Hội thảo Nghiên cứu và đánh giá các công trình tôn giáo, tín ngưỡng xây dựng mới ở Việt Nam(26/12/2015)

Sáng 25/12, Viện Kiến trúc Quốc gia đã tổ chức Hội thảo Nghiên cứu và đánh giá các công trình tôn giáo, tín ngưỡng xây dựng mới ở Việt Nam tại trụ sở Viện. Tham dự hội thảo có ban lãnh đạo Viện Kiến trúc Quốc gia, các Kiến trúc sư, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kiến trúc – quy hoạch, cùng đại diện các đơn vị trực thuộc Viện.

Cac_dai_bieu__NRRC

PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục phát biểu tại hội thảo

Tại buổi hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến sâu sắc xoay quanh vấn đề các công trình nghiên cứu, tín ngưỡng mới xây tại Việt Nam.

PGS.TS. KTS Tôn Đại, ĐH Xây dựng nhắc đến khu Đại Nam quốc tự ở Bình Dương, chùa Bái Đính như ví dụ cho thấy kiến trúc đương đại tôn giáo tín ngưỡng được xây dựng thời gian qua không những nhiều mà còn ở quy mô rất lớn. Các nhà khoa học đều nhận định, nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo phát triển mạnh trong vòng 20 năm qua, đòi hỏi cải tạo, xây mới một số công trình. Tuy nhiên bên cạnh một số ít tác động tích cực thì các công trình này xây mới tồn tại nhiều hạn chế, thiếu sót.

Một loạt sai phạm được TS. Tạ Quốc Khánh, Viện Bảo tồn di tích điểm tên: Xây đền chùa, làm tượng đúc chuông quá lớn, đua tranh theo những kỷ lục phù phiếm, xây dựng những ngôi đền, ngôi chùa hai, ba tầng. Sao chép mẫu mã công trình mà không có sự nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo trong thiết kế khiến nhiều công trình có kiểu dáng na ná nhau. Cùng một mẫu cổng chùa, đền được nhân bản ở nhiều nơi, hoặc đem mẫu cổng chùa dựng vào đền. Không tôn trọng ngôn ngữ kiến trúc vùng miền. Tô son đắp vẽ những mẫu hoa văn xa lạ, đưa những tượng thờ mẫu, linh vật ngoại lai vào công trình. Lạm dụng vật liệu xây dựng thiết bị trang trí hiện đại như lát gạch men trong nhà chùa, sơn tượng bằng màu sơn công nghiệp và lắp đèn điện tử trên tượng.

Cả nước có khoảng gần 22 nghìn cơ sở thờ tự gắn với đất đai tôn giáo, trong đó Phật giáo có tới 14 nghìn ngôi chùa, tịnh xá, nhà niệm, phật đường, tiếp đó là Công giáo với hơn 6 nghìn nhà thờ, nhà nguyện, dòng tu. TS. Tạ Hoàng Vân, Viện Kiến trúc Quốc gia chỉ rõ: “Công trình đang được xây dựng phổ biến là của Phật giáo, Công giáo và nhà thờ họ”.

Một trong những người tham gia thiết kế xây dựng chùa rất sớm là TS. Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) nói ngay, đây không phải chuyện nhạy cảm “nhắc đến các công trình này cũng là thể hiện tình cảm, không có gì phải né tránh”. “Mọi người nhắc chùa xưa nghĩ tới kích thước phải xinh xắn gắn bó với thiên nhiên. Vậy mà 20 năm gần đây, nói thật đến một số ngôi chùa tôi chỉ dám đứng ngoài, không dám vào: Vì không có cảm xúc, quy mô quá lớn mang tính doạ nạt, khiến con người thấy bị hoà tan, lạc lối”, TS. Huy Ánh nói.

Ông nhắc đến một loạt công trình nguy nga, toà ngang dãy dọc bê tông cốt thép được dựng lên thời gian qua như chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), chùa Linh Ứng (Đà Nẵng), Bái Đính (Ninh Bình) và chùa quy mô lớn ở Đà Lạt. Nhiều ngôi chùa này rất ít bóng dáng chùa Việt, thờ cúng cũng cách tân vì ngoài thờ phật còn đưa các anh hùng liệt sỹ vào. “Cấu trúc, chức năng mới nhiều quá cũng làm tôi hoang mang. Công trình mới không truyền được thông điệp về kiến trúc, chi tiết. Tôi đến một số nơi như Đà Nẵng, Ninh Bình, Thái Bình thấy lộ ra: Họ ham những thứ to lớn nhưng chi tiết vụng dại, tượng pháp thô kệch, không thấy sự gửi gắm của nghệ sỹ, người dân mà chỉ đơn thuần là vật chất tầm thường”, TS. Trần Huy Ánh nhấn mạnh. Đáng tiếc là xu hướng này được nhiều địa phương tán thưởng, thậm chí tạo mọi điều kiện thuận lợi như “cấp đất, huy động vốn, san đồi chặt cây để xây dựng”.

Ths. Nguyễn Phú Đức (Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội) nêu quan điểm riêng, thực tế đòi hỏi những công trình mang tính tích hợp, phù hợp xu thế xã hội. Ngoài những công trình mang giá trị tâm linh nó còn là thiết chế văn hoá – đình làng là nơi sinh hoạt của người dân nhiều vùng miền. Ông đề xuất loại hình này cần tìm hiểu cấu trúc cần thiết, không tuỳ tiện như hiện nay. Tổng giám đốc Cty tu bổ di tích trung ương, ông Trần Văn Khanh nói, chúng ta chưa định hình được công trình kiến trúc của thế kỷ mới.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục cho rằng nên đánh giá các công trình trên hai nhận thức là bối cảnh nền kinh tế thị trường, và sự chuyển đổi không gian đô thị. Bà nhắc lại, năm 2008 đánh dấu bước chuyển của loài người khi hơn 50% con người sống ở đô thị. “Chùa, nhà thờ bây giờ cũng mang tính chất đô thị, còn lại những công trình ở nông thôn cần bảo vệ, phát huy giá trị truyền thống”, bà Thục nói. Bà cũng nhấn mạnh, sở dĩ tình trạng loạn kiến trúc ở các công trình này thời gian qua do các sinh viên được đào tạo ở các trường Kiến trúc, Xây dựng chưa am hiểu kiến thức cơ bản về chùa, và đó vẫn còn là khoảng trống lớn.

Nếu PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục nêu quan điểm cần đánh giá tổng thể để đưa ra các không gian kiến trúc đặc trưng cho từng tôn giáo, PGS.TS. Tôn Đại nhận xét, chùa xây dựng những năm gần đây tuy quy mô lớn hơn nhưng phong cách kiến trúc không có gì mới lạ: Vẫn mái cong, mặc dầu số lượng tầng tăng lên, bố cục tổng thể hình khối phức tạp, đồ sộ. “Nên chăng kiến trúc chùa có những sáng tạo về hình thức kiến trúc mới lạ”, PGS. Đại đặt vấn đề. Tuy vậy ông nhấn mạnh, dù đổi mới hình thức kiến trúc cho các công trình tín ngưỡng tôn giáo nhưng nhất thiết phải “giữ lại tính chất kiên định, dân tộc-bản sắc Việt Nam”.

Trước đòi hỏi kiến trúc mang dấu ấn của thế kỷ 21, chứ không chỉ là sao chép, pha trộn các kiến trúc điển hình từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp. TS. Trần Huy Ánh nhắc lại gợi ý của hoà thượng Viên Minh về kiểu chùa Nam tông ở miền Nam, các chùa Bắc tông của miền Bắc cũng có thể tham khảo. Một ngôi chùa Nam tông Việt Nam cần thể hiện được ba yếu tố: Tính đặc thù của Phật giáo theo đó kiến trúc phải giản dị, sáng sủa, thanh nhu, mạnh mẽ, tránh dùng biểu tượng hoa mỹ lòe loẹt, âm u, phải tôn nghiêm (không dùng đèn nhấp nháy). Tính dân tộc Việt Nam mà cái thần chính là khiêm tốn, khoan hòa, hòa hợp với thiên nhiên, đỉnh cao là kiến trúc thời Lý. Tính hiện đại cũng rất cần, vì cái đẹp không nên lặp lại. Kiến trúc chùa cổ đẹp vì phản ánh đời sống của thời đã qua, nay cũng phải tìm riêng cho ta một phong cách, phù hợp với thời đại nhưng phải có bản sắc dân tộc.

PV

 

bình luận