Hội đồng đánh giá Luận án Tiến sỹ cấp Viện cho NCS Đặng Xuân Tiến(19/01/2024)

Ngày 19/1, tại Hà Nội, Viện Kiến trúc Quốc gia tổ chức Hội đồng đánh giá Luận án Tiến sỹ cấp Viện cho NCS Đặng Xuân Tiến với đề tài: “Tổ chức không gian làng và kiến trúc truyền thống dân tộc Xơ Đăng, tỉnh Kon Tum”, chuyên ngành kiến trúc, mã số: 9.58.01.01. Giáo viên hướng dẫn khoa học là PGS.TS Hoàng Vĩnh Hưng và TS. Trương Văn Quảng.

Quang cảnh Hội đồng.

Hội đồng đánh giá luận văn cấp viện gồm 7 thành viên: PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương – Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng; GS.TS Đỗ Hậu – Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam, Ủy viên phản biện 1; PGS.TS.KTS Ngô Thám – Viện Kiến trúc Quốc gia, Ủy viên phản biện 2;  PGS.TS Khuất Tân Hưng – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Ủy viên phản biện 3 và các Uỷ viên: PGS.TS Nguyễn Vũ Phương – Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ ngành Xây dựng (Bộ Xây dựng); TS. Lê Thị Bích Thuận – Tổng Hội Xây dựng Việt Nam; TS. Trịnh Hồng Việt – Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia.

Thay mặt cơ sở đào tạo Viện Kiến trúc Quốc gia, PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương – Viện trưởng đã gửi lời cảm ơn các thầy, cô trong Hội đồng, các giáo viên hướng dẫn, các chuyên gia, các nhà khoa học đã đến dự buổi họp đánh giá Luận án Tiến sỹ cấp Viện cho NCS Đặng Xuân Tiến.

Tại buổi đánh giá luận án, NCS Đặng Xuân Tiến trình bày tóm tắt luận án “Tổ chức không gian làng và kiến trúc truyền thống dân tộc Xơ Đăng, tỉnh Kon Tum”.

NCS Đặng Xuân Tiến trình bày tóm tắt luận án.

Theo NCS, Xơ Đăng là dân tộc chiếm tỉ lệ dân cư lớn ở tỉnh Kon Tum. Hiện nay các làng người Xơ Đăng phát triển nhích dần về các trung tâm và đường tỉnh lộ, phản ánh quá trình biến đổi sâu sắc về không gian cư trú. Bên cạnh đó, kiến trúc nhà Rông, nhà mồ, nhà sàn đang có xu hướng bị thay thế.

Tuy nhiên, hiện nay có rất ít nghiên cứu nhận diện được quá trình biến đổi, nguyên nhân biến đổi của hình thái, cấu trúc làng truyền thống của người Xơ Đăng. Bởi vậy, việc hài hòa giữa bảo tồn và phát triển các giá trị truyền thống của dân tộc này cũng chưa được hiệu quả, chưa góp phần vào việc phát huy nét độc đáo chung của Kon Tum cũng như của vùng đất Tây Nguyên.

Đứng trước yêu cầu phát triển bền vững hiện nay, vấn đề phát huy và gìn giữ các giá trị truyền thống cần được xem xét một cách khoa học, là tiền đề để phát triển kinh tế xã hội của một địa phương.

Do đó, NCS Đặng Xuân Tiến khẳng định, việc nghiên cứu về sự biến đổi cấu trúc làng, kiến trúc truyền thống dân tộc Xơ Đăng sẽ giúp đưa ra những giải pháp thích ứng, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị của dân tộc này, đồng thời đóng góp vào việc tạo nên thương hiệu của vùng đất Tây Nguyên.

Mục đích nghiên cứu của luận án nhằm phát hiện đặc điểm, sự tương tác giữa các yếu tố vật thể và phi vật thể trong cấu trúc làng và kiến trúc truyền thống theo giai đoạn phát triển; đề xuất những giải pháp gìn giữ và phát huy giá trị truyển thống dân tộc Xơ Đăng trong tổ chức không gian làng và kiến trúc đáp ứng nhu cầu cuộc sống hiện đại và phù hợp với quá trình xây dựng Nông thôn mới tại tỉnh Kon Tum.

Luận án có 5 đóng góp mới gồm: Xây dựng bộ tiêu chí nhận diện về sự biến đổi không gian làng và kiến trúc truyền thống dân tộc Xơ Đăng; Phát hiện những đặc điểm biến đổi đặc thù của làng Xơ Đăng góp phần hoàn thiện phương pháp luận dự báo xu thế phát triển không gian kiến trúc, quy hoạch buôn làng Xơ Đăng; Xác định các yếu tố chính tác động tới quá trình biến đổi làm cơ sở lý luận cho việc hoạch định các giải pháp trong tương lai; Đề xuất giải pháp các mô hình tổ chức không gian làng và phát triển kiến trúc dân tộc Xơ Đăng theo hướng phát triển bền vững là cơ sở cho các quy hoạch nông thôn đối với các khu vực có dân tộc Xơ Đăng cư trú, đề xuất những chính sách kinh tế, xã hội phù hợp hỗ trợ đồng bào trong quá trình xây dựng nông thôn.

PGS.TS Khuất Tân Hưng – Ủy viên phản biện 2 đánh giá luận án.

Tại buổi họp, các thành viên trong Hội đồng đánh giá cao chất lượng khoa học và những kết quả nghiên cứu thực tiễn của đề tài. Luận án lựa chọn một đề tài khó, phức tạp nhưng với cách tiếp cận và nghiên cứu nghiêm túc, NCS đã cấu trúc hợp lý, phạm vi, giới hạn rõ ràng, phù hợp với chuyên ngành.

Sau khi nghe các ý kiến phản biện, nhận xét của các thành viên trong Hội đồng cùng ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, Nghiên cứu sinh đã trả lời, tiếp thu, giải trình các câu hỏi, góp ý của Hội đồng. Hội đồng đã họp kín và bỏ phiếu và ban hành Nghị quyết của Hội đồng.

PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương – Chủ tịch Hội đồng phát biểu kết luận cuộc họp.

Thay mặt Hội đồng, PGS.TSKT Mai Thị Liên Hương – Chủ tịch Hội đồng đã đọc Nghị quyết của Hội đồng về đánh giá Luận án Tiến sỹ của NCS Đặng Xuân Tiến. Theo Nghị quyết, đề tài luận án phù hợp với mã ngành đào tạo Tiến sỹ, luận án không trùng lặp với các công trình nghiên cứu khoa học khác đã công bố trong và ngoài nước; ý nghĩa khoa học, thực tiễn đề tài và kết quả nghiên cứu của luận án có giá trị khoa học, thực tiễn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc dân tộc Xơ Đăng nói riêng và các dân tộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên nói riêng. Luận án cũng làm phong phú các lý luận về tổ chức không gian làng và kiến trúc truyền thống dân tộc Xơ Đăng. Kết quả nghiên cứu có thể được áp dụng vào các quy hoạch và phát triển kiến trúc dân tộc Xơ Đăng đồng thời giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn các giá trị truyền thống và phát triển theo quy hoạch nông thôn mới.

Hội đồng nhất trí đề nghị Viện Kiến trúc Quốc gia công nhận kết quả bảo vệ của NCS Đặng Xuân Tiến và cấp bằng tiến sỹ cho tác giả theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Một số hình ảnh tại buổi họp Hội đồng Đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện:

Bách Hợp

bình luận