Giới thiệu
- Giới thiệu chung
- Lịch sử phát triển
- Chức năng nhiệm vụ
- Chiến lược
- Công khai ngân sách, tài sản công
- Đảng ủy Viện
- Thư viện điện tử
- Công khai Quản lý, sử dụng tài sản công
- Phó Viện trưởng Trịnh Hồng Việt
- Chi Hội Kiến trúc sư VIAr
- Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia qua các thời kỳ
- Viện trưởng Mai Thị Liên Hương
- Phó Viện trưởng Nguyễn Thanh Tùng
- Phó Viện trưởng Nguyễn Thành Công
- Ngân sách năm 2024
- Viện trưởng Hồ Chí Quang
---LIÊN KẾT WEBSITE---
Các khía cạnh chính trong kiến trúc bền vững(08/02/2025)
Nói về khía cạnh bền vững, có nội hàm rất rộng, nếu chúng ta tiếp cận bền vững theo khái niệm phát triển bền vững của Liên hợp quốc sẽ không biết phải làm những gì trong các mục tiêu của phát triển bền vững (SDGs). Vậy nên cần tập trung lại một số khía cạnh chính về bền vững trong kiến trúc theo 04 trụ cột như sau:
Thứ nhất, cần xây dựng, hoàn thiện khái niệm về bền vững trong kiến trúc, kiến trúc cần bền vững từ vật liệu xây dựng, khoa học công nghệ, kỹ thuật xây dựng… là những thứ trực diện nhất để công trình có tuổi thọ và giá trị sử dụng lâu dài, tiếp đến là tổ chức không gian, thẩm mỹ kiến trúc phù hợp với văn hóa, lối sống, phong tục tập quán, thích ứng với điều kiện tự nhiên, địa hình, địa mạo và khí hậu mỗi địa phương.
Thứ hai, tiếp cận từ góc độ chính sách thúc đẩy phát triển kiến trúc hướng tới bền vững: có 02 vấn đề đã được luật hóa tại Luật Kiến trúc năm 2019 là “Bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc” (Điều 5) và “Công trình kiến trúc có giá trị” (Điều 13); đây là các công cụ để quản lý, phát triển kiến trúc hiện đại đồng thời kế thừa các giá trị của kiến trúc truyền thống đưa vào Quy chế quản lý kiến trúc của mỗi địa phương.
Bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc gồm các đặc điểm, tính chất tiêu biểu, dấu ấn đặc trưng về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, văn hóa, nghệ thuật; thuần phong mỹ tục của các dân tộc; kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng, được thể hiện trong công trình kiến trúc, tạo nên phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và quy định nội dung yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong quy chế quản lý kiến trúc phù hợp với địa bàn quản lý. Thực tế triển khai công tác nghiên cứu về “Bản sắc văn hóa dân tộc” để lồng ghép trong Quy chế quản lý kiến trúc tại các địa phương trong giai đoạn vừa qua chưa thực sự được quan tâm; cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, làm rõ các yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc riêng của mỗi vùng miền trong kiến trúc.
Công trình kiến trúc có giá trị là công trình kiến trúc tiêu biểu, có giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập, ban hành Danh mục Công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn tỉnh. Công trình kiến trúc có giá trị là một trong các yếu tố quan trọng để phát triển kiến trúc bền vững bởi nó là một thực thể “kiến trúc sống”, phân biệt với khái niệm “Di tích kiến trúc, nghệ thuật” theo pháp luật về di sản văn hóa; nó là yếu tố tạo nên “dấu ấn”, “hồi ức” của mỗi vùng miền, nó phản ánh các giá trị lịch sử, văn hóa và là sợi dây kết nối quá khứ – hiện tại và tương lai cho kiến trúc. Cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các tiêu chí đánh giá; chính sách bảo vệ và khai thác đối với các Công trình kiến trúc có giá trị để hướng tới xây dựng kiến trúc bền vững của mỗi vùng miền.
Thứ ba, cần xác định rõ vai trò của lý luận, phê bình trong kiến trúc; không chỉ đơn thuần để đánh giá, phản biện kiến trúc; lý luận, phê bình có vai trò định hướng, dẫn dắt cho phát triển kiến trúc hướng tới bền vững; là công cụ hỗ trợ cho chính sách quản lý phát triển kiến trúc. Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (phê duyệt tại Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ) đã nêu rõ, phát triển hệ thống lý luận, phê bình kiến trúc gắn lý thuyết với thực tiễn và giá trị bản sắc dân tộc, tính bản địa trong kiến trúc; đẩy mạnh phản biện xã hội thông qua phê bình kiến trúc; xây dựng bản sắc kiến trúc mới của Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa và cách mạng khoa học kỹ thuật. Cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện định hướng phát triển kiến trúc theo các vùng đặc thù về kiến trúc (Trung du miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long) nhằm củng cố cơ sở lý luận, xây dựng “Quỹ” giá trị kiến trúc truyển thống, tạo tiền đề cho quản lý, phát triển kiến trúc mỗi địa phương hướng tới bền vững.
Thứ tư, nâng cao nhận thức về bền vững trong kiến trúc, đặc biệt ở khía cạnh kế thừa các giá trị kiến trúc truyền thống.
Cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các chủ đầu tư, cho cộng đồng xã hội nói chung về các giá trị kiến trúc truyền thống, có như vậy mới hạn chế được hiện tượng xây dựng “lâu đài” trong mỗi đô thị, để hiểu rằng công trình kiến trúc có sứ mệnh riêng, hình ảnh kiến trúc của công trình được góp phần vào cái “chung” của mỗi đô thị, là trách nhiệm đối với xã hội, nó không còn là cái “riêng” của các chủ sở hữu, chủ sử dụng….
Cuối cùng, hướng đến bền vững trong kiến trúc thì không ai khác chính là trách nhiệm của những người làm nghề; người kiến trúc sư hành nghề khi thiết kế các công trình cần có nhận thức đúng đắn về kế thừa các giá trị truyền thống trong kiến trúc, không dập khuôn, không sao chép; cần cái tâm và bản lĩnh của người làm nghề để từ chối các yêu cầu không phù hợp của khách hàng. Muốn vậy, cần nâng cao chất lượng đội ngũ kiến trúc sư hành nghề; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cập nhật nâng cao kiến thức, phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD), tăng cường hiểu biết về Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề; mở rộng, lan tỏa cho giới kiến trúc sư trẻ hiểu biết, hướng đến những kiến trúc có giá trị bền vững cho kiến trúc tương lai. Đẩy mạnh việc trao đổi, hợp tác quốc tế trong kiến trúc nhằm quảng bá, nâng cao vị thế kiến trúc Việt Nam ra thế giới; học hỏi phát huy các xu hướng tiến bộ trong kiến trúc như “kiến trúc xanh”, “kiến trúc thông minh”… theo tinh thần “hội nhập” nhưng không “hòa tan”, gìn giữ và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại mới./.
TS.KTS Tạ Quốc Thắng – Vụ Kiến trúc Quy hoạch, Bộ Xây dựng
Tin tức liên quan
- Giá trị bền vững trong phát triển kiến trúc tại Việt Nam (19/02/2025)
- Hướng tới sự phát triển bền vững của kiến trúc Việt Nam (17/02/2025)
- Giá trị bền vững trong di sản kiến trúc xưa và nay – Góc nhìn từ lịch sử và bảo tồn di sản (17/02/2025)
- Vai trò của lý luận phê bình trong kiến tạo kiến trúc có giá trị bền vững (17/02/2025)
- Kiến trúc ngày càng phát triển càng đòi hỏi bồi dưỡng tri thức và thúc đẩy nghiên cứu khoa học, thực tiễn (06/02/2025)
-
Viện Kiến trúc Quốc gia đồng hành và phát triển
-
ĐOÀN THANH NIÊN (VIAr) BỘ XÂY DỰNG DÂNG HƯƠNG VÀ TRI ÂN ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP NHÂN DỊP 27/7
-
Phim kỷ yếu 40 năm Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng
bình luận