Tọa đàm: “Bảo tồn và khai thác bản sắc cảnh quan kiến trúc trong quy hoạch phát triển đô thị”(16/05/2019)

Ngày 15/5/2019, tại 389 Đội Cấn, Viện Kiến trúc Quốc gia đã tổ chức Tọa đàm “Bảo tồn và khai thác bản sắc cảnh quan kiến trúc trong quy hoạch phát triển đô thị”. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia chuyên ngành kiến trúc, quy hoạch, khảo cổ, các lãnh đạo và đông đảo cán bộ nhân viên Viện Kiến trúc Quốc gia.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Đỗ Thanh Tùng chia sẻ rằng Bảo tồn và khai thác bản sắc cảnh quan kiến trúc trong quy hoạch phát triển đô thị đang là vấn đề rất được quan tâm. Hiện nay, công tác bảo tồn các công trình có giá trị, quy hoạch không gian mang yếu tố bản sắc đang tồn tại khoảng trống rất lớn, chưa có hệ thống văn bản pháp lý điều chỉnh, đặt ra sự cần thiết phải có các giải pháp đổi mới và hoàn thiện đáp ứng các nhu cầu phát triển thực tiễn tại các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn có tốc độ phát triển nhanh như TPHCM, Hà Nội. Viện trưởng hi vọng buổi toạ đàm sẽ nhận được nhiều chia sẻ của các chuyên gia.

20190515_090703

Viện trưởng Đỗ Thanh Tùng

Đại diện cho Viện Kiến trúc Quốc gia, TS.KTS Nguyễn Tất Thắng đã có bài dẫn luận về Một số vấn đề về Bảo tồn và khai thác bản sắc cảnh quan kiến trúc hiện nay. TS đã đưa ra các ví dụ thu hút nhiều sự quan tâm gần đất như quy hoạch Đà Lạt, TPHCM… Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều mâu thuẫn, thách thức giữa phát triển và bảo tồn, không chỉ xảy ra ở đô thị, mà còn ở nông thôn, khắp vùng miền ở Việt Nam.

TS KTS Nguyễn Tất Thắng

TS KTS Nguyễn Tất Thắng

Buổi toạ đàm tiếp tục với bài tham luận của TS.KTS Khuất Tân Hưng (Đại học kiến trúc Hà Nội) về  “Bảo tồn và tái thiết không gian công cộng và công trình kiến trúc có giá trị trong đô thị” với những phân tích cụ thể qua công trình kiến trúc Nhà thờ chính tòa Bùi Chu và không gian đô thị tại khu trung tâm Hòa Bình, Đà Lạt. Từ đó, KTS mong rằng, đây sẽ là những gợi mở trong cách ứng xử mang tính kế thừa và tiếp nối đối với các trung tâm lịch sử của đô thị, gắn với các giá trị bản sắc về phát triển bền vững, hạn chế các đứt gãy trong đô thị.

20190515_092114

TS.KTS. Khuất Tân Hưng

Với bài tham luận “Vấn đề di sản mới trong tính liên tục đô thị”, TS.KTS. Trần Minh Tùng (Đại học Xây dựng Hà Nội) cho biết, không gian tự nhiên mà Việt Nam hiện nay sở hữu một lượng rất lớn những giá trị di sản. Đó là kết quả của quá trình chuyển hóa, tiếp nối theo dòng chảy lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm qua. Trong số này có rất nhiều công trình tuy mới được xây dựng nhưng rất có giá trị với đô thị và cộng đồng. Tham luận đã đưa ra khái niệm “di sản mới”. trong đó các công trình loại này là một thành tố di sản kiến trúc đô thị, cần được xem xét và nhấn mạnh với cách ứng xử tôn trọng bài bản ngay từ công tác quy hoạch đô thị đến thực thi quản lý đô thị, hạn chế sự đứt gãy trong lịch sử phát triển đô thị. Cần bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách hài hòa, hợp lý và đảm bảo tính liên tục của phát triển đô thị.

Buổi thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, KTS.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản cần quan tâm tới 2 vấn đề quan trọng đó là (1) Vấn đề chủ sở hữu tài sản của di sản (quyền tài sản) là ý kiến của KTS Trần Huy Ánh. Vấn đề kinh tế di sản nói riêng, tài chính đô thị nói chung. Cho dù các chuyên gia có phân tích sâu sắc mấy về giá trị lịch sử/nghệ thuật của di sản thì cũng không mấy tác dụng khi người chủ sở hữu của tài sản có giá trị được coi là di sản không đồng thuận với những ý kiến của chuyên gia. (2)Vấn đề kinh tế di sản nói riêng, tài chính đô thị nói chung: đó là các chuyên gia cần lượng hóa giá trị tài sản bằng đại lượng cụ thể để so sánh những lợi ích có được hay những tổn thất để chọn ra giải pháp tối ưu trong lựa chọn bảo tồn hay phá hủy. Đặc biệt đối với cảnh quan kiến trúc trong quy hoạch phát triển đô thị thì phạm vi không gian lớn hơn, bao gồm nhiều sở hữu hơn thì giải pháp bảo tồn hay phá hủy sẽ cần xem xét đến những chủ sở hữu khác nhau sẽ nhận được lợi ích (hoặc bị thiệt hại) khác nhau. Những phương án chủ quan chỉ quan tâm tới một bên nào đó ,mà tạo ra những xung đột lợi ích của các bên khác… không lượng hóa giá trị kinh tế – tài chính cụ thể thì các phương án đó sẽ thất bại – Thực tế đã chứng minh và xã hội sẽ lãng phí thời gian/tiền bạc vào những đề xuất đó.

TS.KTS Trương Văn Quảng cho rằng có rất nhiều tư tưởng khác nhau về di sản kiến trúc đô thị nhưng có chung cách thức nhận diện hệ giá trị. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế khuyến cáo rằng cách lựa chọn, bảo tồn phải phụ thuộc vào văn hoá ứng xử của từng dân tộc từng quốc gia. Những yếu tố giúp chúng ta nhận thức, bảo vệ hay đưa ra quan điểm phát triển đô thị, bất kể quá trình phát triển đô thị diễn ra như thế nào, mô hình ra sao, thứ nhất là ý thức – hệ thống chính trị, thể chế – cơ cấu quốc gia, tiếp theo là nền kinh tế và nhận thức cộng đồng đối với tiềm năng di sản đó. TS chia sẻ rằng trong quá trình chuyển tiếp liên tục cấu trúc không gian đô thị, chúng ta nên giữ lại những nét đặc trưng của nó.

Theo TS.KTS Lê Thị Bích Thuận, Viện Kiến trúc Quốc gia phải là người tiên phong trong việc bảo tồn các di sản cảnh quan kiến trúc, định hướng được dư luận. Hiện nay, việc bảo vệ di sản đều là tự phát. Trong quá trình đó đều chỉ là tiếng nói của các KTS có tâm huyết, tuy nhiên lại không thể làm việc được với chính quyền, chủ đầu tư. KTS kiến nghị trong quá trình lập quy hoạch cần phải có hạng mục đánh giá các công trình di sản về kiến trúc, không gian; phải có sự kết nối giữa chính quyền với người dân, với các nhà chuyên môn để có tiếng nói chung trong công tác bảo tồn di sản. Luật Di sản văn hoá mới chỉ đang đề cập đến đối tượng rất hẹp. Luật cần phải tạo ra hành lang pháp lý để những người hành nghề kiến trúc có thể áp dụng và có cách nhìn đúng đắn.

KTS Phạm Thị Nhâm chia sẻ rằng khi nhận diện bản sắc cảnh quan kiến trúc, chúng ta không thể nhìn nhận cảnh quan kiến trúc trong nội một công trình mà phải nhìn nhận rộng hơn trong một khu vực, vùng lãnh thổ, trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Ngoài ra, KTS còn đề cập đến những bất cập trong công tác quy hoạch khi chạm đến vấn đề bảo tồn trong phát triển đô thị. HIện nay đang thiếu rất nhiều công cụ, phương pháp bảo tồn di sản trong quy hoạch, giải quyết sự xung đột giữa bảo tồn và phát triển

TS khảo cổ học Nguyễn Hồng Kiên cho rằng cần thiết phải phổ biến khái niệm Di sản mới. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm tới chủ thể của di tích. TS cũng cho biết rằng thay vì sử dụng cụm từ “khai thác văn hoá”, nên chăng dùng cụm “phát huy giá trị di tích”. Và TS cảm thấy ngành khảo cổ không thể đơn độc bảo vệ di sản mà rất cần sự giúp đỡ, lên tiếng của các chuyên gia về kiến trúc, quy hoạch.

Theo TS.KTS Nguyễn Trí Thành, di sản của Việt Nam có sự độc đáo, riêng biệt so với thế giới. KTS có góp ý đối với bài tham luận của TS.KTS. Trần Minh Tùng, cụm “phát triển liên tục” cần phải được thay bằng “phát triển kết nối”, do phát triển liên tục là phát triển luôn luôn phải có sự thay đổi, nặng về câu chuyện kinh tế, hiệu quả đầu từ, còn phát triển kết nối là sự phát triển từ từ, có sự dẫn dắt. Di sản có 3 mức độ: Giá trị di sản, đối tượng chứa giá trị đó và bối cảnh. Điều này đã được thế giới công nhận từ rất lâu. Việt Nam đang xây dựng một xã hội pháp quyền, nên chúng ta rất coi trọng, đề cao tính pháp lý, nhưng lại đang coi nhẹ những yếu tố khác, chúng ta cần phải nhận thức lại vị trí của di sản trong xã hội.

Ths. KTS Nguyễn Bảo Lâm cho rằng môi trường mà chúng ta vận hành để bảo vệ di sản liên tục thay đổi, từ chính trị, thể chế cho tới xã hội, từ đó nhấn mạnh vai trò quản lý của nhà nước, dẫn dắt của tổ chức xã hội nghề nghiệp, định hướng của truyền thông cũng như ý thức của cộng đồng.

Ths.KTS Hồ Chí Quang cho biết trong Luật Quy hoạch sắp được thông qua có một thuật ngữ mới xuất hiện lần đầu tiên là quản lý công trình kiến trúc có giá trị. Đồng thời KTS góp ý cần có bộ quy tắc ứng xử để trùng tu, cải tạo, bên cạnh đó xây dựng một cơ sở dữ liệu nhằm quản lý tốt hơn các công trình có giá trị đặc biệt.

Kết luận toạ đàm, Viện trưởng Đỗ Thanh Tùng cảm ơn các đóng góp, quan điểm của các đại biểu; đồng thời Viện trưởng cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến để tham mưu với Bộ Xây dựng, từ đó góp phần hoàn thiện chính sách về lĩnh vực kiến trúc, nhằm bảo tồn và khai thác bản sắc kiến trúc cảnh quan trong quy hoạch phát triển đô thị.

Một số hình ảnh tại buổi toạ đàm

20190515_104118

20190515_113924

20190515_114402

PV

bình luận