Hội thảo “Nghiên cứu thiết kế mẫu nhà ở đô thị và nông thôn phù hợp các vùng miền toàn quốc”(24/11/2018)
Sáng ngày 23/11, Viện Kiến trúc Quốc gia đã tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu thiết kế mẫu nhà ở đô thị và nông thôn phù hợp các vùng miền toàn quốc”, đây là dịp để các chuyên gia, kiến trúc sư chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết, đề xuất về mẫu nhà ở phù hợp với các vùng miền trên cả nước.
Chủ trì hội thảo là Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia Đỗ Thanh Tùng. Bên cạnh đó còn có sự tham gia của Phó Viện trưởng Đặng Tiên Phong, Phó Viện trưởng Vũ Đình Thành, Chủ nhiệm đề tài TS.KTS Nguyễn Tất Thắng, PGS.TS.KTS Hoàng Vĩnh Hưng – Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng), TS.KTS Nguyễn Tiến Thuận, PGS.TS.KTS Nguyễn Đình Thi, PGS.TS.KTS Ngô Thám, TS.KTS Trương Ngọc Lân, TS.KTS Vương Hải Long cùng đại diện lãnh đạo các phòng ban chức năng và đông đảo các kiến trúc sư làm việc tại viện.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Đỗ Thanh Tùng chia sẻ Viện Kiến trúc Quốc gia luôn quan tâm và có nhiều nghiên cứu về thiết kế các mẫu nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp, nhà ở dành cho công nhân, sinh viên. Đây là những đối tượng chiếm một phần không nhỏ trong cấu trúc xã hội, có nhu cầu lớn về nhà ở, mặc dù nhà nước, xã hội đã dành nhiều quan tâm, nghiên cứu tuy nhiên các sản phẩm nhà ở phục vụ các đối tượng này vẫn chưa thể đáp ứng với thực tiễn.
Hội thảo tiếp tục với bài tham luận của TS.KTS Nguyễn Tiến Thuận (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) về mô hình mới – condotel, officetel. Ông cho biết đây là 2 mô hình không còn xa lạ với thị trường bất động sản thế giới và trong nước, tuy nhiên ở nước ta thời quan qua đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh 2 mô hình này, nguyên nhân là do khung pháp lý chưa rõ ràng. Ông đề xuất các bộ và chính phủ sớm hoàn thành khung pháp lý cho 2 loại hình kiến trúc nàym để tạo ra sự minh bạchrõ ràng cho môi trường đầu tư bất động sản được phát triển. Khi chưa có hành lang pháp lý thì thị trường condotel và officetel vẫn chưa thể phát triển và tiềm ẩn nhiều tiêu cực.
PGS.TS.KTS Hoàng Vĩnh Hưng đã có bài tham luận về xu hướng và chính sách nhà ở xã hội trong chính sách chung về phát triển đô thị. Ông cho biết mặc dù nhu cầu về nhà ở xã hội là rất cao nhưng các giải pháp nhà ở chính thức vẫn nằm ngoài khả năng chi trả của người thu nhập thấp, do đó Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách để đẩy mạnh phát triển nhà ở với giá cả phù hợp. Để tiếp tục phát triển nhà ở xã hội, các chính sách về nhà ở xã hội cần hỗ trợ hình thành nền tài chính nhà ở, khuyến khích nhà ở cho thuê giá hợp lý và khuyến khích xây dựng nhà ở cơ bản ban đầu.
Tiếp theo là phần trình bày của TS. KTS Nguyễn Tất Thắng về Mô hình kết hợp hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, thiết kế điển hình và xây dựng thực nghiệm lĩnh vực nhà ở, góp phần CNH – HĐH ngành xây dựng. Bài trình bày tập trung vào đánh giá sự tương tác và mối quan hệ giữa , tiêu chuẩn xây dựng, thiết kế điển hình và xây dựng thực nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng thực nghiệm. Ngoài ra bài trình bày còn đề xuất việc tích hợp hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, thiết kế điển hình và xây dựng thực nghiệm lĩnh vực nhà ở, góp phần CNH – HĐH ngành xây dựng Việt Nam, kiến nghị mỗi địa phương, vùng miền tự xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn với sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp.
Sau giờ nghỉ là bài tham luận của PGS.TS.KTS Nguyễn Đình Thi (Trường Đại học Xây dựng) về xu hướng phát triển kiến trúc nhà ở nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng gắn với hoạt động sản xuất kinh tế nông nghiệp. Trong thời gian tới, kiến trúc nhà ở nông thôn và nhà ở trong đô thị sẽ giao thoa cùng nhau, ranh giới đô thị và nông thôn sẽ không còn phân biệt theo địa giới hành chính mà chỉ còn phân biệt theo văn hoá, lối sống, phong tục tập quán và thói quen. Tuy nhiên vẫn phải gìn giữ giá trị văn hoá kiến trúc nông thôn truyền thống, tránh để kiến trúc đô thị hoặc ngoại lai tác động làm ảnh hưởng mai một tới nền văn hoá vùng đồng bằng sông Hồng được tạo dựng hàng nghìn năm qua.
Nhà ở sinh viên luôn là một trong những vấn đề được quan tâm bậc nhất của xã hội cũng như các cấp chính quyền, và cũng là chủ đề bài tham luận của TS.KTS Trương Ngọc Lân (Trường Đại học Xây dựng). Ông cho rằng cần có những nghiên cứu sâu hơn về nhu cầu nhà ở của sinh viên, từ tiêu chuẩn diện tích, mô hình nhà ở, các tiện ích cần thiết đến quy tắc ứng xử, quản lý nhà ở sinh viên. Từ đó hình thành những quy định pháp lý, tiêu chuẩn cụ thể và dữ liệu thiết kế trong lĩnh vực này, giúp việc phát triển nhà ở sinh viên đi vào khuôn khổ chuẩn mực và hiệu quả.
TS.KTS Vương Hải Long (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) tiếp tục hội thảo với bài trình bày về vai trò quy hoạch, kiến trúc trong phát triển nhà ở xã hội. Để phát triển nhà ở xã hội, nhà tái định cư thì ngoài vấn đề tài chính, điều quan trọng đảm bảo hiệu quả là quỹ đất và một tầm nhìn quy hoạch khả thi. Việc quy hoạch các khu nhà ở xã hội cần tính toán đến việc phát triển, kết nối các khu vực khác trong đô thị, có sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật đô thị, công trình tiện ích công cộng. Thiết kế cấu trúc căn hộ cần linh hoạt để có khả năng điều chuyển, biến đổi cơ cấu sử dụng khi có nhu cầu. Sau giai đoạn phát triển ồ ạt, cần điều tiết lại mô hình nhà ở xã hội để không vì sức ép số lượng mà giảm chất lượng khiến công trình bị xuống cấp hay lạc hậu nhanh chóng.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo, nhóm nghiên cứu đề tài sẽ có những tiếp thu và điều chỉnh nội dung cho phù hợp, đáng ứng đúng tiến độ và chất lượng theo đúng nhiệm vụ được giao. /.
PV
bình luận