kiểm soát(20/11/2019)
Kiến trúc sư Đỗ Thanh Tùng – Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia cho biết, làng quê Việt Nam vốn có bản sắc là những nếp nhà mái tranh, vách đất trước đây đến nhà mái ngói, vì kèo gỗ, tường gạch thấp thoáng sau lũy tre, quần tụ bên sân đình hay chùa sau này.
Đặc trưng của kiến trúc nông thôn là quy mô công trình xây dựng không lớn so với diện tích khu đất, luôn có hệ mái dốc, thấp tầng để hài hòa và ẩn mình vào cảnh quan thiên nhiên. Nhà ở thường có bề ngoài và nội thất không cầu kỳ.
Mỗi vùng miền lại có nét kiến trúc, cảnh quan riêng. Bắc Bộ hình thành những điểm dân cư nông thôn quây quanh ngôi đình, chùa, ao, hồ nước. Miền Trung hình thành những điểm dân cư lấy mặt nước, cây xanh làm chủ đạo. Còn Nam Bộ phát triển theo các triền sông, gắn với phương thức sống kênh rạch.
Thiếu kiểm soát xây dựng
Lý do gì khiến cho hình ảnh nông thôn của ta ngày càng xuống cấp, mất dần bản sắc thưa ông?
Thứ nhất, nông thôn xưa là cấu trúc của không gian đóng, làng chỉ có một lối đi vào, hoạt động theo kiểu một xã hội thu nhỏ, tự cung tự cấp. Sau này khi phát triển kinh tế thị trường các hộ dân cũng như các làng đều có sự thông thương với bên ngoài nhất là với các làng nghề, làng buôn.
Sự thông thương đòi hỏi sẽ phải có những con đường to hơn, ngắn hơn, thuận tiện hơn, kết nối trực tiếp với mạng lưới giao thông bên ngoài để cho hàng hóa lưu chuyển thuận tiện. Từ đó ảnh hưởng đến cấu trúc truyền thống của làng.
Thứ hai là quỹ đất nông thôn ngày một hạn chế. Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam đang rất cao và sẽ còn cao hơn nữa. Đương nhiên quỹ đất dành cho đô thị sẽ từ các vùng nông thôn khiến cho quỹ đất ở nông thôn ngày một ít đi. Song song với đó, con người ngày càng đông hơn, tiện nghi và điều kiện sống hiện đại khiến nhu cầu về đất xây dựng nhà ở và các công trình công cộng phục vụ nông thôn cũng rất lớn.
Vì vậy, nông thôn ngày càng chật chội, cảnh quan môi trường dần dần bị thay thế bởi các công trình kiến trúc công cộng, nhà cửa dân cư. Từ quỹ đất hạn chế nên trong 20 năm qua nông thôn đã du nhập loại nhà ống theo kiểu đô thị thường có chiều cao khoảng 3-5 tầng…
Không có một cấu trúc nông thôn nào có thể trường tồn từ thế kỷ này sang thế kỷ khác nhưng vận động và phát triển theo hướng nào mà vẫn gìn giữ được tinh thần và tinh hoa của truyền thống, để nhận diện ra được bản sắc của nông thôn Việt Nam là vấn đề cần phải xem xét.
Quan điểm cá nhân tôi, với nông thôn hiện đại thì việc ứng xử với kiến trúc cảnh quan cần có can thiệp phù hợp với từng khu vực theo quy hoạch xây dựng và đặc trưng chính của nó. Từ đó cần có nghiên cứu, hướng dẫn, can thiệp về quy hoạch, tạo lập diện mạo kiến trúc cảnh quan hợp lý.
Ví dụ với thị trấn, thị tứ có thể đề xuất các dạng nhà phố bởi vì ở đó buôn bán là chính. Với vùng nông thôn kết hợp sản xuất gia đình thì nên giữ và phát huy được hình ảnh cơ bản kiểu nhà truyền thống trên cơ sở kết cấu vật liệu mới, đáp ứng được công năng, nhu cầu của cuộc sống hiện đại.
Với vùng thuần nông nên giữ được tỷ lệ không gian đất sân vườn lớn hơn đất xây nhà, xây theo kiểu nhà truyền thống trên cơ sở sử dụng cấu trúc truyền thống và vật liệu truyền thống hoặc vật liệu mới, cũng cần đáp ứng được công năng, nhu cầu của cuộc sống hiện đại.
Làm thế nào chúng ta có thể giữ được bản sắc nông thôn?
Hiện nay đối với nhà ở nông thôn việc quản lý xây dựng chưa có. Về quy hoạch xây dựng, chúng ta đã thực hiện nhưng hiệu quả thấp bởi làm khá hình thức khi thiếu khảo sát, điều tra nên một mô thức chung được sử dụng cho nhiều điểm dân cư và nhiều vùng nông thôn; quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông thôn rất hạn chế.
Việt Nam có hơn 50 dân tộc, điều kiện địa hình, địa lý cũng có đầy đủ từ miền biển, đồng bằng đến trung du, miền núi, khí hậu, văn hóa, tập quán cũng khác nhau.
Chúng ta làm quy hoạch nhưng điều tra khảo sát lại thu thập cơ sở khoa học theo kiểu lấy số liệu như thống kê có bao nhiêu ngôi nhà, phân theo cấp xây dựng như thế nào… mà thiếu hẳn những thống kê, đánh giá tỉ mỉ tập quán sống, vận dụng tự nhiên như thế nào, đối với tổng thể (từ hướng gió, hướng nhìn, cách sắp đặt không gian), quy mô và hình thức kiến trúc các công trình ra sao?
Gần như tất cả những dữ liệu cần thiết đó bị bỏ trống nên việc kiến trúc cảnh quan đặc trưng các vùng nông thôn ngày càng mất dần bản sắc. Muốn khắc phục, đầu tiên phải tăng cường công tác nghiên cứu kiến trúc, văn hóa và tập quán các vùng miền để khi đưa ra những mô hình quy hoạch kiến trúc có sự kế thừa các yếu tố truyền thống. Cần lưu ý nhà ở nông thôn bây giờ với cuộc sống hiện đại không thể là những nhà 3-5-7 gian, giữa là bàn thờ, hai bên là chỗ tiếp khách và 2 đầu hồi là buồng ngủ.
Nhà ở Việt Nam ngày xưa nhỏ, thấp và mỏng, xây dựng theo phương thức có tiền đến đâu làm đến đó cho nên mới đẻ ra nhà chính, nhà ngang và nhà ở chỉ có một lớp gian.
Những đặc tính đó chưa thật phù hợp với điều kiện môi trường nhất là Bắc Bộ và Trung Bộ bởi trong nhà mùa hè sẽ nóng hơn và mùa đông sẽ lạnh hơn so với công trình có chiều dày và chiều cao lớn và hơn nữa nó không tiết kiệm đất.
Thứ hai, phải kiểm soát chặt chẽ nhưng không có nghĩa là gây phiền phức cho người dân. Về nguyên tắc khi một công trình được xây dựng lên, tồn tại một cách kiên cố thì đều tác động đến môi trường, cảnh quan khu vực kể cả ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống của người dân. Bởi thế, bắt buộc phải kiểm soát, không thể đơn giản hóa đến mức là dân muốn xây cứ để họ tự xây.
Thứ ba, muốn có mẫu nhà ở trở thành sự thật cho người nông thôn cảm thụ và mong muốn thì phải có những dự án xây dựng nhà ở nông thôn. Nhìn chung, đối với nông dân Việt Nam, khi đưa cho họ bản vẽ kiến trúc một ngôi nhà sẽ không có những cảm nhận tốt bằng bản vẽ ngôi nhà đó đã được xây dựng thành những mẫu nhà ở thật sự.
Chúng ta cũng đã có những nghiên cứu về mô hình tổng thể, thiết kế mẫu các thể loại công trình kiến trúc nông thôn nhưng nghiên cứu xong thì việc áp dụng vào thực tế lại gặp vấn đề bởi ai là người thực hiện và thực hiện như thế nào?
Nông thôn mới đã và đang làm được nhiều dự án đầu tư về điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa… nhưng với nhà ở thì vẫn thiếu những dự án đầu tư xây dựng mô hình mẫu. Phải tạo ra ít nhất là một khu dân cư không cần lớn nhưng cũng vài chục nếp nhà trở lên để người dân nhìn vào mà làm theo. Để có tiền làm việc đó, đang có nguồn lực rất đáng quan tâm là những dự án tái định cư phục vụ các công trình giao thông, thủy điện…
Tiếc rằng, hiện nay gần như chúng ta giao phó việc đó cho các chủ đầu tư theo phương thức BT hay BOT. Trong văn bản của Nhà nước nói rõ nhà mới chất lượng bằng hoặc tốt hơn nhà cũ nhưng khi xây dựng xong nhà mới cơ bản lại không bằng nhà cũ, người dân không đến ở bởi nó xa lạ và nguy hiểm với họ từ kiểu dáng tới chất lượng.
Chúng ta đang hướng tới một nông thôn mới với mọi thứ phải hoàn hảo, tốt hơn thì những điều kiện để xây dựng mẫu nhà ở nông thôn đó là tốt nhất, tạo cơ hội phát triển một cách bài bản. Tóm lại, nông thôn đang thiếu sự kiểm soát về xây dựng. Muốn kiểm soát được phải có công cụ là quy hoạch và các đề tài, dự án nghiên cứu về kiến trúc vùng miền để xây dựng ra các quy chế quản lý. Mặt khác, các sản phẩm nghiên cứu khoa học để vận dụng các công nghệ mới, công năng mới vào thực tế nhà ở nông thôn thì phải thông qua các dự án đầu tư xây dựng nhà ở nông thôn mới.
Luật pháp đẻ ra văn hóa
Cái gì đang bó buộc chuyện này thưa ông?
Công nghệ mới, vật liệu mới cho việc xây dựng nhà ở nông thôn ở Việt Nam khó phát triển bởi không có thị trường và không có các dự án lớn để ứng dụng. Một công nghệ mới để trở thành rẻ và phổ biến thì đầu tiên phải có thị trường. Sau quá trình vận hành mà khấu hao được hết công nghệ đó thì thành một thứ phổ thông. Nhiều vật liệu mới như cột giả gỗ, giả nhà sàn, giả vách… đều nghiên cứu được hết nhưng khi đưa ra thì lại khó.
Năm 2017 tôi dự hội thảo của Hội Kiến trúc sư về kết quả nhà ở vượt lũ miền Tây Nam Bộ có doanh nghiệp báo cáo họ đã nghiên cứu và đưa ra thị trường vật liệu mới để xây dựng những ngôi nhà có bản sắc, nhưng đã không bán được bởi giá rất cao. Hiển nhiên giá cao bởi không có thị trường.
Ông đánh giá thế nào về vấn đề ô nhiễm môi trường sống ở nông thôn hiện nay?
Xưa ao hồ sạch, trẻ con ra tắm, giờ chẳng ai dám vì chúng vẫn bị các hộ dân xả thải trực tiếp và sử dụng để chăn thả vật nuôi, may ra chỉ còn một vài con sông vì dòng nước có sự chuyển động thường xuyên nên chưa bị quá bẩn. Rồi thì đi đâu cũng thấy rác, đi đâu cũng thấy bẩn. Một nông thôn mới mà làm tốt hai thứ trên thì người dân đã có môi trường sống trong lành rồi. Còn để chất lượng kiến trúc cảnh quan cao hơn thì phải nghiên cứu kỹ để có thể xây dựng những điểm nhấn cho từng vùng.
Điểm nhấn của nông thôn khác với đô thị, đó không phải là nhà cao tầng, siêu thị hoành tráng mà có thể là những cảnh quan rất truyền thống. Một điểm dân cư có vài điểm nhấn đặc biệt, có sự kế thừa từ khung cảnh đặc trưng của làng quê truyền thống xưa đã thấy đẹp nên thơ vô cùng. Bên cạnh đó những khu vực khác phát triển xây dựng có kiểm soát, có quy hoạch.
Câu chuyện nông thôn mới phải liên tục
Trong 19 tiêu chí của nông thôn mới chưa đi cụ thể vào tiêu chuẩn một ngôi nhà như thế nào. Chúng ta đã bỏ qua nhiều cơ hội xây dựng nhà ở nông thôn nhưng không phải đã hết. Ở nông thôn cơ hội không có nhiều như đô thị nên phải biết tận dụng tối đa. Câu chuyện nông thôn mới là phải liên tục, phải có cái nhìn căn cơ để phân việc cho từng giai đoạn. Chúng ta đã giải quyết những thứ cơ bản rồi thì nay phải đi vào chất lượng trong đó không thể coi nhẹ được vấn đề cảnh quan, kiến trúc, môi trường sống.
Các nước quản lý nông thôn như thế nào, đâu là hình mẫu thưa ông?
Tôi đi tham quan học tập kinh nghiệm quản lý nông thôn của Trung Quốc, Nhật, Châu Âu… Theo tôi văn hóa không thể đẻ ra luật pháp được mà luật pháp đẻ ra văn hóa. Đầu tiên luật pháp phải nghiêm, lâu dần sẽ thành văn hóa. Ví dụ một người sang đường không đúng ngã ba, ngã tư, vừa đi vừa gọi điện thoại… tác động bằng văn hóa không biết bao giờ mới làm được mà phải cấm, phải phạt nặng thì sẽ thành ý thức. Từ ý thức lâu ngày sẽ thành văn hóa.
Kinh nghiệm các nước khá giống nhau, quản lý chặt kiến trúc ở nông thôn nhưng lại không quá phức tạp, phiền nhiễu. Không ai dám tự dưng xây dựng nhà ở, vì như thế chính quyền sẽ đến kèm theo một “trát” phạt luôn và có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Bắt buộc muốn xây dựng phải đăng ký và có người của chính quyền xuống hướng dẫn tận nơi, nhà phải làm thế này, thế kia, đồng ý thì ký vào cam kết. Ai mà làm sai, vừa bị phạt vừa cho dừng thi công xây dựng.
Công tác quản lý kiến trúc của chúng ta ở địa phương còn hạn chế, cán bộ hiểu biết về ngành xây dựng, kiến trúc rất ít. Giờ có cái hay là có “công nghệ số” hỗ trợ, có nhiều giải pháp cho việc này. Nếu lắp hệ thống camera là biết hết khu vực đó ngày ngày diễn ra thế nào. Có thể địa phương tự quản lý, có thể thuê các cơ quan chức năng làm dịch vụ quản lý cho mình.
Mẫu chỉ để cất trong ngăn kéo tủ
Được biết, từ lâu Viện Kiến trúc Quốc gia đã làm mẫu nhà cho nông thôn theo các đơn đặt hàng, vậy có mẫu nào đi vào được cuộc sống không?
Viện có khá nhiều thiết kế mẫu điển hình từ nhà ở vùng ngập lũ, nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu, nhà ở trung du, nhà ở miền núi… kể cả các công trình như chợ, nhà trẻ, trường học, trạm y tế, cổng cửa khẩu… Các mẫu đó chúng tôi làm theo đơn đặt hàng của các cơ quan, như Bộ Xây dựng, Bộ NN-PTNT và một số địa phương. Nghiên cứu của chúng tôi rất cơ bản. Đầu tiên phải đi điều tra, khảo sát, xây dựng dữ liệu đầu vào bao gồm điều kiện tự nhiên, khí hậu, văn hóa tập quán vùng miền…trên cơ sở đó xác định quy mô, dây chuyền và công năng sử dụng, đề xuất một số mẫu.
Tiếc là những mẫu thiết kế điển hình đó được áp dụng trong thực tế chưa nhiều. Trung ương làm mẫu để hướng dẫn cho các địa phương, còn địa phương có làm hay không là quyền của họ vì tiền đầu tư là của họ. Nhiều khi là các bộ ngành ra mẫu, địa phương cũng ra mẫu nhưng cuối cùng áp dụng vào thực tế cũng rất ít. Tuy nhiên, thiết kế mẫu các công trình kiến trúc nông thôn vẫn là công việc quan trọng bởi nó giúp các cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở để xây dựng chương trình, kế hoạch và kiểm soát đầu tư; giúp tăng cường nhận thức của người dân về quy mô, công năng và hình thức cơ bản của các công trình kiến trúc.
Quay trở lại, muốn có nông thôn mới phải đầu tư, phải tốn kém. Nguồn lực ở đâu cần tính toán cho khéo léo nhưng đầu tiên phải xác định làm thật bài bản. Chắc chắn giai đoạn đầu chưa nhìn thấy hiệu quả mà chỉ nhìn thấy đầu tư nhưng sau này khi nông thôn thành ra hoàn hảo nó sẽ thu hút được khách du lịch, sẽ dễ bề phát triển khi môi trường sống trong lành. Đó là bài toán với Việt Nam trong hoạch định một chính sách cho nông thôn.
Ngày xưa quy hoạch kiểu gì mà có những cảnh quan, kiểu nhà đặc trưng cho từng vùng miền tồn tại cho tới ngày nay và bây giờ việc này như thế nào?
Trước đây các làng xã đều có hương ước và mọi người phải tuân thủ chặt chẽ tạo ra nề nếp hết đời này sang đời khác; có hội đồng này, hội đồng nọ; có già làng, trưởng bản được kính trọng, nói có người nghe giống như nhà có gia phong.
Ngày nay, chúng ta quản lý làng xã, nông thôn… bằng hệ thống văn bản nhà nước được phân theo các cấp ban hành và thực hiện. Với cá nhân, tôi rất mong các làng quê xây dựng lại các hương ước để giữ gìn và phát huy được các nét đẹp, trật tự, văn hóa truyền thống.
Vừa rồi, tôi có nghe nói Viện Kiến trúc Quốc gia đang ấp ủ đề tài mới về kiến trúc nông thôn?
Đúng thế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành xây dựng có nhắc rằng: “Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành xây dựng cũng còn những hạn chế, bất cập như… quy hoạch xây dựng ở nông thôn chưa được quan tâm đúng mức… Cần hoàn thiện luật pháp và cơ chế, chính sách để xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại và có bản sắc dân tộc rõ rệt, phù hợp với từng vùng, miền…”.
Bởi thế, viện chúng tôi đang xây dựng và đề xuất đề tài “Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp kế thừa giá trị truyền thống trong quy hoạch, kiến trúc vào công tác xây dựng và phát triển bền vững, có bản sắc cho nông thôn mới của các vùng miền Việt Nam”.
Chúng tôi sẽ chọn 2-3 xã ở mỗi vùng miền để điều tra khảo sát, phân tích, nghiên cứu quy hoạch, kiến trúc điển hình từ đó, đề xuất quy hoạch các mô hình xây dựng điểm dân cư mới, kiến trúc nhà ở kế thừa các giá trị truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu, cuộc sống hiện đại; Dự thảo văn bản để lồng ghép quản lý quy hoạch, kiến trúc; Ban hành sổ tay hướng dẫn cho 9 vùng miền bao gồm thuyết minh và bản vẽ sơ đồ quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật, thuyết minh, bản vẽ sơ bộ về kiến trúc nhà ở và các công trình hạ tầng xã hội…
Rất mong đề tài này của viện sẽ được cấp trên quan tâm, tạo điều kiện.
Xin cảm ơn ông!
Dương Đình Tường/Báo Nông nghiệp
bình luận