Khai mạc Hội thảo “Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2020”(09/12/2020)
Nhằm hưởng ứng Tuần lễ Công trình xanh Thế giới từ tháng 9 – 12/ 2020, sáng 9/12 tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) chính thức khai mạc sự kiện Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2020.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết, đây là sự kiện đánh dấu sự phối hợp tổ chức đầu tiên tại Việt Nam giữa Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Bộ Xây dựng nhằm hưởng ứng Tuần lễ Công trình xanh Thế giới 2020 do Hội đồng Công trình xanh thế giới tổ chức thường niên từ 21 – 25/9.
Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu nỗ lực của ngành Xây dựng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả góp phần vào giảm thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và hướng tới phát triển bền vững của Việt Nam.
Đúng như cam kết của Chính phủ Việt Nam đã và đang được thực hiện hóa trong nhiều chính sách như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2020, chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030, Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về “ Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 140 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55–NQ/TW đặt ra các mục tiêu cụ thể về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong ngành Xây dựng. Và thực tế những năm gần đây cho thấy, các doanh nghiệp phát triển dự án có nhiều thay đổi tầm nhìn và định hướng phát triển, hướng tới cung cấp ra thị trường những công trình có nhiều yếu tố xanh và hiệu quả năng lượng. Các dự án trình diễn của UNDP về ứng dựng các giải pháp kỹ thuật giảm thiểu tiêu thụ năng lượng trong công trình mới và công trình cải tạo cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt được từ 25 – 67% /công trình, với chi phí gia tăng từ 0 – 3% tổng mức đầu tư.
Tuy nhiên, theo thống kê hiện tổng số công trình xanh được chứng nhận tại Việt Nam mới chỉ khoảng 150 công trình – một con số khá khiêm tốn trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Việc hướng tới tổ chức Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam hàng năm sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong việc thúc đẩy sự phát triển các công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng.
Trên thế giới, việc phát triển các công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng hiệu quả góp phần vào giảm phát thải khí nhà kính nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Chính phủ Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ với quốc tế khi tham gia vào Nghị định thư Kyoto hay gần đây là Thỏa thuận Paris (COP21). Ở phạm vi quốc gia, các cam kết này đã và đang được hiện thực hóa trong nhiều chính sách, có thể kể đến Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25/9/2012 tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg với quan điểm tăng trưởng xanh phải do con người và vì con người, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02/10/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW đặt ra các mục tiêu cụ thể về giảm tiêu thụ năng lượng trong ngành Xây dựng… Vì vậy, phát triển các công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng là một trong các giải pháp và là xu hướng tất yếu.
Cũng tại Lễ khai mạc, bà Sitara Syed – Phó trưởng đại diện thường trú của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhấn mạnh việc phát triển các công trình xanh cũng là vấn đề đặc biệt cần trên toàn cầu để tiết kiệm năng lượng cũng như giảm hiệu ứng nhà kính mà mỗi quốc gia cần phải thực hiện một cách triệt để và tại Việt Nam cũng được thực hiện rất tốt thông qua các chương trình tuần lễ công trình xanh được thực hiện hàng năm. Điều đó cũng chính là sự thể hiện cam kết của Việt Nam trong công ước quốc tế về chống biến đổi khí hậu cũng như sử dụng năng lượng tiết kiệm. UNDP rất vui vì được hợp tác cùng với Bộ Xây dựng trong chương trình Tuần lễ Công trình xanh, bên cạnh đó cần phải nhấn mạnh những vấn đề ưu tiên như tiết kiệm năng lượng hiệu quả, đơn vị ban ngành liên quan để sử dụng một trong những yếu tố quan trọng như yếu tố xanh, vật liệu xanh, hướng tới công trình xanh, toà nhà xanh được phổ cập trong tương lai, ví dụ như Việt Nam sẽ có nhiều tòa nhà xanh như toà nhà Viettel.
Trong khuôn khổ sự kiện Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2020 sẽ có 04 Hội thảo chuyên đề; 01 phiên tham quan thực tế công trình xanh; 01 phiên tọa đàm chính sách; 01 phiên toàn thể, 01 triển lãm các công trình, vật liệu, thiết bị, công nghệ mới phục vụ việc chuyển đổi thị trường xây dựng Việt Nam theo hướng xanh, thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Nội dung sự kiện tập trung vào các lĩnh vực then chốt từ tổng quan thị trường, xây dựng chính sách, quy hoạch, đến quá trình thiết kế, thi công, vận hành đô thị xanh, công trình xanh và công trình sử dụng năng lượng hiệu quả. Các diễn giả đến từ các ban, Bộ ngành Trung ương, các chuyên gia quốc tế và trong nước trong lĩnh vực xây dựng, thực thi chính sách, tư vấn thiết kế, đầu tư – xây dựng công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh, đô thị xanh, các nhà cung cấp giải pháp về công nghệ, thiết bị, vật liệu hướng tới yếu tố xanh và phát triển bền vững.
Hội thảo Chuyên đề 1: “Đô thị xanh và công trình xanh” giới thiệu tổng quan thực trạng phát triển đô thị xanh, công trình xanh ở Việt Nam; gồm nền tảng pháp lý và chính sách, các số liệu thị trường, các nỗ lực nghiên cứu xây dựng các công cụ kỹ thuật cùng các dự án đô thị xanh, công trình xanh tiêu biểu tại Việt Nam.
Hội thảo Chuyên đề 2: “Vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng” tập trung thảo luận về các vấn đề: Thực trạng và định hướng phát triển vật liệu xây dựng xanh ở Việt Nam, các tiêu chí xác định sản phẩm xanh, thực trạng và các vấn đề trong quá trình sản xuất và sử dụng.
Hội thảo Chuyên đề 3: “Cơ chế tài chính xanh” tập trung thảo luận về các vấn đề: các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản tiếp cận các nguồn tài chính xanh của các tổ chức quốc tế; các công cụ kỹ thuật và tài chính; các chính sách khuyến khích tài chính xanh và phi tài chính.
Hội thảo Chuyên đề 4: “Thiết bị và công nghệ hiệu quả năng lượng” tập trung thảo luận về các vấn đề: tiêu thụ năng lượng của các thiết bị trong công trình xây dựng; các giải pháp, thiết bị, công nghệ sử dụng hiệu quả năng lượng cho các công trình xây dựng.
Tọa đàm “Chính sách phát triển đô thị xanh, công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng” – là một đối thoại chính sách giữa Bộ Xây dựng, các Bộ ngành cùng các bên liên quan trong thị trường xây dựng như các cơ quan quản lý, các chủ đầu tư, các hội chuyên môn, các tổ chức tài chính, các tổ chức đánh giá chứng nhận công trình xanh – những chủ thể đã và đang nỗ lực phối hợp nhằm chuyển đổi thị trường xây dựng Việt Nam xanh hơn, tốt hơn, có trách nhiệm với môi trường và hệ sinh thái hơn. Đối thoại bao gồm chia sẻ các cơ hội, rào cản, và những định hướng chính sách cụ thể, hiệu quả nhằm tạo đà cho sự cất cánh của thị trường xây dựng xanh của Việt Nam.
Phiên toàn thể diễn ra chiều ngày 11/12/2020 sẽ tổng kết những kết quả đạt được trong các ngày diễn ra tuần lễ, từ đó đưa ra định hướng về chính sách và phát triển đô thị xanh, công trình xanh và công trình hiệu quả năng lượng. Bên cạnh đó, phiên toàn thể là nơi ghi nhận nỗ lực của các công trình đạt chứng nhận LOTUS, EDGE, chứng nhận sư tham gia các công trình trình diễn hiệu quả năng lượng của dự án EECB – Bộ Xây dựng và trao giải cho các sinh viên đạt giải thưởng “Kiến trúc Xanh sinh viên Việt Nam”.
Mộc Miên/BXD
bình luận