Cầu Long Biên – Cầu Trần Hưng Đạo: Nhìn vào quá khứ để nghĩ về tương lai!(15/11/2021)

Nếu cây cầu vẫn lấy tên Trần Hưng Đạo, gắn liền với danh tiếng của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cũng như những giá trị rực rỡ của thời đại nhà Trần, minh chứng sự hùng cường của Đại Việt thì kiến trúc Đông Dương không thể là hình thức có thể áp dụng cho một cây cầu với tên tuổi thể hiện tinh thần tự do của dân tộc, biểu tượng của thời đại XHCN. Hãy nhìn vào quá khứ để nghĩ về tương lai!   

Chúng ta đang sống trong thời kỳ đầy những biến động: sự hoành hành của Covid-19, suy thoái kinh tế, đứt gãy của những kết nối xã hội, thay đổi của những lề thói và định kiến… và tất cả những điều đó xảy ra thì chắc chắn làm cho nhân loại sẽ có nhiều sự thay đổi trong tâm trí và nhận thức.

Nhưng có một nghịch lý diễn ra đó là, mặc dù sống trong thời đại của mình nhưng con người lại có xu hướng nhìn lại về quá khứ. Đôi khi có những hành động khiến chúng ta giật mình về cách nghĩ này, lo lắng về tác động của nó tới thế hệ sau.

Vừa qua, Ban Quản lý dư án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội đã có Tờ trình gửi UBND TP Hà Nội phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng. Cùng lúc đó thì rất nhiều KTS trong giới nghề xôn xao khi nhận được những hình ảnh phối cảnh về cây cầu được mang tên danh tướng Trần Hưng Đạo dự kiến xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 21.

Theo công bố thì cầu Trần Hưng Đạo sẽ mang phong cách kiến trúc Đông Dương có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 8.938 tỉ đồng, trong đó vốn Nhà nước tham gia là 4.204 tỉ đồng, vốn nhà đầu tư BOT khoảng 4.204 tỉ đồng… Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm. Tiến độ thực hiện dự kiến từ năm 2022-2025. Trước đó, UBND TP Hà Nội đã có quyết định chấp thuận giao Công ty CP Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Trần Hưng Đạo theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Cau-Tran-Hung-Dao-768x396

Cầu Trần Hưng Đạo

Một công trình hạ tầng quan trọng như cây cầu Trần Hưng Đạo, ta có thể thấy rất nhiều nét tương đồng với cầu Long Biên khi cây cầu này cũng được xây dựng vào những năm đầu của thế kỷ 20, cùng được được đặt tên theo tên người (tên toàn quyền Pháp lúc bấy giờ là Paul Doumer – một biểu tượng của Pháp tại Bắc Kỳ theo như ý của chính quyền Pháp thời bấy giờ).

Cầu Long Biên khi triển khai được tiến hành đấu thầu với sự tham gia của 06 công ty xây dựng cầu đường lớn của Pháp, mỗi nhà thầu được đưa ra 02 phương án, cuối cùng Hội đồng đã chọn dự án B của công ty Daydé & Pillé với kết cấu độc đáo bằng thép và giá là 5.390.794 franc.

Cầu Long Biên đã trải qua hơn 100 năm thăng trầm cùng với dân tộc, là chứng nhân của Cách mạng Tháng Tám, trải qua sự tàn phá của chiến tranh phá hoại miền Bắc và chứng kiến ngày độc lập 30/4. Và trên tất cả, vượt qua thời gian và sự tàn phá, cầu Long Biên trở thành một biểu tượng văn hoá của người Hà Nội. Nhìn về quá khứ, chúng ta cũng có thể hình dung về một đời sống phong phú, một tương lai văn hóa cho một cây cầu mới mang tên danh tướng Trần Hưng Đạo như một biểu tượng thành tựu về công nghệ của thời kỳ Chủ nghĩa Xã hội.

Chính bằng sự kỳ vọng đó, chúng ta cũng sẽ không khỏi bất ngờ khi kiến trúc của cầu Trần Hưng Đạo lại phỏng theo kiến trúc Đông Dương – một phong cách được khởi nguồn từ đầu thế kỷ 20 bởi KTS Ernest Hébrand bằng cách pha trộn các ngôn ngữ kiến trúc bản địa (các nước Đông Dương) vào kiến trúc thuộc địa Pháp thời kỳ đầu thế kỷ 20.

Cau-Long-Bien-nhung-nam-dau-the-ky-20-768x486

Cầu Long Biên những năm đầu thế kỷ 20

Một công trình có tuổi đời tới hàng trăm năm như cầu Trần Hưng Đạo phải phản ánh được tư tưởng của thời kỳ khai sinh ra nó, phải là kết tinh của công nghệ, khoa học và trí tuệ của thời đại, cây cầu thậm chí còn là một bài giảng về lịch sử, thẩm mỹ và văn hoá cho rất nhiều thế hệ sau này. Chắc hẳn khi đặt tên cây cầu, ngoài ý đồ liên quan tới trục đường Trần Hưng Đạo, những người chịu trách nhiệm đã có ý tưởng gắn liền nó với danh tiếng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cũng như giá trị rực rỡ của thời đại nhà Trần, minh chứng sự hùng cường của Đại Việt.

Như vậy, kiến trúc Đông Dương không thể là hình thức có thể áp dụng cho một cây cầu với tên tuổi thể hiện tinh thần tự do của dân tộc, biểu tượng của thời đại XHCN.

Rất hi vọng UBND TP Hà Nội đánh giá được tầm quan trọng của kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo nói riêng và vai trò của kiến trúc nói chung trong sự phát triển của Hà Nội để ra được quyết định phù hợp./.

KTS Vương Đạo Hoàng

bình luận