Để thị trường công trình xanh Việt Nam cất cánh?(15/03/2021)
(TCKTVN 231) – Việt Nam nên tập trung vào hai chính sách ‘đòn bẩy’
PGS.TS Phạm Thúy Loan – Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng)
Theo kết quả của Nhiệm vụ KHCN trọng điểm của Bộ Xây dựng “Nghiên cứu Hướng dẫn Phát triển CTX ở Việt Nam” do Viện Kiến trúc Quốc gia thực hiện 2018-2019, mặc dù thị trường CTX Việt Nam đã hình thành, các chủ thể chính của thị trường như các nhà đầu tư tâm huyết, lực lượng tư vấn xanh, các tổ chức đánh giá chứng nhận CTX đã xuất hiện nhưng Nhà nước chưa thể hiện được vai trò của mình thông qua những chính sách và giải pháp quyết liệt, cụ thể để thúc đẩy sự phát triển CTX ở Việt Nam.
Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường CTX Việt Nam tăng trưởng chậm chạp.
Trong khung chính sách CTX của nhiều nước trên thế giới, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm ở tất cả các nhóm chính sách. Tuy nhiên, Việt Nam nên tập trung vào hai chính sách đòn bẩy. Đó là lựa chọn bộ chứng chỉ CTX chính thức và đề xuất lộ trình áp dụng CTX cho các công trình vốn ngân sách.
Nhiệm vụ KHCN trên, sau khi đánh giá, so sánh các bộ công cụ CTX hiện đang được áp dụng phổ biến ở Việt Nam về các mặt như sự phù hợp với đặc điểm riêng của Việt Nam về điều kiện khí hậu và pháp lý, mức độ đơn giản – dễ sử dụng, tiện dụng về ngôn ngữ và phù hợp về chi phí, sự sẵn có các chuyên gia đánh giá và kinh nghiệm vận hành của tổ chức, và một số tiêu chí khác, thì đề xuất chọn bộ công cụ LOTUS do Hội đồng CTX Việt Nam phát triển làm bộ công cụ cơ bản, áp dụng cho các công trình đầu tư sử dụng vốn công, và là cơ sở để tính toán ban hành các ưu đãi chi tiết đối với các công trình sử dụng nguồn vốn xã hội. Theo đó, Nhiệm vụ cũng đề xuất với các đầu tư mới và sửa chữa lớn sử dụng vốn công, cần bắt buộc áp dụng CTX theo chuẩn LOTUS theo lộ trình, bắt đầu từ những công trình quy mô lớn, các thành phố lớn, dần mở rộng áp dụng triệt để đối với mọi công trình và trên tất cả các địa phương.
LOTUS có 4 mức độ: đạt, bạc, vàng, bạch kim. Hiện nay với tình hình thực tiễn của Việt Nam chỉ cần yêu cầu các công trình công thực hiện CTX LOTUS ở mức đạt. Mức này không quá khó, chi phí phát sinh chỉ chiếm khoảng 1% tổng mức đầu tư. Vì vậy có thể áp dụng ngay bằng cách cho phép trích 1% từ dự phòng phí (5%) trong tổng mức đầu tư công trình để thực hiện CTX. Sau 3 năm cần kiểm tra, đánh giá thực tế trên các công trình đã làm để có thể điều chỉnh chính sách và kinh phí cho sát thực và hiệu quả.
Với khu vực đầu tư vốn tư nhân, tất cả các bộ công cụ khác vẫn có thể được áp dụng, được khuyến khích và tạo điều kiện./.
Phong trào CTX Việt Nam cần có một tổ chức chính phủ điều hành
PGS.TS Phạm Đức Nguyên – Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam
Nguy cơ Biến đổi khí hậu trái đất đang diễn biến ngày một trầm trọng hơn, và Việt Nam sẽ là một trong ba quốc gia có thể chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng này. Hơn 100 quốc gia trên thế giới đang nỗ lực thực hành cuộc “Cách mạng CTX” trong lĩnh vực xây dựng để cứu Trái đất. Chúng ta không thể đứng ngoài, mà phải có một khởi đầu mạnh mẽ để nhanh chóng phát triển Phong trào CTX, chung tay cứu Trái đất và cứu chính đất nước ta.
Hiện nay trên thế giới có hai mô hình lãnh đạo và thực hành CTX.
Mô hình 1: Phong trào CTX do các tổ chức phi chính phủ, gọi là các “Hội đồng CTX/Green Building Council” điều hành. Nhiều nước phát triển như Mỹ, Úc, châu Âu… và cả Malaysia cũng theo mô hình này. Tuy nhiên, họ cũng được sự ủng hộ của chính quyền. Ví dụ Thống đốc Bang California yêu cầu các công trình muốn được cấp phép xây dựng ở đây phải đạt từ chứng chỉ CTX bạc trở lên (trên bạc là vàng và bạch kim).
Mô hình 2: Phong trào CTX do một tổ chức của Chính phủ điều hành, có sự tham gia phối hợp của các tổ chức phi chính phủ, như các Hội, Hội đồng. Các nước Nhật Bản, Đài Loan, Trung quốc, Singapore,… theo mô hình này. Ví dụ BCA (Building and Construction Authority) của Singapore là một cơ quan do chính phủ trực tiếp điều hành, cấp chứng chỉ CTX và đưa ra các kế hoạch phát triển CTX. Hội đồng CTX Singapore chỉ phối hợp thực hiện và cấp “Chứng chỉ công nghệ xanh”.
Chúng tôi kiến nghị ở Việt Nam cần có một cơ quan nhà nước (ví dụ Bộ Xây dựng, hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường) đứng ra nhận trách nhiệm trọng đại này (theo Mô hình 2, như Singapore) mới có thể dần dần đuổi kịp phong trào này trên thế giới.
Tiếp theo, cần ban hành ngay “Hệ thống tiêu chí CTX Việt Nam” được Hội đồng lãnh đạo quốc gia CTX phê duyệt. Mỗi hệ thống đánh giá phải xét đến điều kiện xây dựng (công nghệ và vật liệu), điều kiện khí hậu (đặc biệt vùng nhiệt đới ẩm Việt Nam), hệ sinh thái địa phương, và cả văn hóa sống của từng dân tộc. Trên thế giới, ngoài Hệ thống đầu tiên BREEAM của Anh và LEED của Mỹ (được nhiều nước phát triển), các nước trong khu vực đều có hệ thống đánh giá riêng, như: Green Building Index (Malaysia), BCA Green Mark (Singapore), EEWH (Đài Loan), Green Building Label (Trung Quốc), CASBEE (Nhật Bản), Green Star (Úc),…
Bên cạnh đó, còn phải tiếp tục nghiên cứu xây dựng các Hệ thống tiêu chí đánh giá riêng biệt cho mỗi loại công trình, như các nước đã làm. Tại Mỹ đã có 12 Hệ thống đánh giá cho các loại công trình xây dựng. BCA Singapore còn có cả Hệ thống đánh giá cơ sở hạ tầng, đặc biệt đánh giá các công viên (hiện có và mới).
Để khuyến khích phong trào CTX trong giai đoạn đầu, nhà nước cần có chính sách khuyến khích như giảm thuế, giảm lãi suất ngân hàng, ưu tiên cấp phép xây dựng, có giải thưởng và cả sự tôn vinh của xã hội. Theo kinh nghiệm nhiều nước, những bước đi đầu tiên bao giờ cũng khó khăn, nhưng sau đó phong trào sẽ lớn mạnh nhanh chóng.
CTX không phải là một cuộc thi công trình xây dựng, mà là một phong trào trong toàn lĩnh vực xây dựng. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể góp sức cùng toàn thế giới chống lại Biến đổi khí hậu./.
Những nhiệm vụ trọng tâm mà bộ xây dựng cần thực hiện để thúc đẩy sự phát triển CTX tại Việt Nam
Ông Nguyễn Trung Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng)
Để thúc đẩy sự phát triển CTX ở Việt Nam, Bộ Xây dựng giữ vai trò quan trọng nhất. Một số nhiệm vụ trọng tâm cần được thực hiện ngay, làm cơ sở để áp dụng các chính sách và biện pháp thúc đẩy khác, đồng thời góp phần triển khai thực sự các chương trình vĩ mô như Chiến lược quốc gia, Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cụ thể, cần quan tâm vào các vấn đề chính sau đây:
Hoàn thiện các quy định của pháp luật:
Ngày 17/6/2020, Luật sửa đổi một số điều của Luật Xây dựng đã được công bố. Theo đó, Điều 10, Khoản 4 đã nêu rõ “Nhà nước khuyến khích hoạt động đầu tư, chứng nhận công trình xây dựng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên và bảo đảm các yêu cầu bảo vệ môi trường”. Căn cứ các tiêu chí, tiêu chuẩn của quốc tế đã được sử dụng phổ biến ở Việt Nam và thế giới, có thể nói đây thực chất là CTX, công trình hiệu quả năng lượng (CTHQNL). Do đó, cần phải làm rõ trong các nghị định, thông tư thi hành Luật Xây dựng các thuật ngữ CTX, CTHQNL; Đồng thời lồng ghép, đưa ra các hướng dẫn cụ thể về thực hiện CTX, CTHQNL vào các văn bản dưới Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (như Nghị định quản lý dự án, Nghị định về quản lý vật liệu xây dựng, Thông tư hướng dẫn đánh giá, chứng nhận công trình hiệu quả, CTX…).
Phát triển hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn:
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy Bộ Xây dựng cần phải hoàn thiện và nâng cấp hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm hỗ trợ thực hiện thiết kế, thi công và vận hành CTX, CTHQNL. Hiện nay, chúng ta đã có QCVN 09:2017/BXD về Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả. Với sự hỗ trợ của dự án EECB, 11 tiêu chuẩn có liên quan đến vật liệu xây dựng, đánh giá hiệu quả năng lượng của tòa nhà đã được thiết lập. Tuy nhiên, cần phải sớm triển khai hàng loạt các tiêu chuẩn kỹ thuật khác có liên quan đến vật liệu, thiết kế lắp đặt trang thiết bị công trình, đánh giá hiệu quả năng lượng của vật liệu và thiết bị, hiệu quả năng lượng của tòa nhà. Tác giả đã kiến nghị danh mục hơn 50 tiêu chuẩn quốc tế có thể chuyển dịch và áp dụng tại Việt Nam.
Thiết lập định mức năng lượng sử dụng trong các công trình xây dựng:
Định mức năng lượng sử dụng trong các công trình xây dựng đã được quy định trong Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (2010). Tuy nhiên cho đến nay, với sự hỗ trợ của dự án EECB, đã khảo sát được 165 công trình và thiết lập định mức năng lượng cho các tòa nhà văn phòng, thương mại, dịch vụ, khách sạn trên 3 vùng của Việt Nam. Kết quả khảo sát của dự án EECB (GEF, UNDP tài trợ Bộ Xây dựng) cho thấy năng lượng sử dụng trong các cơ quan công sở nhà nước cao gấp 2 lần so với văn phòng làm việc cho thuê.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy định mức năng lượng là công cụ đắc lực để quản lý sử dụng năng lượng trong các công trình xây dựng. Tại Trung Quốc, tất cả các công trình công sở nhà nước phải là công trình được chứng nhận hiệu quả năng lượng. Vấn đề cần phải thực hiện là hoàn thiện định mức năng lượng, ban hành và áp dụng cho các công trình xây dựng trên cả nước. Đây là chỉ tiêu quản lý quan trọng trong quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành công trình. Tại Việt Nam, vấn đề này cần phải được áp dụng theo lộ trình khi đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo trụ sở cơ quan nhà nước.
Ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật đối với CTX, CTHQNL, làm cơ sở thúc đẩy phát triển CTX, CTHQNL đối với các công trình được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước;
Đưa ra khung tiêu chí, tiêu chuẩn chứng nhận CTX, CTHQNL:
Một trong những chính sách quan trọng để thúc đẩy hoạt động đầu tư, chứng nhận CTX, CTHQNL là Nhà nước có hướng dẫn thống nhất về tiêu chí, tiêu chuẩn cho các loại công trình này. BXD dự kiến đưa ra khung các tiêu chí, tiêu chuẩn CTX dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn chung của thế giới, phản ánh nội dung tại Điều 10, Khoản 4 của Luật Xây dựng, đồng thời vẫn tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp hoặc khoa học thiết lập tiêu chí, tiêu chuẩn CTX, hoặc thừa nhận các tiêu chí, tiêu chuẩn quốc tế dựa trên khung tiêu chí tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng hướng dẫn. Đối với CTHQNL, chúng ta đã có TCVN ISO 52000, TCVN 52003 với các nội dung về quy trình, phương pháp đánh giá, phân hạng và chứng nhận CTHQNL. Do đó, Bộ Xây dựng cần tổ chức và hướng dẫn hoạt động đánh giá, chứng nhận CTHQNL theo yêu cầu của các tiêu chuẩn này./.
Thúc đẩy sự phát triển nhà ở xanh và hiệu quả năng lượng
Ông Hà Quang Hưng – Phó Cục nhà ở và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng)
Nhà ở là thị trường xây dựng lớn nhất của Việt Nam. Trong giai đoạn 2010-2018, trung bình mỗi năm tăng 3,2 triệu m2 nhà ở chung cư. Đến hết năm 2018, cả nước có khoảng 38,8 triệu m2 nhà ở chung cư; Trong đó phân khúc nhà ở trung bình, nhà ở giá rẻ rất lớn chiếm khoảng 2/3 thị trường nhưng vẫn chưa được khai thác về sử dụng hiệu quả năng lượng. Tỉ trọng số lượng công trình nhà ở thực hiện CTX chỉ chiếm 1% trên toàn thị trường nhà ở, một con số có tính báo động về “sự chậm trễ” trong lộ trình xanh hoá, mà nguyên nhân chính là do (1) Sự thiếu quan tâm, thiếu hiểu biết của người mua, thuê nhà về vấn đề năng lượng và xanh khi cân nhắc việc mua, thuê nhà; Chính vì vậy (2) các chủ đầu tư (đặc biệt là chủ đầu tư của phân khúc nhà ở giá bình dân) cũng không quan tâm và không hào hứng thực hiện các dự án xanh; Đồng thời (3) cũng chưa có chương trình tuyên truyền nâng cao hiểu biết và nhận thức của toàn bộ thị trường; Và quan trọng hơn cả là (4) chưa có các chính sách khuyến khích, ưu đãi cụ thể và hiệu quả để kích cầu thị trường nhà ở tiết kiệm năng lượng và xanh đối với cả bên cung và bên cầu.
Vì vậy, cần có những giải pháp đồng bộ và tích hợp để tác động vào toàn bộ thị trường nhà ở:
Trước tiên cần thực hiện các chương trình tuyên truyền phổ biến cho người có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở về tầm quan trọng của nhà ở sử dụng hiệu quả năng lượng, nhằm kích cầu thị trường nhà ở sử dụng hiệu quả năng lượng thông qua các đề án, dự án cụ thể;
Xây dựng các cơ chế ưu đãi khuyến khích nhà đầu tư phát triển thị trường nhà ở hiệu quả năng lượng. Ban hành chiến lược phát triển nhà ở hiệu quả năng lượng làm cơ sở cho chương trình, kế hoạch xây dựng nhà ở sử dụng hiệu quả năng lượng để địa phương căn cứ, thực hiện Chương trình kích cầu thị trường nhà ở sử dụng hiệu quả năng lượng.
Chương trình hành động cụ thể hơn, cần phát triển các dự án “nhà ở thương mại giá thấp sử dụng hiệu quả năng lượng”. Bộ Xây dựng, PEEB và GIZ đang phối hợp để kêu gọi nhà tài trợ bố trí nguồn vốn để thực hiện Chương trình này, theo đó có thể huy động 1,2 tỷ Euro từ các nhà đầu tư tiềm năng (không yêu cầu bảo lãnh của Chính phủ), bố trí cho từng giai đoạn. Dự kiến giai đoạn 2020-2025: 200 triệu eure; Giai đoạn 2025-2030: 600 triệu euro; Giai đoạn 2030-2035: 400 triệu euro. Sau đó, ở giai đoạn 2, sử dụng kết quả của giai đoạn 1 là các tòa nhà ở tiết kiệm năn gluownjg và xanh để làm hình mẫu tuyên truyền cho chính quyền, chủ đầu tư và người dân, hướng đến nâng cao nhận thức và tạo lập nhu cầu cho thị trường nhà ở sử dụng tiết kiệm năng lượng. Căn cứ kinh nghiệm thực tế và ý kiến của các tổ chức, cá nhân liên quan, Chính phủ ban hành cơ chế chính sách để khuyến khích việc phát triển nhà ở sử dụng hiệu quả năng lượng cũng như các chế tài trong việc sử dụng lãng phí năng lượng./.
Thách thức & giải pháp phát triển CTX tại Việt Nam – từ góc nhìn của một đơn vị tư vấn xanh
Ông Đỗ Hữu Nhật Quang – Công ty Tư vấn CTX GREENVIET
Có thể nói, sự phát triển CTX ở Việt Nam hiện nay đã có những thuận lợi nhất định: Đã có hơn 150 CTX tiên phong, chi phí và lợi ích của CTX ở một chừng mực nào đó đã được kiểm chứng; Đã xuất hiện những chuỗi CTX; Sự cạnh tranh giữa các chủ đầu tư bắt đầu xuất hiện và nhiều chủ đầu tư chọn “xanh” như một giải pháp tạo thương hiệu trên thị trường; Và đã có sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước và nhiều tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều các tồn tại lớn: Các chủ đầu tư lớn chưa sẵn sàng: Chưa có tập đoàn bất động sản lớn nào thực hiện chương trình đầu tư CTX, công trình tiết kiệm năng lượng; Vì thị trường chưa lớn nên nhìn chung tư vấn thiết kế và nhà thầu chưa quan tâm đúng mức; Chi phí tư vấn, xây dựng tăng thêm chưa được hiểu đầy đủ nên gây tâm lý e ngại; Và trên hết, chưa có sự quyết liệt thúc đẩy từ phía Nhà nước.
Do vậy các giải pháp ngắn hạn đặt ra là:
Tập trung thuyết phục chủ đầu tư (lớn): Tư vấn thiết kế, Nhà thầu bắt buộc phải thực hiện CTX; Sẽ có nhiều CTX sau dự án đầu tiên. Rất cần cơ chế ưu đãi kích thích ban đầu. Nếu ngân sách có hạn, mỗi chủ đầu tư có thể được hưởng ưu đãi cho 01 công trình đầu tiên thực hiện xanh. Tiêu chí chọn lựa công trình nhận ưu đãi nên là các công trình quy mô vừa đến lớn; Phải có tư vấn xanh tham gia từ đầu; Cần có báo cáo phân tích lợi ích do việc áp dụng CTX để rút kinh nghiệm và nhân rộng.
Rất cần mạnh dạn thử nghiệm CTX với các công trình vốn ngân sách: Chọn công trình đã có thiết kế cơ sở và công trình triển khai từ đầu, thử nghiệm cho 5-10 công trình tiêu biểu; Từ đó rút ra các thông tin kinh nghiệm cụ thể làm cơ sở cho việc ban hành các chính sách cụ thể để nhân rộng.
Các giải pháp trong dài hạn (nhưng cần thực hiện ngay): Bộ Xây dựng cần đứng ra chủ trì một chương trình hành động liên thông bộ, có sự phối hợp của các bộ khác, như: Bộ Công Thương cần san sẻ ngân sách từ việc giảm đầu tư nhà máy điện & truyền tải; Bộ Tài chính cần điều chỉnh các chính sách về định mức cho các dự án xanh; Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét điều chỉnh việc quy định cấp vốn cho các dự án xanh và tiết kiệm năng lượng; Bộ Tài Nguyên và Môi trường cần phối hợp trong các ưu đãi liên quan đến đất đai; và Bộ Giáo Dục và Đào tạo cần đưa các nội dung phát triển bền vững vào các cấp đào tạo; Bộ Giao Thông Vận tải phối hợp các tuyến giao thông công cộng/xe điện. Như vậy, rất cần một chính sách liên ngành và đồng bộ trong thúc đẩy CTX./.
Cần triển khai sớm các nhiệm vụ cụ thể trên nhiều lĩnh vực
Ông Nguyễn Trung Kiên – Giám đốc công ty VILANDCO, Thành viên ban cố vấn của VGBC:
Đối với cơ quan quản lý nhà nước: Cần sớm ban hành các quy định, thông tư hướng dẫn để định hướng và quản lý các hoạt động về chứng nhận CTX ở Việt Nam; Cần sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về CTX và cập nhật định kỳ các tiêu chuẩn này; Cần có các chỉ dẫn, quy định cho các dự án sử dụng vốn đầu tư công áp dụng chứng nhận CTX; Cần xem xét điều chỉnh mức thiết kế phí & bổ sung chi phí tư vấn, đánh giá và cấp chứng nhận CTX vào định mức; Cần có các chính sách ưu đãi (thuế, thủ tục hành chính, mật độ xây dựng/diện tích sàn xây dựng…) dành cho các thành phần tham gia vào xây dựng CTX.; Cần có các chính sách động viên, khen thưởng cho các cá nhân, tập thể tham gia thực hiện các dự án CTX đạt hiệu quả cao; Cần thu thập thông tin về số lượng các dự án CTX đã và đang triển khai để tiến hành công bố định kỳ; Cần có những tổng kết, đánh giá về hiệu quả của các CTX sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng thành những case study tham khảo
Đối với chủ đầu tư dự án & người sử dụng công trình:
Cần hiểu rõ về lợi ích của CTX, quy trình triển khai thực hiện dự án CTX; Cần hiểu rõ vai trò của chủ đầu tư và các bên liên quan (nhất là tư vấn CTX) trong việc tham gia, phối hợp triển khai dự án đạt được các mục tiêu của CTX; Cần quan tâm tới vấn đề vận hành CTX đúng cách và hiệu quả nhất; Cần nghiên cứu, tìm hiểu các giải pháp công nghệ phù hợp với điều kiện xây dựng và vận hành công trình tại Việt Nam đảm bảo tính khả thi cao và tiết kiệm chi phí; Cần có sự quyết tâm, đồng lòng trong nội bộ công ty đối với các mục tiêu của CTX để đảm bảo các công việc được thực hiện nhất quán từ trên xuống dưới; Cần đánh giá hiệu quả đầu tư đối với các giải pháp áp dụng theo chứng nhận CTX trên toàn bộ vòng đời công trình; Cần thể hiện trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng…
Đối với đơn vị tư vấn thiết kế: Cần nâng cao nhận thức, chuyên môn về thiết kế bền vững. Thể hiện trách nhiệm vì cộng đồng, xã hội; Cần hiểu rõ quy trình, các yêu cầu kỹ thuật đối với các loại chứng nhận CTX phổ biến trên thị trường; Cần tìm hiểu, ứng dụng các phần mềm mô phỏng, BIM để tối ưu giải pháp thiết kế; Cần thủ động tiếp cận các thông tin về công nghệ, vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường; Xây dựng cơ sở dữ liệu để chủ động tư vấn cho chủ đầu tư khi cần; Cần thực hiện các phân tích tài chính cho các giải pháp, phương án đề xuất theo các tiêu chí của CTX
Đối với nhà thầu thi công: Cần hiểu rõ quy trình triển khai dự án CTX và các yêu cầu, quy định liên quan đến việc thi công xây dựng công trình; Cần chủ động và nghiêm túc thực hiện các công việc về quản lý môi trường xây dựng, quản lý rác thải, an toàn lao động… Cần chủ động tiếp cận các thông tin về công nghệ, vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, xây dựng cơ sở dữ liệu để chủ động đặt hàng khi cần; Cần tìm hiểu và lường trước các khó khăn, thách thức khi triển khai công việc như là sản phẩm phải nhập khẩu do không có sẵn ở thị trường trong nước, giá thành cao hơn các sản phẩm thông thường, khó tiếp cận thông tin… để có giải pháp xử lý phù hợp./.
Chương trình thúc đẩy tín dụng xanh cho công trình xây dựng của IFC và triển vọng cho Việt Nam
Bà Đỗ Ngọc Diệp – Quản lý chương trình CTX tại Việt Nam (IFC)
Hiện nay, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới đang triển khai một chương trình “Chuyển đổi Thị trường Công trình” theo hướng xanh cho các thị trường xây dựng mới nổi trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Chương trình của IFC gồm bốn cấu phần để thúc đẩy đầu tư vào CTX, đó là (1) Đầu tư & Tư vấn cho các ngân hàng; (2) Đầu tư & Tư vấn cho ngành Xây dựng; (3) Cấp chứng nhận EDGE và (4) Xây dựng Quy chuẩn & Khuyến khích CTX.
Nhu cầu vốn cho thị trường xây dựng ở Việt Nam đến năm 2025 ước tính: Với khu vực sàn thương mại cần 27,2 tỷ USD, sàn nhà ở 141,6 tỷ USD; Theo đó dự kiến sàn thương mại xanh cần 2,16 tỷ USD, sàn nhà ở xanh cần 20 tỷ USD. IFC sẵn sàng cung cấp vốn vay cho Việt Nam thực hiện chương trình xây dựng xanh thông qua việc giúp các tổ chức ngân hàng có nguồn vốn để cung cấp các gói tín dụng xanh cho các chủ đầu tư nếu họ thực hiện các CTX theo hệ thống chứng nhận EDGE do chính IFC phát triển và quảng bá rộng rãi ở nhiều quốc gia.
EDGE là hệ thống đánh giá chứng nhận công trình hiệu quả năng lượng khá đơn giản và tiện dụng, có thể tiếp cận miễn phí và có khả năng phổ cập cao, với các yêu cầu cắt giảm tối thiểu 20% mức tiêu thụ nước, mức tiêu năng lượng vận hành công trình và năng lượng tiềm ẩn trong các vật liệu sử dụng cho công trình. Áp dụng EDGE tạo ra một hệ thống tổng thể kích hoạt thị trường xây dựng xanh, vì nó mang lại hiệu quả cho tất cả các bên:
Với các ngân hàng: Giúp các ngân hàng khởi động chương trình đầu tư CTX với các gói tín dụng xanh, thế chấp xanh và/hoặc trái phiếu xanh, cho phép tăng thị phần và được công nhận là “ngân hàng xanh” đồng thời giảm thiểu rủi ro.
Với các chủ đầu tư: Các chủ đầu tư bất động sản sẽ có lợi thế cạnh tranh nhờ tạo khác biệt cho sản phẩm, nắm bắt được mọi lợi ích của chi phí cấp chứng chỉ hợp lý, quy trình cấp chứng chỉ đơn giản, và gắn với thương hiệu của nhóm Ngân hàng thế giới:
Với khách hàng mua nhà: Giúp người mua nhà hưởng lợi nhờ tiết kiệm chi phí tiện ích để sử dụng cho mục đích khác và mang lại bảo vệ về tài chính đồng thời mang đến cuộc sống dễ chịu hơn và truyền cảm hứng làm “điều đúng đắn” cho hành tinh./.
Định hướng, đề xuất cho chính sách tín dụng ngân hàng thực hiện tăng trưởng xanh
Bà Phạm Thị Thanh Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Đầu tư lĩnh vực xanh (năng lượng tái tạo, CTX) hiện còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể: Thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường; Nguồn vốn huy động của các tài chính tín dụng (TCTD) chủ yếu là ngắn hạn theo chi phí vốn thương mại trên thị trường; Số dự án, phương án đầu tư và các lĩnh vực xanh chưa nhiều, đặc biệt là số dự án được cấp chứng nhận CTX (năm 2019 chỉ có 70 công trình); Các tiêu chí cụ thể để phân loại ngành/lĩnh vực xanh chưa cụ thể; Chưa có quy định cụ thể về CTX; Bộ tiêu chuẩnkỹ thuật hiện hành về công trình sử dụng năng lượng hiệu quả còn phức tạp; Năng lực của các TCTD trong phát triển các sản phẩm tín dụng xanh mới ở bước đầu.
Do vậy để định hướng chính sách tín dụng hướng tới tăng trưởng xanh cần chú ý đến: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện tín dụng xanh cho các TCTD; Tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường xã hội cho những ngành kinh tế chưa có hướng dẫn; Xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực xanh.
Để triển khai các nội dung hoạt động trong “Sáng kiến các nguyên tắc bền vững ASEAN” cần có những kiến nghị và đề xuất:
Đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Sớm ban hành hướng dẫn về danh mục và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam; Xây dựng lộ trình, cơ chế chính sách (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển) của từng ngành/lĩnh vực đồng bộ; Có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế (trong đó có TCTD) tham gia phát triển CTX.
Đề xuất các Bộ, Ngành: Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu xây dựng và hoàn thiên hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, trong đó có tiêu chuẩn về phát triển xanh; Bộ Xây dựng xây dựng quy chuẩn về công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả dễ sử dụng cho nhà đầu tư, TCTD.
bình luận