Góc nhìn thực tiễn hoạt động đào tạo CPD cho kiến trúc sự tại Việt Nam(18/07/2022)
TS.KTS Nguyễn Tất Thắng
Nghiên cứu viên cao cấp – Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng)
Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, kể từ khi Luật Kiến trúc số 40/2019/ QH14, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020 và Nghị định số 85/2020/NĐ- CP, quy định chi tiết về thực thi Luật Kiến trúc, có hiệu lực thi hành từ 7/9/2020 – Các công tác về hành nghề kiến trúc gắn với đào tạo phát triển nghề nghiệp liên tục, cũng như sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc đã được các chủ thể có liên quan, trong đó đặc biệt là các KTS hành nghề, tích cực tham gia, vận hành để đáp ứng với yêu cầu và nhu cầu của hành nghề và thị trường. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, đã xuất hiện nhiều hạn chế, chủ yếu từ các điều khoản trong Luật và Nghị định, các quy định của Hội KTS Việt Nam, cũng như những vướng mắc từ các cơ quan thực thi và sự phản ánh trực tiếp từ thực tiễn của đông đảo kiến trúc sư đang hành nghề… Do đó, cần phân tích làm rõ những nguyên nhân một cách khách quan, nhằm điều chỉnh, bổ sung những nội dung cần thiết trong các văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động đào tạo phát triển nghề nghiệp liên tục và sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề cho KTS tại ViệtNam.
Những bất cập của Nghị định 85/2020/NĐ-CP và quy định chi tiết bảng tính điểm CPD đối với các hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục của Kiến trúc sư hành nghề:
Trước hết, cần hiểu rõ, trong hoạt động nghề nghiệp lĩnh vực kiến trúc của mỗi KTS, phát triển nghề nghiệp liên tục (Continuing Professional Development – viết tắt là CPD), là việc đào tạo, tiếp nhận kiến thức một cách liên tục, nhằm duy trì, bổ sung các kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp…Hỗ trợ KTS duy trì năng lực và đạt được các mục tiêu nghề nghiệp, đáp ứng với các yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao về khoa học công nghệ, kỹ thuật, vật liệu xây dựng mới… nhằm cung cấp các dịch vụ về kiến trúc cho xã hội một cách hoàn hảo.
Trước đây (thời điểm trước khi có Luật Kiến trúc và Nghị định85/CP),các KTS đã được cấp chứng chỉ hoạt động nghề nghiệp có thời hạn là 5 năm. Tuy nhiên, các chứng chỉ này được cấp ở các thời điểm khác nhau, do vậy việc cấp đổi lại hoặc gia hạn theo quy định mới sẽ khác nhau, tùy thuộc vào việc chứng chỉ hết hạn trước và sau thời điểm của nghị định 85/CP. Trong khi đó, tại các điều khoản 25, 26, 27 và 28 của Nghịđịnh85/CP, không nói rõ việc tích điểm CPD như thế nào đối với các chứng chỉ đã hết hạn sử dụng trước và sau thời điểm có hiệu lực của Nghị định. Thực tế, vấn đề này đã có nhiều KTS phải bỏ chứng chỉ cũ, quay sang làm thủ tục đăng ký thi sát hạch mới còn dễ dàng hơn so với thủ tục đổi hoặc gia hạn chứng chỉ hành nghề cũ, khi chưa có đủ điểm CPD.
Tại quy định chi tiết Bảng tính điểm CPD đối với các hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục của KTS hành nghề (ban hành kèm theo quyết định số 04/QĐ-KTSVN ngày 12/01/2021 của Hội KTSVN), ở mục III.2, nói về trách nhiệm của các tổ chức thực hiện hoạt động CPD, có nói rõ về việc cần gửi chương trình CPD hằng năm của tổ chức và lý lịch chuyên gia của giảng viên/diễn giả cho Hội KTS/Việt Nam, để tập hợp đăng tải trên website của Hội – Tuy nhiên, việc này vẫn chưa được thực hiện, gây nhiều khó khăn trong quản lý điều hành chung, đặc biệt là việc thống nhất kiểm soát về khung đào tạo, chương trình đào tạo, nội dung đào tạo lẫn các hướng dẫn để các tổ chức ra các bộ đề thi vấn đáp có tính tổng hợp được các nội dung bao quát về hiểu biết pháp luật, kinh nghiệm chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp…Bởi thực tế cho thấy, mỗi một cơ sở đào tạo cấp CPD sẽ có đặc thù và thế mạnh khác nhau – Tuy nhiên, nếu không có tổ chức điều hành chung, thông qua Hội KTS/Việt Nam hoặc Bộ Xây dựng, các khung về chương trình đào tạo, thiết lập bộ đề thi vấn đáp… sẽ có tính cục bộ, làm hạn chế kiến thức chuyên môn có tính tổng hợp khi đào tạo cấp CPD.
Tại phụ lục 1 và 2 (ban hành kèm theo quyết định số 04/QĐ- KTSVN ngày 12/01/2021 của Hội KTS/Việt Nam), quy định về việc tham gia các hoạt động CPD tại các tổ chức thực hiện hoạt động CPD và các hình thức tham gia, kèm theo bảng tính điểm cho mỗi hình thức tham gia của KTS, cho thấy: Ngoài các hình thức tham gia hoạt động CPD đã có, có một hình thức hoạt động CPD rất phổ biến trong thực tế, chưa được đề cập – Đó là các hội thảo khoa học kèm theo kỷ yếu phục vụ cho các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Nhà nước, cấp Bộ, các chương trình mục tiêu, trọng điểm…của Chính phủ, nhưng chưa được liệt kê vào việc tích điểm CPD. Và nếu được tích điểm, tổ chức nào sẽ cấp xác nhận khi những công tác đó xảy ra thường xuyên? Điều này sẽ gây thiệt thòi cho các KTS vừa làm công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy đào tạo, bên cạnh công tác tư vấn ứng dụng chuyển giao công nghệ lĩnh vực kiến trúc (Đây là việc hoàn toàn khác so với KTS đăng ký dự đào tạo CPD có nộp kinh phí hoặc lệ phí).
Tại khoản 2, điều 27 của Luật Kiến trúc, quy định chứng chỉ hành nghề kiến trúc sẽ có thời hạn 10 năm và tại khoản 4, điều 24 của Nghị định 85/CP có quy định KTS hành nghề phải đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nghiệp liên tục hàng năm, với KTS nhỏ hơn 60 tuổi, phải có 4 điểm CPD trong một năm và tương ứng với KTS lớn hơn 60 tuổi phải đạt tối thiểu 2 điểm CPD trong một năm. Tuy nhiên, cũng chưa thấy nói và yêu cầu rõ về tính liên tục theo thời gian trong vòng 10 năm. Bởi việc tích điểm CPD cần phải là liên tục của từng năm, chứ không phải là phép cộng thuần túy trong 10 năm. Sẽ dễ dẫn đến tình trạng có thể trong nhiều năm, KTS không tích điểm, sau đó sẽ dồn dập trong khoảng 2-3 năm tích điểm để đối phó khi cấp lại hoặc gia hạn chứng chỉ, sẽ mất đi tính liên tục về cập nhật kiến thức và kỹ năng hành nghề.
Tại các nghị định và các thông tư, quyết định…hướng dẫn thi hành Luật Kiến trúc, cũng chưa thấy nói tới tỷ trọng giữa CPD và hồ sơ thiết kế các công trình kiến trúc của KTS. Bởi nếu không có quy định này, vô hình chung sẽ xem nhẹ yêu cầu về năng lực chuyên môn, năng lực sáng tác và sáng tạo. Chỉ chú ý tới việc tích điểm CPD một cách thuần túy, đôi khi không phải là phẩm chất tiên quyết, vốn đòi hỏi từ một KTS hành nghề chuyên nghiệp.
Những nội dung chính cần bổ sung, hiệu chỉnh và sửa đổi đối với công tác đào tạo CPD và cấp chứng chỉ hành nghề cho Kiến trúc sư tại Việt Nam
Đối chiếu với những hạn chế, bất cập như ở phần 1 đã phân tích – Việc bổ sung, hiệu chỉnh và sửa đổi cần tập trung vào những nội dung chính sau đây:
– Nên có phân loại chứng chỉ hành nghề cũ đã hết hạn, trước và sau thời điểm có hiệu lực của Nghị định 85/CP, để có yêu cầu khác nhau về tích điểm CPD trong việc xét cấp đổi hoặc gia hạn chứng chỉ hành nghề (hoặc trường hợp chứng chỉ nào đã hết hạn được bao nhiêu năm, sẽ phải bắt buộc thi sát hạch để cấp chứng chỉ mới). Vì dịch bệnh Covid19, kết hợp với chờ hiệu lực của nghị định nên nhiều chứng chỉ hết hạn trước hoặc sau luật, nay mới làm thủ tục chuyển đổi, nhất là các chứng chỉ hết hạn vào các năm 2019, 2020, 2021. Nên có quy định chi tiết điểm tích CPD tối thiểu cho những chứng chỉ của 3 năm này khi cấp đổi hoặc gia hạn (Hình 1)
– Cần yêu cầu tập hợp các chương trình, kế hoạch đào tạo CPD của các tổ chức theo kế hoạch hàng năm về Hội KTSVN hoặc Bộ Xây dựng – Để từ đó thống nhất chương trình, kế hoạch, có sự hợp tác đào tạo giữa các chuyên gia/diễn giả, hợp tác kế hoạch khung hoặc chương trình đào tạo ứng với các tiêu chí về hiểu biết pháp luật, kinh nghiệm chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, đạo đức nghề nghiệp. Đó cũng chính là việc hướng tới đào tạo CPD thực chất và có chất lượng, nhằm gắn kết giữa lý thuyết và thực hành, giữa lý luận và thực tiễn cho các KTS hành nghề. Bổ sung việc tích điểm CPD từ các tọa đàm, hội thảo khoa học có tính thường xuyên từ các đề tài, dự án khoa học công nghệ. Nêu rõ đơn vị có chức năng xét và cấp CPD. Với các tổ chức thực hiện đề tài, dự án khoa học công nghệ, đồng thời có chức năng đào tạo cấp CPD thì có thể cấp được luôn. Ngược lại, với tổ chức không có chức năng đào tạo cấp CPD thì có thể thuê tổ chức có chức năng đào tạo CPD thực hiện và xét cấp CPD (Hình 2)
– Cần bổ sung yêu cầu tích điểm CPD phải liên tục hằng năm, điểm tối thiểu cho mỗi năm, yêu cầu trong một năm không có điểm liệt (tức không có điểm CPD nào). Điều này góp phần làm cho việc đào tạo nghề nghiệp liên tục của KTS trở thành có ý nghĩa thiết thực và có giá trị, tránh việc đối phó và không có chất lượng.
Cần có yêu cầu xét cấp chứng chỉ với các điều kiện tiên quyết (bắt buộc hay là điều kiện cần) về hồ sơ danh mục các công trình kiến trúc mà KTS đã chủ trì hoặc tham gia thiết kế. Sau mới đến các yêu cầu ở góc độ điều kiện đủ, đó chính là điểm số CPD được tích lũy qua các năm hành nghề. Việc này nhằm nâng cao và đánh giá thực chất năng lực hoạt động nghề nghiệp của mỗi KTS.
– Với việc biên soạn lần đầu, khó tránh khỏi những khiếm khuyết – Cần rà soát lại về nội dung câu hỏi và cách trả lời của bộ đáp án 280 câu hỏi và hướng dẫn, phục vụ sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Trong đó, với hợp phần của phần thi trắc nghiệm và vấn đáp, có 4 lĩnh vực, gồm: Kiến thức và sự hiểu biết về pháp luật; Kiến thức về chuyên môn; Kinh nghiệm về nghề nghiệp và Đạo đức và quy tắc ứng xử trong nghề nghiệp của mỗi KTS – Cần chú trọng những nội dung chính sau, để có cấu trúc nội dung các bộ câu hỏi hợp lý và khoa học:
+ Phần về sự hiểu biết về pháp luật cũng như đạo đức và ứng xử nghề nghiệp nên gọn hơn. Bởi lẽ, việc đó hoàn toàn phụ thuộc vào sự hiểu biết, cũng như tư cách của mỗi KTS, chúng được tích lũy từ bản thân, chịu sự chi phối và ảnh hưởng một cách khách quan từ bên ngoài, gồm sự trung thực, các mối quan hệ, lòng tin, các thỏa thuận cam kết…Hay nói đúng hơn, việc đó dựa trên sự hiểu biết pháp luật, hình thành đạo đức và nhân cách, có sự ảnh hưởng từ bên ngoài như đạo đức nghề nghiệp, đạo đức xã hội… (Hình 3)
+ Vì thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề chủ yếu cho các KTS giữ vai trò là chủ nhiệm đồ án, dự án hoặc chủ trì, chủ nhiệm công trình thiết kế – Do đó, về mặt số lượng và cấu trúc câu hỏi, nên tăng phần kinh nghiệm về nghề nghiệp. Bởi, với vị trí đó, KTS sẽ có thể vừa là người đóng vai trò chủ trì làm việc với các chủ thể có liên quan, vừa chủ trì tổ chức thực hiện công việc, vừa kết nối với các bộ môn chuyên ngành khác, vừa đồng thời giải quyết các công việc từ chuẩn bị, thực hiện và kết thúc một dự án. Và do đó, kiến thức về kinh nghiệm nghề nghiệp hết sức đa dạng, không chỉ có chuyên môn thuần túy, mà liên quan đến các loại hình tư vấn đồng thời khác như quản lý dự án, tư vấn mời thầu, giám sát quyền tác giả trong quá trình xây dựng…Trong khi phần kiến thức chuyên môn là sự hiểu biết và nắm vững trong quá trình học tập ở trường đại học là chủ yếu. Đó cũng chính là đồng thời với phát triển năng lực cá nhân đi đôi với sự tích lũy năng lực kinh nghiệm trong hoạt động nghề nghiệp, đòi hỏi có tính liên tục, thường xuyên, được hỗ trợ và tổng hợp qua nhiều hoạt động có liên quan (Hình 4)
Lĩnh vực hoạt động đào tạo cấp CPD và thi sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề cho KTS, thực chất là công tác đào tạo một cách liên tục và khoa học cho nguồn nhân lực trong lĩnh vực hành nghề kiến trúc ở Việt Nam – Đáp ứng Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1246/QĐ-TTg, ngày 17/7/2021. Công tác này, cần phải được xây dựng hệ thống khung pháp lý hoàn chỉnh và khoa học, tạo điều kiện cho các chủ thể có liên quan và đông đảo KTS thực hiện một cách khả thi và có hiệu quả – Đáp ứng xây dựng nền Kiến trúc Việt Nam theo hướng hiện đại và có bản sắc./.
TS.KTS NGUYỄN TẤT THẮNG
Nghiên cứu viên Cao cấp – Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng
Tài liệu tham khảo:
https://lam.gov.my/cpd-guideline
https://sia.org.sg/cpd-calendar/about-cpd/
Nguyễn Tất Thắng: “Mô hình đào tạo kiến trúc tại Việt Nam”. Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam, số 11.2018
Nguyễn Tất Thắng: “Đổi mới mô hình, phương pháp đào tạo ngành Kiến trúc tại các trường Đại học của Việt Nam”. Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam, số 11.2019
Nguyễn Tất Thắng: “Xây dựng các văn bản quy phạm dưới luật để hướng dẫn thi hành Luật Kiến trúc”. Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam, số 06.2020
bình luận