Hội thảo “Kiến trúc phù hợp với môi trường tự nhiên, văn hoá bản địa và thời đại của kỷ nguyên công nghệ số”(27/11/2019)

Ngày 27/11/2019, tại Hà Nội, Viện Kiến trúc Quốc gia đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Kiến trúc phù hợp với môi trường tự nhiên, văn hoá bản địa và thời đại của kỷ nguyên công nghệ số”. Hội thảo có sự tham gia Vụ trưởng Vụ Khoa học Công Nghệ Bộ Xây dựng Vũ Ngọc Anh, Phó Chủ tịch Quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, các kiến trúc sư nổi tiếng đến từ trong và ngoài nước, lãnh đạo Viện Kiến trúc Quốc gia – Viện trưởng Đỗ Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Phạm Thuý Loan, Phó Viện trưởng Vũ Đình Thành, TS.KTS Lê Bích Thuận, TS.KTS Lê Đình Tri, TS.KTS Đỗ Xuân Thuỷ – Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng tỉnh Bắc Ninh và đông đảo cán bộ nhân viên Viện Kiến trúc Quốc gia.

Các diễn giả tại Hội thảo

Các diễn giả tại Hội thảo

Hội thảo là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 40 năm thành lập Kiến trúc Quốc Gia nhằm tạo ra một cuộc trao đổi toàn diện về sáng tạo kiến trúc trong thời đại mới và những hướng đi tương lai.

Tại Hội thảo, sau phần tham luận dẫn đề tài của Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc Gia Phạm Thuý Loan, các diễn giả KTS Salvador Perez Arroyo, KTS. Takashi Niwa, KTS. Marek Obtulovic, KTS. Maysho Prashad đã có những bài tham luận chuyên sâu trình bày về từng nội dung cụ thể thể hiện rõ các nghiên cứu về xu hướng, kiến thức, kinh nghiệm triển khai thực tiễn phong phú tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, những thiết kế có sự giao hoà giữa văn hoá địa phương và khoa học công nghệ.

Kiến trúc là một lĩnh vực đặc biệt, nó tạo ra môi trường không gian bằng vật chất hỗ trợ toàn bộ cuộc sống của con người: từ thành phố, đến ngôi nhà, đến ngôi trường, văn phòng, nơi làm việc. “Công trình kiến trúc”, hơn cả “công trình xây dựng”; nó không chỉ là phương tiện mang đến sự an toàn, tiện nghi vật lý, mà còn thúc đẩy sự phát triển cảm xúc, tinh thần và trí tuệ cho con người.

Kiến trúc được tạo ra một cách chủ động bởi các KTS, nhưng hoạt động sáng tạo của họ luôn chịu ảnh hưởng của các điều kiện tự nhiên, văn hoá vốn có ở địa phương cũng như những biến động trên cấp độ quốc tế. Cùng với sự hình thành của Cách mạng công nghệ 4.0, quá trình sản xuất và trao đổi thông tin toàn cầu đã thay đổi mạnh mẽ. Kiến trúc cũng sẽ không nằm ngoài sự phát triển đó, phương pháp tư duy, thiết kế, quản lý kiến trúc cũng vì vậy trở nên rất khác với những cách làm truyền thống.

Cũng tại Hội thảo, trong phần trao đổi tương tác, các KTS đã nhận được nhiều câu hỏi, ý kiến chia sẻ liên quan đến các nội dung tham luận đã trình bày tạo nên không khí học thuật sôi nổi, đầy khí thế.

PV

bình luận