40 năm với sự nghiệp kiến trúc(12/12/2019)
Bốn mươi năm (1979 – 2019) Viện Kiến trúc Quốc gia hình thành và phát triển là dấu ấn, sự kiện không chỉ với Viện mà còn với cả ngành Xây dựng. Tuy nhiên, để nhận diện đầy đủ rất cần tiếp cận cả quá trình phát triển, dựng xây đất nước và nhất là trong thời đại Hồ Chí Minh để tự hào tiếp tục vững bước đi lên.
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước, công tác kiến thiết xây dựng đã được chú trọng. Tháng 1/1946 khi Chính phủ liên hiệp lâm thời được thành lập với cơ cấu gồm 14 Bộ, trong đó có Bộ Giao thông Công chính có nhiệm vụ, chức năng quản lý kiến trúc, xây dựng. Đồng thời Chính phủ đã ban hành sắc lệnh 78/SL thành lập Uỷ ban Nghiên cứu Kế hoạch Kiến thiết trực thuộc Chính phủ với 41 thành viên. Ngay trong phiên họp đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Dân chỉ biết rõ giá trị của độc lập, tự do, khi được ăn no, mặc đủ, có việc làm và có chỗ ở”. Lời dạy của Bác đã làm những người hành nghề xây dựng, kiến trúc tự hào và nhận rõ trách nhiệm của mình với đất nước.
Trong kháng chiến với muôn vàn khó khăn và bộn bề công việc, Đảng và Chính phủ vẫn luôn quan tâm đến việc tập hợp, phát huy vai trò của kiến trúc, xây dựng. Tháng 4/1948 thành lập Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam (nay là Hội Kiến trúc sư Việt Nam). Khi thành lập, Bác Hồ đã gửi thư chúc mừng và căn dặn “Kiến trúc là việc rất quan trọng”. Nhiều kiến trúc sư (KTS) tham gia kháng chiến đã được tạo điều kiện thuận lợi để hành nghề. Một số tác phẩm đến nay được xem như là di sản của kiến trúc truyền thống Việt Nam. Hơn thế nữa với tầm nhìn xa, Đảng và Nhà nước đã cử một số người sang học đại học và nghiên cứu kiến trúc ở các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô.
Kháng chiến thắng lợi, năm 1954 hoà bình lập lại, tháng 9/1955 tại phiên họp thứ 5 của Quốc hội khoá I đã quyết định tách Bộ Giao thông Công chính thành 2 Bộ là Bộ Thuỷ lợi – Kiến trúc và Bộ Giao thông – Bưu điện. Nhiều tỉnh đã thành lập Sở thuỷ lợi – Kiến trúc. Đến kỳ họp thứ 8 (tháng 4/1958) Quốc hội khoá I đã quyết định tách Bộ thuỷ lợi – Kiến Trúc thành hai bộ là Bộ Kiến trúc và Bộ thuỷ lợi. Trong Bộ Kiến trúc có Cục Đô thị và Nông thôn, các tỉnh cũng thành lập Sở Kiến trúc. Miền Bắc đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến tới sản xuất lớn, đẩy mạnh công nghiệp hoá. Sau giai đoạn 1954 – 1960 cải tạo, phục hồi kinh tế và bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960 – 1965) với yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá nâng cao chất lượng quản lý Xây dựng Kiến trúc. Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định 209/CP ngày 12/12/1962 thành lập Uỷ ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước trực thuộc Chính phủ. Trong Uỷ ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước có Vụ Quản lý thiết kế (sau đổi tên là Vụ Thiết kế Tiêu chuẩn), Vụ trưởng đầu tiên là KTS Nguyễn Văn Ninh (1908 – 1975) thế hệ KTS đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp khoá 2 trường Mỹ thuật Đông Dương. Từ 1972, vụ trưởng là KTS Trần Hữu Tiềm (1912 – 1984) tốt nghiệp KTS trường Mỹ thuật Đông Dương.
Vụ Thiết kế Tiêu chuẩn ra đời đã có nhiều đóng góp vào công tác xây dựng, quản lý Xây dựng – Kiến trúc nhất là về biên soạn các tiêu chuẩn và thiết kế điển hình. Vụ đã là nơi tập hợp được nhiều KTS trải qua kháng chiến hay đào tạo từ Liên Xô về nước và cả KTS tốt nghiệp xuất sắc từ lớp KTS khoá I, II,…
Nhiều hướng dẫn về xây dựng nhà ở, công trình dân dụng, nghiên cứu kiến trúc truyền thống được ban hành đã trở thành công cụ quản lý, định hướng phát triển được phát huy trong thực tiễn xây dựng.
Tháng 7/1973, Uỷ ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước sát nhập với Bộ Kiến trúc thành Bộ Xây dựng. Trong Bộ, ngoài các Vụ quản lý đã tăng cường lực lượng cho các Viện nghiên cứu chuyên ngành như: Viện Xây dựng Đô thị và Nông thôn (1974); Năm 1978 đổi tên là Viện Quy hoạch Xây dựng Đô thị và Nông thôn; Năm 1982 đổi tên là Viện Quy hoạch tổng hợp; Đến 1990 là Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn. Bộ đã hoàn thiện Viện Khoa học Kỹ thuật xây dựng, thành lập bổ sung Phòng Tiêu chuẩn Thiết kế điển hình có nhiệm vụ nghiên cứu về tiêu chuẩn, thiết kế điển hình và thiết kế thí điểm.
Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, cùng tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Để đáp ứng yêu cầu mới, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định 156/NĐ-CP ngày 18/4/1979 lập lại Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước trực thuộc Chính phủ, KTS Huỳnh Tấn Phát (1913 – 1989) là Phó thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập Uỷ ban Xây dựng cơ bản. Chủ nhiệm Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước đã có Quyết định số 59/UB-TCCB ngày 26/7/1979 thành lập Viện Tiêu chuẩn hoá – Thiết kế điển hình là cơ quan nghiên cứu, quản lý về tiêu chuẩn hoá và thiết kế điển hình.
Trong Viện có các phòng chuyên ngành như: phòng Tiêu chuẩn, phòng Thiết kế điển hình, xưởng thiết kế thực nghiệm, tổ (trực thuộc Viện, sau là phòng) nghiên cứu Lý luận Kiến trúc,… Từ 1979 là giai đoạn có nhiều đột phá hệ thống hoá tiêu chuẩn và về quản lý xây dựng, Viện đã chủ trì phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ, Nhà xuất bản Xây dựng lần đầu công bố tuyển tập Tiêu chuẩn Quy phạm Xây dựng với hơn 600 tiêu chuẩn. Đồng thời, Viện cũng là cơ quan đầu mối, phối hợp với nước ngoài và các đơn vị liên quan, các thành phố lớn có lịch sử phát triển, các tổ chức xã hội nghề nghiệp nghiên cứu lý luận về Kiến trúc và Kiến trúc truyền thống.
Những ngày đầu hoạt động, Viện đã chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, chăm lo đến đời sống cán bộ viên chức thông qua các hoạt động đoàn thể nhất là công đoàn cơ sở.
Quán triệt quan điểm “đổi mới” của Đảng, năm 1986 Chính phủ đã sáp nhập Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước với Bộ Xây dựng thành Bộ Xây dựng. Tháng 8/1988, Bộ trưởng đã có quyết định 893/BXD- QĐ đổi tên Viện là Viện Tiêu chuẩn hoá Xây dựng. Đến tháng 4/1996, Bộ Xây dựng đã hợp nhất Trung tâm nghiên cứu Kiến trúc với Viện Tiêu chuẩn hoá Xây dựng thành Viện Kiến trúc và Tiêu chuẩn hoá Xây dựng.
Sau 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Chính phủ thấy cần phải sắp xếp lại các cơ quan nghiên cứu triển khai khoa học và công nghệ (Quyết định số 782/QĐ-TTg ngày 24/10/1996). Thực hiện chủ trương này, Bộ Xây dựng đã có quyết định số 1057/BXD-TCLĐ ngày 11/12/1996 đổi tên Viện Kiến trúc – Tiêu chuẩn hoá Xây dựng thành Viện Nghiên cứu Kiến trúc. Viện trưởng giai đoạn 1996 – 2006 là GS.TS Nguyễn Việt Châu; phó Viện trưởng, Bí thư Đảng uỷ là PGS. Nguyễn Bá Đang. Bộ cũng đã xác định Viện có mục tiêu nghiên cứu về Kiến trúc – Quy hoạch và Tiêu chuẩn Đo lường Kiểm định xây dựng với cơ cấu có 11 phòng, ban.
Năm 1999, sau 20 năm hoạt động Viện Nghiên cứu Kiến trúc đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Đến tháng 5/2007 đổi tên là Viện Nghiên cứu Kiến trúc Quốc gia.
Sau Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001, Chính phủ đã có Nghị định số 36/2003/NĐ-CP ngày 4/4/2003 quy định lại chức năng nhiệm vụ Bộ Xây dựng. Để cải cách bộ máy quản lý, Bộ trưởng đã có Quyết định số 477/QĐ-BXD ngày 2/4/2008 hợp nhất Viện Nghiên cứu Kiến trúc quốc gia với Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn thành Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, Viện trưởng là TS.KTS Nguyễn Đình Toàn (từ tháng 4/2008 đến tháng 8/2009).
Đến năm 2013, Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn được phân thành hai Viện là: Viện Kiến trúc quốc gia và Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia.
Quá trình hoạt động từ 2007 đến nay đã có nhiều tổng kết, công bố.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cơ quan đơn vị có liên quan, 40 năm hoạt động của Viện là dấu ấn quan trọng đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành xây dựng, càng thấy tự hào hơn, nâng tầm vị thế của Viện và có thêm động lực để phát triển mạnh mẽ./.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm
bình luận