Giới thiệu
- Giới thiệu chung
- Lịch sử phát triển
- Chức năng nhiệm vụ
- Chiến lược
- Công khai ngân sách, tài sản công
- Đảng ủy Viện
- Thư viện điện tử
- Công khai Quản lý, sử dụng tài sản công
- Phó Viện trưởng Trịnh Hồng Việt
- Chi Hội Kiến trúc sư VIAr
- Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia qua các thời kỳ
- Viện trưởng Mai Thị Liên Hương
- Phó Viện trưởng Nguyễn Thanh Tùng
- Phó Viện trưởng Nguyễn Thành Công
- Ngân sách năm 2024
---LIÊN KẾT WEBSITE---
Xu hướng thể hiện tính truyền thống trong kiến trúc hiện đại Việt Nam(15/04/2021)
Hơn nửa thế kỷ qua, vấn đề gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc trong sáng tác kiến trúc, thể hiện tính truyền thống trong kiến trúc hiện đại luôn thúc đẩy niềm mê say sáng tạo, trăn trở tìm tòi và thể nghiệm của các thế hệ kiến trúc sư Việt Nam. Nhiều công trình kiến trúc mới đã biểu hiện đậm nét tinh thần truyền thống và văn hóa bản địa nhưng cũng xuất hiện không ít những công trình rơi vào sao chép, nhại cũ hoặc nhái cổ… Bài viết của KTS Doãn Đức sẽ góp thêm một góc nhìn qua phân tích, đánh giá một số công trình tiêu biểu để làm rõ hơn vấn đề này.
Xu hướng tích cực thể hiện bản sắc và tinh thần của kiến trúc truyền thống
Kiến trúc hiện đại Việt Nam trong những năm 60-90 của thế kỷ XX ghi dấu những tìm tòi khai thác kiến trúc truyền thống vào kiến trúc mới bằng nhiều cách lối khác nhau mà thông qua một số thể loại công trình công cộng đã xây dựng như nhà bảo tàng, thư viện, nhà hát, hội trường… chúng ta sẽ thấy rõ hơn những giá trị cụ thể.
Theo thời gian, có thể kể đến Bảo tàng Việt Bắc ở TP Thái Nguyên do KTS Hoàng Như Tiếp thiết kế, khánh thành vào năm 1963. Công trình có dáng dấp hiện đại, bố cục thoáng và cân xứng, khoảng sân trong và những dãy hành lang bao quanh kết nối 2 khối trưng bày tạo thành khung cảnh sân vườn, hàng hiên rất đỗi quen thuộc trong kiến trúc truyền thống Việt. Hình thức của hệ thống kết cấu cột, dầm ở sảnh và dãy hành lang được nghiên cứu khai thác từ kết cấu gỗ cổ truyền. Đặc biệt là toàn bộ hoa văn trang trí trong nội ngoại thất đã mô phỏng hoa văn đặc trưng của các dân tộc Việt Bắc. Có thể nhận thấy sự nhất quán từ bố cục tổng thể đến xử lý chi tiết đã làm nên nét riêng cũng là sự hấp dẫn của công trình này.
Ở công trình Dinh Độc Lập, nay là Hội trường Thống Nhất TPHCM do KTS Ngô Viết Thụ thiết kế, khánh thành vào năm 1965 với mặt bằng tổng thể có hình chữ “Công”, cũng là một bố cục quen thuộc và điển hình của nhiều ngôi chùa cổ Việt Nam. Giải pháp mặt đứng đẹp bởi một thiết kế tỷ lệ và thuần khiết của đường nét. Đặc biệt, các tấm trang trí hình đốt tre kết lại như bức mành thoáng trên mặt chính công trình có hiệu quả tích cực về sự kết hợp giữa công năng và hình thức trong một công trình kiến trúc hiện đại.
Một công trình đáng kể nữa ở TPHCM đó là Thư viện Khoa học tổng hợp được xây dựng năm 1967 do KTS Nguyễn Hữu Thiện và KTS Bùi Quang Hanh thiết kế. Nổi bật là khối nhà chính có bề mặt sử dụng tấm chắn nắng bao bọc như tấm áo choàng xốp vừa có tác dụng tán xạ ánh sáng vừa làm hình thức trang trí đẹp mắt… Sự kết hợp thể hiện các yếu tố truyền thống và hiện đại hòa quyện với nhau qua phù điêu hình phượng bay, những con sơn nhô ra đỡ mái và diện tích mặt nước lồng kết vào chân công trình tham gia điều tiết vi khí hậu, vừa mới mẻ lại vừa thân thuộc khi sử dụng cũng như khi ngắm xem công trình.
Khai thác phần khá đặc trưng từ kiến trúc dân gian truyền thống Việt là phần mái nhà, hình ảnh “mái đình cây đa” vốn rất thân thuộc của bao thế hệ người Việt Nam đã được KTS Hoàng Minh Phái tái hiện thành công qua công trình Nhà truyền thống Sông Đà xây dựng vào năm 1990. Đậm đà như ngôi đình làng, công trình đặt trong khung cảnh nhiệt đới có mặt nước cây xanh. Không gian từ ngoại thất vào nội thất được trung chuyển qua hàng hiên dài rộng, lớp mái xòe rộng sà xuống che nắng mưa, gây cảm xúc “gần gũi tới mức có thể vươn tay chạm tới diềm mái mà vẫn gây cho ta cảm giác đàng hoàng thân thiết và sự quý trọng con người” như KTS Lê Quang Hải đã từng cảm nhận. Công trình tuy nhỏ lọt giữa các bên là những nhà cao tầng vuông vức lại nổi bật lên một vẻ đẹp mà “vẻ đẹp tự nó ở đây chính là cái không khí thảnh thơi và trang trọng của đình làng”.
Cho đến những năm gần đây, chúng ta mới gặp lại cảm giác tương tự với những biểu hiện gây cảm xúc mới qua các nhà sinh hoạt cộng đồng trong các dự án, rất đặc trưng và đằm thắm chất bản địa do các KTS Võ Trọng Nghĩa, Hoàng Thúc Hào thiết kế.
Ở góc độ khác, mái nhà cũng là cái cớ để gợi tả chức năng mà công trình bao chứa và Nhà hát Chèo Trung ương do KTS Vũ Đại Hải thiết kế từ năm 1990 cũng là một trong những ví dụ. Nhà hát có vị trí địa lí thuận lợi, nằm tại một ngã tư Thủ đô Hà Nội, có kiến trúc mang đậm phong cách truyền thống Việt Nam, từ nội thất đến ngoại thất đều gợi nét kiến trúc đình làng Bắc Bộ, không gian biểu diễn là sân khấu thiết kế theo kiểu “3 mặt” cùng sân đình được chuyển hóa thể hiện dưới hình thức kiến trúc mới. Tác giả đã biểu hiện cái tinh thần của mái nhà truyền thống qua bộ mái có xử lý ở góc mái và phần mái dốc không đầy đủ, không cụ thể về một mái đình hay một ngôi nhà cổ nào đó. Sự nhấp nhô cao thấp trên mặt trước lại vòng sang bên qua phần kính phân cách trong ngoài cho thấy sự trùng điệp của không gian theo chiều đứng và chiều sâu phía trong công trình, như thu nhỏ một khung cảnh cổ vào một không gian hiện đại.
Khai thác kiến trúc dân gian truyền thống xuất phát từ một loại nhà dân gian vốn có (như ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc) hoặc từ một sự tích dân gian, truyền thuyết… để xây dựng hình tượng cho công trình cũng là một hướng tìm tòi, thử nghiệm.
Chúng tôi muốn nhắc tới Bảo tàng Hùng Vương trong khu di tích lịch sử Đền Hùng, Phú Thọ do KTS Tạ Mỹ Duật thiết kế và xây dựng năm 1986, có hướng khai thác từ hai khía cạnh trên. Hình ảnh một ngôi nhà sàn được khái quát về hình thức ở những yếu tố chính là hệ khung cột và mái, chiếu sáng tự nhiên. Hình dáng và tỉ lệ được tính toán và chọn lọc hiệu quả về không gian. Ý tưởng thể hiện mặt bằng nhà hình vuông (bánh chưng) có sân trong thông thoáng và ở chính giữa đặt một bục tròn (bánh dày) trong khu vực đại sảnh tượng trưng cho trời đất Việt Nam gắn với sự tích các vua Hùng với giải pháp thể hiện khá thành công.
Điểm hạn chế cần nhắc đến ở bảo tàng này là khoảng sân phía trước đã làm lu mờ đi hình ảnh nhà sàn do sau này tôn cao lên đã che khuất phần cột chống ở phía dưới và hai bên sườn đồi, góc nhìn đẹp hiện nay lại là từ phía sau. Nội thất tầng 1 trống trải thiếu cảm xúc và tầng 2 chưa hấp dẫn do bài trí chưa gây được ấn tượng… Mặc dù đang bị xuống cấp, Bảo tàng Hùng Vương vẫn là một công trình đẹp, có không gian và hình thức diễn đạt tinh thần của kiến trúc dân gian truyền thống trong giai đoạn xây dựng có nhiều khó khăn tài chính.
Sự tinh túy trong sáng tác Đài tưởng niệm Bắc Sơn, khu Ba Đình Hà Nội do KTS Lê Hiệp thiết kế năm 1993 là ở chỗ đã thể hiện xuất sắc tính hiện đại và chiều sâu văn hóa của công trình. Ý tưởng hoặc ngày nay được bắt đầu từ ngày hôm qua, hoặc quá khứ “in vào hiện tại” qua hình mái nhà cổ dáng dấp đền miếu (truyền thống) được lồng kết bằng cách khắc lõm vào khối hộp hình vuông (hiện đại) vừa ẩn dụ vừa hàm chứa nhiều ý nghĩa.
Ta còn gặp cách diễn đạt này ở nhiều công trình khác nữa nhưng mới ở một khía cạnh nào đó, lúc thì biểu hiện một chút phần mái hoặc cột, hoặc qua một vài chi tiết trang trí… khai thác và chọn lọc từ kiến trúc dân gian truyền thống như phần sân trong, hồ nước và con sơn đỡ mái dốc (bê tông) ở Bảo tàng Dân tộc học Hà Nội (KTS Hà Đức Linh), chi tiết đầu đạo mái và ô thoáng cửa hình âm dương như nhà triển lãm Vân Hồ (KTS Nguyễn Xuân Đoàn)… Mặc dù có nhiều hạn chế ở mức độ không đầy đủ nhưng như trên đã nói, vì tính ước lệ ta vẫn xếp vào loại có xu hướng tìm tòi thể hiện được cái tinh thần của kiến trúc truyền thống để tạo ra nét thân thuộc gần gũi trong công trình xây mới.
Đặc biệt trong một số công trình như lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (1975), Bảo tàng Hồ Chí Minh (1990) và Cung hữu nghị Hà Nội do KTS Garon Isacovits (người Nga) chủ trì thiết kế cùng các KTS Việt Nam đã có những thành công trong việc khai thác các yếu tố truyền thống địa phương vào công trình kiến trúc mới. Chủ yếu là ở phần hình thức còn không gian bên trong được tổ chức hiện đại đáp ứng với yêu cầu sử dụng.
Cả 3 công trình trên đều dùng vật liệu đá. Các thành phần cột, mái, hiên và những chi tiết trang trí đã chú ý khai thác từ kiến trúc truyền thống Việt Nam, diễn đạt dưới hình thức mới khá đẹp và hấp dẫn… phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu và tình cảm của người Việt.
Cùng xu hướng tìm tòi, thể nghiệm, có thể kể đến các công trình trong giai đoạn này như: Nhà khám đa khoa bệnh viện Việt Pháp của KTS Phạm Vũ Hưng: Trung tâm thương mại Hải Phòng của KTS Nguyễn Tiến Thuận, Quán cà phê Gió và nước của KTS Võ Trọng Nghĩa… vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu phân tích.
Từ sau năm 2000 đến nay, phát triển trong kinh tế thị trường nên hơn bao giờ hết nền kiến trúc Việt Nam có điều kiện và thời cơ thể hiện ngày thêm rõ nét vấn đề “hiện đại – bản sắc” trong sáng tác kiến trúc.
Phong trào “kiến trúc xanh”, “kiến trúc sinh khí hậu”, kiến trúc thân thiện môi trường và phát triển bền vững được đề cao và liên tục được khích lệ qua các giải thưởng trong nước và quốc tế. Nhiều công trình kiến trúc đã phản ánh rất tốt vấn đề kiến trúc bản địa, tìm tòi thể hiện bản sắc đậm nét với ngôn ngữ hiện đại. Có thể kể đến những công trình tiêu biểu như Bảo tàng Đắc Lắc do KTS Nguyễn Tiến Thuận thiết kế, là công trình khá độc đáo trong việc thể hiện phong cách hiện đại kết hợp truyền thống. Công trình thể hiện sự mô phỏng ấn tượng ngôi nhà dài Ê đê độc đáo của vùng Tây Nguyên với bề mặt mái trải dài sát đất và những đường gân trải đều mềm mại đặc trưng; Hoặc ở những công trình: Nhà sinh hoạt cộng đồng Tả Phìn, Nhà cộng đồng Nậm Đăm do KTS Hoàng Thúc Hào thiết kế đã thể hiện sự nghiên cứu sâu sắc tính bản địa, bản sắc văn hóa địa phương trong kiến trúc mới, hòa nhập với bối cảnh tự nhiên và thân thiện môi trường; Hoặc với hàng loạt công trình của KTS Võ Trọng nghĩa đều đầy ắp sự nghiên cứu truyền tải, kết nối hiện đại với truyền thống thông qua giải pháp thiết kế tinh tế nhẹ nhàng mà sâu sắc như ở Nhà cộng đồng CASAMIA (Hội An) hoặc quần thể 2 công trình Nhà hội nghị và Bamboo Wing ở Đại Lải, công trình làm bằng tre được uốn cong và bó lại tạo hình tựa cánh chim bay lên bầu trời. Hình thức không gian thân mật như ở một vùng quê đầy nắng và gió với hướng mở ra mặt nước hoặc hướng về phía đồi cây đều tràn ngập yếu tố thiên nhiên. Công trình có vẻ đẹp mộc mạc, những liên kết của kết cấu tre còn phô bày một giá trị nghệ thuật xây dựng truyền thống dân tộc.
Xu hướng tiêu cực là nhái cổ, hoài cổ
Trong dòng chảy của phát triển, hướng khai thác kiến trúc truyền thống Việt Nam cũng xuất hiện xu hướng tiêu cực mà đối tượng chủ yếu ở thể loại công trình tưởng niệm và nhiều ngôi chùa xây mới, chúng cùng chung đặc điểm là thể hiện khá nhiều việc sao chép kiến trúc cổ… hoặc cải biên bố cục và các chi tiết trang trí khác nhau như cột hiên, mái đao, con vật và hoa văn trang trí. Kết cấu bê tông giả gỗ: các cột kèo, con sơn, hàng hiên góc mái… nhái lại hoặc sao chép kiến trúc cổ, dân gian, truyền thống. Tạo nên nỗi hoài nghi về hướng phát triển này có làm ra nguyên nhân đóng cửa sự sáng tạo?. Tiêu biểu là những công trình: Đền tưởng niệm Bến Dược ở Củ Chi, TPHCM (1993), và liên tiếp cùng thời là Đài tưởng niệm Kim Môn – Hải Dương, Đền tưởng niệm Tôn Đức Thắng – Long Xuyên, An Giang, Đền thờ liệt sĩ huyện Hải Hậu, Nam Định,… Sự không nhất quán trong bố cục và trang trí đã lệch chuẩn về những niêm luật của kiến trúc cổ, truyền thống, như việc đưa kính khung nhôm vào nội thất không phù hợp như ở Đền thờ liệt sĩ huyện Hải Hậu hoặc phá niêm luật về hình thức và bố cục như ở Đền tưởng niệm Bến Dược, Củ Chi.
Vấn đề đặt ra ở đây là xu hướng kiến trúc sao chép, nhại cũ và hoài cổ vẫn có chiều hướng phát triển, đặc biệt là sự phô trương ở một vài dự án làm du lịch tâm linh mới thiết kế và xây dựng gần đây có quy mô lớn, nó thể hiện một ý thích quen dùng hay một phần bế tắc trong nhu cầu và sáng tác kiến trúc hiện nay?
Thế giới với câu chuyện khai thác kiến trúc truyền thống
Khai thác kiến trúc truyền thống để đưa vào kiến trúc hiện đại là vấn đề luôn được nhiều nước trên thế giới đề cao từ nhiều thập kỷ nay. Ở Trung Quốc không ít những công trình cao tầng hiện đại được “đậm đà bản sắc” bằng cách đặt nguyên xi bộ mái cổ lên phía trước hoặc phía trên công trình như ở Nhà ga mới – phía Tây Bắc Kinh, Trụ sở ngoại kiều Bắc Kinh hoặc một cửa hàng ăn nổi tiếng trong khu phố cổ Thượng Hải. Ở Thái Lan, tình hình có khác hơn trong ý đồ khai thác từ bộ mái truyền thống của dân tộc Thái trong kiến trúc mới. Sự chuyển thể nhẹ, nhuần nhị từ truyền thống sang hiện đại không có tính đột ngột như ở Câu lạc bộ công viên ngoại ô hoặc Trung tâm Hội nghị quốc gia ở thủ đô Bangkok.
Nhưng các quốc gia thành công nhất phải kể đến Hà Lan và Nhật Bản, tinh thần kiến trúc truyền thống được hiểu biết có tính gốc rễ để truyền tải và phản ánh tinh thần đó dưới dạng hình thức và không gian mới, KTS Kenzo Tange và các KTS lớn của Nhật Bản như Kunio Maekawa, Junzo Sakakura đã khai thác kiến trúc truyền thống Nhật nhưng từ chối hướng mô phỏng nguyên xi, họ không coi việc phục hưng di sản cũ là mục đích của kiến trúc mới. Tange nói: “Truyền thống dân tộc là một vòng đá đeo cổ quý giá, nhưng chúng ta phải phá vỡ chúng thành những mảnh nhỏ và ghép chúng lại dưới dạng mới và “không ai ấu trĩ đem một mái nhà cổ úp lên một công trình kiến trúc hình hộp rồi bảo đó là dân tộc hiện đại. Cần phải thấu hiểu một cách tường tận, sâu sắc những nguồn gốc hình thành kiến trúc truyền thống. Ở bất cứ nơi nào, kiến trúc truyền thống cũng được tạo dựng thông qua điều kiện thiên nhiên, khí hậu, tập quán sinh hoạt của con người mà có được không gian, tỷ lệ và hình thức kiến trúc địa phương thích hợp, đó là cái hồn của kiến trúc truyền thống cần phải nắm bắt và khai thác”.
Kết luận
Kiến trúc Việt Nam chưa có những thành quả lớn thu được từ sự nghiên cứu, khai thác kiến trúc truyền thống để đưa vào kiến trúc mới cái hồn, cái tinh thần đầy đủ của nó. Những gì mà các thế hệ các KTS Việt Nam đã thể hiện qua giới thiệu một số công trình tiêu biểu trong xu hướng tích cực kể trên là những tìm tòi thể nghiệm đáng quý với một số thành công nhất định, một số gây được tiếng vang qua các kỳ giải thưởng trong 2 giai đoạn thời gian do chúng tôi tạm phân ra.
Ngày nay, khoa học kỹ thuật hiện đại, tiên tiến sẽ đưa các quốc gia, các dân tộc xích lại gần nhau cùng mối giao lưu, quan hệ chủ động và không chủ động về nhiều mặt. Nước ta đang trên con đường hội nhập cùng thế giới, do vậy, vấn đề giữ gìn bản sắc dân tộc trong lĩnh vực văn hóa và kiến trúc lại càng phải quan tâm và coi trọng. Nhà nước cần có chính sách cụ thể hơn trong việc khích lệ những xu hướng tích cực và hạn chế xu hướng tiêu cực mà trong phạm vi bài viết này chúng tôi đề cập đến./.
KTS Doãn Đức
Tin tức liên quan
- Kiến trúc cảnh quan đô thị Hà Nội – bảo tồn và phát huy giá trị (15/11/2024)
- Hà Nội có rừng… và rừng sẽ lên xanh (15/11/2024)
- Hồ Tây – Di sản văn hoá thiên nhiên trong lòng người Hà Nội (12/11/2024)
- Giá trị cảnh quan đô thị Hà Nội – Kế thừa và phát huy (12/11/2024)
- Nhìn lại hình thức kiến trúc Hà Nội – Những chặng đường sáng tác (11/11/2024)
-
Viện Kiến trúc Quốc gia đồng hành và phát triển
-
ĐOÀN THANH NIÊN (VIAr) BỘ XÂY DỰNG DÂNG HƯƠNG VÀ TRI ÂN ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP NHÂN DỊP 27/7
-
Phim kỷ yếu 40 năm Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng
bình luận