Kỷ niệm 75 năm thành lập Hội Kiến trúc sư Việt Nam(26/04/2023)
Tối 25/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 75 năm thành lập Hội Kiến trúc sư Việt Nam (1948-2023) và trao Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2022-2023.
Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn và đại diện các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Chính phủ, Bộ, Ban, ngành Trung ương cùng toàn thể thế hệ các kiến trúc sư qua các thời kỳ.
Sáng tạo kiến trúc phải đáp ứng nhu cầu thực tiễn
Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh biểu dương những đóng góp của Hội Kiến trúc sư Việt Nam trong suốt 75 năm qua vào quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa đất nước với 20.000 kiến trúc sư, hơn 100 đô thị mới, nhiều giải thưởng uy tín thế giới.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương mong muốn và tin tưởng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nói riêng và giới kiến trúc sư Việt Nam nói chung tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được để triển khai, thực hiện có hiệu quả những đường lối, chủ trương, chính sách của Nhà nước, gắn kết sâu rộng với đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
“Hoạt động sáng tạo kiến trúc phải đáp ứng nhu cầu thực tiễn sinh động của đất nước. Kiến trúc phải phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, lịch sử vùng miền, dân tộc, góp phần phát triển kinh tế của đất nước trong thời kỳ mới và làm giàu thêm văn hoá của dân tộc. Kiến trúc cần chú trọng đổi mới sáng tác theo hướng kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, nâng cao trách nhiệm xã hội của kiến trúc sư khi hành nghề”, ông Trần Tuấn Anh nêu.
Cũng tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam TS. KTS Phan Đăng Sơn đã ôn lại chặng đường 75 năm kiến trúc cùng thành tựu và những dấu mốc, sự đóng góp của Hội Kiến trúc sư Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước.
Tuy nhiên, lãnh đạo Hội cũng thẳng thắn nhìn nhận tồn tại như quy hoạch và phát triển đô thị nhiều nơi. Đồng thời, ông đề nghị toàn giới kiến trúc phải tập trung lực lượng, hành động vì mục tiêu góp phần để hệ thống đô thị phát triển bền vững, thực chất với kiến trúc xanh – bản sắc – hiện đại, vào cuộc mạnh mẽ quyết liệt để đóng góp kịp thời, đúng vai trò vào quy hoạch và kiến trúc nông thôn, làm cho chính quyền – nhà đầu tư – nhân dân thực sự thấu hiểu và tương tác, giới kiến trúc sư nâng tầm trong sáng tạo, đột phá, cạnh tranh, hội nhập…
Nhân dịp này, Ban tổ chức đã trao tặng 57 tác phẩm xuất sắc của giải thưởng kiến trúc Quốc gia. Trong đó, ban tổ chức trao 5 giải Vàng, 18 giải Bạc, 34 giải Đồng và 1 giải thưởng cho tác phẩm được cộng đồng yêu thích và bình chọn nhiều nhất.
Ấn phẩm “Văn hóa và Kiến trúc” có giá trị về nhiều phương diện
Trong số các giải thưởng trên, ở hạng mục Nghiên cứu – Lý luận – Phê bình kiến trúc, tác phẩm Giáo trình Văn hóa và Kiến trúc của PGS.TS.KTS Nguyễn Đình Thi, TS.KTS Nguyễn Tất Thắng đã đạt giải Đồng tại cuộc thi. Đây cũng là kết quả phối hợp, hợp tác giữa nghiên cứu với đào tạo của Viện Kiến trúc Quốc gia và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Cuốn giáo trình này cung cấp cho học viên, sinh viên những hiểu biết và nắm được kiến thức cơ bản về mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và kiến trúc, sự ra đời và quá trình phát triển của văn hóa và kiến trúc, các giá trị của văn hóa mang lại đối với kiến trúc và ngược lại. Giáo trình Văn hóa và Kiến trúc được bố cục gồm 4 chương.
Chương 1: Mối quan hệ giữa văn hóa và kiến trúc: Giới thiệu khái niệm chung về văn hóa và kiến trúc, sơ lược quá trình hình thành văn hóa và kiến trúc, phân tích các yếu tố ảnh hưởng và mối quan hệ giữa văn hóa và kiến trúc.
Chương 2: Văn hóa và kiến trúc thế giới: Lược khảo về văn hóa tổ chức xã hội, văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần từ thời kỳ xã hội nguyên thủy đến xã hội tư bản chủ nghĩa hiện nay của xã hội loài người, phân tích đến sự ảnh hưởng giữa văn hóa và kiến trúc trong tiến trình lịch sử phát triển tại một số nước phương Tây và phương Đông.
Chương 3: Văn hóa và kiến trúc Việt Nam: Giới thiệu về văn hóa tổ chức xã hội, văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, sự ảnh hưởng giữa văn hóa và kiến trúc trong tiến trình lịch sử phát triển xã hội Việt Nam.
Chương 4: Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống thông qua kiến trúc: Đề xuất việc gìn giữ và phát huy các yếu tố đặc trưng văn hóa truyền thống trong quá trình phát triển kiến trúc thông qua nhận diện các yếu tố đặc trưng có giá trị văn hóa truyền thống.
Cuốn sách giáo trình “Văn hóa và Kiến trúc” là một ấn phẩm có giá trị về nhiều phương diện, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, tra cứu tới nhiều độc giả muốn tìm hiểu mối quan hệ cơ hữu giữa Văn hóa và Kiến trúc nói riêng trong dòng chảy của Văn hóa Việt Nam nói chung. Đặc biệt, thông qua đó, thấy rõ được quá trình hình thành và phát triển của Văn hóa và Kiến trúc Việt Nam, được thể hiện rõ ở Văn hóa Vật chất, Văn hóa Tinh thần và Văn hóa Tổ chức xã hội theo tiến trình của lịch sử đất nước.
Cuốn sách cũng đồng thời là cẩm nang giúp cho những độc giả công tác trong lĩnh vực Lý luận phê bình văn học nghệ thuật, kiến trúc..có góc nhìn toàn diện, tổng thể để có thể đưa ra những nhận xét, đánh giá, bình luận các lĩnh vực có liên quan đến lĩnh vực văn hóa và kiến trúc trong hoạt động thực tiễn.
Bên cạnh đó, là một giáo trình có ý nghĩa thiết thực đối với công tác đào tạo, giảng dạy cho sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh… theo định hướng phát triển nền Kiến trúc Việt Nam với xu hướng phù hợp với Điều kiện tự nhiên, Văn hóa bản địa và Thời đại của Kỷ nguyên công nghệ số.
Đặc biệt, trải qua 80 năm Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 với ba nguyên tắc dân tộc, khoa học và đại chúng được ban hành. Đây là văn kiện mang tầm vóc cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa giúp soi đường, định hướng cho tiến trình phát triển của văn hóa Việt Nam và ba nguyên tắc nêu trên đã định hình ra nền văn hóa của cách mạng nước ta cho đến ngày nay vẫn còn giữ nguyên giá trị cho mãi sau này. Theo đề cương về văn hóa Việt Nam, lĩnh vực văn hóa có vị trí vô cùng quan trọng, trong đó kiến trúc là một phần của văn hóa. Kiến trúc hình thành và phát triển dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội.
Với những giá trị nêu trên về lĩnh vực văn hóa, cuốn sách giáo trình “Văn hóa và Kiến trúc” sẽ góp phần vào làm rõ thêm ba nguyên tắc dân tộc, khoa học và đại chúng của nền văn hóa Việt Nam đã và đang soi sáng vào các lĩnh vực nghệ thuật kiến trúc nước nhà.
Quang Tuyền
bình luận