Định dạng bản sắc Ninh Bình gắn với xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ(24/07/2024)
Ngày 27/4 vừa qua, Ninh Bình đã tổ chức lễ Kỷ niệm 10 năm Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Tràng An. Trong bối cảnh phát triển mới, các yếu tố về giá trị văn hóa, giá trị thương hiệu đã và đang trở thành nguồn động lực quan trọng để giúp tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững. Sức mạnh cội nguồn văn hóa cùng với nhân tố văn hóa trong kinh tế được nhận diện là một trong ba trụ cột phát triển của đất nước và của địa phương. Văn hóa được coi là “hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc”, đồng thời là “sức mạnh mềm” góp phần củng cố vị thế, năng lực của đất nước và địa phương.
Nhân dịp này, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với ông Phạm Quang Ngọc – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhằm luận bàn về bản sắc Ninh Bình cũng như giá trị của Quần thể danh thắng Tràng An, hướng tới xây dựng Quần thể nói riêng và Ninh Bình nói chung trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ.
PV: Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An đến nay đã tròn 10 năm được tổ chức Di sản Thế giới công nhận. Đây cũng là Di sản đặc biệt, là một thành phần quan trọng trong chuỗi những giá trị văn hoá, lịch sử, du lịch của tỉnh Ninh Bình. Vậy, xin Ông có thể cho biết vị trí, vai trò của Di sản danh Thắng Tràng An đã được hoạch định trong kế hoạch xây dựng thương hiệu địa phương của tỉnh Ninh Bình hiện nay?
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc: Ninh Bình là tỉnh nhỏ, diện tích tự nhiên khoảng 1.412 km², với địa hình phân thành 3 vùng sinh thái rõ rệt được ví như một Việt Nam thu nhỏ (gồm: vùng núi phía Tây, vùng đồng bằng xen kẽ với núi đá vôi, vùng đồng bằng, bãi bồi ven biển), tỉnh được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, đặc sắc với nhiều danh lam thắng cảnh gắn với truyền thống văn hóa, lịch sử vô cùng hào hùng, như Quần thể danh thắng Tràng An, Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, Nhà thờ đá Phát Diệm, Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước Vân Long…
Với địa hình đa dạng cùng bề dày lịch sử – văn hóa, tỉnh Ninh Bình còn có nhiều di tích lịch sử – văn hóa quan trọng mang tầm quốc gia và quốc tế. Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có 81 di tích xếp hạng cấp quốc gia, trong đó có 3 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 1 di sản thế giới (Quần thể danh thắng Tràng An), 5 bảo vật quốc gia và 314 di tích xếp hạng cấp tỉnh cùng 466 di sản văn hóa phi vật thể đã kiểm kê (trong đó có 04 di sản đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia), phản ánh tương đối toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của người Ninh Bình nói riêng, người Việt Nam nói chung từ xưa đến nay.
Đặc biệt, Ninh Bình là một trong 3 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng (cùng thành phố Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh) và một trong 8 tỉnh, thành phố trong cả nước có di sản thế giới, Ninh Bình là nơi duy nhất trong cả nước và khu vực Đông Nam Á sở hữu Di sản kép, được tổ chức UNESCO ghi danh, đó là Quản thể danh thắng Tràng An là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới công nhận vào năm 2014 và năm 2022. Tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Tổng Giám đốc UNESCO ghi nhận Quần thể danh thắng Tràng An là một trong những mô hình mẫu mực, tiêu biểu nhất trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững.
Quần thể danh thắng Tràng An nằm cách Thủ đô Hà Nội khoảng hơn 90km về phía Nam trên trục đường Quốc lộ 1A xuyên Bắc – Nam, giáp thị xã Ninh Bình có trục đường sắt xuyên Bắc Nam, lại nằm trong vùng Sơn Nam Hạ với những cảnh quan thiên nhiên được kết hợp thi vị giữa núi, sông, rừng cùng nhiều hang động. Sự kết tinh giữa con người và thiên nhiên đã tạo nên cho khu du lịch này một môi trường văn hóa, lịch sử, cảnh quan đặc sắc và kỳ thú. Hơn nữa, Quần thể danh thắng Tràng An bao gồm nhiều di tích danh thắng nơi đây đã được Chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng như Khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc – Bích Động, chùa Bái Đính, cố đô Hoa Lư…
Với vị trí như trên, Quần thể có điều kiện thuận lợi để xây dựng các tuyến kết hợp, dài ngày và phát triển các loại hình du lịch như du lịch lịch sử, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch lễ hội – tâm linh, du lịch khám phá hang động kỳ thú, du lịch leo núi mạo hiểm, du lịch vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh, ẩm thực, du lịch nghiên cứu khoa học lịch sử… Đây cũng được xác định là khu du lịch trọng điểm của ngành Du lịch Ninh Bình, khu du lịch tổng hợp có tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Đây là lợi thế của tỉnh trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương. Công việc này không chỉ đơn giản là một chiến lược truyền thông, một khẩu hiệu, một vài hình ảnh hoặc một biểu tượng cho địa phương mà còn bao gồm nhiều điều hơn thế, đó là giá trị vô hình mang nhận thức tích cực về một địa phương.
Thương hiệu địa phương mang lại nhiều lợi ích, không chỉ cho địa phương và công dân địa phương đó mà còn cho tất cả các bên liên quan. Vì vậy, chính quyền địa phương, tổ chức và người dân cần nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu điểm đến, khai thác điểm mạnh và có những chiến lược phát triển thích hợp nhằm nâng cao vị thế của địa phương trong lòng công chúng trong và ngoài nước. Do vậy, xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương là xu thế tất yếu và một quá trình lâu dài, bền bỉ, nhất quán, đòi hỏi nhận thức cao nhất của chính quyền địa phương và sự quan tâm, đồng hành của nhiều bên đối tác liên quan.
Định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong thời gian tới được xác định là “Phát triển nhanh và bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội, trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của địa phương, cốt lõi là lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa – lịch sử, cảnh quan thiên nhiên cùng truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư làm nguồn lực và động lực phát triển”. Đối với ngành, lĩnh vực, công nghiệp được xác định là động lực, là nền tảng phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững; tạo nền tảng khai thác có hiệu quả và bảo vệ giá trị văn hóa lịch sử Di sản thiên nhiên văn hóa thế giới Tràng An, từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực. Theo đó, 3 khát vọng, mục tiêu tổng quát của tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xác định như sau: là một trong những tỉnh khá, phát triển toàn diện, nhanh và bến vững của vùng đông bằng sông Hồng, là một trong những trung tâm du lịch cấp quốc gia, đẳng cấp quốc tế, là miền đất đáng sống, an toàn và thân thiện.
PV: Ninh Bình hướng tới phát triển Đô thị di sản thiên niên kỷ, Theo Ông, Quần thể danh thắng Tràng An sẽ kế thừa và phát triển các yếu tố, tiềm năng gì để cùng hướng tới phát triển thành đô thị di sản Thiên niên kỷ của Ninh Bình?
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc: Quần thể danh thắng Tràng An được hình thành trên một vùng đất lịch sử, giàu truyền thống văn hóa. Vùng đất xa xưa từng là kinh đô của nước Đại Cổ Việt từ năm 968 đến 1010. Vùng đất này có rất nhiều di tích lịch sử – văn hóa tôn giáo… Toàn khu có 47 hạng mục di tích lịch sử – văn hóa.
Các di chỉ khảo cổ học
Việc phát lộ ra hệ thống hang động Tràng An trong quần thế Cố đô Hoa Lư có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Sự kiện này xảy ra đồng thời với việc phát lộ ra Hoàng thành Thăng Long, đã khẳng định sự đúng đắn của việc định đô của Vua Đinh Tiên Hoàng tại Hoa Lư, thời kỳ đầu của một Nhà nước phong kiến tập quyền. Đó là căn cứ quan trọng để vua khẳng định độc lập chủ quyền của dân tộc trên cơ sở sức mạnh của dân tộc. Đây là gạch nối giữa Hoa Lư và Thăng Long, làm cho người dân Ninh Bình và nhân dân cả nước nói chung đều có sự hồi tưởng lại những sự kiện lịch sử đã diễn ra ở kinh thành Hoa Lư và những sự nối tiếp ở kinh thành Thăng Long cho đến Hà Nội hôm nay. Tại các hang động trong quần thể xuyên thủy động Tràng An còn lưu giữ nhiều chứng tích lịch sử của một kinh đô với ba triều đại kế tiếp: Đinh, Tiền Lê, Lý. Những phế tích quan trọng khẳng định nơi đây từng là nơi sinh hoạt của các phân quyền ngày xưa ở thế kỷ XIV dưới thời nhà Trần như nồi gốm, bát đĩa cố. Điều đặc biệt là các phế tích này rất giống các phế tích thấy ở Hoàng thành Thăng Long.
Giá trị văn hóa
Quần thể xuyên thủy động Tràng An không chỉ có giá trị về sinh thái tự nhiên, về giá trị cổ học mà còn chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa. Mỗi hang động mang một cái tên riêng, gắn với một truyền thuyết, quan niệm mang đậm tính văn hóa như hang Seo Lớn, hang Si, hang Ao Trai, hang Nấu Rượu, thung Láng, thung Mây, thung Khống, núi Vua, núi Chúa, núi Ông Trang…
Các di tích lịch sử – văn hóa
Tràng An còn là vùng đất chứa đựng nhiều di tích lịch sử, văn hóa với Cố đô Hoa Lư, Đên Trấn, Phủ Khổng, hồ Đàm Thị, chùa Bái Đính. Ngay trong quần thể xuyên thủy động xen với khung cảnh thiên nhiên, nằm trong các thung là những ngôi đền, phủ cổ kính, tĩnh mịch mang đậm giá trị nghệ thuật kiến trúc.
Khu tâm linh núi chùa Bái Đính: Chùa Bái Đính tọa lạc trên núi Bái Đính. Núi Bái Đính hiện còn giữ được nét nguyên sơ của núi rừng xa xưa, cây cối tươi tốt, có nhiều cây cao to bao phủ núi non, xanh mướt một màu dịu mát. Hiện nay, khu núi chùa Bái Đính được quy hoạch 390ha. Đến thăm chùa Bái Đính, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoành tráng của điện Tam Thế – nơi đất 3 pho tượng Tam Thế bằng đóng, mỗi pho năng 50 tấn. Chùa Pháp Chủ là nơi đặt tượng Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nguyên khối năng 100 tấn. Trong khu còn có hành lang La Hán gồm 500 pho tượng La Hán. Trong tương lai, khu tâm linh núi chùa Bái Đính là công viên văn hóa và Học viên Phật giáo, trung tâm Phật giáo lớn của quốc gia và khu vực. Đây còn thể hiện tính độc đáo hiếm có của một khu du lịch văn hóa tâm linh, là một trong những điểm nhấn của Quần thể danh thắng Tràng An.
Các lễ hội
Các lễ hội cũng là tài nguyên du lịch rất quan trọng của Quầ thể Tràng An cần được chú trọng đầu tư phát triển. Do được xây dựng trong một không gian văn hóa lại trên một mảnh đất có truyền thống hàng nghìn năm – Cố đô Hoa Lư nên toàn khu Tràng An có nhiều lễ hội gắn với các di tích lịch sử – văn hóa và danh thắng như Lễ hỏi đến Đính – Lê (Lễ hỏi Trường Yên tổ chức ngày mùng 10 đến 13/3 âm lịch hàng năm) tại xã Trường Yên; Lễ hội Thái Vì tổ chức từ ngày 14 đến 17/3 âm lịch hàng năm tại thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư; Lễ hội núi chùa Bái Đính được tổ chức hàng năm vào ngày mồng 6 tháng Giêng tại thôn Sinh Dược, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn.
Làng nghề truyền thống
Quần thể Tràng An bao gồm địa phận 6 xã thuộc 3 huyện cho nên có nhiều làng truyền thống, nhưng nổi bật nhất, có ý nghĩa với việc phát triển loại hình du lịch cộng đồng có thể kể đến làng nghề thêu ở thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư; nghề chạm khắc đá cổ truyền Ninh Vân.
Có thể khẳng định Quần thể danh thắng Tràng An sở hữu tài nguyên du lịch khá đa dạng, phong phú. Toàn khu nằm trong rừng sinh thái tự nhiên văn hóa. Địa hình đa dạng có sự kết hợp với các yếu tố tự nhiên khác. Đồng thời, lại nổi trội nằm trên một vùng đất “Cố đô” của nước Đại Việt đã tạo cho Quần thể sự nổi trôi về tính đa dạng và phong phú của tài nguyên du lịch, được thể hiện trong cả nhóm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn.
Quần thể có nhiều loại tài nguyên du lịch đặc sắc, độc đáo, có khả năng khai thác cao để phát triển sản phẩm du lịch hấp dẫn có khả năng cạnh tranh cao không chỉ trong vùng mà còn có tầm vóc quốc gia và quốc tế với phong cảnh núi rừng hang động kết hợp còn hầu như là nguyên sơ, tạo cho du khách một cảm giác mới lạ, thích thú tham quan, đan xen là những giá trị văn hóa của các di tích lịch sử. Do vị trí ưu đãi nên khả năng khai thác các giá trị tài nguyên du lịch của Quần thể rất thuận lợi.
Có thể nói, tài nguyên thiên nhiên ở đây được hình thành bởi đặc điểm tổng hợp của các yếu tố địa chất địa hình, khí hậu, thủy văn, thảm thực vật và hệ động vật khá đặc sắc. Sự có mặt có các yếu tố này cùng nguồn tài nguyên nhân văn xen kẽ rất thuận lợi để phát triển cả loại hình du lịch sinh thái tự nhiên lẫn du lịch sinh thái nhân văn. Và đó cũng là lý do của sự cần thiết xây dựng mô hình du lịch sinh thái cộng đồng nhằm bảo vệ môi trường tài nguyên cũng các giá trị văn hóa – lịch sử của khu du lịch.
PV: Cuối cùng, xin Ông cho biết để hướng tới phát triển đô thị di sản bền vững, khu di sản danh Thắng Tràng An cần định dạng phát triển bản sắc như thế nào để xây dựng thương hiệu riêng của địa phương?
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc: Trên cơ sở những giá trị nổi bật riêng có vẻ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, truyền thống văn hóa lịch sử và kết quả thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong thời gian vừa qua, trong thời gian tới, tôi xin phép gợi mở và đưa ra một số nội dung sau để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển Ninh Bình nhanh và bền vững trong bối cảnh mới:
Thứ nhất, cần xác định rõ vấn đề và đổi mới cách tư duy về bảo tồn và phát triển di sản địa phương.
Thứ hai, xây dựng Chiến lược marketing địa phương gắn với định vị mới về Ninh Bình. Để tăng cường thu hút đầu tư một cách hiệu quả, đòi hỏi các địa phương phải có những cách thức và giải pháp nhằm tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến và thu hút các nhà đầu tư, do vậy, xây dựng một chiến lược marketing địa phương là yếu tố vô cùng cần thiết.
Thứ ba, xây dựng đô thị di sản gắn với đô thị 4.0
Trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các quốc gia và địa phương cần nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách hình thành các đô thị hiện đại theo hướng tích hợp. Vì vậy, để định vị tương lai phát triển của tỉnh Ninh Bình, thì cũng cần có định hướng Chiến lược trong việc hình thành đô thị di sản gắn với đô thị 4.0, bởi (1) Là cửa ngõ, là trung tâm để Ninh Bình kết nối với thế giới; (2) Là môi trường sống lý tưởng của các thương nhân và gia đình họ từ khắp nơi trên thế giới; (3) Với sự hỗ trợ của công nghệ các khu đô thị gắn với kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững; (4) Cho phép thí điểm mô hình chính quyền đô thị hiện đại; (5) Đây sẽ là môi trường để thử nghiệm những ý tưởng mới, sáng tạo, gắn với những xu hướng mới như: công nghệ block chain, kinh tế tri thức, kinh tế số, và kinh tế tuần hoàn.
Thứ tư, xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa
Trong các ngành kinh tế, công nghiệp văn hóa là một ngành kinh tế trẻ và chỉ thực sự được biết đến nhiều trong vài năm trở lại đây kể từ sau khi khái niệm này được nhắc đến trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Trong đó, các lĩnh vực của công nghiệp văn hóa được kỳ vọng sẽ trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm. Hiện nay, trong quá trình xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa, tỉnh Ninh Bình cần có hướng đi đúng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy được lợi thế của địa phương, phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường, được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, phố biến tiêu dùng. Đồng thời, phát triển công nghiệp văn hóa phải gắn liền với việc quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người Ninh Bình, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.
Thứ năm, đổi mới phương thức huy động và phân bổ nguồn lực.
Trên quan điểm về huy động tổng thể các nguồn lực, không chỉ ở góc độ nguồn lực về tài chính, tỉnh Ninh Bình cần có giải pháp, cơ chế chính sách như thế nào để có thể huy động tổng thế các nguồn lực (ngân sách nhà nước, người dân và doanh nghiệp) gắn với sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên; với trọng tâm như sau:
Tăng cường sự bền vững nguồn lực cho Ngân sách nhà nước cả về quy mô và cơ cấu thông qua việc tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cơ cấu lại nên kinh tế gắn với chuyến đổi mô hình tăng trưởng và các giải pháp tổng thể về thuế, phí theo quy định;
Tăng cường hiệu quả việc huy động, phân bố và sử dụng nguồn lực tài chính công, bảo đảm “đầu tư công dẫn đất đầu tư”, “đầu tư công lôi kéo đầu tư xã hội”, hướng nguồn lực công đến các địa chỉ mà khu vực tư nhân không thể tham gia hoặc đồng thời góp phần hình thành các nền tảng “kích thích sự tham gia của khu vực tư nhân qua các cơ chế tạo động lực, hỗ trợ phù hợp, phân bổ theo hướng vận dụng nguyên tắc cạnh tranh, tăng cường tính tập trung, tập trung vào những lĩnh vực tạo ra các giá trị kinh tế gắn với việc làm và nguồn thu ngân sách của tỉnh.
Đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi thông nguồn lực và đẩy mạnh phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, theo định hướng thu hút đầu tư và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân và tạo thêm dư địa cho lĩnh vực thu ngân sách nhà nước.
PV: Trân trọng cảm ơn Ông!
bình luận