Chúng tôi mong muốn…(07/10/2014)

Không phải là những người làm nghề lâu năm, góc nhìn của các bạn sinh viên chuyên ngành Kiến trúc – Quy hoạch từ nhiều vùng miền cũng rất khác. Mỗi người một ý tưởng, một câu chuyện được chia sẻ đầy tâm tư… và trong mỗi con người trẻ ấy đều có chung sự nhiệt huyết và đam mê, mong muốn về việc được xây dựng, được sống và tạo nên một đô thị “hạnh phúc”.

 

“Hạnh phúc là khi ta có một tinh thần lành mạnh”                               

Nguyễn Hoàng Trúc Phương – ĐH Xây dựng Miền Tây

 

Có lẽ lành mạnh – hạnh phúc của một đô thị đối với từng người sẽ mang từng tầng ý nghĩa khác nhau. Song riêng tôi, ý nghĩa của nó là một mục tiêu, một tương lai đồng thời cũng là một niềm trăn trở mà tôi luôn ấp ủ để xây dựng nó đúng nghĩa nhất sau khi ra trường.

Lành mạnh ư? Tôi mường tượng nó như một ánh sáng trong không gian sống, ánh sáng này điều tiết các hoạt động của chúng ta từ sinh hoạt cá nhân cho đến tiếp xúc môi trường bên ngoài. Một không gian lành mạnh phải kể đến một tổ chức không gian tiện nghi và thân thiện với môi trường. Đó là một công trình mà dù lớn hay nhỏ vẫn hài hòa với sự vật chung quanh, đem đến cảm giác cho một không gian khoáng đạt, thư thái. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Thành phố lành mạnh đúng nghĩa không thể thiếu các yếu tố khác kết hợp hài hòa với nhau như: tổ chức y tế, giáo dục hay phúc lợi xã hội… với các yếu tố này thì chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng để nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần xây dựng một cộng đồng sống văn minh và lịch thiệp. Với những quốc gia phát triển, một thành phố lành mạnh luôn là mục tiêu hàng đầu của họ. Họ khuyến khích công dân có lối sống lành mạnh, với chế độ làm việc không quá bốn mươi giờ một tuần để mọi người có thời gian dành cho bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, Chính phủ luôn cung cấp một chế độ y tế chất lượng cao đi song song với các nghiên cứu khoa học, tìm kiếm nhiều biện pháp giảm ô nhiễm môi trường và điều này đã thành công ở nhiều thành phố mà điển hình là Côpenhagen, Đan Mạch.

Bên cạnh một đời sống lành mạnh, để có một đô thị lành mạnh, chúng ta cần phải có cả một tinh thần lành mạnh để có một đô thị hạnh phúc. Hạnh phúc với nhiều người đơn giản chỉ là cơm ăn, chốn ở. Nhưng trước sự biến động của xã hội, hạnh phúc giờ đây là sự cân bằng giữa thời gian dành cho công việc và thời gian dành cho gia đình, bạn bè. Điều gì sẽ tạo nên một thành phố hạnh phúc? Đó có thể có một buổi sáng thức dậy đi làm, hăng say lao động với đồng nghiệp và về nhà với tiếng cười của con cái, bữa cơm ngon cùng gia đình. Và vào một số thời gian trong tuần họ có thể dành cho mình những buổi hẹn hò với bạn bè, một khóa yoga hay làm bất cứ những gì họ thích. Điều đó quá mơ mộng ư? Vâng, với mức độ lao động hiện nay của chúng ta thì những điều đó thực sự xa vời, song chúng ta hãy học tập những quốc gia tiến bộ từ việc nhỏ bé nhất như bỏ rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh môi trường. Chính những điều nhỏ bé này sẽ sớm đưa chúng ta đến với thành phố mơ ước, đó là một thành phố lành mạnh – hạnh phúc đúng nghĩa.

 

“Mong về những kiến trúc thân thiện”

Trịnh Quốc Cường – Sinh viên năm 5 Khoa Kiến Trúc – MTC, ĐH Nguyễn Trãi

 

Cảm nhận của tôi về đô thị Việt Nam hiện nay, Hà Nội nói riêng là một đô thị tấp nập nhưng mệt mỏi. Kiến trúc thì không có định hướng và thiếu thân thiện. Mệt mỏi ở cả cơ sở hạ tầng lẫn dịch vụ xã hội, cơ sở hạ tầng từ các vấn đề tắc đường, đến chỗ để xe trên các vỉa hè chật chội và được người dân chiếm lĩnh kinh doanh. Nhất là vào ngày hè, nóng và oi bức sẽ khiến cư dân ở đây càng mệt mỏi thêm. Mùa mưa thì ngập ở bất cứ đâu mà không lường trước được. Cũng mỗi khi mưa to thì rác từ cống rãnh, từ vô vàn những nơi tập trung rác bị nước đưa đẩy lênh đênh khắp nơi, tạo sự kinh hãi cho người dân và ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Sự thiếu thân thiện ở đa số người dân ngày càng thấy rõ. Một phần vì lối thiết kế nhà ở theo hướng khép kín, đất chật người đông. Phần nữa, Hà Nội bị áp lực bởi dân số từ các địa phương đổ dồn về. Kéo theo đó là các tệ nạn xã hội như trộm cắp, cướp giật và thói quen cảnh giác tự hình thành nên sự thiếu thân thiện với mỗi người dân.

Một nền kiến trúc mặt tiền đô thị hỗn độn từ thói quen làm theo của người dân khi xây dựng và thiếu định hướng của các nhà hoạch định kiến trúc, chính quyền cũng như cơ quan chức năng. Đó chính là bức tranh đầy nham nhở cho một đô thị hiện đại.

Điều tôi thích thú nhất khi ở các đô thị Việt Nam, đặc biệt ở Hà Nội có lẽ chính là sự tấp nập nhộn nhịp và đa dạng kiến trúc. Tấp nập phố xá giao thông, tấp nập kẻ buôn người bán ở mọi nơi, mọi lúc miễn là có cơ hội kinh doanh. Người dân thích nghi và nắm bắt cơ hội kinh doanh rất tốt. Bên cạnh đó, nền văn hóa kiến trúc đa dạng, từ sự hỗn độn của thời mở cửa đến những kiến trúc từ thời bao cấp, thời pháp thuộc và đâu đó phảng phất các công trình kiến trúc từ thời phong kiến. Tất cả, nằm trong một địa bàn không quá rộng vừa đủ để người đi tham quan và trải nghiệm.

Hiện nay, chúng ta đang rầm rộ nói về kiến trúc và đô thị xanh. Tôi nghĩ đây là xu hướng tất yếu nhưng không đủ và không bao quát hết được. Vấn đề của một xã hội, một đô thị văn minh cần có, cũng là điều tôi mong muốn, đó là kiến trúc thân thiện! Thân thiện với thiên nhiên, thân thiện với môi trường và điều đặc biệt là thân thiện giữa con người với con người!

 

“Cần lắm cây xanh và không gian công cộng”

Bùi Dương Kiều Khang – Sinh viên khoa KT, ĐH Kiến trúc Hà Nội

 

Hiện tại tôi đang sống ở Hà Nội, có thể nói là một thành phố với nhịp sống rất nhanh, mọi người khi ra đường chỉ muốn di chuyển gấp gáp với tư tưởng là đi thật nhanh đến nơi làm việc, muốn đi làm kiếm tiền. Là một sinh viên kiến trúc, hàng ngày đi học, vẫn qua lại mãi một con đường, và giống như mọi người, tôi cũng di chuyển rất nhanh. Có lẽ có một điểm chung, đó là đường phố không có gì để lưu luyến, hai bên đường là các dãy nhà san sát nhau, cái cao cái thấp, nhô ra thụt vào, hè đường xe máy lấn chiếm… không bàn đến chuyên ngành, đến thiết kế hay thẩm mỹ, mà chỉ cần được trồng thêm cây, cho thêm tí “xanh” cho thành phố cũng là đẹp lắm rồi, thế nhưng thực tế, hiếm lắm mới thấy một bóng mát, nên muốn nghỉ ngơi thì chắc chắn chỉ có về nhà, hoặc quán cafe. Chúng ta đang thiếu trầm trọng các KHÔNG GIAN CÔNG CỘNG, CÂY XANH DỌC CÁC TUYẾN PHỐ. Công trình, dự án thì nhiều không xuể, nhưng các dự án về không gian phục vụ người dân đâu rồi? Đâu cũng thấy các công trình kiến trúc mọc lên mà không thấy một bóng cây. Những khoảng hở thì lại là nơi đậu ô tô, xe máy. Chỉ tiêu xây dựng, mật độ xây dựng đâu rồi? Là sinh viên, học ở trong nhà trường cũng cần phải có thực tế để kiểm chứng. Thế nhưng ở Hà Nội có chỗ nào là “chuẩn” để có thể học hỏi, mọi thứ “chuẩn” đều là lấy từ nước ngoài và áp đặt vào Việt Nam, như thế liệu có phù hợp?

Xin không bàn về những cái chưa tốt, cá nhân tôi chỉ mong muốn 2 điều cho Hà Nội nói riêng, đô thị nói chung, đó là: Cây xanh và không gian công cộng. Đành rằng là một thành phố trung tâm văn hóa, chính trị… thì ngoài làm việc chúng ta cũng cần nghỉ ngơi.

 

“Ngoại ô và mong ước của tôi”

Nguyễn Thị Huyền Trang – Sinh viên khóa 2008Q1, ĐH Kiến trúc Hà Nội

 

Môi trường sống của tôi bây giờ là một làng đô thị hóa, vùng Đông Anh của Hà Nội. Tôi đã không còn thấy bụi tre nào từ khi học hết cấp 1. Những con đường nay đã rộng hơn, nắng cũng to hơn và trẻ con cũng không còn đi bộ đi học như xưa nữa. Ngoại ô nhưng chẳng còn mấy mái nhà ngói nâu cửa gỗ hay ruộng lúa, ruộng rau. Ánh trăng cũng bị che khuất bởi nhà cao tầng và đèn điện.

Với tôi, tôi mong về một đô thị sống tốt khá đơn giản. Đó là nơi mà người trẻ nào cũng hào hứng làm việc và di chuyển: được phép cố gắng hết sức mình, đi tới công sở bằng xe bus hoặc đi bộ, xa xa hơn thì tàu điện đi sang thành phố khác xả stress bất cứ lúc nào. Trẻ em đi bộ đi học an toàn, chơi trên vỉa hè thoải mái. Người già trong một khu ít nhất 2 tiếng mỗi sáng và 2 tiếng mỗi chiều có thể gặp gỡ và giao lưu, chơi cờ với nhau ở một sân chơi công cộng, để bà kể cháu nghe về tuổi của những cái cây hay ngôi nhà mà không thấy nắng nóng.

Tôi nghĩ, những điều này nằm trong tay những người quy hoạch, đừng cố quên yếu tố nào khi tạo nên ý tưởng quy hoạch không gian (thiên nhiên, văn hóa, định hướng kinh tế, nhu cầu xã hội, hiện trạng con người), tạo nên hoạt động đô thị, hoạt động con người. Ngoài ra, trẻ em bây giờ biết nhiều đến game, smartphone thì cũng phải biết mái đình, mái chùa cong như thế nào, cây đa cây đề tại sao đứng đó, rồi cả những ngôi nhà mái ngói cũ kĩ cả trăm năm nhưng lúc nào cũng mát mẻ, sáng sủa…

Ai sẽ là người cứu những ngôi nhà cổ, những cây cổ thụ, những sinh hoạt văn hóa lâu đời? Những người làm kiến trúc, quy hoạch phải là những người quản lý đô thị, để sản phẩm mình tạo ra đến cuối cùng vận hành theo đúng ý tưởng “chất lượng + đẹp + nhớ và tự hào”. Bất cứ một người nào cũng cần một điểm tựa tinh thần ở quê hương để giữ chân họ ở lại lâu hơn khi còn trẻ hay luôn hướng suy nghĩ của họ về nơi đó.

 

“Xin đừng lấy đi cái hồn quê hương tôi!”

Nguyễn Việt Hưng – Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng

 

“Thành phố” trong ý niệm của người nông dân “Đó là nơi có nhiều tòa nhà cao cao to to lắm”, “Ở trên phố xe cộ tấp nập như mình đi chợ tết”, “Trên thành phố họ giàu có, được sống đầy đủ, vui vẻ chứ không buồn như ở quê mình”… Đó chính là những gì mà người dân quê tôi hiểu về đô thị – nơi nhiều bạn đang được sống. Trong suy nghĩ của họ, thành phố là nơi to lớn, đẹp đẽ, sạch sẽ, mọi thứ đều thật là hoàn hảo, không giống như ở vùng thôn quê “Ôi! Ước gì mình có thể được sống ở đó” và đó là ước mơ đã và đang tồn tại trong suy nghĩ của người dân quê tôi.

Thế nhưng…

Năm năm rồi, kể từ lần đầu tiên tôi đặt chân đến chốn “phồn hoa” này. Có nhiều thứ đã thay đổi quá nhanh với tôi, thậm chí chính bản thân đô thị cũng đã chuyển mình mạnh mẽ. Nhiều nhà cửa cao tầng được xây dựng, đường xá lên xuống liên tục, đào lấp… đô thị lại khoác lên mình bộ áo mới. Bàn tay con người chạm vào khiến mọi thứ trở nên xa lạ so với những điều tôi được biết về “đô thị”, “thành phố” trong những ngày đầu tiên.

Ở quê tôi, gần như mọi người chẳng ai được đi ra ngoài nhiều nên việc họ không biết về thành thị cũng là điều dễ hiểu, họ chỉ biết về “nó” thông qua truyền hình. Họ hồn nhiên trong suy nghĩ, về khái niệm đô thị, về thành phố y hệt như tôi trong những ngày đầu tiên vậy. Có chăng chỉ một bộ phận nhỏ những thanh niên đi xa quê để làm việc, họ có hiểu biết về đô thị, về thành phố hơn. Nhưng những gì họ biết lại làm thay đổi quê hương tôi quá nhiều.

Một vùng đất hẻo lánh nằm bên bờ kia sông Hồng (so với thủ đô Hà Nội), có lũy tre làng bao bọc ven đường quanh co, có những cánh đồng lúa bát ngát, mênh mông, không khí trong lành, mùi thơm thoang thoảng của lúa mới làm tôi ngây ngất mỗi khi về quê. Trở về nhà sau bao nhiêu áp lực, ngột ngạt, xô bồ của cuộc sống thành thị nơi đã từng là ước mơ của tôi cũng như bao người giữ trong mình suy nghĩ muốn được vươn ra, thoát khỏi lũy tre làng.

Giờ đây, tôi lại mong muốn một điều “Xin đừng lấy đi cái hồn quê hương tôi!”. Tại sao ư? Vì đô thị hóa, vì công nghiệp hóa sẽ giết chết bản sắc quê hương, giết chết văn hóa làng quê Việt, làm tách biệt khoảng cách giữa người nông dân chân lấm tay bùn với người thành phố, gần như chúng tôi chẳng biết về các bạn cũng như các bạn chẳng hiểu gì về chúng tôi. Vậy nên, đừng tự ý làm gì khi mà chẳng hiểu chúng tôi muốn gì ở các bạn. Để rồi chẳng còn những suy nghĩ thơ ngây, thiếu hiểu biết về thành phố của người nông dân về đô thị, sẽ không còn đó những cánh đồng lúa bát ngát mà thay vào là những nhà máy, khu công nghiệp… hình ảnh lũy tre làng bao quanh con đường đất quanh co được thay vào đó là đường dài thẳng tắp bê tông cứng nhắc. Sự thay đổi, sự chuyển mình của các bạn chính là nguyên nhân làm mất đi giá trị truyền thống bấy lâu nay của ông cha ta.

Đừng cho là mình đang làm đúng, cũng đừng tự nghĩ là: bây giờ ta phải chạy theo công nghiệp hóa, hiện đại hóa để bắt kịp với thế giới. Các bạn sợ mình thua thiệt họ ư? Đừng sợ, vì sự thật chúng ta đã thua họ rất rất nhiều rồi. Cố chạy theo để đuổi kịp họ ư ???  Không thể đâu. Nên hãy tìm cho mình một lối đi riêng để gìn giữ được nét văn hóa đặc trưng của chính các bạn, cũng từ đó cho họ thấy Việt Nam ta chẳng thua kém ai cả.

Để một đô thị được hình thành thì các bạn biết nguồn gốc từ đâu không ? Đó là từ Làng chứ không phải một thứ gì khác. Vậy tại sao để nuôi dưỡng nó chúng ta lại đi giết chết “bà mẹ” đã sinh ra nó? Lẽ ra trong quá trình đô thị hóa – hiện đại hóa, chúng ta cần nuôi dưỡng đùm bọc bà mẹ ấy một cách cẩn thận. Các bạn có thể trả lời câu hỏi này không, hay các bạn lại lấy đủ thứ lí do để bao biện cho hành động của mình?

 

 

bình luận