Ân Độ với thành phố thông minh khổng lồ ven biển(20/09/2021)

Ấn Độ là một trong những quốc gia đi đầu trong công cuộc biến các thành phố trở nên “thông minh” hơn nhờ việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Mặc dù vẫn còn một chặng đường dài phía trước để hiện thực hóa tham vọng trên, nhưng đất nước tỷ dân này đã bắt tay triển khai không ít dự án đô thị đáng chú ý trên thế giới.

Xây dựng Dholera Smart City – Thành phố mới khổng lồ ven biển

Một dự án trị giá 2,7 tỷ đô la được Ấn Độ thực hiện chính là Dholera Smart City. Vốn dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho Dholera Smart City, cựu Thủ tướng bang Gujarat, Narendra Modi đã nhanh chóng chấp thuận dự án này vào năm 2014. Từ đây, một thành phố thông minh với diện tích 920 km2 dọc theo bờ biển phía Tây vịnh Khambhat được triển khai xây dựng.

TPTM-1

TPTM-2

Thành phố Dholera, Ấn Độ

Nằm ở vị trí chiến lược giữa các thành phố công nghiệp Ahmedabad, Vadodara, Rajkot và Bhavnagar, Dholera sẽ tiếp nhận 22 ngôi làng vốn đã tồn tại qua nhiều thế hệ. Sau đó, một loạt những khu công nghiệp phục vụ cho các ngành công nghệ cao như điện tử, sinh học, dược phẩm cùng nhiều lĩnh vực khác sẽ lần lượt xuất hiện tại trung tâm thành phố này.

Hơn thế, các khu công nghệ cao bao gồm: trường đại học, công viên năng lượng mặt trời cùng những tuabin gió sẽ đóng vai trò hữu ích trong việc cung cấp năng lượng xanh cho toàn thành phố. 

TPTM-3

Công viên năng lượng tái tạo tại Dholera sẽ tạo ra hàng vạn megawatt điện cũng như góp phần cắt giảm hàng chục triệu tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm

Tại khu vực ngoại ô thành phố, chính phủ Ấn Độ còn tiếp tục triển khai các số dự án lớn khác. Chẳng hạn, sân bay quốc tế Dholera với chi phí 1,6 tỷ đô la sẽ được xây dựng cách thành phố 20 km về phía Đông Bắc. Bên cạnh đó, đường cao tốc với 06 làn xe kéo dài 110 km nối liền giữa hai thành phố Dholera và Ahmedabad, một loạt tuyến đường bộ và đường sắt kết nối Dholera với Bhavnagar cùng nhiều cảng khác cũng được triển khai xây dựng. 

Về hệ thống thủy lợi, con đập khổng lồ với chiều dài 30 km mang tên Dự án Kalpasar sẽ được xây dựng, không chỉ với mục đích tạo ra một hồ chứa nước ngọt lớn phục vụ cho cư dân tại Dholera cùng một số thị trấn địa phương khác, mà còn nhằm khai thác hiệu quả năng lượng thủy triều. Con đập trên có khả năng đảm bảo việc tiếp cận lưu lượng nước quanh năm cho các khu du lịch. Trên đỉnh đập sẽ được thiết kế nhiều tuabin gió cùng một hệ thống đường cao tốc với bốn làn xe, giúp giảm đáng kể thời gian đi lại cho nhiều tuyến đường địa phương. Thành phố thông minh Dholera sẽ được phát triển theo ba giai đoạn chính với tổng chi phí là 2,7 tỷ đô la Mỹ. Dự kiến khi được hoàn thành theo kế hoạch vào năm 2042, nơi đây sẽ trở thành khu vực cư trú cho hai triệu người và cung cấp 827.000 việc làm mới.

TPTM-4

Khai thác và sử dụng hiệu quả năng lượng thủy triều – nguồn năng lượng tái tạo vô tận cho ngành công nghiệp điện chính là một trong những tham vọng lớn của Ấn Độ

Bất chấp những thông tin cho rằng, không thể có nguồn ngân sách nào đáp ứng được dự án đầy tốn kém này, đô thị Dholera vẫn nhanh chóng được tiến hành xây dựng. Cuối năm 2015, bang Gujarat đã phê duyệt đề án quy hoạch thành phố. Sau đó vào tháng 3 năm 2016, việc xây dựng bắt đầu được triển khai. Suốt hai năm 2017 và 2018, công ty Larsen & Toubro đã thi công nhiều km đường và hệ thống thoát nước; Phác thảo khu vực đầu tiên rộng 22,5 km2 cùng các con kênh dẫn nước mưa rộng 100 m và dài 5 km. Ngoài ra trong thời gian này, trung tâm hành chính và kinh doanh của Dholera cũng được xây dựng.

TPTM-5

Hệ thống kênh dẫn nước tương lai của Dholera

Trong giai đoạn năm 2019 và 2020, công ty Larsen & Toubro tiếp tục thi công 72 km đường, hệ thống thoát nước cùng một số dự án tiện ích. Đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, quá trình xây dựng vẫn được duy trì, nhờ vậy đường cao tốc nối liền Dholera và Ahmedabad dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022. Còn sân bay quốc tế Dholera bắt đầu được xây dựng vào tháng 10 năm 2020, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025. 

Bên cạnh đó, một công ty có trụ sở tại Mumbai, Tata Power sẽ xây dựng 50 nhà máy điện mặt trời cho thành phố. Đặc biệt hơn, tập đoàn hàng không vũ trụ khổng lồ Airbus của Pháp và tập đoàn Kalyani của Ấn Độ đều cam kết đầu tư vào Dholera khi thành phố thông minh này phát triển trong vài năm tới. 

Những thành phố thông minh đa chức năng

Một vài đô thị thông minh nổi bật khác tại Ấn Độ có thể kể tới chính là hai thành phố Kanpur và Khed. Trải rộng trên diện tích 4.678.170 m2 bên bờ sông Hằng, thành phố Kanpur được phát triển như một dự án đa chức năng, bao gồm vô số tiện ích như thương mại, công nghiệp, dân cư và công cộng.

TPTM-7

Chuỗi hệ thống các trung tâm thương mại, khu công nghiệp, khu vực công cộng của Kanpur sẽ cung cấp một loạt tiện ích, đáp ứng nhu cầu sống cho cư dân trong thành phố này

Dự án cũng sẽ bao gồm một khu vực bao gồm trung tâm triển lãm, khu phức hợp, trung tâm thương mại lớn cùng khu phức hợp dân cư nhiều tầng. Tất cả các ngành công nghiệp nơi đây đều hướng đến tiêu chí không gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, thành phố Khed nằm gần Pune (đô thị đông dân thứ 7 tại Ấn Độ), với diện tích 16.996.182 mcùng cơ sở hạ tầng hiện đại, sẽ đóng vai trò duy trì văn hóa đi bộ đến nơi làm việc, cũng như cung cấp các khu dân cư, giáo dục, giải trí, chăm sóc sức khỏe, các dịch vụ tiện ích và các tiện ích khác cho công dân của mình.

TPTM-8

Đóng vai trò duy trì văn hóa đi bộ, thành phố Khed không những sẽ giúp Ấn Độ hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, mà còn góp phần cắt giảm hiệu quả khí CO2 từ các phương tiện phát thải

Kết luận

Nhìn chung, kế hoạch xây dựng thành phố thông minh của chính phủ Ấn Độ đã thu hút sự chú ý của đông đảo người dân trong nước cũng như truyền thông quốc tế. Mặc dù đây là một hoạt động nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía, tuy nhiên theo các chuyên gia, chính phủ sẽ phải vượt qua nhiều thách thức (và những thách thức này không chỉ riêng Ấn Độ mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt) trong quá trình xây dựng các thành phố thông minh như các yếu tố về tài chính, tiến độ phê duyệt cũng như sự phối hợp của các bên liên quan. Đương nhiên, chính phủ Ấn Độ hoàn toàn đã tính tới những thách thức như vậy và đang tìm các giải pháp thông minh để thúc đẩy các dự án thành công. Về cơ bản, tương lai của quá trình đô thị hóa ở Ấn Độ nằm ngay trong chính sự thành công của những dự án này./.

Minh Quý

bình luận